Biển đảo là một
đề tài luôn có sức hấp dẫn, đồng thời được phần lớn các văn nghệ sĩ ở nước ta
quan tâm, yêu thích. Theo đánh giá của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt
Nam, biển đảo Việt Nam nói chung và quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là đề tài lớn
cho các sáng tạo văn học, nghệ thuật. Đã có rất nhiều những bài thơ, bài hát, bức tranh, tiểu thuyết, truyện
ngắn, phim tài liệu, phim truyện truyền hình, bút ký, phóng sự, ký sự,
hình ảnh về đề tài này.
Không khó để nhận thấy, trong kho tàng văn học Việt Nam
viết về biển đảo, các bộ tiểu thuyết xuất sắc như “Chúng tôi ở Cồn Cỏ”, “Biển gọi”
của Hồ Phương, “Ra đảo” (Nguyễn Khải), “Đứng trước biển” (Nguyễn Mạnh Tuấn),
“Biển xanh” (Chu Văn Mười), “Biển và chim bói cá” (Bùi Ngọc Tấn), “Biển xanh
màu lá” (Nguyễn Xuân Thủy)… đã trở thành sách gối đầu giường đối với bạn đọc Việt
ở nhiều thế hệ.
Vùng biển Việt Nam
Sau năm 1975, chủ đề biển đảo tiếp tục gắn bó và góp phần
làm nên tên tuổi nhiều nhà thơ nổi
tiếng như: Thanh Thảo, Trần Đăng Khoa, Đỗ Nam Cao, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo,
Nguyễn Việt Chiến… với những tác phẩm đặc sắc, thể hiện về biển đảo, chiến sĩ và người dân nơi
đảo xa một cách chân thực, giàu hình ảnh và có tính nghệ thuật cao. Nhà
văn Đình Kính (Hải Phòng) cũng được biết đến là một trong những nhà văn gắn bó
với đề tài biển đảo với các tác phẩm gây tiếng vang lớn như “Người của biển”,
“Lính thủy”, “Sóng chìm”, “Huyền thoại tàu không số”. Hoặc nhà thơ Phan Hoàng với “Tiếng hát trên đảo Sơn Ca”, “Những ngọn gió vô danh”, “Mặt trời
trong ngôi nhà đầy sóng đầy gió”, “Gió hợp hôn đất nước”, trường ca “Bước gió
truyền kỳ”… về đề tài biển đảo cũng góp phần định hình tên tuổi trong nền văn học
hiện đại.
Đáng chú ý, giữa tháng 2-2019 vừa qua, Nhà xuất bản Văn
hóa Văn nghệ giới thiệu bộ sách chủ đề “Biển đảo 2019” với 5 tác phẩm của các
tác giả thế hệ 7x, 8x được viết từ chuyến đi thực tế sáng tác cho văn nghệ sĩ tại
đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và đảo Phú Quý (Bình Thuận) năm 2018 do Liên hiệp các Hội
Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức. Được đi thực tế, nhiều văn nghệ sĩ
đã rung cảm và cho ra đời nhiều tác phẩm gắn liền chủ đề biển đảo.
5 bộ sách chủ đề “Biển đảo 2019” vừa ra mắt có “Dấu chân
biển cả” của tác giả Phùng Hiệu, gồm 35 bài thơ, dẫn người đọc đi về nơi có truyền thuyết 50 con cùng cha xuống biển – để
nghe tiếng của tiền nhân gửi gắm, chia sẻ về một hành trình dựng nước và giữ nước, từ đó nhận thức rõ
hơn về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền
biển, đảo của đất nước mình. Trong khi đó, tập thơ “Sóng hát” của tác giả
Phạm Phương Lan trở thành người hướng
dẫn viên đầy lãng mạn giới thiệu với du khách đến những miền biển tuyệt
đẹp của quê hương Việt Nam. Truyện
dài “Về phía bình minh” của tác giả Võ Thu Hương là câu chuyện kể về cô gái tên Xuân với cuộc
đời ở vùng biển đầy những trắc trở, chông gai. Tác phẩm mang thông điệp về tình
thương từ cộng đồng với sự chia sẻ
và thấu cảm, về sự vượt khó thành công nếu có ý chí và hình ảnh trong
truyện đẹp, gợi suy nghĩ và như thúc
đẩy chúng ta muốn về với biển. Tập truyện ngắn “Cánh chim chắn bão” của
Huỳnh Mẫn Chi với 16 truyện xuyên suốt một chủ đề về biển và lính biển. Những
câu chuyện trong tác phẩm đều mang hơi thở cuộc sống mãnh liệt và hơn hết là tình yêu, ý thức trách
nhiệm công dân đối với chủ quyền biển đảo mà tác giả thể hiện một cách đầy tâm
huyết và trân trọng.
Thực tế trên phản ánh dòng văn học về biển đảo – một phần
máu thịt không thể tách rời đất mẹ Việt Nam luôn tuôn chảy, là một bộ phận
khăng khít tạo nên nền văn học Việt giàu bản sắc, phong phú và đa dạng. Nhưng
điều đáng mừng và trân trọng hơn cả,
với những tác phẩm trước đó và gần nhất là bộ sách chủ đề “Biển đảo 2019” vừa
ra mắt, các tác giả đã thể hiện tinh thần trách nhiệm công dân với vấn đề
chủ quyền biển đảo quê hương. Từ đó,
tình yêu biển đảo nói riêng và Tổ quốc Việt Nam nói chung được truyền tải
đến người đọc thông qua dấu ấn của từng cá nhân, giúp lan tỏa những giá trị văn
hóa, lịch sử dân tộc đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân.
HOÀNG ANH
Nguồn: Báo Hải Phòng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét