Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

BỐN ẤN TƯỢNG VỀ CHẤT VẤN THÓI QUEN CỦA PHAN HOÀNG

Cảm hứng mạnh mẽ, cuồn cuộn làm nên tính cách của Chất vấn thói quen. Theo một định nghĩa kiểu Mỹ, “Thơ là tiếng kêu khi được 1 triệu đôla và khi đánh mất số tiền đó”. Nghĩa là tiếng nói của cảm xúc mãnh liệt mới là tiếng nói thật sự của thơ…
Nhà thơ Phan Hoàng với tập thơ Chất vấn thói quen

Cho đến nay, Phan Hoàng đã xuất bản 3 tập thơ: Tượng tìnhHộp đen báo bãoChất vấn thói quen. Và đứa con thứ 3 cách đứa thứ 2 đến 10 tuổi, điều đó chứng tỏ Chất vấn thói quen là một sự chọn lọc, hay nói chính xác hơn sự tinh lọc thận trọng của một người làm thơ như lời tác giả tâm sự ở đầu sách: “Tôi luôn sống trong hơi thở nhịp sống thi ca, mày mò học hỏi và khám phá, làm thơ rất nhiều mà cũng tự xoá bỏ rất nhiều. Thơ khó tính, ma lực, linh thiêng. Thơ đòi hỏi sự khác biệt. Thơ cũng là nỗi sợ hãi lớn nhất mà suốt hành trình sáng tạo tôi nghĩ mình khó có thể chạm đến sự vi diệu của nó”.

Cũng đến nay, Phan Hoàng là tác giả của 4 cuốn sách Phỏng vấn tướng lĩnh Việt NamPhỏng vấn người Sài Gòn, Phỏng vấn người Hà NộiDạ thưa thầy!. Nếu không nhầm, 4 cuốn sách này là kết quả của một Phan Hoàng làm báo.

Cầm trên tay “tập thơ 10 năm”, đáng lý tôi rất ngạc nhiên nhưng sự ngạc nhiên ấy đã được giải thích từ trước vì cách đây hơn một năm, tôi có dịp nói với tác giả: “Tôi nghĩ Phan Hoàng chủ yếu và bản chất vẫn là nhà thơ hơn là nhà báo” và nhận được câu trả lời: “Phan Hoàng vẫn làm thơ, hôm nào sẽ đưa anh xem”. Tôi nói thế vì trong thâm tâm và khát vọng của riêng mình, tôi rất thích những nhà thơ đích thực. Hemingway làm báo rất sớm và với tư cách phóng viên, ông đã có mặt ở nhiều chiến trường thời thế chiến. Nhưng ngày nay người ta chỉ biết ông là nhà văn. Tuy vậy, chính kiến thức và tính cách nhà báo đã góp phần một cách quan trọng và hình thành tính cách nhà văn Hemingway. Ở Việt Nam chúng ta hiện nay, có khá nhiều nhà thơ, nhà văn làm báo. Ước ao hoàn toàn có cơ sở hợp lý: chúng ta sẽ có những nhà văn nhà thơ xứng đáng, tầm cỡ trong số đó.

Trở lại với Chất vấn thói quen, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2012, phải nói là một tập thơ ấn tượng.

Ấn tượng thứ nhất 1: Một tập thơ đẹp. Trình bày trang nhã, giản dị, nhưng không dễ dãi, bìa sang trọng và sâu sắc. Kết cấu tập thơ gồm 3 phần: Văn bản dở dang (10 bài); Cái chết đen và vũ khúc trắng (12 bài); Bóng tối đang nuốt chúng ta (14 bài). Lúc đầu tôi cứ ngỡ những bài thơ được sắp xếp theo thứ tự thời gian sáng tác, nhưng không phải. Có lẽ đây là tính kết cấu nội tại của tác phẩm, đồng thời ngụ ý rằng tác giả sẽ có nhiều sáng tác thơ hơn!

Ấn tượng thứ 2: Chất vấn thói quen là hơi thở của cuộc sống, giàu tính hiện thực, dĩ nhiên là hiện thực xuyên qua lăng kính của ý thức sáng tạo. Ngay trong bài đầu tiên - Mẹ gánh ước mơ, ta có thể nhận diện được điều đó:

Mẹ quảy mẹ chạy
cắc bụp cắc đùng
người ngã sau lưng
người chúi trước mặt

Tuổi thơ tôi trên thúng gióng tản cư
mẹ gánh ước mơ chạy qua mùa loạn lạc

Đó là tiếng súng và cảnh nhân dân ta chạy giặc thời chống Mỹ. Hình ảnh người mẹ mở đầu tập thơ thật có ý nghĩa sâu xa. Phan Hoàng không đóng khung hình tượng người mẹ trong sân nhà, trên mảnh vườn mà mở rộng không gian hiện thực để người đọc có thể nhận ra một thời gian khó của thời đại:

Bàn chân trần rễ tre toé máu
thúng gióng gió đánh hụt hơi
mẹ đặt con ngồi dưới hố bom khét bầm thân đất
ngoái cổ ngóng về đồng làng tan hoang mồ mả ông bà

Gỡ nón quạt mùi bom
bóng mẹ che tầm đạn
âu yếm con mẹ khóc
bập bẹ mẹ con cười
nụ cười con thơ
                    mạnh hơn
                                tiếng gầm đại bác
nụ cười gieo vào lòng mẹ hạt giống hy vọng
đồng làng bình yên gặt những mùa sau…

Viết về người mẹ rất dễ mà rất khó vì có nhiều hình tượng người mẹ thành công trong thơ Việt Nam. Nhưng phải nói Mẹ gánh ước mơ là một bài thơ hay, không dễ trộn lẫn, hình tượng người mẹ rất thật, động đạt, có hồn, tràn đầy sức sống.

Chính tư duy mở rông biên độ đối tượng miêu tả khiến thơ Phan Hoàng luôn giàu giẫy chất hiện thực. Dù đối tượng ấy là cái gì rất riêng rẽ của nhà thơ. Tôi nghĩ Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc khởi điểm từ việc chào đời đứa con của mình, nhưng đối tượng khởi điểm ấy không bị cô lập trong một không gian hạn hẹp của ngôi nhà riêng tư mà được mở cửa và chuyển hoá thành ngôi nhà của “n… tôi”, “ngôi nhà mang gien giao chỉ”.

Hơi thở cuộc sống trong Chất vấn thói quen bắt đầu từ người mẹ, đến sự chào đời của đứa con và toả rộng tới muôn nẻo của hiện thực:

Đường cao tốc
dựng
tường bê tông
đồng vắng
gió nội ngoại tình mất trắng mùa xanh

                       (Ly hương gió)

Và “chữ nghĩa thị trường”:

Ai đầu tư cổ phần tri âm
văn chương tình nguyện liên doanh tri kỷ
chữ nghĩa thị trường xuống chó lên voi

                    (Chữ nghĩa thị trường)

Có thể nói hiện thực cuộc sống là nỗi ám ảnh trong thơ Phan Hoàng. Phải chăng điều kiện nhà báo đã làm cho thơ anh giàu có hơn. Ta đọc thấy ba bài thơ viết về Cần Giờ đặt liên tiếp nhau như một sự bủa vây, không thể không nói, không thể không viết, không thể không làm thơ:

Lãnh hải ập trận cuồng phong
ngư dân tay không chống chọi từng cơn áp thấp

Các ngôi sao cao giọng chỗ ngủ thiếu tiện nghi
rừng duyên hải trầm tư không quen thuỷ triều chữ nghĩa

Nâng ly rượu trắng canh khuya
nhà thơ quèn trong tôi
bất lực tiếng gà xóm chài báo thức

                     (Cần giờ bất lực)

Còn đây là bài Cần Giờ ngơ ngác:
Hãy thử tưởng tượng
những con khỉ nhảy nhót bên nhau
không cần giờ
Chúng ta khác gì những con khỉ?
chúng ta khác gì những con sấu?
chúng ta khác gì những con muỗi?
chúng ta khác gì
không cần giờ…

Một bạn thơ trẻ ngơ ngác
dọc ngang rừng ngập mặn
trong mỗi mắt lá tràm
trong rễ bần rễ đước
đâu đâu cũng ngây ngây mùi máu lẫn mùi bùn 

Trong ba ngày liên tiếp, Phan Hoàng có ba bài thơ về Cần Giờ đầy ấn tượng mà Cần Giờ ngơ ngác là một bất ngờ đối với tôi. Tôi nghĩ chỉ có tắm mình trong hiện thực cuộc sống, thở hơi thở cuộc sống, nhà thơ mới có tứ thơ vượt lên chính mình: “Chúng ta khác gì những con khỉ?/ Chúng ta khác gì những con sấu?/ Chúng ta khác gì những con muỗi?”.

Còn trong bài Cần Giờ lặng im, hiện thực cuộc sống lắng đọng thành nỗi đau:  

Và còn những nỗi đau mà ta không bao giờ chạm được
nỗi đau đau đến lặng im

Lịch sử tầng tầng mỏ quặng số phận
văn học lọc cọc đóng nọc thủ công
Tập thơ Chất vấn thói quen của Phan Hoàng

Ấn tượng thứ 3: Cảm hứng mạnh mẽ, cuồn cuộn làm nên tính cách của Chất vấn thói quen. Theo một định nghĩa kiểu Mỹ, “Thơ là tiếng kêu khi được 1 triệu đôla và khi đánh mất số tiền đó”. Nghĩa là tiếng nói của cảm xúc mãnh liệt mới là tiếng nói thật sự của thơ. Cảm xúc trong Chất vấn thói quen là cảm xúc dâng trào, cảm xúc lan toả và cảm xúc lắng đọng kết hợp với mạch tư duy sắc sảo “làm nên giọng thơ hào sảng và nhịp thơ va động thanh âm không theo một bài bản thói quen” (Trần Nhã Thuỵ, Tuổi Trẻ, thứ hai 27.2.2012). Có lẽ nhờ cảm xúc ấy và ý thức sáng tạo mạnh mẽ, Phan Hoàng thoát khỏi sự lúng túng trong hình thức thơ. Trên một số báo hiện nay, có hiện tượng thơ lục bát bị ngắt dòng theo kiểu phi lục bát để có hình thức thơ tự do. Đó là dấu hiệu lúng túng về hình thức của người làm thơ. Nhưng điều nguy hiểm hơn là vô tình chúng ta phá vỡ kết cấu mỹ học của thể thơ thuần tuý Việt Nam. Nếu thơ Đường của Trung Quốc chọn kết cấu mỹ học đối xứng, thơ Haiku của Nhật xây dựng theo kết cấu mỹ học phản đối xứng thì thơ lục bát Việt Nam kết tinh hai vẻ đẹp đó để làm nên mỹ học độc đáo của mình. Đó là quá trình tiếp nhận và sáng tạo, đề kháng và phản kháng của văn hoá Việt Nam để không bị đồng hoá.

Trở lại với Phan Hoàng, cảm xúc dâng trào đã làm nên Cơn bão ký tự mới:

Cơn bão đưa tôi vào thượng tầng khí quyển
Say điệu luân vũ thiên nga
Lá rừng hoá than trở về xanh cành lộc mới
Đá bí mật mở dần pho ký tự núi lửa

Còn cảm xúc lan toả đã viết thành Cái chết đen và vũ khúc trắng:

Mang một vẻ đẹp khác nàng đến thế giới này
Mang một tinh thần khác nàng đến thế giới này
Mang một thông điệp khác nàng đến thế giới này
Trắng. Đồng phục trắng
Trắng. Da thịt trắng
Trắng. Năng lượng trắng
Trắng. Khát khao trắng
Trắng. Vũ khúc trắng

Trái đất không thể bảo vệ mình trước lỗ đen những nguy cơ
Bao em bé châu Phi chết đói chết khát chết đạn chết đen trên những ngả đường không ánh sáng
Bao cụ già Nhật bản chết chìm trong sóng thần đen sạm phóng xạ hạt nhân

Và cảm xúc lắng sâu:

Tôi đang ở đâu cây bút mang đầy danh hiệu sứ mệnh?
Cây bút vô cảm trước thân phận dân nghèo, im lặng trước lãnh thổ đe doạ ngoại xâm, bất lực trước cái ác trá hình nhũng nhiễu!

Tôi đang ở đâu cây bút mang đầy danh hiệu sứ mệnh?
Tôi đang ở đâu?
Ở đâu?

                         (Tôi đang ở đâu?)

Không phải mỗi sáng tác được hình thành từ một dạng cảm xúc mà các dạng cảm xúc trên giao thoa, hội tụ để tạo nên dòng cảm hứng định hình bài thơ. Về phương diện này có thể nói sự ra đời của tác phẩm thơ giống như sự chào đời của một sinh mệnh con người. Tinh trùng cảm hứng, khoái cảm gặp cái trứng tư duy tạo nên sự thụ tinh nghệ thuật. Và “ngoại hình” bài thơ được xác lập trong quá trình tiến triển của sự hình thành.

Ấn tượng thứ 4: Cái tôi trữ tình trong Chất vấn thói quen rất rõ nét, sắc cạnh và rất chân thật.

Trước hết đó là cái tôi luôn luôn truy vấn, truy vấn chính mình, đặt câu hỏi trước cuộc sống đúng như cái tên của một bài thơ dùng làm tựa đề tác phẩm. Những đấu hỏi trùng điệp đó làm nên tính triết lý nội tại của tập thơ. Triết lý ở đây, nếu có, không phải được biểu diễn bằng những mệnh đề mà chính là ký hiệu văn bản dấu hỏi (?). Vì bản chất của triết học là câu hỏi, những câu hỏi vô tận về con người, cuộc sống, vũ trụ:

Ốc đảo ngập tràn đức tin của con rồi sẽ
xanh hơn? Thế giới toàn cầu hoá của con rồi sẽ
tình người hơn? Và cả vũ trụ bí ẩn của con rồi sẽ…???

                                             (Ốc đảo 31.8)

Cái tôi trữ tình trong Chất vấn thói quen hiện lên góc cạnh sắc nét của sự trăn trở tìm kiếm, khám phá, sáng tạo, khát khao đi tìm cái mới:

Giữa những cơn sóng tín hiệu
tôi tìm thấy gương mặt lênh đênh tôi
đúng tôi
đớn đau tôi
thăng hoa tôi
trong những văn bản dở dang
văn bản vô ngôn
văn bản không khuôn thước
văn bản không văn bản
Làm sao bùng lên nhiều cơn hồng thuỷ
dâng sóng tín hiệu đỉnh khoái
cuốn phăng những kho văn bản mộng mị ngủ muộn
những kho văn bản hư danh giả dối
khủng bố dòng chảy tự do ngôn từ
ám sát khát khao chồi xanh ý tưởng
đe doạ cánh rừng nguyên sinh rực hương thiếu nữ căng tràn văn bản nhựa sống tương lai

                                                            (Văn bản dở dang)

Ý thức đó khiến thơ Phan Hoàng vận động và sống động như bản chất cuộc sống. Nhưng chỉ một phút lơ là, mất cảnh giác thì “thói quen” sẽ lộ diện trong những dòng thơ có vẻ quen quen, chẳng hạn như:

từ nguồn sữa bầu ơi thương lấy bí cùng ru hời của mẹ
cổ tích ăn khế trả vàng run run hơi thở của bà
thần thoại nhổ tre ngà đánh giặc những khuya biển thức của cha ông

                                (Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc)

Đó cũng chính là trường hợp “hạt bụi vàng” trong bài Bụi vàng Sơn Nam.

Và sau cùng là cái tôi chân thật, thèm khát không khí tự do tuổi thơ, muốn vứt bỏ những trói buộc của máy móc, của đời sống phồn tạp:

Những bài báo đặt hàng đang truy đuổi tôi
nhuận bút ứng trước đang truy đuổi tôi
như con chuột bị lũ mèo rượt tới hang cùng ngõ tận

Gục đầu lên máy vi tính
tôi thèm đứt ruột
được làm ngọn gió không đồng phục
                              không điện thoại
                              không internet
bay về mái tranh vách đất của mẹ           
cởi trần lăn lóc tắm mưa

Đọc mấy câu thơ này, tôi bỗng nhớ đến Goethe, con người vĩ đại của văn học Đức và thế giới. Một lần vào công viên, thấy một người ăn mày nằm ngủ ngon lành trên thảm cỏ xanh, ông buột miệng nói với người đi bên: “Giữa ta và người ăn mày kia, không biết ai hạnh phúc hơn ai!?” Còn trong thơ Phan Hoàng, cái tôi khao khát được làm ngọn gió tự do không chỉ dừng lại ở đó.

Sài Gòn 2-2012
TRẦN PHÒ
Nguồn: TT&VH

___________________

Tác giả Trần Phò là nhà nghiên cứu, dịch giả, nhà giáo, nguyên giáo viên chuyên văn Trường PTTH Lê Hồng Phong và Lê Quý Đôn, TP.HCM.


XIN XEM THÊM:

·         TRÍ NHỚ CỦA DÂN TỘC
·         TÔN NỊNH ĐẠI SUY
·         TIẾP THỊ BẢN THÂN
·         NỖI OAN CỦA MÔN VĂN
·         QUANH NHÀ MÁY RẠNG ĐÔNG
·         NHÀ VĂN LÀM NGHỀ GÌ?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều