Trong buổi lễ trao giải "Elle Style Awards
2019" vừa rồi, có một sự cố mà bất kỳ ai chứng kiến cũng phải bật cười. Ở phần trao giải hạng mục "Người
có phong cách cá nhân ảnh hưởng trên mạng xã hội", hai nhân vật được
mời lên sân khấu xướng tên người đoạt
giải là nhà thiết kế Công Trí và ngôi sao giải trí Hari Won. Khi đọc tên Châu
Bùi, Hari Won đã đọc chữ "Bùi" thành một từ rất thô và lập tức,
đoạn video đó lan tỏa trên mạng và để lại rất nhiều ý kiến trái chiều.
Thực tế, có hai lý do có thể dẫn tới việc Hari Won đọc chữ
"Bùi" thành một chữ tục tĩu và gây cười. Thứ nhất, có khả năng cô gái Hàn - Việt này chưa nói sõi tiếng
Việt (và đúng là Hari Won chưa nói sõi
tiếng Việt) nên đã không thể phát âm chuẩn xác chữ "Bùi". Hoặc thứ
hai, hoàn toàn có thể tồn tại nguyên nhân do hay đùa giỡn với nhau kiểu đó lúc riêng
tư và Hari Won bị "nhịu" ở
trên sân khấu.
Lý do
nào đi nữa, rất khó có thể trách Hari Won. Nếu cô nói chưa sõi tiếng Việt, đó
là hoàn cảnh chứ không phải cô không muốn nói sõi. Nếu cô nói "nhịu"
thì đó cũng chỉ là một tai nạn nhỏ mà thôi. Ở đời ai mà chẳng từng gặp tai nạn
khiến bản thân phải xấu hổ tới mức muốn độn thổ. Vì một tai nạn mà chỉ trích,
hay nâng quan điểm, thì rõ ràng là thái quá về độ khắt khe.
Hơn nữa, trong buổi lễ trao giải ấy, Hari Won cũng chỉ xuất
hiện trong vai trò người công bố giải
thưởng chứ không phải một người dẫn chương trình. Bởi vậy, thể tất cho
cô gái ấy là điều rất nên làm.
Song, từ tai nạn của Hari Won trên sân khấu "Elle
Style Awards 2019", chúng ta có thể nhìn ra một thực trạng khác trong các
chương trình giải trí, đặc biệt
là các chương trình được phát
sóng trên truyền hình. Đó chính là câu hỏi "tiêu chí lựa chọn người dẫn chương trình (MC) hiện nay
đang là gì và tiêu chí ấy liệu có giúp các chương trình giới thiệu được những MC thực sự phù hợp?".
Tại sao lại đặt ra câu hỏi đó khi có tai nạn nhỏ của Hari
Won? Đơn giản, bởi chính Hari Won là người cũng đang được chọn mặt gửi vàng để dẫn nhiều chương trình hiện
nay. Và ở khía cạnh này, rõ ràng chúng ta phải thừa nhận rằng "Hari Won
không phải là một người dẫn chương trình
tốt".
Đòi hỏi đặc thù cho nghề dẫn chương trình là khá nhiều, song cơ bản nhất, một người dẫn chương trình
vẫn cần sự hoạt ngôn và khả năng ăn nói lưu loát, rõ chữ, mạch lạc về nghĩa để
khán giả có thể hiểu được ý đồ của chương trình.
Như vậy, lựa chọn
một người không nói sõi tiếng Việt dẫn một chương trình thuần túy tiếng Việt là một lựa
chọn sai lầm, và thiếu khôn ngoan. Tất nhiên, trong một vài trường hợp cá biệt nào đó, cần mang lại sự bất ngờ
và thú vị, nhà tổ chức có thể chọn một người nước ngoài nói tiếng Việt lơ lớ dẫn
chương trình bằng tiếng Việt. Song, nếu việc đó diễn ra thường xuyên và
đều đặn, nó sẽ dần trở nên lố bịch vì sự thiếu tôn trọng khán giả, những người có nhu cầu hiểu thông điệp được đưa ra
bởi một MC chuyên nghiệp.
Vậy thì
tại sao những MC không thể nói rõ ý như Hari Won lại được lựa chọn? Dễ hiểu, ở vào thời đại thực dụng này, nhà sản
xuất không còn quan tâm nhiều đến năng lực xướng ngôn của MC nữa mà thay
vào đó, cái họ cần là "SỐ".
Số ở đây có nghĩa là MC ấy có lượng theo dõi, tương tác ra sao trên mạng xã hội, mà điển
hình nhất là Facebook và Youtube. Nhà sản xuất cần những con số đó bởi họ muốn
đảm bảo chương trình sẽ có sức lan tỏa mạnh trong đại chúng ở thời đại truyền
thông kỹ thuật số này.
Bởi vậy, chuyện kiếm tìm những MC có năng lực, hiểu biết
sâu và rộng đã ngày càng trở nên hiếm hoi hơn. Đơn cử, ngay cả một MC lừng danh và có trình độ như nhà báo Lại
Văn Sâm gần đây cũng phải tham gia chơi mạng xã hội bởi những con số ấy mới là
thứ bổ sung tuyệt vời nhất cho tài năng của anh ở thời đại hôm nay.
VĂN ĐOÀN
Theo VNCA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét