Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2019

NỖI OAN CỦA MÔN VĂN

Tôi hay đọc sách từ nhỏ, nhưng những năm ở cấp I, vẫn sợ nhất là văn miêu tả.

Tôi chỉ bắt đầu yêu những tiết Văn từ lúc vào cấp II. Trường Trung Tự, Hà Nội, hồi ấy còn dáng dấp trường làng, không có thư viện để đọc sách văn học. Cô Hương, giáo viên chủ nhiệm kiêm cô dạy Văn đã cho chúng tôi những giờ học rất khác.

Tiết học Giáo dục công dân được thế bằng những buổi đọc truyện "Những tấm lòng cao cả" của Edmondo De Amicis. Còn trong giờ Văn, cô luôn dành 15 phút cuối đọc từng chương của truyện "Totto-chan, cô bé bên cửa sổ" và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác cho cả lớp nghe. Tới bây giờ, dù đã qua một phần tư thế kỷ, tôi vẫn nhớ về các nhân vật của "Những tấm lòng cao cả", từ cậu bé Garone hào hiệp, luôn giúp đỡ mọi người tới Giulio lén thức đêm giúp bố làm việc.

Tôi đã luôn mơ mộng về ngôi trường đặc biệt Tomoe và phong cách giáo dục của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku, nơi học sinh luôn được tôn trọng và được tự do phát huy cá tính, khả năng bẩm sinh của mình. Tôi đã ấn tượng với những câu chuyện nhỏ này còn hơn cả các tác phẩm đã học trong 12 năm đèn sách.

Tôi đã sợ văn miêu tả hồi cấp I vì tôi không thích mèo, không thích lợn và cũng không giỏi quan sát cây cối. Trong khi bài tập thường xuyên yêu cầu tả loài vật và các loại cây. May thay lên cấp II, tôi được gặp cô Hương. Nhưng khi hết cấp III, nỗi sợ môn Văn trở lại khi tôi luyện thi khối D vào đại học. "Lò" luyện thi ở khu vực Đại học Bách Khoa nêm cứng học sinh cả ngày đông giá rét hay mùa hè bức bối. Giờ học bắt đầu từ 7h30 sáng. Chủ lò luyện thi đuổi muỗi bằng cách hun những lò than. Chúng tôi ngồi chen chúc trong những phòng học thiếu sáng, ngáp ngắn ngáp dài.

Thầy đi đi lại lại, đọc, phân tích hết tác phẩm này tới tác phẩm khác, mọi người thi nhau chép. Tôi thường xuyên ngủ gật, giật mình tỉnh dậy lại cắm cúi chép một cách vô thức. In vào đầu tôi là công thức "yêu căm chiến lạc" - tức các nhân vật và tác phẩm cần hội tụ đủ bốn phẩm chất: yêu nước, căm thù giặc, tinh thần chiến đấu và lạc quan. Thầy bảo, mỗi tác phẩm sẽ lên án một giai cấp nào đó, ca ngợi một thành tích nào đó. Và cái giỏi của nhà văn là nêu bật được một điển hình, hoặc đề cao chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng.

Cách "luyện thi" Văn ấy rất xa lạ với lối cảm thụ văn chương mà tôi được dạy từ ông nội - nhà văn Bùi Hiển. Qua những cuộc chuyện trò thường ngày với ông, tôi hiểu rằng các nhân vật trước khi là anh hùng, là điển hình, họ phải được, phải là những con người bình thường trước đã. Như cu Tý trong "Ngày công đầu tiên của cu Tý", là em bé vật nhau với cu Tèo, "đú đởn như con hai chó con", "đặt mình là ngủ tít thò lò, chốc chốc lại chép miệng nhai tộp tộp như người lớn" trước khi ngượng nghịu dắt trâu ra đồng.

Có lần tôi nghêu ngao đọc bài thơ nổi tiếng ca ngợi sự hy sinh của một em bé giao liên trong chiến tranh, ông kể cho tôi nghe hồi ở chiến trường Thừa Thiên chống Pháp, bộ đội đã hội ý với nhau cần chấm dứt việc đưa các cháu nhỏ 14, 15 tuổi làm liên lạc trong các trận đánh. Ông cũng chính là người đã nhiều lần góp ý với các đồng nghiệp ở Hội Nhà văn, rằng ông không thích hình tượng chị Út Tịch mang bụng "chang bang" đi đánh giặc. Theo ông, tinh thần của chị rất đáng quý, nhưng đáng lẽ chồng chị hoặc anh em đồng đội phải can ngăn.

Ông tôi chăm viết nhật ký. Ông ghi chép liên tục hơn 60 năm, từ những năm 1940 khi còn thanh xuân cho tới lúc sức khỏe yếu không thể viết được nữa. Ông rất thích quan sát những con người bình thường nhưng luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống. "Gắng hiểu thêm con người, vấn đề cuối cùng vẫn là ở đó", ông dặn dò các thành viên trong nhà có ý nối nghiệp mình.

Một cách tự nhiên, học Văn, đọc sách đối với tôi là để hiểu thêm về con người, để học cách làm bạn với mọi người, với những niềm vui và cả những uẩn khúc của họ. Thời bao cấp khốn khó, có lần khu nhà tôi bắt được một tên trộm. Các thanh niên nhanh tay trói ngay anh ta và hăm he định đánh. Ông tôi thấy ồn ào liền chạy từ gác tư xuống. "Dừng tay lại. Các cháu không được đánh người ta. Nếu anh này đói quá, mình cho anh ta chút cơm rồi thả người ta đi", ông nói với mọi người. Từ cuộc sống cho tới sáng tác, ông truyền cho tôi và những thành viên trong gia đình tinh thần hướng thiện, hướng bản thân và những người xung quanh về tin yêu và hy vọng.

Bảo, con trai út của tôi tuần trước nhập học lớp năm. Cháu vẫn tự chuẩn bị sách vở cho khai giảng mới, riêng năm nay có ngoại lệ, tôi dành mươi phút ngồi với cháu. Trang 174 trong sách Tiếng Việt lớp năm có bài chính tả "Chợ Ta-sken" của nhà văn Bùi Hiển, ông nội tôi. Tôi chỉ cho cháu và nhắc lại kỷ niệm: "Anh Hai từng viết chính tả bài này của cụ được 9 điểm. Con thi đua với anh nhé". Bảo vui vẻ nhận lời "thách đấu". Thời tôi đi học, sách giáo khoa lớp sáu còn có bài "Ngày công đầu tiên của cu Tý", cũng do ông nội sáng tác. Tôi còn nhớ cảm giác hồi hộp, mong chờ từng ngày cô giáo dạy tới truyện đó.

Đề thi Ngữ Văn của kỳ thi THPT quốc gia vẫn yêu cầu phân tích về thể thơ, cách sử dụng phép điệp, bút pháp, hình tượng văn xuôi, những kỹ năng của các nhà phê bình, lý luận văn học chuyên nghiệp. Không ngạc nhiên khi số thí sinh đạt điểm 1 trở xuống môn Ngữ Văn năm nay cao gấp 2,5 lần năm 2017 và gấp 1,6 lần năm 2018.

Môn Văn sẽ tiếp tục là nỗi khiếp sợ với nhiều thế hệ học sinh khi nó xa rời chức năng chân chính của văn học: giúp ta hướng thiện, giúp khám phá những vấn đề phức tạp của xã hội và những bí ẩn trong tâm hồn con người. Dường như đang có sự lẫn lộn giữa việc học Văn để có kỹ năng viết tốt và học Văn để tưới tắm cho nhận thức, thẩm mỹ và nhân cách của học trò.

Môn Văn không có lỗi. Nó cần được giải oan. Một nền giáo dục còn mơ hồ về mục đích sẽ biến không chỉ môn Văn mà còn nhiều môn học khác thành gánh nặng cho học sinh chứ không phải là hành trang vào đời. Chúng ta có quyền đòi hỏi và chờ đợi những người đang chủ trì việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ nhìn vào những điểm 1 của môn Văn để kịp thời điều chỉnh nội dung và cách học, để mỗi mùa khai giảng lại là một mùa vui.

CẨM HÀ
Theo VNEX



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều