Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

BỬU ĐÌNH, NHÀ TIỂU THUYẾT NAM BỘ

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhận xét về văn chương của Bửu Đình như sau: “Văn chương của Bửu Đình thật trong sáng và xúc động không ngờ; phải xúc động và hay như thế nào thì nhà xuất bản Nam Cường (Sài Gòn) mới tái bản vào năm 1953.
Nhà văn Bửu Đình

Nhân đề tựa cho tập thơ Vĩ Dạ hợp tập của Tuy Lý Vương Miên Trinh, thám hoa Nguyễn Đức Đạt có đề cập đến ý niệm văn chương thượng thừa: là thứ văn chương dẫu buộc thêm chì cũng không chìm, dẫu bị chôn vùi dưới đáy rương mấy trăm năm người ta cũng đào lên để đọc. Văn chương của Bửu Đình có thể gọi là “văn chương thượng thừa” theo Thám hoa Nguyễn Đức Đạt” (23; tr.7).

Văn chương Bửu Đình là như vậy. Nhưng cho đến nay chúng ta biết chẳng bao nhiêu. Nhất là về tiểu thuyết của ông, chúng ta còn hiểu quá mờ nhạt. Trước tinh đó chúng tôi bắt tay vào việc nghiên cứu Bửu Đình.

Cho đến nay việc nghiên cứu Bửu Đình gần như chưa có gì. Gần như các nhà nghiên cứu đã viết về ông còn quá ít. Sau chúng ta xin điểm qua một số.

Trước hết là bài nghiên của ông Nguyễn Văn Y đăng trong tiểu thuyết Mảnh trăng thu, NXB Tổng hợp Tiền Giang, năm 1988. Trong bài Lời giới thiệu ông Nguyễn Văn Y đã nói tương đối đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông. Đúng như  lời ông khẳng định: “Trên nửa thế kỷ qua, kể từ khi Bửu Đình mất, cuộc đời và sự nghiệp của ông chưa được giới nghiên cứu văn học tìm hiểu cặn kẽ để dành cho ông một vị trí xứng đáng trong lịch sử  văn học nước nhà thời cận đại, mặc dù tên ông đã được ghi vào Từ điển văn học. Đã có hàng chục bài viết về Bửu Đình, nhưng thật tình mà nói, tất cả đều rất sơ lược, thiếu sót và hầu như phần đông chỉ nhắc đi nhắc lại những điều đã được nói đến nhiều lần với một ít sai lầm đáng kể.

Để phần nào giúp cho bạn đọc hiểu qua nhà văn Bửu Đình trước khi lần dở Mảnh trăng thuchúng tôi xin trình bày vắn tắt những nét chính yếu về cuộc đời và tác phẩm của ông, dựa vào các tài liệu tương đối chính xác mà chúng tôi đã mất nhiều năm mới sưu tầm được” (16; tr.5,6)

Tiếp theo là bài Bửu Đình, từ “tổ ấm quý tộc” đến trường học cách mạng của Hoài Anh trong sách Chân dung văn học, NXB Hội Nhà văn, năm 2001. Ở bài viết này, Hoài Anh đã nghiên cứu Bửu Đình theo tư cách là một tác giả. Theo ông, “Đời Bửu Đình là cuộc đời đấu tranh của một chiến sĩ cách mạng, ông không coi việc viết tiểu thuyết như một hoạt động dấn thân, mà chỉ viết trong khi “tạm nghỉ bước tung hoành” nơi nhà tù” (1; tr.202)

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có bài viết đăng trên báo Văn nghệ (số 34 ngày 21.8.2004) dưới nhan đề Bửu Đình, nhà văn thời khai sáng của văn học quốc ngữ Huế. Ở bài viết này, tác giả xây theo kiểu chân dung văn học. Theo ông, chân dung của Bửu Đình vào mấy điểm chính sau đây: “Dõi theo cuộc đời bi tráng của Bửu Đình, chúng ta có thể kết luận mấy điều như sau:

1. Bửu Đình được xem là đứa con nghịch tử của dòng dõi các vua Nguyễn. Ông bẩm sinh vốn thuộc dòng dõi chính thống so với đế hệ thi của vua Minh Mạng xếp đặt truyền ngôi. Điều oái ăm là Bửu Đình đã tìm mọi cách xoá bỏ “số phận Hoàng thân” của mình, đến mức coi mình như kẻ thù của chính mình. Đó là tâm trạng của một người chán ghét cung đình trong thời kỳ các vua Nguyễn dần dần trở thành tay sai mạt hạng của thực dân Pháp, và mục tiêu trước mắt của ông là lật đổ chế độ quân chủ nhà Nguyễn. Ông buộc lấy họ mẹ, để rồi biến mất trong bão biển. Cuối cùng cái tên Bửu Đình vẫn được ông sử dụng như một dấu “hồng tuyết trảo” (dấu chân hồng đi trên tuyết) của kẻ sĩ xưa. Cuộc đời cho ta thấy có hai Bửu Đình trong một số phận: một Bửu Đình hoàng thân đã chết và một Bửu Đình nhà văn sống mãi muôn đời.

2. Cuộc chiến đấu của Bửu Đình phù hợp với mục tiêu lịch sử của giai đoạn đương thời. Chúng ta biết rằng Bửu Đình trở thành tù nhân bởi Nguyễn Phước Tộc vào năm 1927, đúng vào giai đoạn mà nhân dân Việt Nam tiến lên trong cuộc đời vận động thành lập Đảng. Cuộc chiến đấu của Bửu Đình là không cân sức trong cuộc đối đầu chống lại vua Nguyễn răm rắp tuân theo thực dân Pháp ném đá dấu tay. Ông đã huy động vào cuộc chiến đấu của ông hai thứ vũ khí thông dụng của cách mạng đương thời: nghề làm báo và hoạt động diễn thuyết. Ngược lại triều đình Nguyễn và thực dân Pháp đã bắt ông tù đày hết Lao Bảo đến Côn Đảo, trước khi biến mất trên mặt biển. Bửu Đình quả là con người tâm huyết, đứng bên cạnh nhân dân đến chết mới thôi, nêu gương cho hậu thế như một chiến sĩ bất khuất.

3. Các tác phẩm văn học của ông như Cậu Tám Lọ, Giọt lệ tri âm (thơ) và nhất là Mảnh trăng thu đều được viết trong lao tù, và được công bố trên đất liền, thông qua những con tàu vượt biển.

Văn chương của Bửu Đình thật trong sáng và xúc động không ngờ; phải xúc động và hay như thế nào thì Nhà xuất bản Nam Cường (Sài Gòn) mới tái bản vào năm 1953” (23,tr. 7).

Ngoài ra, còn nhiều bài khác nữa. Nhưng cách đánh giá cũng tương tự như các bài đã đề cập.

***

Bản chất của tiểu thuyết Bửu Đình vẫn là tính thế sự, vẫn là tiểu thuyết thế sự xoay xung quanh số phận đời tư của những con người trong cuộc đời thường chứ không phải là tiểu thuyết trinh thám. Đi sâu và hẹp hơn nữa, có thể định tính tiểu thuyết Bửu Đình là tiểu thuyết tình cảm. Tình yêu nam nữ là chủ đề chính bao trùm lên toàn bộ sáng tác của nhà văn này và cũng là cốt truyện của tác phẩm. Mảnh trăng thu được xây dựng dựa trên câu chuyện về mối tình của đôi trai tài gái sắc Minh Đường - Kiều Tiên. Thuộc thể loại tiểu thuyết tình cảm, tác phẩm của Bửu Đình được tạo nên trên chủ đề tình yêu nam nữ. Chủ đề này bao bọc và quán xuyến toàn bộ tác phẩm của ông, trở thành cốt truyện chính. Tình yêu và hạnh phúc lứa đôi chạy dọc tác phẩm của Bửu Đình như một sợi chỉ đỏ, mang những sắc thái, cung bậc đủ đầy và riêng biệt của nó.

Trước hết, có thể thấy tình yêu nam nữ trong tác phẩm của Bửu Đình chưa thoát khỏi những lễ nghi, đạo lý thời phong kiến. Nhân vật nam và nhân vật nữ trong ngòi bút của Bửu Đình khi đến với tình yêu vẫn đi theo những lề lối xưa, những lễ giáo xưa đã ngấm trong họ, mặc dù, những nhân vật này luôn là những người trí thức mới theo Tây học. Tình yêu nam nữ được dung hoà, bình ổn và luôn ở thế cân bằng trong vòng lễ giáo phong kiến truyền thống. Không chỉ dừng ở đó, tư tưởng lễ giáo phong kiến in đậm lên nhân vật và vẽ cả con đường số phận của họ. Kiều Tiên vì lời ước hẹn của gia đình với một người con trai khác mà đành đoạn tuyệt với Minh Đường để giữ trọn vẹn chũ hiếu và lời ước hẹn xưa. Như vậy, tiểu thuyết của Bửu Đình đã đi lùi một bước so với Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách trong quan niệm về tình yêu nam nữ. Mặc dù trong tác phẩm của Bửu Đình có tình yêu tự do nhưng tình yêu ấy sẵn sàng và dễ dàng quy thuận theo những lễ giáo phong kiến ngự trị suốt hàng ngàn năm trong tư tưởng con người. Trong Mảnh trăng thu và Cậu Tám Lọ có loé lên tình yêu của Kiều Nga đối với Thành Trai. Nhưng ở đây, tình yêu không có ý nghĩa kháng cự lễ giáo phong kiến mà chỉ dừng lại ở tình yêu loạn luân của hai người có cùng dòng máu. Điểm dừng thứ hai của mối tình này là tình yêu đơn phương, chỉ sinh ra và trú ngụ trong trái tim người con gái mà thôi. Và điểm dừng thứ ba là ở chỗ, chính tình huống truyện đã cởi bỏ tất cả tính chất loạn luân của mối tình ấy vì thực ra, Kiều Nga là cô gái mang thân phận bị đánh tráo và cô không phải là em gái của Thành Trai.

Điểm nổi bật trong việc xây dựng tình yêu nam nữ của ngòi bút Bửu Đình là nhà văn đã đi sâu vào khám phá những chiều kích tâm lý phức tạp của nhân vật. Màu sắc tình yêu trong tác phẩm của Bửu Đình hiện lên với toàn bộ nét hồn nhiên và tính cách bản thể của nó. Trong những trang văn của ông, ta bắt gặp nét bút thật trữ tình, sâu lắng khi vẽ bức tranh tâm trạng của nỗi tương tư, bức tranh của niềm nhung nhớ và cả của sự ghen tuông rất thường tình của tình yêu.

Ngòi bút Bửu Đình đã sử dụng nhiều phương thức nghệ thuật để khắc hoạ bức tranh tâm lý nhân vật. Có khi, nhà văn miêu tả tâm trạng nhân vật qua hình dáng bên ngoài, từ dáng vẻ gương mặt, hình vóc mà gợi nên đường nét của tâm trạng. Cũng có khi tâm trạng nhân vật được thể hiện qua những cuộc đối thoại của các nhân vật. Sự thay đổi điểm nhìn trần thuật tạo ra trong tác phẩm một không khí sinh động, linh hoạt, ngôn ngữ phong phú, giọng văn uyển chuyển và đồng thời, bức tranh tâm lý được khắc hoạ dưới nhiều góc độ, bằng nhiều màu sắc khác nhau.

Màu sắc trinh thám trong tiểu thuyết Bửu Đình in đậm ở tình huống truyện còn ở tình tiết truyện thì màu sắc này không rõ nét như các tác phẩm trinh thám. Bao giờ Bửu Đình cũng xây dựng tác phẩm dựa trên tình huống có tính vụ án. Một vụ giết người, một vụ mất cắp…, tình huống truyện này thành cái khung bọc quanh tác phẩm và toàn bộ cốt truyện được triển khai theo tình huống ấy để hướng đến mục đích cuối cùng là “phá án”. Thế nhưng, so với những tác phẩm trinh thám khác thì tính trinh thám của Bửu Đình chỉ dừng lại ở mức độ khởi đầu. Tình tiết của tiểu thuyết Bửu Đình không đạt đến độ chín muồi của nghệ thuật tiểu thuyết trinh thám. Đa phần các tình tiết không mang tính suy luận điều tra dựa trên chứng cứ mà tình tiết truyện được triển khai dựa trên sự ngẫu nhiên tình cờ. Ngẫu nhiên mà người đi điều tra gặp được nhân chứng, ngẫu nhiên mà người lần theo dấu vết bắt gặp chứng cớ hay phát hiện ra sự thật… Đến ngay cả nhân vật thám tử cũng mang tính chất “nghiệp dư”. Các nhân vật của Bửu Đình không phải là những thám tử chuyên nghiệp mà họ là những người có mối quan hệ khắng khít với những người có liên can đến vụ án. Những cuộc gặp gỡ tình cờ thúc đẩy cốt truyện phát triển, để lộ dần những yếu tố bí ẩn phơi ra ánh sáng của sự thật.

Thế nhưng, vì là tiểu thuyết ra đời trong những buổi đầu, những sáng tác của Bửu Đình có những giá trị riêng trong sự đóng góp về mặt nội dung và nghệ thuật của thể loại tiểu thuyết để tạo ra sự ra đời của tiểu thuyết và cũng để thúc đẩy tiểu thuyết phát triển. Ở thời điểm ấy, tạo ra một tình huống tiểu thuyết hấp dẫn, đầy sức lôi cuốn với nhiều tình tiết éo le, uẩn khúc và viết theo lối viết trinh thám như Bửu Đình quả là một bước đột phá lớn. Chính vì vậy mà theo ý kiến đánh giá của độc giả, trong khi Truyện Kiều  đứng thứ 1 thì  Mảnh trăng thu đứng thứ 6. với giọng văn chân chất, gần gũi, ngôn ngữ giản dị, gần với ngôn ngữ của ngưới bình dân, lối dẫn dắt chuyện linh hoạt và nghệ thuật phân tích tâm lý tinh tế, Bửu Đình đã thực sự cuốn hút được người đọc vào những trang viết của ông, nhất là vào thời điểm những quyển tiểu thuyết đầu tiên mới ra đời.

Tính chất trinh thám còn được thể hiện ở nghệ thuật miêu tả sự xuất hiện của nhân vật. Bửu Đình cho nhân vật xuất hiện một lần. Sau đó, ở những lần xuất hiện tiếp sau, nhà văn luôn tạo một nét sắc thái bí ẩn với hành tung bí mật rồi sau đó mới để lộ danh tánh của nhân vật. Việc miêu tả sự tái xuất hiện của nhân vật như thế tạo nên tính chất bí ẩn và gợi nên trong người đọc sự tò mò thích thú, cảm giác phiêu lưu mạo hiểm, sự hồi hộp chờ đợi. Kiều Tiên xuất hiện trong vai một người đàn bà bí mật: “Trong lúc tắt đèn, nghe sau lưng có tiếng hỏi rất dịu dàng, chàng giựt mình xây lưng lại ngó thì thấy có một người đàn bà trùm khăn đen, mặc áo quần đen vịn tay lên lưng ghế sau, dòm vào trong lô. Người đàn bà ấy thấy Thành Trai thì ra dáng e lệ, không hỏi nữa, lật đật lui ra như hỏi lầm ai” (tr. 28,Mảnh trăng thu). Khi tạo dựng tình huống cuộc gặp gỡ ngoạn mục giữa Thành Trai và Minh Đường với các tình tiết gay cấn, hồi hộp như tình tiết Minh Đường bắn thủng lốp xe của Thành Trai giữa đường và cuộc đột nhập của Thành Trai vào phòng trọ của Minh Đường vào giữa đêm khuya khiến Minh Đường đâm Thành Trai bị thương, Bửu Đình đã khiến cho Thành Trai trở thành một nhân vật “mai danh ẩn tích”, hiện ra trong cái vẻ bí hiểm, tạo không khí mang đậm chất trinh thám. Lối xây dựng sự tái xuất hiện của nhân vật như thế có nét giống với việc miêu tả sự xuất hiện của nhân vật trong Tam quốc chí diễn nghĩa hay như trong các tiểu thuyết cổ điển chương hồi khác của văn học Trung Quốc.

Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của Bửu Đình cũng là một sự phát hiện mới trong việc miêu tả thời gian trong văn học. Nếu như ở Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách không xây dựng dòng thời gian một chiều mà đã có dòng thời gian hai chiều, dòng thời gian hồi tưởng của tâm tưởng thì Mảnh trăng thu cũng thế. Bửu Đình không để cho thời gian chảy theo một hướng từ hiện tại đến tương lai mà bẻ vòng thời gian, đi từ hiện tại đến quá khứ rồi quay trở về hiện tại để thúc đẩy dòng cốt truyện phát triển. Không xây dựng thời gian hồi tưởng như Tố Tâm, Mảnh trăng thu đưa thời gian quá khứ vào lời kể của nhân vật trong nhật ký. Do đó, trong Mảnh trăng thu không có sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, không có độ dừng của dòng hồi tưởng để quay trở về hiện tại như Tố Tâm mà tác giả cắt lớp tác phẩm của mình, để quá khứ chảy hết dòng chảy cho trọn vẹn rồi mới đưa tác phẩm quay trở về hiện tại. Yếu tố thời gian nghệ thuật đa chiều này vừa tạo ra cho tác phẩm chất bí ẩn, huyền ảo, kì bí của tiểu thuyết trinh thám, vừa tạo nên sự chuyển dời điểm nhìn trần thuật từ ngôi thứ ba sang ngôi thứ nhất.

Tóm lại, nhìn từ phương diện thể loại, tiểu thuyết của Bửu Đình là tiểu thuyết tình cảm mang màu sắc trinh thám. Đó là màu sắc riêng của Bửu Đình khi đặt bên cạnh tiểu thuyết tâm lý của Hoàng Ngọc Phách hay tiểu thuyết thế sự của Hồ Biểu Chánh. Mặc dù còn có nhiều hạn chế về mặt nội dung và nghệ thuật, nhưng đặt trong cái nhìn mang tính chất lịch sử, ngòi bút tiểu thuyết của Bửu Đình đã có những đóng góp vô cùng quan trọng đối với sự ra đời của tiểu thuyết, góp phần hoàn chỉnh diện mạo và sắc màu bức tranh tiểu thuyết Việt Nam trong buổi đầu. Đồng thời, viêc tìm về nghiên cứu những tác phẩm văn xuôi Nam Bộ thời kỳ đầu đã tạo ra sự thẩm định và khôi phục lại những giá trị văn học bị lãng quên.

 LÊ TIẾN DŨNG - HỒ KHÁNH VÂN
Khoa VH&NN- ĐHKHXH&NV TPHCM

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. HOÀI ANH- Bửu Đình, in trong sách Chân dung văn học, NXB Hội Nhà Văn, 2001.
2. NGUYỄN KIM ANH- (Chủ biên) Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, NXB ĐHQG TP. HCM, năm 2004.
3. BỬU ĐÌNH- Bạn hiền khó kiếm, truyện vừa, Đông Pháp thời báo, từ số 12 (4/6/1923) – 21 (27/6/1923).
4. BỬU ĐÌNH- Gái đâu có gái lạ lùng, tiểu thuyết, Nam Kỳ kinh tế báo, từ số 15/1 (15/11/1923) – 15/3 (29/11/1923).
5. BỬU ĐÌNH- Cười ra nước mắt, tiểu thuyết, Nam Kỳ kinh tế báo, từ số 15/6 (20/12/1923) – 15/14 (21/2/1924).
6. BỬU ĐÌNH- Nghĩa tình khẳng khái, Nam Kỳ kinh tế báo, từ số 15/1 (15/11/1923) – 15/14 (21/2/1924), chưa hết.
7. BỬU ĐÌNH- Nỗi mẹ tình con, tiểu thuyết, nhà in J. Nguyễn Văn Viết, Sài Gòn, 1924.
8. BỬU ĐÌNH- Vay trả lẽ trời, đoản thiên tiểu thuyết, Tân thế kỷ số 8 (12/12/1926).
9. BỬU ĐÌNH- Giọt lệ tri âm, trường ca, Tân thế kỷ, từ số 10 (16/11/1926) – 41 (22/12/1926).
10. BỬU ĐÌNH- Giọt nước chung, đoản thiên tiểu thuyết, Tân thế kỷ số 45 (28/12/1926).
11. BỬU ĐÌNH- Tấm lòng vàng đá, Tân thế kỷ, từ số 6(10/11/1926) – 49 (3/1/1927).
12. BỬU ĐÌNH- Mài một lưỡi gươm, tiểu thuyết, Tân thế kỷ từ số 24 (2/12/1926) – 56 (10/1/1927), chưa hết.
13. BỬU ĐÌNH- Trần Kim Quyên hay Tình là dây oan, tiểu thuyết, Tân thế kỷ từ số 50 (4/1/1927) – 60 (14/1/1927), chưa hết.
14. BỬU ĐÌNH- Trọng nghĩa thù thâm, tiểu thuyết, báo Kỳ lân từ số 31 (27/10/1928) – 63 (5/3/1929), chưa hết.
15. BỬU ĐÌNH- Một thiên tuyệt bút trường hận, Công luận báo số ra ngày 17/8/1931 đến ngày 12/9/1931.
16. BỬU ĐÌNH- Mảnh trăng thu, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1988.
17. BỬU ĐÌNH- Cậu Tám Lọ, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1988.
18. NHIỀU TÁC GIẢ- Mục từ Bửu Đình trong sách Từ điển văn học, tập 2, do Huỳnh Lý viết, NXB Khoa học xã hội, 1984.
19. NHIỀU TÁC GIẢ- Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, tập II, NXB TP.Hồ Chí Minh.
20. NHIỀU TÁC GIẢ- Tổng hợp văn học VN, tập 26, NXB KHXH, 1990.
21. BÙI ĐỨC TỊNH- Bước đầu tìm hiểu báo chí quốc ngữ và tiểu thuyết Nam Bộ, NXB TP.Hồ Chí Minh.
22. NGUYỄN Q. THẮNG- Tiến trình văn nghệ miền Nam, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh.
23. HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG- Bửu Đình, nhà văn thời khai sáng của văn học quốc ngữ Huế, Báo Văn Nghệ số 34 ngày 21.8.2004.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều