Đối với người Việt thì đọc sách vẫn
chưa là nền tảng chính yếu để xây dựng nên đời sống. Ảnh minh họa.
Đọc sách và học sách rất xa lạ với dân gian Việt Nam xưa. Do đó, kho tàng tri thức của cộng đồng
truyền đời cũng chỉ là tri thức dân gian, truyền miệng chứ không phải sách vở.
Vả lại, trước 1945 hơn 95% dân số Việt Nam mù chữ, thì sách vở nếu có
cũng gần như không.
Xã hội
Việt Nam truyền thống phân ra 4 giai tầng (tứ dân) là sĩ, nông, công, thương; trong đó chỉ có tầng lớp sĩ là đọc
sách, còn 3 tầng lớp kia thì gần như không. Bởi vậy mà kẻ sĩ ngày xưa được gọi là thư sinh, nghĩa là người đọc
sách.
Hạng người này
được quan niệm là “trói gà không chặt”, chân yếu tay mềm và nằm ngoài guồng máy
sản xuất của xã hội: “Nhất sĩ nhì nông/ Hết gạo chạy rong/ Nhất nông nhì
sĩ”.
Do đó, trong xã hội truyền thống phương Đông và Việt Nam xưa, chuyện vợ lam lũ nuôi
chồng ăn học là thường tình: “Hai tay bưng dĩa bánh bò/ Giấu cha, giấu mẹ, cho trò đi thi”; “Sáng trăng trải
chiếu hai hàng/ Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ”.
Mặc dù tỏ ra khá chuyên nghiệp như vậy, nhưng thư sinh Việt Nam vẫn chưa tạo nên một
hoạt động xã hội chuyên biệt. Do đó, ở Việt Nam chỉ nghe nói đến hệ tứ
quý hay tứ thú “ngư tiều canh mục: đánh cá, đốn củi, cày ruộng, chăn trâu; còn
hệ “ngư tiều canh độc”: đánh cá, đốn
củi, cày ruộng, đọc sách thì ít được nói tới.
Tầng lớp Nho sĩ Việt Nam ngày xưa chắc chắn phải đọc sách và học sách rất nhiều:
“Theo thầy nấu sử sôi kinh/ Tháng ngày bao quản sân Trình lao đao” - Lục
Vân Tiên. Để sau đó lều chõng đi thi, tung hoành giữa chốn trường văn trận bút.
Nhưng xét
trong đại chúng thì thực sự mà nói, trong văn hóa Việt Nam không thấy có
truyền thống đọc sách mà chỉ có truyền thống xem (coi) sách: “Trước đèn xem truyện Tây Minh/ Ngẫm cười hai chữ
nhân tình éo le” - Lục Vân Tiên; “Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra/ Chép làm một
bổn để mà coi chơi” - Thơ thầy Thông
Chánh, khuyết danh; “Sách hay mua lấy để mà coi/ Hỏi mượn không cho nói hẹp hòi”
- khuyết danh.
Coi sách và đọc sách đương nhiên khác nhau về mức độ đầu
tư và công phu. Đọc sách phải tốn hàng tuần, hàng tháng mới xong một cuốn sách,
nhưng coi sách thì mỗi lần chỉ
cần vài phút, vài giờ và chỉ thỉnh thoảng giở ra xem khi cần.
Đến đầu thế kỷ 20, nhờ kỹ thuật in ấn của phương Tây nên
lượng sách vở ở Việt Nam cũng tăng
lên, nhưng nhìn chung người
dân vẫn chưa có thói quen đọc sách, mà thay vào đó, họ chỉ chủ yếu xem sách và
chơi sách. Bởi vậy, trong khi chưa có người Việt Nam nào viết về thú đọc sách
thì đã có Thú chơi sách
(1960) và Thú xem truyện Tàu (1970) của Vương Hồng Sển.
Truyền thống
coi sách nói trên cho thấy mức độ dụng công và chuyên nghiệp của chủ thể. Và một
khi chỉ là người coi sách chứ không phải đọc sách thì thiết nghĩ không
thể gọi là thư sinh.
Hơn nữa, thực
tế lịch sử Việt Nam có nhiều biến động. Và trong những giai đoạn rối ren loạn lạc,
người trí thức dễ cảm thấy sách vở hầu như vô dụng: “Đọc ba vạn sách không
dùng/ Bạc đầu luống phụ tấc lòng thương dân” - Trần Nguyên Đán; “Sách vở ích gì cho buổi ấy/ Áo xiêm
nghĩ lại thẹn thân già” - Nguyễn Khuyến.
Đó là chưa nói
đến tình trạng: sau mỗi lần thay đổi thể chế, sách vở thường bị liên lụy
trước tiên, nhiều phần bị tiêu hủy.
Cho nên xã hội Việt Nam xưa
không thiếu nhà giàu, nhưng nhà tàng trữ nhiều sách vở thì rất hiếm. Bởi
vậy nhà bác học Lê Quý Đôn mới nói: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lượng/ Chẳng bằng
kinh sử một vài pho”.
Tình trạng khan hiếm sách trong trường kỳ lịch sử đó cũng góp phần làm nên truyền thống
coi sách qua quít của người Việt, thay vì đọc kĩ sách và nghiền ngẫm.
Cho nên, trách nhiệm của chúng ta hôm nay là phải làm sao
để biến truyền thống coi sách nói trên thành truyền thống đọc sách. Công việc
có lẽ nên bắt đầu từ gia đình và từ lúc tấm bé của đời người.
Cho trẻ tiếp xúc với sách ngay từ tuổi ấu thơ để sớm tạo
nên ý niệm về sách. Ý niệm sẽ tạo nên hành động. Một khi đã lấy sách vở làm nguồn
hướng dẫn cho cuộc sống thì tất
yếu sẽ làm nên thói quen đọc sách của người đó, nếu nhiều người cùng làm sẽ trở
thành truyền thống đọc sách của một dân tộc.
LÊ CÔNG LÝ
BÁO TT&VH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét