Tổng Bí thư Yuri Andropov
Theo bài viết của nhà nghiên cứu Andrei Vedyaev trên tạp
chí Istorik (Nhà sử học) số ra tháng 6/2019, trước Yuri Andropov ở Liên Xô đã có một nhân vật cũng định phát triển
như vậy nhưng bất thành: đó là Lavrenti Beria. Sau khi lãnh tụ Stalin qua đời
tháng 3/1953, Beria giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đổi mới, bao gồm cả cơ
quan an ninh quốc gia. Trong thực tế, Beria ở thời điểm đó là một trong ba thủ
lĩnh hàng đầu của đất nước. Tuy nhiên, tình huống này đã không làm hài lòng cả
lực lượng quân sự lẫn đội ngũ thượng
tầng chính trị trong Đảng Cộng sản Liên Xô nên chỉ ba tháng sau, ngày
26/6/1953, Beria đã bị sát hại. Còn Yuri Andropov đã trụ lại được ở đỉnh
cao quyền lực quốc gia lâu hơn – 15 tháng, từ ngày 12/11/1982 cho đến khi qua đời
vì trọng bệnh ngày 9/2/1984…
Chấn chỉnh kỷ cương
Khi trở thành
Chủ tịch KGB trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ngày 18/5/1967, Yuri
Andropov đã ngay lập tức phải đối mặt với tình trạng lộn xộn trong tổ chức
và hoạt động của cơ quan an ninh quốc gia, di sản để lại từ giai đoạn Nikita
Khrushchev cầm quyền. Thiếu tướng Nikolai Gubernatorov, một huyền thoại của
ngành an ninh Xôviết, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Điều hành KGB, nhớ lại: “Ở thời điểm đó tôi đang là điều tra
viên bậc cao thuộc Cục 6 Tổng Cục Điều hành KGB và có ấn tượng tiêu cực đối với
ba cựu Chủ tịch vốn là những người tình cờ lên nắm giữ cương vị đó nhờ quan hệ thân hữu với N.S.
Khrushchev”. Ba người tiền nhiệm của Yuri Andropov trên ghế Chủ tịch KGB đều
không thấu hiểu công việc của ngành an ninh và đã không quan tâm tới việc
đổi mới đội ngũ cán bộ. Ngược lại, trong những năm họ nắm quyền ở KGB, những
cán bộ giàu kinh nhiệm nhất hoặc bị xử án hoặc bị sa thải. Chính vì thế nên KGB
mới để xảy ra một số thất bại tai tiếng và trong xã hội xuất hiện những mầm mống
của nền kinh tế ngầm, tội phạm có tổ chức và tham nhũng. Bởi vậy, một trong những
việc đầu tiên mà Andropov bắt tay vào thực hiện là tiến hành một cuộc cải cách
cán bộ một cách đích đáng. Toàn bộ hệ thống đào tạo cán bộ an ninh đã được tổ
chức lại, những phương thức khoa học mới được áp dụng vào thực tế, một chương trình giáo dục sâu sắc được tiến
hành với đội ngũ cán bộ an ninh.
Phát biểu trước các học viên Trường An ninh Cao cấp KGB, Andropov đã nhấn
mạnh: “Hãy đi sâu vào trong nhân dân, tuân thủ luật pháp và lẽ công bằng, hãy
thể hiện sự từ tâm và tính nhân văn, chính những tình cảm này làm nảy sinh tình
yêu Tổ quốc. Hãy nâng cao tri thức trong nghiên cứu tiếng mẹ đẻ, văn học và thừa
kế những sức mạnh tinh thần của lịch sử đất nước chúng ta. Không gì thì chính hệ
tư tưởng của chúng ta cũng được hình
thành trong quá trình phát triển của lịch sử. Và tất cả chúng ta bây giờ đều
đang sống và tuân thủ theo bộ quy tắc của những người xây dựng chủ nghĩa cộng sản, bộ quy tắc đã
tiếp thu vào mình những tiêu chí tinh thần đạo đức lịch sử tốt đẹp nhất – từ những
lời răn Thiên chúa giáo tới trí tuệ dân gian, bởi lẽ nước Nga luôn nổi lên nhờ sức mạnh tinh thần vô tận
của mình và luôn vươn mình
đứng dậy khi vượt qua những chấn động lớn lao”. Nhằm mục đích đấu tranh với những
trò phá hoại tinh thần, Andropov đã lập ra Tổng cục 5, tái lập và xây dựng bộ
máy tổ chức mới của đơn vị đặc biệt được thành lập từ những năm 40 của thế kỷ
trước. Đầu tiên đơn vị đó được hoạt động dưới dạng các khóa hoàn thiện trình độ
cán bộ KUOS rồi được chuyển thành nhóm đơn vị đặc nhiệm Vympel. Chính Andropov
đã lập ra đơn vị chống khủng bố Alfa, đòi hỏi xây dựng các hệ thống công trình
hiện đại cho trường cao cấp KGB (nay là Học viện FSB) trên đại lộ Mitchurin và
trụ sở cơ quan tình báo đối
ngoại (nay là SVR) ở khu Yasenevo.
Ngày 27/4/1973, Andropov được bầu vào Bộ Chính trị BHCTƯ Đảng Cộng sản Liên Xô. Dần dà ông đã
nhìn thấy rất rõ ràng mức độ tham nhũng cao mà đội ngũ tinh hoa quản lý kinh tế
của Đảng nhiễm phải và trách nhiệm nặng nề của Bộ Nội vụ trong tệ nạn này. Theo
mệnh lệnh của chính Andropov, năm 1975 đã thành lập các đội điều tra về các vụ
việc liên quan tới những phần tử sản xuất hàng hóa trái phép. Theo lời kể của
thiếu tướng Boris Uvarov, cựu điều
tra viên về các vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, “nếu nói về vai trò
của Andropov trong cuộc đấu tranh chống tội phạm có tổ chức, thì đó là một vai
trò rất lớn, thể hiện trong tinh thần năng nổ vốn có của các cán bộ an ninh, khả
năng mau lẹ tiếp cận xử lý thông tin về các đối tượng nghi vấn và sự chi tiết,
chu tất trong điều tra khám xét. Trong vụ việc này, chính cá nhân tôi đã bắt tới
hơn 100 người – cùng lúc tiến hành
khám xét ở những thành phố khác nhau trong cả nước hơn 120 cơ sở. Không thể
giam giữ tất cả những nghi phạm này trong một nhà tù, nên tôi đã đưa ra
tới nhiều nơi trong nước Nga”.
Những mạng lưới di căn của tham nhũng đã ăn sâu từ các nước
cộng hòa miền nam tới Moskva, trong đó nhiễm vào cả những người thân cận với Tổng Bí thư Leonid Brezhnev. Giữa
những nghi phạm bị bắt giam có cả Yadgar Sadykovna Nasriddinova, người từ năm
1970 tới năm 1974 đã giữ chức Chủ tịch Hội đồng Dân tộc thuộc Xôviết Tối
cao Liên Xô. Khi trả lời thẩm vấn, bà này đã khai là đã nhờ Galina Brezhneva,
con gái của Tổng Bí thư, dẫn tới gặp
Leonid Brezhnev khi vấn đề bắt giữ bà ta được đưa ra. Hai người đã tới
khu Rubliovka để gặp Leonid Brezhnev. Tổng Bí thư đã nghe Nasriddinova trình
bày câu chuyện của mình – về việc các cuộc khám xét đang được tiến hành, về việc
chánh án tòa án tối cao Uzbekistan, bạn của Nasriddinova đã bị bắt giữ, và đã bắt
giữ cả một người tên là Dzhumabayev,
Giám đốc nhà máy chế biến bông rất lớn, có sản phẩm được dùng để sản xuất da
nhân tạo được tuồn cho những kẻ sản xuất ngoài luồng. Dzhumabayev bị bắt vì
đã đưa hối lộ nhằm cứu con trai mình thoát khỏi tội giết người. Dzhumabayev đã khai tên họ và số tiền
hối hộ cho Bí thư thứ Nhất, Bí thư
thứ Hai và Chánh án Tòa án Tối cao Uzbekistan... Sau khi Nasriddinova gặp
được Tổng Bí thư, tướng Uvarov mặc dù nắm đủ thông tin trong tay nhưng lại nhận
được lệnh tạm thời chưa triển khai tiếp vụ án. Và sau đó nhận được lệnh tiếp
theo là không động tới Nasriddinova…
Ngày 12/11/1982, Andropov được bầu làm Tổng Bí thư và không lâu sau đó đã bắt đầu
triển khai vụ điều tra lớn đối với Nhà Thương mại Trung tâm Moskva, dẫn tới việc bắt giam hơn 15 nghìn nghi
phạm. Các nhân viên KGB đã gài các phương tiện video và audio theo dõi tại văn phòng của Yuri Sokolov,
Giám đốc cửa hàng thực phẩm lớn nhất nước Eliseyev. Các nhân viên an ninh đã phát hiện ra việc nhiều khách
hàng là cán bộ cao cấp tới đó. Và vào các thứ sáu hàng tuần, giám đốc các chi
nhánh đã tới gặp Sokolov và đưa phong bì cho ông này. Quá trình điều tra đã
phát hiện ra rằng, trong vụ án Nhà Thương mại Trung tâm Moskva, đã có tới 757 cán bộ lãnh đạo các cơ sở
thương mại và nhiều cơ quan khác được
liên kết với nhau bằng những mối quan hệ kinh tế phi pháp bền chắc. Và mới chỉ
thông qua lời khai của 12 bị cáo đã để lộ ra số tiền hối lộ lên tới 1,5
triệu rub – đấy là ở thời điểm năm 1983, khi mức lương 220 rub một tháng đã được
coi là cao ngất ngưởng trong xã
hội Xôviết, còn vé đi xe công cộng chỉ ở mức từ 3 đến 5 côpếch (một rub bằng
100 côpếch). Sokolov và nhiều bị cáo đã bị kết án mức cao nhất, tất cả giám đốc
các cửa hàng lớn nhất ở Moskva nếu không tự sát thì đều phải nhận những mức án
cao. Đồng thời, cuộc đấu tranh chống lại mạng lưới mafia bông cũng đã được triển
khai. Theo lệnh của Yuri Andropov, một đội điều tra viên gồm những chuyên gia
giỏi nhất của KGB và các cơ quan tư
pháp đã được đưa tới nước cộng hòa Uzbekistan. Đoàn điều tra viên đặt trụ
sở chỉ huy tại tòa nhà KGB ở thủ đô Tashken của Uzbekistan. Kết quả của chiến dịch
thanh lọc lớn này là nhiều lãnh đạo Đảng, các cơ sở kinh tế, thương mại của
Uzbekistan và cả ở cấp liên bang đã bị bắt, bị khởi tố. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên Xô Nikolai Shchelokov đã
phải tự sát. Số phận tương tự cũng tới
với lãnh đạo nước cộng hòa Uzbekistan, Sharaf Rashidov. Tiếp sau đó người
ta đã kết án tù đối với cả Thứ trưởng Bộ Nội vụ Yuri Churbanov, con rể của Tổng
Bí thư Brezhnev…
Những thông tin chính thức về việc bắt giữ những nghi phạm
trong giới mafia thương mại và quan chức, chìm đắm trong xa hoa và tội lỗi, được
đại đa số nhân dân Liên Xô thời đó đón nhận một cách hồ hởi. Trong thời gian 15
tháng mà Andropov giữ vị trí lãnh đạo cao nhất quốc gia, ông đã bãi chức 18 Bộ
trưởng ở cấp Liên bang và 37 Bí thứ
thứ Nhất ở các tỉnh – trong thực tế đó là toàn bộ các lãnh đạo Đảng ở
các địa phương. Ngay trong quý I-1983 đã đạt được mức tăng trưởng sản xuất ở
Liên Xô thêm 6%. Trong cả năm 1983 của “thời Andropov”, tăng trưởng thu nhập nền
kinh tế quốc dân đã đạt mức 3,1%, còn mức tăng trưởng công nghiệp là 4%. Trong
không khí đó, việc xảy ra những vụ truy bắt các phần tử vô công rồi nghề trong
giờ hành chính ở Moskva đã không gây nên những bất mãn hay xáo động gì lớn…
Chống cuộc thập tự chinh
Tất cả những
việc diễn ra như thế đều được theo dõi sít sao từ bên kia đại dương – rõ
ràng là ở thời điểm đó, Liên bang Xôviết đang có những cơ hội thực tế để vượt
qua Mỹ và giành lấy ưu thế trong
“chiến tranh lạnh”. Tuy nhiên, CIA cũng dần dà tìm ra được “gót chân
Achille” trong hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, mắt xích yếu mà Washington
hy vọng có thể tác động vào để gây nên sự sụp đổ dây chuyền. Đó chính là Ba
Lan, nơi vẫn duy trì được thế
mạnh của nhà thờ Thiên chúa giáo và tâm lý bài Nga truyền thống. Và có lẽ đây
cũng là một trong những lý do dẫn tới việc ngày 16-10-1978, một người Ba Lan đã đăng quang tại
Vatican. Đó là giáo hoàng Gioan Phaolô II. Yuri Andropov với tư cách người lãnh đạo KGB đã ngay lập tức
báo cáo thông tin này tới Bộ Chính trị và nhận định, sự chọn lựa của Vatican đã
tạo nên mối đe dọa đối với toàn bộ khối Hiệp ước Varshava. Ngay trong năm 1979, giáo hoàng Gioan Phaolô II đã
quay về thăm Ba Lan, kêu gọi phản kháng dân sự, dẫn tới gia tăng vị thế của
công đoàn Đoàn kết, giúp tổ chức này mau chóng thu hút thêm thành viên, lên tới
10 triệu người... Đầu năm 1981, ở Mỹ
Tổng thống Ronald Reagan đã chính thức nhậm chức với chính sách thiên hữu
mạnh mẽ hơn trước. Reagan đã
phái tới Vatican nhà ngoại giao kiêm hoạt động gián điệp khét tiếng Vernon
Walters, tác giả của cuộc đảo chính phát xít đẫm máu tại Chile năm 1973 và giám
đốc CIA William Casey, một tín đồ Thiên chúa giáo nồng nhiệt, người trong những năm 1981–1984 (tức là cho tới khi
Andropov qua đời) đã không dưới
15 lần tới Vatican trên máy bay riêng được lắp đặt đầy đủ hệ thống liên lạc trực
tiếp với Nhà trắng. Hai nhân vật này đã cam kết với giáo hoàng rằng
Washington sẽ hỗ trợ đầy đủ về tài chính, vật chất và chính trị cho công đoàn
Đoàn kết. Trong những điều kiện như thế, đêm 12 rạng ngày 13-12-1981, Hội đồng
Quân sự Cứu nguy Dân tộc của Ba Lan đã bắt buộc phải ra lệnh thiết quân luật. Nửa
năm sau, tháng 6-1982, Reagan đã đích thân tới thăm giáo hoàng Gioan Phaolô và
giáo hoàng đã khích lệ Tổng thống Mỹ dấy lên cuộc thập tự chinh mới chống lại
Liên Xô…
Đồng thời CIA đã đổ thêm dầu vào lửa đối với những hoạt động
nguy hiểm ở khu vực biên giới phía nam giáp Liên Xô. Ngay từ mùa hè năm 1979,
tình báo Mỹ đã bắt đầu chiến dịch “Lốc xoáy” hỗ trợ tài chính cho phe đối lập ở
Afghanistan và huấn luyện các chiến binh Hồi giáo ở quốc gia láng giềng
Pakistan. Hafizullah Amin, người vốn
được Moskva ủng hộ và đang nắm quyền lực ở Kabul từ 16/9/1979, dần dà đánh mất
sự kiểm soát đối với tình hình và bắt đầu tìm cách tiếp cận với
Pakistan, Trung Quốc và các nước
phương Tây. Điều này có thể tạo cơ hội cho NATO triển khai các căn cứ quân sự của
mình với cả các tên lửa hạt nhân ở gần biên giới với Liên Xô. Trước nguy cơ đó, tháng 11/1979, Andropov đề
xuất phương án quân sự và ngày 27/12/1979, lực lượng đặc nhiệm của KGB và nhóm
Alfa đã tấn công cung điện của Amin cùng nhiều trụ sở các cơ quan chính phủ ở Kabul, tạo tiền đề cho
một sự thay đổi chính thể và việc đưa quân đội Xôviết vào Afghanistan. Hoạt động
của các sĩ quan KGB, dưới sự chỉ huy tại thực địa của hai vị tướng Boris Ivanov
và Yuri Drozdov gây ấn tượng mạnh mẽ tới mức ngày 19/8/1981, theo quyết định của
Andropov, trong thành phần Tổng cục S (tình báo không công khai) đã
thành lập đơn vị Vympel để thường xuyên thực hiện các chiến dịch tại hải ngoại,
trước hết để chống lại các căn cứ
quân sự của NATO đang vây quanh dày dặc các khu vực biên giới của Liên Xô và
các nước thuộc khối Hiệp ước Varshava. Ở đây cũng cần nhớ tới việc, ngay từ
ngày 12/12/1979, Hội đồng NATO đã thông qua “quyết định kép” cho phép
triển khai tới năm 1983 tại châu Âu 572 tên lửa Pershing-2 có thời gian bay từ
6 tới 8 phút. Việc này cho phép Mỹ ra đòn nguyên tử phủ đầu vì các tên lửa tầm
trung và tầm thấp không được tính đến trong các hiệp ước đã được ký ở thời điểm
đó về hạn chế vũ khí chiến lược. Và chính trong tình thế phức tạp này, Andropov
đã tiếp quản đất nước năm 1982.
Như trợ lý của Yuri Andropov, thiếu tướng Gubernatorov,
sau này viết: “Đứng đầu KGB trong suốt một thời gian dài rồi sau đó đứng đầu cả
quốc gia Xôviết, Yuri Andropov là một trong những người có được nhiều thông tin nhất thế giới. Ông đã
nhận được tài liệu từ những nguồn tin cậy khác nhau, kể cả từ những nguồn thu
thập trên sóng radio và những cuộc nghe lén điện thoại đối với những nhân vật
đã lọt vào trong tầm ngắm của KGB ở Liên Xô cũng như ở nước ngoài. Nếu thêm vào đó một trí tuệ anh
minh bẩm sinh, tính lương thiện ở mức độ cao, sự tinh tế hiếm có của Yuri
Vladimirovich, từ một góc độ, cả lòng trung thành vô điều kiện của ông đối
với Tổ quốc và các lý tưởng của chủ
nghĩa xã hội (không bị hoen ố bởi những tội lỗi nhuốm máu và nạn tham
nhũng), từ góc độ khác, thì độc giả sẽ hiểu ra được những tiến thoái lưỡng nan
khủng khiếp nào mà con người này đã
phải đối mặt”. Andropov đã hiểu rất rõ rằng mọi sự đang tiến gần tới chiến
tranh. Nhưng cũng giống như Stalin từng hành động, ông đã cố gắng làm mọi việc
để đẩy lùi nguy cơ đó. Phân tích những
ghi chép công vụ mới được công bố gần đây của Andropov cho thấy: Ngay trong nửa
đầu năm 1982, sau khi ông rời KGB sang làm việc ở BCHTƯ Đảng Cộng sản Liên Xô,
đã thay đổi rõ rệt môi trường
tiếp xúc của ông. Hướng làm việc chủ đạo của ông trong giai đoạn này là các vấn
đề liên quan tới quan hệ quốc tế (11 cuộc gặp với Trưởng ban Đảng về các nước xã
hội chủ nghĩa Konstantin Rusakov, 5 cuộc gặp với Trưởng ban Quốc tế Boris Ponomariov và 6 cuộc gặp với
cố vấn ở “Quảng trường Cũ” Georgi Arbatov. Sau khi trở thành Tổng Bí thư,
Andropov đã gia tăng hoạt động của mình với các lãnh đạo Ban Kinh tế Đảng
Vladimir Dolgikh và Nikolai Ryzhkov cũng như với Mikhail Gorbachev. Bối cảnh tình hình ngày càng trở nên rõ
ràng: Liên Xô ở thời điểm đó ngày càng một khó khăn hơn khi phải chịu đựng gánh
nặng của cuộc chạy đua vũ trang, Gorbachev, với tư cách là một chính trị gia năng
động còn trẻ, bắt đầu từ những năm 70 đã phải thực hiện nhiều cuộc xuất ngoại
kéo dài tới các nước tư bản chủ
nghĩa như Italia, Pháp, CHLB Đức và Bỉ. Bản thân Andropov sinh thời không một lần
nào sang thăm các nước tư bản chủ nghĩa…
Trong điều kiện
phải đối đầu với nhà thờ Thiên chúa giáo, được coi như những đồng minh tự nhiên
là những thế lực chính trị vốn không bao giờ thỏa hiệp với Vatican vì lý
do nạn diệt chủng Do Thái (Holocaust). Cho tới nay nhiều tổ chức Israel vẫn buộc
cho giáo hoàng Piô XII tội đã không lên án nạn diệt chủng Do Thái trong chiến
tranh thế giới thứ hai. Cũng vì lý do này mà quan hệ ngoại giao giữa Israel với
Vatican chỉ được thiết lập vào tháng 12/1993. Tháng 3/2000, giáo hoàng Gioan
Phaolô II đã tới Israel với tư cách
cá nhân một người hành hương và gặp gỡ với Tổng thống Ezer Weizman và Thủ tướng
Ehud Barak…
Cũng phải nói
rằng, Andropov sinh thời chưa bao giờ nghĩ Gorbachev là người sẽ kế nhiệm mình
và cũng chưa một lần giao cho
Gorbachev nhiệm vụ thay mình điều hành các cuộc họp của Bộ Chính trị, những
dư luận về việc Andropov dường như đã
chuẩn bị Gorbachev cho vị trí Tổng Bí thư tương lai hay dường như ông là người khởi hứng cho perestroika theo cách
mà Gorbachev đã làm, đó hoàn toàn là kết quả của những trò bịa chuyện từ
phía một số nhà viết sử “giàu trí tưởng
bở” cũng như từ phía những cựu quan chức lật mặt với chế độ Xôviết…
Hàng loạt những
công việc bất thành và thất bại đã đổ xuống đầu chế độ Xôviết sau khi
Andropov qua đời với những tình tiết cũng bí ẩn không kém gì câu chuyện xảy ra
với cái chết của lãnh tụ Stalin. Theo nhận định của tạp chí Istorik, nếu chính
sách thực tế của Andropov được tiếp tục thực hiện thì hẳn Liên bang Xôviết đã
không những có thể được bảo toàn mà còn phát triển không kém phần năng nổ so với
CHND Trung Hoa và vượt lên trước được
so với phương Tây. Tuy nhiên, trong thực tế, mọi sự lại diễn ra theo kịch bản
khác. Năm 1987, giáo hoàng Gioan Phaolô II đã trở về thăm Ba Lan một
cách hoành tráng và trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 6/1989, công đoàn Đoàn kết
đã thu được 99 trong số 100 ghế nghị sĩ. Bắt đầu quá trình tan rã khối Hiệp ước Varshava và tiếp theo là Liên bang
Xôviết. Cũng trong tháng 12/1989, Gorbachev đã tới Vatican để thiết lập
quan hệ ngoại giao và đã có một bài phát biểu mang tính “sám hối” tại cuộc gặp
với giáo hoàng Gioan Phaolô II. Cuộc thập tự chinh chống lại Liên Xô đã kết
thúc như thế.
Tuy nhiên,
ngay cả sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga vẫn nhận được một xung lực mới để phát triển như một quốc gia độc lập
có chủ quyền, giàu tiềm lực kinh tế và quân sự. Liên bang Xôviết không còn
nữa nhưng nền văn hóa Nga vẫn tồn tại
và phát triển. Và viên đá cuối cùng được ốp vào nó chính là nhờ Yuri Andropov.
NGUYỄN
TRUNG TÍN
Theo Đại Đoàn Kết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét