Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên và người
phụ nữ tên Duyên nguyên mẫu trong thơ ông.
CHÀNG THI SĨ MỘNG MƠ
Nguyễn Tất
Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, SN 1952. Lúc mới lên trung học đệ nhất cấp
(tương đương THCS hiện nay), Nguyễn Tất Nhiên đã làm thơ. Theo lời những người bạn cùng trường lúc đó,
thơ của ông đã rất ấn tượng từ
nhỏ. Tâm hồn nghệ sĩ của Nguyễn Tất Nhiên đã bộc lộ khi còn rất trẻ, lúc
nào cũng như mơ mộng suy nghĩ đâu
đâu, không tập trung ngay cả khi đang học. Vì thế, bạn bè thời gian này
gọi đùa anh là “Hải khùng”. Hải đã thành lập thi văn đoàn với bạn học là Đinh
Thiên Phương, tên thật là Đinh Thiên
Thọ và cùng chung nhau xuất bản tập thơ “Nàng thơ trong mắt” năm 1966, khi 14
tuổi. Trong tập thơ này, Nguyễn Tất Nhiên lấy bút hiệu là Hoài Thi Yên Thi. Thi
sĩ Du Tử Lê kể, ông là người gợi ý cho Hải lấy bút danh là Nguyễn Tất
Nhiên vì bút hiệu là Hoài Thi Yên Thi nghe có vẻ “nữ tính”. Sự nghiệp của Nguyễn
Tất Nhiên thời gian đầu không mấy thành công. Cho đến khi thơ anh được một số
thầy giáo gửi đăng báo Sáng tạo rồi nhạc sĩ Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang thấy đó
mà phổ nhạc thì mới bắt đầu nổi tiếng.
Nguyễn Tất Nhiên đã gặp một cô gái người miền Bắc tên là Duyên và có với cô này một tình
cảm nhẹ nhàng nhưng rồi chẳng đến
đâu vì hoàn cảnh gia đình và do bản tính nghệ sĩ của Tất Nhiên. Nhưng cô gái tên Duyên này đã là cảm
hứng cho Tất Nhiên sáng tác khá nhiều bài thơ như: Khúc tình buồn, Cô Bắc Kỳ nho nhỏ, Linh mục, Em hiền như ma soeur… Mối tình với Duyên có đủ
khổ đau, chua xót, cay đắng và vô vọng đã tạo nên phong cách thơ Nguyễn Tất Nhiên khó lẫn với ai. Cái tên Duyên
được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các thi phẩm.
Nguyễn Tất
Nhiên nổi lên như một ngôi sao khi bài thơ Khúc tình buồn của ông được
nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và được đặt lại tên Thà như giọt mưa. Trong nhiều tuần lễ sau đó, nhạc phẩm
này hầu như ngày nào cũng phát trên đài phát thanh Sài Gòn, được giới
sinh viên học sinh chuyền tay nhau tập thơ của ông với tất cả sự thích thú, ngưỡng mộ của tuổi trẻ: “Thà như giọt
mưa vỡ trên mặt Duyên/Thà như giọt mưa khô trên mặt Duyên/Để ta nghe thoáng tiếng
mưa vội đến/Những giọt run run ướt ngọn lông măng/Khiến người trăm năm đau khổ
ăn năn/Khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên”.
Nhạc sĩ Phạm
Duy kể lại: Sau khi phổ nhạc bài Thà như giọt mưa được công chúng đón nhận nồng
nhiệt, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên còn cung cấp cho ông thêm nhiều bài thơ khác. Ông đã biến thơ thành những ca khúc được giới trẻ đón nhận
nồng nhiệt lúc đó như: Em hiền như ma soeur, Anh vái trời, hay Anh Nam kỳ dễ
thương, Hãy yêu chàng, Hai mươi
năm tình lận đận... Và cho đến bây giờ, nhiều người vẫn hát vẫn yêu
thích những bản tình ca ấy.
ĐẾN MỘT TÀI THƠ YỂU MỆNH
Người con gái
tên Duyên đã đi vào thơ Nguyễn
Tất Nhiên là ai? Bóng hồng ấy có sức hút mãnh liệt thế nào để nhà thơ đắm say, si tình và khiến người yêu thơ Nguyễn Tất Nhiên luôn thắc mắc.
Nhà báo Hà Đình Nguyên đã bỏ công truy tìm nguyên mẫu trong hàng chục
năm ròng. Sau đó ông cho biết: Người con gái ấy chính là Bùi Thị Duyên gốc Bắc
vào định cư trong Nam. Tình yêu này của Hải dành cho Duyên cả trường trung học ai cũng biết. Tuy người đẹp tên
Duyên là nguyên mẫu nhiều bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên, khi anh ở độ tuổi đôi
mươi nhưng họ đã rẽ hai lối đi riêng. Sau này, họ cùng sống ở Mỹ, nhưng không biết có cơ hội nào gặp nhau
không.
Tuy là người
ngoại đạo nhưng trong thơ Nguyễn Tất Nhiên nhiều hình tượng của Chúa, của linh mục, ma soeur tạo nên một
sự giao thoa thú vị của đức tin và tình yêu, vừa huyền bí vừa gần gũi và
cũng độc nhất vô nhị: “Em mang hồn vô tội, đeo thánh giá huy hoàng/Còn ta nhiều
sám hối mà sao vẫn hoang đàng/Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa/Đưa em
về dưới mưa, có nhau mà như xa/Em hiền
như ma soeur, vết thương ta bốn mùa/Trái tim ta bệnh hoạn/Ta nhờ em ru ta, hãy
ru tên vô đạo/Hãy ru tên khờ khạo/Ma soeur này ma soeur”.
Nguyễn Tất Nhiên có lập gia đình, có hai con trai nhưng sau cùng cũng tan vỡ. Đầu thập niên 80
thế kỷ trước, Nguyễn Tất Nhiên sang Pháp, được vài năm thì qua Mỹ định
cư. Ngày 3-8-1992, Nguyễn Tất Nhiên đã tìm đến một ngôi chùa tại quận Cam (bang
California), uống nhiều thuốc an thần rồi vào xe hơi, qua đời. Lúc này nhà thơ vừa tròn tuổi
40.
Gần 30 năm đã trôi qua, mỗi khi những nhạc phẩm bất hủ của
nhạc sĩ Phạm Duy, Anh Bằng, Nguyễn Đức Quang cất lên qua những giọng ca hàng đầu
của Việt Nam, người ái mộ lại không khỏi bùi ngùi, thổn thức nhớ về một nhà thơ tài hoa, mà đoản mệnh đã ghé qua
cõi nhân gian để dâng tặng những vần thơ bi thiết rồi lại lặng lẽ bay đi như
gió thoảng mây ngàn…
VŨ THANH HOA
Theo BRVT
XIN XEM THÊM:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét