Thứ Ba, 3 tháng 9, 2019

NHÀ VĂN LÀM NGHỀ GÌ?

Nhà văn làm nghề gì? Câu hỏi đặt ra có vẻ hơi lạ tai, nhưng lại không mâu thuẫn chút nào hết. Đa số các nhà văn, nghề chính của họ không phải là viết văn, mà là một nghề hoàn toàn khác, hoặc trước khi đến với văn chương, họ đã làm vô số những nghề rất xa với việc viết.

Raymond Carver là một tác giả truyện ngắn lừng danh của nước Mỹ. Trước khi đến với văn chương và trong giai đoạn đầu, Raymond Carver làm bảo vệ cho một bệnh viện. Nhà văn quá nghèo, lúc nào cũng trong tình trạng thất nghiệp, kiếm được một chân bảo vệ bệnh viện là đã sung sướng nhất đời. Vì làm bảo vệ theo ca, những lúc rảnh rỗi, ông liền tranh thủ viết.
Từ trái qua: Các nhà văn Gacía Márquez, Haruki Murakami và Coetzee.

Vừa  gác đêm, vừa nuôi mộng văn chương nhưng Raymond Carver đã nhanh chóng thành công. Khi có người hỏi sao ông không viết tiểu thuyết mà chỉ viết truyện ngắn, Raymond Carver đã trả lời rằng, ông quá nghèo và đâu có nhiều thời gian.

Với truyện ngắn, ông có thể quay vòng nhanh, viết xong đăng báo có tiền nuôi gia đình ngay, chứ đợi hoàn thành một cuốn tiểu thuyết thì sẽ... chết đói! Và cứ nghĩ mà xem, với một anh bảo vệ bệnh viện thì lấy đâu ra thời gian để viết một cuốn sách thật dài, truyện ngắn là thể loại nhà văn canh tác phù hợp trong bối cảnh ấy.

Nhà văn Haruki Murakami, người Nhật Bản, trước khi viết văn đã từng làm chủ một quán bar chuyên chơi nhạc jazz, điều này giải thích cho việc trong các tác phẩm của Murakami có rất nhiều âm nhạc và tác giả thường cho nhân vật nghe một bản nhạc gì đó, ưa thích là nhạc jazz. Có lẽ dấu ấn của một thời làm một công việc khá xa lạ với văn chương đã giúp ích cho Murakami. Những đoạn ông miêu tả quán bar trong các tiểu thuyết mang nhiều dấu ấn kinh nghiệm và cảm xúc của một thời kinh doanh của ông.

Có lẽ làm báo là công việc gần gũi với văn chương nhất của các nhà văn. Gacía Márquez làm báo trong nhiều năm và là một tay cự phách. Ông là cây bút viết phóng sự nổi tiếng và từng làm phóng viên thường trú ở nước ngoài cho nhiều tờ báo, trong đó có hãng thông tấn Prensa Latina của Cu Ba và trở thành bạn thân của Fidel Castro.

Hemingway làm phóng viên cho một báo địa phương, tờ The Kansas City Star. Dù thời gian làm cho tờ báo này rất ngắn nhưng đã ảnh hưởng rất lớn đến văn phong của Hemingway trong suốt sự nghiệp của ông. Nếu ai đã từng đọc các tác phẩm nổi tiếng của Hemingway như “Giã từ vũ khí”, “Chuông nguyện hồn ai”, “Ông già và biển cả”... sẽ nhận thấy văn Hemingway thường là các câu ngắn, mở đầu cũng ngắn, ưa dùng thứ tiếng Anh ấn tượng, là một phong cách rất gần gũi với báo chí. Lừng lẫy ở sự nghiệp văn chương với giải Nobel năm 1954, Hemingway còn được vinh danh là nhà báo giỏi nhất trong 100 năm của tờ The Kansas City Star.

Ở Việt Nam, rất nhiều nhà văn đồng thời là các nhà báo. Thời tiền chiến, các nhà văn như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng, Ngô Tất Tố... đồng thời cũng là các nhà báo lừng danh. Vũ Trọng Phụng được phong danh hiệu “ông vua phóng sự đất Bắc” với những bài viết đi sâu vào tìm hiểu đời sống nghèo khó của người dân đô thị.

Ngoài một sự nghiệp văn chương với những tác phẩm lừng danh như các tiểu thuyết “Số đỏ”, “Giông tố”... gia sản báo chí của Vũ Trọng Phụng cũng rất đáng kể với các tập phóng sự “Cạm bẫy người”, “Kĩ nghệ lấy Tây”, “Cơm thầy cơm cô”...

Còn Vũ Bằng vừa viết văn, vừa là phóng viên kiêm ông chủ của nhiều tờ báo có tiếng. Ông yêu những tờ báo của mình đến mức, khi không có giấy in báo, Vũ Bằng đã về nhà mẹ, nài nỉ bà cho vay tiền mua giấy để in báo. Với sự đam mê và năng nổ, cùng với tài năng, Vũ Bằng đã trở thành một trong những nhà báo xuất sắc và năng động nhất của báo chí Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX. Về nghề báo, ông có một tập hồi kí rất có giá trị: “Bốn mươi năm nói láo”.

Ngô Tất Tố xuất thân là một nhà Nho nhưng ông viết báo cho rất nhiều tờ báo khác nhau và đã viết hàng nghìn bài báo, nổi trội nhất là mảng tiểu phẩm và phóng sự với gần 30 bút danh, có người nói là hàng trăm bút danh, điều đó đã cho thấy sức làm việc, sức viết đáng nể của tác giả “Tắt đèn”, “Lều chõng...”.

Đến sau này, thời chiến tranh, các nhà văn đồng thời là nhà báo, chiến sĩ cũng không hiếm. Nhà văn Nguyễn Thi khi công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã xung phong vào Nam chiến đấu và trở thành phóng viên chiến trường. Ông đã hi sinh khi cùng với một cánh quân tiến về Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Nằm trong vùng chiến tranh, những tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Thi mang âm hưởng bi tráng và hào hùng của trận mạc và hậu phương đánh giặc như “Người mẹ cầm súng”.

Nhà văn Dương Thị Xuân Quý cũng từng là phóng viên chiến trường. Từ báo Phụ nữ Việt Nam, bà vào chiến trường và trở thành phóng viên của Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ. Dương Thị Xuân Quý hi sinh năm 1969 trong một trận càn của địch ở Quảng Nam. Danh sách các nhà văn đồng thời là các nhà báo rất dài, có thể kể thêm các gương mặt đương đại như Nguyễn Quang Thiều, Sương Nguyệt Minh...

Số nhà văn xuất thân từ nghề dạy học hoặc vẫn đang là giáo viên dạy học cũng không ít. Coetzee, nhà văn người Nam Phi đoạt giải Nobel năm 2003, nổi tiếng với những tiểu thuyết “Ruồng bỏ”, “Thời đại và cuộc đời của Micheal K”, “Đợi bọn mọi”... vốn là một giảng viên đại học nhiều trường danh tiếng. Philip Roth, một nhà văn lớn của nước Mỹ, tác giả của các tiểu thuyết “Người phàm”, “Vết nhơ của người”, “Báo ứng”... cũng là một giáo sư đại học.

Ở Việt Nam, những nhà văn xuất thân từ nghề giáo còn nhiều gấp bội. Nam Cao nguyên là một “giáo khổ trường tư” và những trang viết về những anh giáo nghèo xuất hiện trong nhiều tác phẩm của nhà văn, vừa khái quát chung về giới trí thức, văn nghệ sĩ nghèo khi đó, vừa mang những nét riêng của chính cuộc đời dạy học, viết văn của tác giả, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như “Sống mòn”, “Đời thừa”...

Ma Văn Kháng nguyên là giáo viên dạy học ở Lào Cai và nhờ “văn hay chữ tốt”, đã có thời gian ông làm thư kí cho Bí thư Tỉnh ủy. Và cũng giống như Nam Cao, quãng đời dạy học này đã ghi dấu trong nhiều tác phẩm của ông. Nguyễn Huy Thiệp cũng từng là giáo viên dạy lịch sử ở Sơn La. Y Ban làm giáo viên trường Y và còn rất nhiều những nhà giáo kiêm nhà văn khác.

Nghề báo, nghề văn có thể khá gần gũi với văn chương với những khuôn mặt kể trên, nhưng cũng có những người xuất thân từ những công việc rất khác xa. Tạ Duy Anh từng là công nhân Nhà máy Thủy điện Sông Đà; Dương Hướng là cán bộ Hải quan; Hồ Anh Thái là nhà ngoại giao; Nguyễn Trí là dân giang hồ...

Quay trở lại việc đặt vấn đề ở đầu bài, tại sao các nhà văn thường làm một công việc chính và viết văn thường là nghề tay trái của họ, hoặc trải qua rất nhiều công việc họ mới trở thành nhà văn. Viết văn là nghề rất riêng biệt, hầu như không thể đào tạo được, mặc dù có những khóa học cho sự viết, nhưng đó chỉ là những hỗ trợ cần thiết chứ không có gì đảm bảo và thực tế đã chứng minh: không phải đi học viết văn là có thể trở thành nhà văn.

Có rất nhiều nhà văn chưa từng qua một trường lớp hay khóa đào tạo nào, họ viết như một năng khiếu bẩm sinh cùng với sự rèn luyện và tự học của bản thân. Đặc trưng của sự viết là không phải chỉ có cảm xúc, năng khiếu là viết được, nó còn đòi hỏi rất nhiều vốn sống, sự trải nghiệm, quan sát, đọc và suy ngẫm... Cho nên một người nào đó vốn sống càng nhiều, sự trải nghiệm càng lớn và khả năng suy nghĩ phát hiện tốt thì càng có nhiều khả năng trở thành một nhà văn.

Các nhà văn Việt Nam, do điều kiện đặc thù, có một thời gian rất dài đất nước trải qua chiến tranh nên có nhiều người xuất thân từ quân ngũ và tác phẩm của họ thấm đẫm một không khí của thời chiến và những dư âm của nó. Những nhà văn từng là người lính có thể liệt kê một danh sách rất dài, một số nhân vật tiêu biểu có thể kể tên như Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Hữu Thỉnh, Bảo Ninh, Chu Lai, Khuất Quang Thụy...

Nghề giáo, nghề báo, biên tập viên trong xã hội đương đại là một nghề gần gũi với việc viết văn. Ở nghề giáo, người viết có một môi trường tiếp xúc nhiều với chữ nghĩa và thường được khơi gợi những lí tưởng, ý tưởng về tuổi trẻ, cuộc sống và những trăn trở con người. Theo quan sát của tôi, số những người viết văn ở Việt Nam xuất thân từ nghề giáo hoặc đương kim giáo viên có một con số vượt trội.

Nghề báo thì có những đặc thù riêng, ngoài điểm tương đồng rất lớn là viết, nghề báo có một lợi thế là có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với sự kiện, nhân vật ngoài xã hội, một nguồn tài nguyên dồi dào cho sự viết và sáng tạo. Nhà báo có thể khai thác những nhân vật, sự kiện ngay cho một bài báo, phóng sự nóng hổi và ở những quãng trầm lắng hơn, sử dụng nó cho những trang văn của mình.

Còn biên tập viên văn học, những người vừa hội đủ yếu tố của chữ nghĩa, vừa được làm trực tiếp với đối tượng văn chương, sự tích lũy kinh nghiệm, niềm cảm hứng từ các tác phẩm sẽ rất dễ thôi thúc họ viết.

Viết văn là một quá trình nhọc nhằn và đòi hỏi nhiều điều kiện tự thân nếu người viết muốn tạo ra những tác phẩm giá trị. Dù làm nghề gì, xa lạ hoặc gần gũi với văn chương đều đòi hỏi một niềm đam mê, sáng tạo và nỗ lực thực sự. Con đường và cách thức đến với văn chương có thể khác nhau, nhưng điểm chung là người viết đều muốn sáng tạo ra những sản phẩm tinh thần có giá trị từ sự lao động, quan sát, suy ngẫm và trăn trở về cuộc sống của mình.

UÔNG TRIỀU
Theo VNCA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều