Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2019

VĂN PHONG ĐOÀN THẠCH BIỀN QUA CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ

“Nhà văn Đoàn Thạch Biền là một cây bút giàu kinh nghiệm trong việc sử dụng các biện pháp tu từ trong văn chương. Khảo sát một số tác phẩm của ông đã đưa đến một cảm nhận khá thú vị, đa số tác phẩm của ông đều có một điểm khá đặc biệt khi có cùng một chi tiết để mở đầu và kết thúc một câu chuyện”.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền

Văn chương dùng ngôn từ làm chất liệu để xây dựng hình tượng, phản ánh và biểu hiện đời sống. Một thực tế tồn tại trong văn chương là  mỗi một tác giả,  sẽ tái hiện trong độc giả một bức tranh sinh động về các tác phẩm của mình với những ngôn ngôn riêng. Để đưa những ngôn ngữ đó vào tác phẩm một cách thành công và lưu lại những cảm xúc không thể phai nhạt trong lòng đọc giả thì phải thông qua văn phong phù hợp. Chính cái được gọi là văn phong đó đã tạo nên sự đa sắc, dị biệt trong các tác phẩm của nhà văn Đoàn Thạch Biền, qua sự vận dụng của ngôn ngữ, nguyên tắc, quy luật lựa chọn và hiệu quả lựa chọn, cũng như việc sử dụng toàn bộ các phương tiện ngôn ngữ như các biện pháp, phương tiện tu từ ngữ nghĩa, cú pháp, ngữ âmnhằm biểu hiện một nội dung tư tưởng, tình cảm nhất định của ông .

Cũng như nhiều nhà văn viết cho tuổi mới lớn, nhà văn Đoàn Thạch Biềncó một ngôn ngữ văn chương riêng dành cho lứa tuổi này. Ở đó, ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ đối thoại và văn tả cảnh thường thể hiện thành những mẫu câu ngắn, đơn giản mà vẫn biểu đạt được các sắc thái khác nhau tạo ra một nét đặc trưng của văn phong “ông Biền”. Hơn thế nữa, đôi khi các trang văn xuôi cũng gần như thơ và thể hiện khá rõ trong nhiều tác phẩm mà đặc trưng nhất là truyện dài: Những ngày tươi đẹp.

Nét đặc sắc của ngôn ngữ trong tác phẩm của ôngthườngđược biểu hiện quaphương thức ẩn dụ trongviệc mượn những câu ‘kinh điển’(Dẫn ngữ) thường được sử dụng trong các cuộc đối thoại rất bình thường trong cuộc sống,đã đưa độc giả vào một bối cảnh quen thuộc,làm câu chuyện dễ đi vào lòng người hơn. Như vậy, nội dung trong quá trình tiếp nhận sẽ được lĩnh hội thông qua việc liên tưởng đến những “tiền giả định” là những tư tưởng, hoàn cảnh, phong thái của những nhân vật  đã biết trong các bối cảnh đó. Trong những câu chuyện của tác giả, tác dụng chính của phép dẫn ngữ này là khả năng gây cười trước vẻ lù khù, ngu ngơ của nhân vật, chẳng hạn nhưchi tiết “Tôi đành cất giọng vịt đực hát. - Là là lá... là lá la la la là..”.  Tác giả thật sự đang vẽ tranh bằng chữ. Các chữ được lặp đi lặp lại như chiếc cọ vẽ đã phác họa trong tâm trí độc giả một hình ảnh về chàng trai  cù lần , và đó cũng chính là một điểm nhấn có tác dụng chuyển hướng suy nghĩ của nhân vật chính khi hát theo là đã chấp nhận bài nhạc này sau một thời gian ‘ghét cay ghét đắng’, tạo bối cảnh cho nhân vật quan trọng thứ hai xuất hiện, đó là nhân vật nữ với phong thái tiểu thư nhưng dường như ẩn chứa một nỗi niềm tuyệt vọng, cái nỗi niềm đã đưa câu chuyện lên cao trào, cũng chính là tình tiết cảm động nhất của câu chuyện.

Đặc biệt hơn nữa là lối dẫn ngữ có sự chọn lọc, biến đổi cho phù hợp với cốt truyện, với văn cảnh và cũng làm nổi bật lên phong cách của tác giả mang đậm nét khôi hài một cách rất đáng yêu như: “Nghe cô bé trả lời, tôi biết nàng chẳng phải thuộc loại "con nai vàng ngơ ngác" mà là "con nai vàng có sừng”.

Không kém phần quan trọng là Câu giản lược thành phần chủ ngữ và cả động từ chỉ để lại phần túc từ “- Chẳng cứ gì mận. Với tính tham ăn uống của con, cái thứ gì cũng có thể làm cho con đau liệt giường.”, để nhấn mạnh bản tính ‘phàm phu tục tử’ của nhân vật nam chính, đối lập với nhân vật nữ dịu dàng, trong sáng để có thể theo đúng qui luật ‘âm dương tương sinh’, cơ sở của sự phát triển của vạn vật, của tình yêu, của vũ trụ.

Đến đây, ta thấy thêm một dụng tâm rất công phu của nhà văn trong phép tượng trưng được sử dụng trong tác phẩm  “Những ngày tươi đẹp” khitác giả mở đầu câu chuyện bằng một tên bài nhạc rất phổ biến, tượng trưngcho tình yêu, một chi tiết dẫn đến tính chất kịch tính của câu chuyện sau này. “Vừa bước chân lên lầu tôi đã nghe bản Somewhere My Love được em tôi mở volume hết cỡ. Chắc nó muốn dùng nhạc đó thay nhạc đám ma đưa tiễn tôi”. Ở cuộc đối thoại sau, khi nhân vật chính gặp được cô gái mà anh sẽ yêu, lúc này cái tên bài nhạc rất phổ biến của tình yêu này lại một lần nữa xuất hiện như một định mệnh: “Ông hãy cho em nghe bản nào ông thích nhất. Đoạn nhạc dạo vang lên khiến tôi giật mình. Tôi đã bỏ lầm băng nhạc rồi chăng? Không, trong đống băng nhạc của tôi làm gì có bản nhạc quái quỉ đó. Bản nhạc Somewhere My Love. Bây giờ tôi mới hiểu sự "páo thù" của cô em gái tôi. Con nhỏ đã tráo đổi cuốn băng của nó để tôi đem ra ngoài này nghe cho bỏ ghét. Tôi đứng dậy định tắt bản nhạc phải gió đó đi, cô bé đã gật gù nói:

- Không ngờ ông hợp "gout" với em. Em rất thích nghe bản Somewhere My Love,….
Được cô bé nhận là hợp gout, tôi không dám đính chính, đành ngồi im trên giường, bậm môi cố gắng chịu đựng cho bản nhạc của nợ qua đi.”

Thêm một lần nữa, bản nhạc định mệnh lại xuất hiện minh chứng cho tình yêu mãnh liệt của nhân vật chính: “Nhưng bức tranh vẫn chưa đủ giúp tôi liên tưởng dễ dàng đến cô bé. Tôi phải mở cassette nghe thêm bản nhạc trời đánh Somewhere My LoveNhờ bản nhạc hợp gout với cô bé (nhưng chẳng hợp gout với tôi tí nào), tôi đã hình dung ra cô bé rất rõ ràng, mỗi khi muốn nhớ đến em.”

Và rồi lần cuối cùng “Somewhere My Love” đã xuất hiện những trong tâm trạng “Thối chí. Nản lòng. Buồn rầu”. Chẳng biết làm gì hơn tôi mở cassette nghe bản nhạc phải gió Somewhere My Love. Đã buồn cho buồn luôn. Đã rầu cho rầu luôn. Thử xem buồn rầu có vật tôi chết không. Tôi nghĩ vậy và leo lên giường nằm chờ chết. Và từ “chết’ đã xuât hiện đánh dấu bước ngoặc cuối cùng của câu chuyện, nhẹ nhàng đưa đọc giả từ từ tiến ra khỏi vườn địa đàng của tình yêu để đến với  thế giới hiện thực, đó là sự chia ly, chia ly khi mà mọi viễn ảnh tốt đẹp vẫn còn ở phía trước: “Tôi buồn bã ngước nhìn trời cao lấp lánh sao. Lạy chúa, xin Ngài đừng cho cô bé lên Thiên đàng sớm. Chắc Ngài cũng hiểu cô bé còn quá nhỏ để phải lên Thiên đàng sớm.”.

Tronglời tự sự đau buồn của nhân vật chính, nhà văn  đã sử dụng phép Ẩn dụ, một biện pháptu từkhông gọi thẳng tên đối tượng biểu đạt mà để người đọc phải tự tìm đến đối tượng biểu đạt theo các quy luật của văn cảnh, của sự tương đồng logic, của thói quen thẩm mĩ, để dần phát hiện ra một nguyên nhân sâu xa của sự ra đi của người con gái luôn ngự trị trong tim anh.

Em đúng đó, trước mặt tôi, giữa nhiều người, mắt dõi nhìn những hòn bi một cách trìu mến. Đã nhiều lần tôi bắt gặp cái nhìn cảm thông với sự vật, nhưng dửng dưng với người khác của em.

Tại sao em có cái nhìn kỳ quặc đó? Phải chăng chỉ sự vật mới gần gũi với em vì chúng hiểu được vết đen trong đời sống em, đời sống mà bên ngoài đã được phủ che bằng màu hồng rực rỡMàu hồng kia chắc chắn là sự giàu có, vẻ vui tươi và những nụ cười thường nở trên môiNhưng vết đen kia có phải là cái chết không rời trong tâm hồn em như lời người mẹ nói?

Có phải  hạt giống "cây hủy diệt" đang đâm chồi trong em và thường khiến em rùng mình băn khoăn?

Đồng tiền có hai mặt, ai mà chẳng biết vậy. Trăng tròn đầy trong đêm rằm chính là lúc bắt đầu có hình dạng méo mó, ai mà chẳng biết vậy. Khi đời sống dâng cao như ngọn thủy triều thì cái chết đã nằm ở đầu sóng ùa đổ, ai mà chẳng biết vậy. Thôi dẹp ngay đầu óc phân tích tâm lý người khác bằng cách dựa vào giác quan đi. Hãy nhìn ngọn thủy triều đang dâng và quên đi sự ùa đổ...

Đoạn văn này đã thấm đượm triết lý nhân sinh, quy luật của tạo hóa, của sự hình thành và hủy diệt muôn đời không ai có thể tránh khỏi. Tuy biết vậy nhưng trong từng con người vẫn luôn tồn tại niềm hy vọng, và đó cũng là mầm sống luôn đâm chồi nảy lộc cũng như ngọn thủy triều đang dâng. Vì vậy, qua ẩn dụ tu từ, người ta có thể nhận ra những nét riêng thuộc về người sử dụng. Chỉ trong một đoạn ngắn, tác giả đã gợi lên toàn bộ trạng thái tâm lý của con người và quy luật phát triển của vũ trụ.

Tuy nhiên, có lẽ biện pháp So sánh tu từ là nhiều nhất, gợi ra hình ảnh cụ thể, những cảm xúc thẩm mĩ để tạo nên những hình ảnh sinh động của nhân vật như trong đoạn:Mặt trời mọc lơ lửng trên mặt biển xanh thẫm như một quả bóng bóng bay màu đỏ rực, đang chuyển dần sang màu vàng óng. Không khí ấm áp dần, nhưng tôi lười biếng không còn muốn nhảy xuống biển. Khi một người đàn ông đã có nhân tình rồi, chẳng ai còn thích gần gũi với bà vợ của mình, dù cho đó là bà vợ biển có tấm lòng bao la như lòng mẹ.” cũng chính là diễn tả tâm trạng đang yêu của nhân vật chính, đan xen với những sự ví von khôi hài “Tình yêu đang nhẹ nhàng như cánh bướm đến với em, em hãy mở rộng trái tim đón nó. Nếu em bỏ chạy, Ngọc sẽ buồn vì nàng có cảm tưởng tình yêu của nàng nặng nề như con voi, khiến kẻ khác phải hoảng sợ.” làm giảm nhẹ tính chất bi câu chuyện, tạo sự hoàn hảo như quy luật phát triển của vũ trụ, khởi đầu là sự hài hòa của âm và dương, của vui và buồn.

Và sự thay đổi thay đổi trong thời khóa biểu sống của nhân vật chính đã dẫn đến  một bi kịch, một niềm thương tiếc về sau, với những giọt lệ thầm vẫn còn long lanh, vương vấn mãi không nguôi, có lẽ bởi vì : Cô bé đã nói đúng "Không nên làm sai cái gì mình đã hoạch định. Chỉ cần làm sai một lần rồi sẽ sai mãi". Hôm qua, tôi đã sống sai với thời khóa biểu cũ và hôm nay tôi cũng ăn sáng sai với giờ giấc ghi trong thời khóa biểu mới. Có thật rồi tôi sẽ sai mãi?

Thậm xưng trong ước nguyện tuy ngây thơ nhưng đã thể hiện tình yêu mãnh liệt của nhân vật chính :
- Tôi sẽ kéo dài giấc mộng đến một triệu năm nữa.

- Em khỏe mạnh mãi mãi. Khỏe mạnh suốt đời. Khỏe mạnh muôn năm.

Tuy là ‘ngoa dụ’ nhưng sự thật chẳng ‘ngoa’ tí nào, mà đó là sự chân thành, sự níu giữ người yêu từ bàn tay tử thần, sự níu giữ một tình yêu để thoát khỏi một định mệnh khắc nghiệt về ‘sự mong manh của một đóa phù dung’.

Tôi” và ‘’em’’, ‘’em’’ và ‘’ông’’ là nét đặc trưng đã làm nên cái gọi là ‘văn phong Đoàn Thạch Biền’. Lối xưng hô ‘đặc biệt’ này cũng đã được ông lập luận khá ‘đặc biệt’ qua lối ‘điệp từ’ và ‘chơi chữ’ cũng rất đặc biệt như sau:

- Chắc em cũng biết Pascal đã nói câu: "Cái tôi là cái đáng ghét".
- Phải. Tôi đã làm một bài luận về câu nói đó.

- Như vậy em bỏ xưng"tôi" được không?
- Tại sao?

- Ở tuổi em, xưng"tôi" là cái đáng ghét.
- Được rồi "em" đồng ý với điều kiệnông phải tiếp tục xưng "tôi".

- Tại sao tôi không được phép dùng tiếng"anh" cho ngọt ngào.
- Vì ông xứng đáng với tiếng "tôi" đáng ghét.

 Nhân vật nam chính của tác giả thường có vẻ ‘phớt đời, mặc kệ nó’ mọi chuyện :

- Tôi mong Ngài sẽ "phù hộ" tôi, trong khi tôi viết tập tiểu luận.
- Ông không tin vào tài năng của ông?
- Tôi chỉ tin vào sự lười biếng của tôi.

Nhưng đôi khí cái nét ‘phớt đời, mặc kệ nó’ lại còn pha lẫn một chút ‘ngang tàng’ trong lối lập luận khá ‘sở khanh’ như: “Tình em là tình đầu trong đời, tình anh là tình cuối trong tháng. Hai thứ tình đó đâu có giống nhau”.

 Hay thể hiện trong lối chơi chữ đối nghĩa của đoạn hội thoại  sau:

- Không. Nó trọng cậu. Muốn trọng ai người ta phải giữ một khoảng cách.

Phải cần một khoảng cách người ta mới trọng nhau được?    

- Tôi cóc cần được trọng. Tôi muốn cô bé khinh tôi, để tôi được gần emtrong lúc bệnh hoạn. Nhưng làm thế nào để em khinh tôi bây giờ?

Cũng như trong lối chơi chữ của chữ ‘ghét’ thật độc đáo, không dễ gì nghĩ ra được khi dùng thủ pháp so sánh diễn đạt sự đối nghĩa một cách tuyệt vời:

- Nhưng ông hãy hứa sẽ nói ghét em cho em vui lòng nghe ông.

- Tôi thở dài: Ừ tôi hứa. Tôi ghét em như tôi ghét tôi.

Hoặc bằng cách Nhân hóa: “mặt trời còn ngủ say dưới nước biển xanh đen”. Đoàn Thạch Biền làm người ta có thể tâm tình, trò chuyện với đối tượng không phải người như tâm tình trò chuyện với con người, để chúng trở nên gần gũi hơn, dễ  hiểu hơn với độc giả. Và rồi một lần nữa, hình ảnh mặt trời đã được nhân hóa gợi lên một cảnh  hủy diệt của cái chết: “… Biển là nấm mồ của mặt trời. Ông nhìn kìa, nó đã chôn mặt trời ở dưới.”  và đây cũng chính là lối dẫn đến  một hồi kết đau thương và rất cảm động. Tuy nhiên, sự dang dở này chính là hình ảnh của sự hoàn mỹ vì ‘tình chỉ đẹp khi còn dang dở”’. Nữ nhân vật chính đã thành công khi đã lưu lại trong lòng người yêu hình ảnh đẹp của cô mãi mãi “Em đang đánh nhau với thần chết. Chẳng nên nhìn em lúc này. Trông em ghê gớm lắm.”. Cuộc tình lãng mạn đó sống mãi ở những ngày tươi đẹp dù cho vẫn còn đó long lanh những giọt lệ thầm, vì đó cũng chính là quy luật tồn tại của thiên nhiên: có dương thì phải có âm, có vui thì phải có buồn, có như vậy thì âm dương mới hài hòa, vận vật mới phát triển theo đúng quy luật của nó.

Hơn thế nữa, kỹ thuật tạo hiệu ứng văn chương của tác giả đã  kết hợp nhiều biện pháp tu từ trong cùng một câu như một vài đoạn tự sự sau:

 “Tôi buồn cười cho tính của em giống hệt tính của tôi ngày xưa. Ăn không được thì đạp đổ. Nhưng khổ nỗi những gì mình ghét và muốn đạp đổ thường khiến mình phải nhớ đến, nghĩ đến nhiều hơn. Tình "thù" vẫn khiến người ta khó quên hơn tình "thương”.” Là sự kết hợp giữa phép so sánh tu từ  “tính của em giống hệt tính của tôi ngày xưa” và phép dẫn ngữ  “Ăn không được thì đạp đổ”đồng thời phép điệp từ ngữ cũng xuất hiện trong từ ‘mình ghét, mình phải nhớ đến, nghĩ đến..Và điệp từ ngữ đối lập trong cặp từ Tình "thù" - tình "thương”.

Hoặc lối đột giáng được kết hợp với phép dẫn ngữ và điệp từ ngữ còn làm người đọc bị ‘quay 180 độ’ về tính cách của nhân vật Minh, vốn rất thực tế kiểu ‘con buôn’, đã được nhân vật chính dùng để cố tạo hình tượng ‘đẹp’ trong lòng người Minh yêu, một y tá : “Vậy Ngọc hãy gọi Minh là "anh". Bù lại Minh sẽ gọi Ngọc là "em" vậy là huề. Minh biết rằng "yêu là đau khổ". Nhưng Minh vẫn sẵn sàng chấp nhận khổ khi yêu Ngọc. Minh cũng biết rằng tình yêu không thể nào "cho không, biếu không", một cách khơi khơi mà phải "mua đàng hoàng” và Minh cũng sẵn sàng"mua" tình yêu của Ngọcvới giá cao nhất, đó là mạng sống của Minh”.

 Nhà văn Đoàn Thạch Biền là một cây bút giàu kinh nghiệm trong việcsử dụng các biện pháp tu từ trong văn chương. Khảo sát một số tác phẩm của ông đã đưa đến một cảm nhận khá thú vị, đa số tác phẩm của ông đều có một điểm khá đặc biệt khi có cùng một chi tiết để mở đầu và kết thúc một câu chuyện. Điều này đã cho ta cảm giác của sự khép kín của một vòng tròn như đang thể hiện mong muốn viên mãn của tác giả đối với cuộc sống, đối với những câu chuyện tình còn dang dở.

THẠCH THANH
Nguồn: NVTPHCM


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều