Nhà thơ Phan Hoàng ở đảo Đá Tây - Trường Sa
Sinh ra và
lớn lên trên bán đảo Đông Tác cuối dòng sông Đà Rằng (Tuy Hòa, Phú Yên),
chứng kiến những mùa gió quê nhà và cả những “mùa giông tố” của thời cuộc, nhà
thơ Phan Hoàng nói, không
gian chủ đạo trong thơ anh cũng là một không gian gió, dịu dàng mà hiên ngang,
uyển chuyển mà dữ dội. Trong những ngày này, khi Biển Đông dậy sóng, cảm xúc về
hồn thiêng sông núi trong lòng anh càng mãnh liệt…
* Trong tâm thế này, chắc anh cũng đang sáng tác về biển
đảo?
- Không phải thời điểm này tôi mới sáng tác thơ về biển. Trước đây tôi từng có những
bài: Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc, Gió hợp hôn đất nước, Tiếng
hát trên đảo Sơn Ca… Hiện tôi đang tập trung hoàn thành tiếp loạt thơ
về Trường Sa. Tôi cũng vừa chăm chút lại bài Gió dựng thành lũy biên cương, được
viết sau hai chuyến đi xuyên Việt. Đây cũng sẽ là một bài trong tập Bước
gió truyền kỳ sắp in.
* Những xúc
cảm nào về Trường Sa anh không thể quên?
- Rất nhiều.
Trường Sa - trong lòng tôi không quá xa xôi mà ngược lại rất gần gũi, từ tiếng chuông chùa, từng ngọn
rau muống biển, từng người lính… Gần gũi mà thiêng liêng, bất cứ ai ra Trường
Sa trở về đều có cách nhìn khác về đất nước, dân tộc mình. Phải đi mới
thấm thía tình yêu dành cho Tổ quốc, để biết rằng giữa trùng khơi ấy, biển không hề bình yên. Tôi nhớ có lần
trên đảo Sơn Ca, đoàn công tác đang diễn văn nghệ thì trên trời xuất hiện máy
bay lạ, các chiến sĩ lao lên công sự, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Chúng tôi ngơ ngác, không kịp biết mình đang đối
mặt với điều gì. Thế mới biết, hiểm nguy có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Sau lần
ấy, tôi đã viết bài thơ Tiếng
hát trên đảo Sơn Ca: Em hát về vùng trời bình yên/Đảo bỗng nhiên
báo động/ Tiếng sơn ca chới với giữa trùng khơi/Dưới lớp sóng dịu êm/Âm ỉ bao trận bão…
* Theo anh, thơ ca ở thời điểm này có còn đủ sức tạo ảnh hưởng “trên mặt trận văn
hóa”?
- Trước đây, website Hội Nhà văn TP.HCM cũng có chuyên đề
thơ về Biển Đông nhưng không thường xuyên. Giờ số lượng tác phẩm đã nhiều lên. Rõ ràng tình
yêu quê hương đất nước luôn ẩn sâu
trong lòng mỗi người, khi đất
nước có biến cố, tình yêu ấy trỗi dậy mãnh liệt. Không thể so sánh với
thơ thời kháng chiến chống Pháp, chống
Mỹ, nhưng thơ ca từ sau thời kỳ đổi mới đến nay đã có được tầm vóc riêng
mà có lẽ những nhà phê bình chưa
đánh giá hết.
* Trong thơ
anh không chỉ có cảm xúc mà còn có cả lịch sử đầy thăng trầm của Tổ quốc…
- Đó là vì tôi rất yêu lịch sử. Từ năm lớp 3 tôi đã thích
và say mê đọc sách sử, có khi thuộc cả nhiều chương. Càng đọc càng ngấm, để rồi
tự hỏi vì sao phải có chiến tranh? Vì sao đất nước Việt Nam phải trải qua 14 lần
giông tố trong những cuộc chiến gìn giữ biên cương? Hỏi để đi tìm câu trả lời về hòa bình. Sau này, khi đi làm
báo, viết chân dung các danh tướng
Việt Nam, tôi cũng đã tự hỏi rất nhiều lần như vậy. Không thể có câu trả lời, bởi mỗi thời kỳ
đều có những lý do, mục đích và biện giải riêng. Tôi nhớ có rất nhiều vị
tướng nói “chúng ta phải luôn cảnh
giác đàn anh Trung Quốc”. Lịch sử và những bài học xương máu còn đó.
* Có một nỗi ám ảnh nào từ lịch sử đã chi phối lựa chọn
và phong cách sáng tác của anh?
- Tôi có một ký ức hãi hùng vào năm lên bảy tuổi, đúng
năm đất nước được giải phóng. Quê tôi cứ vài ba ngày là có một xác chết được
đưa về, hoặc bộ đội hoặc lính cộng hòa. Tôi nghe tiếng súng nổ hàng đêm, chứng
kiến cảnh đạn lạc sượt ngang vai mẹ. Cả tuổi thơ ám ảnh xác người trôi lềnh bềnh
trên con kênh nhỏ chảy qua nhà mình. Những hình ảnh chết chóc kinh hoàng đó ám ảnh
tôi dữ dội.
* Có phải vì vậy mà trong rất nhiều sáng tác của anh
có hình ảnh của sóng, của gió...
- Tôi sinh ra giữa gió, lớn lên trong gió. Ở đâu cũng có
gió nhưng gió miền Trung rất khắc nghiệt, có khi dịu dàng nhưng có lúc hết sức dữ dội. Có lẽ đó như là hơi thở,
quen thuộc đến mức không hẳn tôi có chủ ý viết về sóng, gió nhưng những câu thơ lại cứ gắn với sóng,
gió.
* Mỗi người
sinh ra đều có một sứ mạng. Anh có nghĩ sứ mạng của mình thuộc về thơ ca?
- Tôi sống
trong những giai đoạn chuyển giao khốc liệt, trải qua mất mát, từng có lúc bế tắc,
bất lực. Tôi không dám nói đã và sẽ làm được điều gì lớn lao cho Tổ quốc,
cho cuộc đời, nhưng với riêng tôi, điều lớn lao đó chính là trách nhiệm. Sống
có trách nhiệm với bản thân và với mọi người. Đó vừa là mối lo vừa là hạnh phúc và niềm vui. Tôi cũng không đặt nặng
hay kỳ vọng về những gì mình có thể làm cho thơ ca, chỉ cần trong khoảnh khắc trải lòng với
con chữ, tôi thấy mình hạnh phúc.
* Xin cảm ơn anh!
TIỂU QUYÊN (thực hiện)
BÁO PHỤ NỮ TP.HCM - 23.5.2014
Nhà thơ Phan Hoàng ở biên
giới phía Bắc
PHAN HOÀNG
GIÓ DỰNG
THÀNH LUỸ BIÊN CƯƠNG
1.
Khi lịch sử gồng mình trước những cơn bão lớn
mọi con đường đất nước đều thẳng hướng biên cương.
Núi đi trong sương lạnh
núi đi trong mây mù
núi đi trong gió cuốn
núi lặng lẽ ngắm mình thung sâu.
Núi thanh niên lẫm liệt
núi thiếu nữ mơ màng
núi thiếu phụ nõn nà một con.
Núi bí ẩn đàn đàn mã phục
núi trùng trùng muôn vạn hùng binh
núi ngút trời dũng khí người lính trấn thủ địa đầu
núi ôm ấp tâm sự thắt lòng vọng phu hoá đá
núi thức mùi hương dặm xưa trinh nữ
núi dậy hơi men chiến tướng khóc quân.
Núi ôm trong lòng bí mật những con đường
tinh hoa binh pháp biến hoá rồng tiên
ánh sáng chủ quyền truyền kỳ nòi giống.
2.
Ta là hạt bụi nung nắng phương Nam
theo di chúc chín lời của cha
ngược hướng đường mòn khẩn hoang
về đất tổ tắm gội trong gió biên cương
lên chiến trường xưa thắp chín nén hương
quỳ một chân
van vái tám phương
quỳ hai chân
một phương van vái
cúi rạp mình trộn lẫn đất đai...
Ta nghe gió nối mọi ngả đường
núi rừng chuyển rung những âm thanh kỳ lạ
ngựa hí
gươm khua
tên bay
trống giục
lưu luyến tiễn đưa
nỉ non than khóc
vội vội vàng vàng tiếng thở đêm tân hôn…
3.
Gió núi mang tình yêu biển
khoác lấy vai ta
như bàn tay cha hiện về thầm nhắc:
- Vòng quanh khắp hành tinh này
không dân tộc nào
không đất nước nào
hiếm hoi thế hệ bình yên
nối nhau quẫy đạp bóng đêm
đứng lên
chống chọi mười bốn cuộc ngoại xâm
chống chọi mười bốn lần giông tố biên cương
giành lại từng dấu chân giao chỉ
giành lại từng viên đá cuội in bóng chim lạc chim hồng
giành lại từng hạt cát mang hình đảo chìm đảo nổi
giành lại từng tia sáng cánh cò cánh vạc
giành lại từng tiếng khóc bình yên tao nôi!
- Vòng quanh khắp trái đất
không dân tộc nào
không đất nước nào
oằn vai
gánh
mười bốn cuộc chia ly không dám hẹn ngày về
không dám tỏ bày nỗi nhớ niềm thương
không biết cha con đối đầu
không ngờ anh em bắn nhau
máu đỏ oán khóc sông
xương trắng hờn than núi
bao tinh hoa hoá thành cát bụi
bao bà mẹ tim ngừng đập vẫn mở mắt đợi con
bao người vợ úp mặt chờ chồng lửa lòng đông cứng!
Mỗi lần trống đồng Đông Sơn thúc quân xông trận
mỗi lần khí thiêng Đại Việt bạt vía quân thù
mỗi lần non nước Lạc Hồng xây lại từ thương đau.
4.
Khi lịch sử gồng mình trước những cơn bão lớn
mọi con đường đất nước đều thẳng hướng biên cương.
Mải theo di chúc chín lời
chơi vơi giữa trời khuya vắng
ta ngược bước gió tổ tiên
lành lạnh địa đầu sương trắng
vẫn nghe từ trong xa thẳm
núi rừng không ngừng chuyển rung.
Có những cỏ cây bị đánh cắp xứ người cất lời trách gió
có những hồn thiêng mất quê đớn đau phẫn uất mắt đêm
có những ngọn đồi máu xương vô tình bụi mờ cát phủ.
Có người lính trấn thủ tay gươm tay đàn bồng bềnh mây nước
có người đàn bà trẻ ôm con chân không chấp chới xanh non
có tiếng trống như tiếng gầm hùm beo vọng vang vách đá.
Và
náo động bốn phương
gió âm u
ào ạt từ mọi ngả đường oai hùng lịch sử
tràn về
gió Hát Giang
gió Bạch Đằng
gió Như Nguyệt
gió và gió…
gió Diên Hồng
gió Chương Dương
gió Hàm Tử
gió Chi Lăng
gió Đống Đa
gió Rạch Gầm
gió và gió…
gió La Ngà
gió Đông Khê
gió An Khê
gió Mộc Hoá
gió Điện Biên
gió và gió…
gió Trường Sơn
gió Hoàng Sa
gió Sài Gòn
gió Tây Ninh
gió Lạng Sơn
gió Trường Sa
gió và gió…
ào ạt từ mọi nẻo đường Tổ quốc
tràn về rừng thiêng biên cương
tràn về khu rừng Đại tướng.
Gió hội tụ anh linh núi sông
như những đạo quân bí mật chớp nhoáng Lý Thường Kiệt,
những đạo quân mưu lược hào khí Đông A - Trần Quốc Tuấn,
những đạo quân áo vải thần tốc Tây Sơn - Nguyễn Huệ,
những đạo quân hợp vây đánh chắc tiến chắc Võ Nguyên
Giáp.
Những đạo quân chưa bao giờ rời mắt khỏi cõi bờ,
chưa bao giờ rời mắt khỏi biển đảo,
chưa bao giờ rời mắt khỏi lũ sói đói di truyền luôn khát
thèm cánh chim mỡ màng Lạc Việt luôn khát thèm mảnh đất rồng thiêng bay lên những
giấc mơ Phù Đổng.
Những giấc mơ giản dị như khí trời trong lành để thở như
thực phẩm an toàn để ăn như nước sạch để uống và đêm đêm lứa đôi tự do khoả
thân quấn nhau cháy đến sinh sôi.
5.
Ngược hướng đường mòn khẩn hoang
hạt nắng phương Nam lặng lẽ địa đầu rừng thiêng phía Bắc,
ta như người lính mới mang thơ canh giữ biên cương
say trắng đêm hầu chuyện cùng linh hồn trấn thủ.
Gió núi mãi quấn từng bước chân đá mềm mang gien giao chỉ,
quấn từng tia sáng ước mơ di truyền hoàng đế áo vải anh
minh:
nhẹ nhàng mở lòng đưa kiệu hoa đón hoà khí
quyết liệt xông pha thu hồi từng ngọn cỏ ngọn sóng lưu
lạc cắt chia.
Những ngôi sao xanh đâu đó từ phương Nam hiện ra
những hơi thở ái ân đâu đó từ phương Nam dậy hương
những tiếng khóc sơ sinh đâu đó từ phương Nam cất lên
trong hương rừng quyện mùi hương biển.
Gió núi vẫn quấn chặt lấy ta
gió dựng thành luỹ biên cương
như vòng tay ấm áp của cha hiện về thầm nhắc:
- Vòng quanh khắp hành tinh này
không con đường nào bằng con đường quyến rũ tuổi thơ ta
đi
không con đường nào bằng con đường khát vọng rồng tiên dựng
lên
không con đường nào bằng con đường khốc liệt đàn chim Việt
bay qua
con đường vọng phu ai xuôi vạn lý chín chiều ruột đau chớp
bể mưa nguồn.
Dòng máu Lạc Hồng như tùng bách non cao
phong ba đảo xa
trúc mai khu vườn trầm tư minh triết,
nếu tìm được con đường ánh sáng khác
tiết kiệm sông máu núi xương đại dương nước mắt
tiết kiệm thời gian lạc hậu đói nghèo,
mở ra bầu trời mưa thuận gió hoà
mở ra cánh đồng dân ca trĩu bông hồng môi thôn nữ,
nếu tìm được con đường ánh sáng khác
tư duy tự do độc lập
trí tuệ rộng mở sinh sôi
tâm hồn lãng mạn bay tới giấc mơ không ranh giới nhạy cảm,
chúng ta hãy như ngọn gió mạnh mẽ tự tin
bước tới
dâng lên tổ tiên chín nén hương thơm
quỳ một chân van vái tám phương
quỳ hai chân một phương van vái
cúi rạp mình hít sâu sinh lực truyền kỳ đất đai,
khóc chín tiếng nhớ thương những linh hồn vương vấn
mừng non sông tan dần sương mù nặng nề âm khí
mừng những bà mẹ trong cơn đau hạnh phúc sinh nở không
còn e sợ súng gươm cướp mất con mình
Nếu tìm được đường bay vàng hội nhập bình yên
rộng mở chân trời nhân văn giống nòi Lạc Việt
hãy tự tin trúc mai
hiên ngang phong ba
vững vàng tùng bách
mạnh mẽ như ngọn gió thiêng dựng thành luỹ biên cương.
PH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét