Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019

QUANH NHÀ MÁY RẠNG ĐÔNG

Ở Sân bay Biên Hoà, tôi gặp những người giận dữ vì hơn 40 năm qua không ai bảo họ biết dioxin là gì, có ở đâu và làm sao phòng tránh.

Sân bay Biên Hòa từng là nơi tập kết các thùng chất độc da cam và các chất diệt cỏ được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Đây được xem là điểm nóng ô nhiễm dioxin nghiêm trọng nhất tại Việt Nam và thế giới.

Mức phơi nhiễm với dioxin của người dân sống xung quanh sân bay có thể lên tới 60,4 đến 102,8 pg/kg cân nặng cơ thể/ngày nếu họ tiêu thụ các thực phẩm được nuôi trồng và đánh bắt trong và xung quanh sân bay. Mức tiêu thụ hàng ngày chịu đựng được theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 1-4 pg/kg cân nặng cơ thể/ngày.
Năm 2007, khi tham gia chương trình can thiệp giảm thiểu nguy cơ sức khoẻ do dioxin trong thực phẩm cho người dân ở đây, tôi đối mặt với thực tế ngỡ ngàng. Thời điểm đó, đã có rất nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước công bố sân bay Biên Hoà là điểm nóng dioxin.

Nhưng chúng tôi phỏng vấn ngẫu nhiên 400 người dân sống ở đó, rất ít người biết họ đang sống ở "điểm nóng", phần lớn không biết dioxin là gì, có ở đâu trong môi trường, vào cơ thể người bằng đường nào, gây ảnh hưởng gì tới sức khoẻ và họ có thể làm gì phòng tránh. Họ chỉ lo lắng khi thấy người này bị ung thư, người kia sinh con dị tật. Tôi từng đến thăm một gia đình, 5 trong số 6 đứa trẻ sinh ra bị dị tật.

Sau khi có các hoạt động truyền thông về dự phòng phơi nhiễm cho cộng đồng, nhiều người dân bày tỏ họ rất biết ơn vì thông tin hữu ích. Nhưng cũng có những người lớn tuổi giận dữ. "Tại sao hơn 40 năm qua, không ai nói gì với chúng tôi?", câu hỏi của một người đàn ông làm tôi ám ảnh mãi. Ông bảo gia đình chưa bao giờ nhận được thông tin phổ biến kiến thức, cảnh báo, hướng dẫn gì từ phía chính quyền và vẫn sinh hoạt bình thường trong nhiều thập kỷ qua. Nhiều người vẫn chăn thả gà vịt, trâu, bò, bắt cua ốc, câu cá về ăn và đem ra chợ bán.

Tôi nhận ra lỗ hổng rất lớn trong công tác quản lý Sức khoẻ môi trường tại Việt Nam. Ở các nước phát triển, cơ quan quản lý và nhà chuyên môn có nhiệm vụ đánh giá nguy cơ hoá học, sinh học, vật lý trong môi trường tác động thế nào tới sức khoẻ cộng đồng để áp dụng các biện pháp truyền thông và quản lý nguy cơ. Các cán bộ được đào tạo về chuyên ngành Sức khoẻ môi trường được rải từ trung ương tới hội đồng địa phương. Còn ở Việt Nam, chuyên ngành này còn quá mới.

Trong sự cố cháy nhà kho Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông, Hà Nội, các thông tin không thống nhất về việc phát thải thuỷ ngân ra môi trường do vụ hoả hoạn một lần nữa đặt ra nhu cầu: chính quyền, cơ quan chuyên trách phải kịp thời đánh giá, truyền thông nguy cơ sức khoẻ môi trường để bảo vệ người dân.

29/8, một ngày sau sự cố, UBND phường Hạ Đình đã ban hành văn bản hướng dẫn xử lý vệ sinh môi trường sau vụ cháy. Tuy nhiên, văn bản này bị thu hồi vì "không đúng thẩm quyền và chưa đủ cơ sở". Các thông báo nối tiếp, đến giờ này, vẫn chưa trả lời hết thắc mắc của người dân.

Ví dụ như ở Úc, nếu có cháy nhà máy, chuyên gia Sức khoẻ môi trường sẽ đánh giá nhanh nguy cơ. Ví dụ: trong nhà máy có những vật liệu, sản phẩm, hoá chất gì, lượng bao nhiêu trước khi xảy ra hoả hoạn; điều kiện thời tiết (gió, mưa, nhiệt độ, độ ẩm...) trong và sau vụ cháy, nguy cơ lan toả các hoá chất độc hại và phạm vi ảnh hưởng thế nào; vị trí của nhà máy, khoảng cách đến khu dân cư, đặc điểm của dân cư sống xung quanh, tổng số công nhân... để ước lượng sơ bộ số người bị tác động và nhóm quần thể có nguy cơ cao; đánh giá nhanh chất lượng môi trường; ghi nhận nhanh các triệu chứng cấp tính ban đầu.

Dù chưa thể đánh giá đầy đủ nguy cơ, nhưng với thông tin sơ bộ đó kết hợp với kinh nghiệm chuyên môn, cán bộ này có thể đưa ra khuyến cáo ban đầu và công bố rộng rãi ngay tới cộng đồng để dự phòng phơi nhiễm, giảm thiểu nguy cơ sức khoẻ. Việc phát ngôn được thực hiện bởi người có thẩm quyền để đảm bảo thông tin được chuyển tải chuyên nghiệp, chính xác, dễ hiểu, có cơ sở khoa học và tránh gây nhiễu loạn. Người phát ngôn này cũng cần cởi mở và trung thực về những điều chưa chắc chắn – điều này rất quan trọng với tâm lý của công chúng khi xảy ra tình huống khẩn cấp.

Và một nguyên tắc tối kỵ là, khi chưa có kết quả đánh giá nguy cơ đầy đủ thì không nên đưa ra các kết luận mang tính khẳng định ngay là "không ô nhiễm", "đã an toàn với người dân", "an toàn với công nhân lao động", bởi còn rất nhiều hoạt động đang được tiến hành tiếp theo như lấy mẫu môi trường đất, nước, không khí, thực phẩm, mẫu sinh phẩm... để đánh giá nguy cơ ở mức đầy đủ và chính xác hơn.

Việc đánh giá này thường mất nhiều thời gian, cần được xét nghiệm bởi các thiết bị hiện đại trong phòng thí nghiệm. Liên tục sau đó, cơ quan chức năng cần cập nhật thông tin cụ thể, chính xác tới cộng đồng khi có thêm bằng chứng khoa học và cho đến khi đã đủ cơ sở để kết luận "đã an toàn với người dân".

Khi xảy ra sự cố hay thảm hoạ môi trường, bối cảnh tình hình thường rất rối ren và tâm lý cộng đồng thường rất hoang mang lo lắng, sinh hoạt bị đảo lộn. Do đó, các cơ quan quản lý cần có các kịch bản cũng như phối hợp diễn tập trước để sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp. Không thể và càng không nên đưa ra các thông điệp thiếu nhất quán, chung chung, đại khái, vội vàng khẳng định chắc chắn về nguy cơ khi chưa có số liệu. Nó chỉ khiến người dân thêm bán tín bán nghi và lo lắng.

Truyền thông về nguy cơ sức khỏe môi trường với cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chính quyền, từ phường xã tới cấp cao hơn. Nếu được làm đúng, dựa trên bằng chứng khoa học, có trách nhiệm sẽ giúp nhân dân nhận thức đúng, giảm số ca mắc bệnh, tử vong và tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Nếu không, nó chỉ tạo cơ hội cho những lời đồn đại, sự bất bình và mất mát lòng tin.

TRẦN THỊ TUYẾT HẠNH
Theo VNEX




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều