Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

ĂN CƯỚP TƯƠNG LAI

Hầu như năm nào tôi cũng tham gia hội đồng chấm thi. Với những cuộc tỷ thí quan trọng như thi vào trung học phổ thông, vào trường chuyên lớp chọn, hay đại học, chúng tôi luôn phải cân nhắc cẩn trọng đến từng 0,05 điểm, bởi con số nhỏ nhoi đó có thể bẻ lái số phận một con người.

Nhiều năm dạy luyện thi, tôi thấu hiểu rằng với học sinh, để thêm được 0,05 hay 0,25 điểm là cả quá trình khổ luyện. Chỉ sơ sẩy chút xíu thôi, từng chút điểm trong thang điểm 10 sẽ mất dần, cơ hội đỗ cũng trôi xa. Cũng vì 0,05 hoặc 0,25 điểm đó mà giữa những người chấm chúng tôi không ít lần tranh cãi: trừ hay không trừ. Và chính tôi, nhiều khi vì lẽ công bằng cũng đành xuống tay trừ điểm.

Mất đi cơ hội của người này có nghĩa là dành cơ hội cho người khác xứng đáng hơn. Cũng một kỳ thi vào đại học mấy năm trước, một học trò mà tôi tin tưởng đã trượt đại học chỉ vì thiếu chưa đầy một điểm. "Con xin lỗi cô, con đã làm cô thất vọng", em nói với tôi hôm biết điểm thi. Những ngày sau đó, em ngượng ngùng, xấu hổ với cô và bạn, tôi đã rất buồn, thương và tiếc cho em. Nhưng thi cử là vậy, cần công bằng.

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 được ví là cơn đại địa chấn chưa từng có trong lịch sử ngành giáo dục bởi nghi án gian lận điểm thi với quy mô liên tỉnh phủ khắp Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn... Bên cạnh một vài sai phạm đã bị vạch trần tại Hà Giang như 330 bài thi được chỉnh sửa; 114 thí sinh được điều chỉnh điểm, vẫn còn rất nhiều nghi vấn về sự đột biến và bất thường của kết quả thi tại Hòa Bình, Sơn La, đặc biệt là trường hợp 35 thí sinh tự do thuộc lực lượng vũ trang tại Lạng Sơn.

Nhưng vào thời điểm đó, những câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng như "100% bài chấm thẩm định giống như kết quả ban đầu" hay "chưa phát hiện dấu hiệu sai phạm trong công tác tổ chức thi" khiến nhiều nghi vấn vẫn chưa thể lộ sáng. Sự việc tưởng chừng lắng xuống, dư luận sau một thời gian uất ức cũng đành lòng chấp nhận vì người dân chỉ còn cách trông chờ thông tin chính thống từ các cơ quan có trách nhiệm. Niềm tin vốn chẳng có bao nhiêu nay gần như mất hẳn, nỗi thất vọng và bất an dâng cao, đó là những gì còn lại trong tâm tư của hàng triệu học sinh sau mùa thi đại học năm ngoái.

Gần một năm đã trôi qua, và kỳ thi Trung học phổ thông 2019 sắp bắt đầu, các mánh khóe gian lận với những con số cụ thể của mùa thi trước lần đầu tiên được công khai. Ba trường khối công an cùng nhiều trường đại học lớn xóa tên 60 sinh viên từ Hòa Bình, Sơn La do được nâng điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018. Tuy nhiên, tôi e rằng đây vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng. Câu hỏi đang đặt ra: 2018 liệu có phải là năm đầu tiên và duy nhất có những gian lận thi cử kiểu này?

Tôi nhớ lại những mùa thi đai học gần đây, đặc biệt là mùa thi năm 2017, người dân từng xôn xao khi điểm chuẩn vào đại học Y và các trường thuộc khối công an, quân đội cao đến mức không tưởng. Có em đạt 29,15 điểm vẫn trượt ngành y; 30 điểm không đỗ Học viện Công an Nhân dân (ngành Ngôn ngữ Anh). Lý giải cho hiện tượng kỳ quái đó, có người trầm trồ tự hào rằng học sinh Việt Nam bây giờ giỏi quá. Thời điểm đó, chưa ai hình dung nổi, những gian lận trắng trợn và tày đình có thể xảy ra ngay trong một kỳ thi được đánh giá là nghiêm minh nhất, sống còn nhất với vận mệnh quốc gia.

Lại chuẩn bị một mùa thi, tôi đang nghĩ đến câu hỏi đau xót hơn: Có bao nhiêu thí sinh nhà nghèo học giỏi đã và đang hy vọng tìm kiếm tương lai bằng con đường khoa cử? Và có bao nhiêu em đã trượt đại học một cách tức tưởi khi chỉ thiếu 0,05 điểm? Các em đâu ngờ rằng ngay ngưỡng cửa vào đời đã bị kẻ khác chen ngang và cướp mất tương lai. Pháp luật có trách nhiệm xử lý những đối tượng vi phạm, nhưng chưa có pháp luật nào bảo vệ và trả lại cơ hội cho các em.

Nhà chức trách vẫn đang lo giải quyết hậu quả và xử lý sai phạm, vẫn suy nghĩ có nên thẳng tay buộc thôi học đối với cả những đối tượng "sau khi chấm thẩm định vẫn đủ điểm trúng tuyển" hay không. Đến tận giờ phút này, cán bộ phòng, sở giáo dục và quan chức địa phương cùng các bậc phụ huynh, vẫn chưa một ai bị đưa ra xử lý, mặc dù Bộ Giáo dục tuyên bố "kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm".

Cho dù ai "gian lận" sẽ phải chờ vào kết luận điều tra. Nhưng ngoài một vụ án của ngành công an, đây còn là một vụ việc của bản thân ngành giáo dục. Ngành này sẽ làm gì hơn chờ bên công an gọi đích danh tên người nhúng chàm để xử lý, làm gì hơn trong xử lý lỗ hổng của chính mình?  

Nhiều ý kiến cho rằng những học sinh được nâng điểm không có lỗi, không phải chịu trách nhiệm vì đây là toan tính của người lớn. Theo tôi, lý lẽ đó chỉ là ngụy biện và nhân văn lạc lối. Bởi tôi tin 18 tuổi, các em dư sức biết năng lực của mình đến đâu, thậm chí có thể đoán mình được mấy điểm ngay sau khi nộp bài. Khi nhận kết quả cao chót vót, các em cũng thừa hiểu cái gì đã nhấc bổng mình lên tận vị trí thủ khoa, á khoa. Đồng lõa hay không tố giác là tội danh mà các em hoàn toàn có thể phải đối mặt. Nghe có vẻ tàn nhẫn, nhưng rõ ràng không có lý gì một công dân lại trắng án với những vi phạm pháp luật của chính mình.

Một sinh viên đại học mà ngay ở ngưỡng cửa đầu đời đã thiếu trung thực, thản nhiên đi trên con đường đã được dọn sạch chông gai, thì sau này sẽ thế nào? Nghiêm trị một lần cũng là biện pháp hữu hiệu để góp phần ngăn chặn từ gốc những manh nha tương tự có thể mọc tiếp trên nền khoa cử vốn đã hoang mang.

Những kẻ chen ngang đó tôi gọi là kẻ cướp. Dạng cướp này vô cùng nguy hiểm, bởi chúng không chỉ cướp tương lai của người khác, giết chết niềm tin của bao thế hệ mà còn gieo mầm và nuôi dưỡng cho sự xuống cấp về đạo đức, tha hóa về nhân cách. Và chúng có thể lấy đi tương lai của đất nước. Những kẻ cướp đó, có thể bao gồm nhiều đại diện cho các tầng lớp trong xã hội, từ những quan chức quyền thế, công chức mẫn cán, cho đến những phụ huynh và học sinh, một ma trận khép kín phục vụ những kẻ thiếu năng lực thừa toan tính để chen ngang, từng bước lọt qua các cánh cửa công danh, leo lên các nấc thang công quyền.

ĐỖ SÔNG HƯƠNG
Theo VNEX

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều