"Dã quỳ
tím cuối cùng cũng nở hoa dù… muộn. Nhân danh một bằng hữu kiêm đồng
nghiệp, tôi chúc anh chàng hành phương Nam ngày nào tiếp tục mở cửa vườn mình gặt
hái những bông hoa dã quỳ mới nở."
Nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân
Tôi có cách riêng đọc thơ Huỳnh Dũng Nhân. Đọc không phải
để chia sẻ với anh chàng yêu hoa tình cờ phát giác ra vẻ đẹp của Dã quỳ tím (tên tập thơ đầu tay của Huỳnh
Dũng Nhân) mà đọc theo cách của một gã giang hồ từng trải đang quan sát cuộc
hành trình của anh chàng “hành phương Nam” rất muốn làm những chuyến giang hồ.
Chớ gì nữa, thưở ấy chúng ta còn trẻ lắm phải không Nhân?
Năm 1975 thuở bạn từ phương Bắc hành phương Nam tuổi chỉ mới đôi mươi còn ở Sài
Gòn thì tôi 21 tuổi. Thuở ấy tuổi chúng ta đẹp đến mức mọi núi non cản trở trước
mặt đều trở nên bằng phẳng dưới gót giày. Ấy thế mà, Nhân đã dự báo trước quá
trình làm người của thế hệ mình đầy gập ghềnh bất trắc. Ngay ở trang thứ 7 của
tập thơ, bài thơ TÔI của Nhân đã tiết lộ ít nhiều về điều đó:
Tôi luôn luôn ngọ nguậy
Trên trái đất của tôi
Chiếc ghế tôi quá chật
Khi tựa cả bầu trời
Đường tôi đi quá hẹp
Rơi rụng hết nụ cười
Nơi tôi đến xa quá
Chỉ còn lại mình tôi
Sự tiết lộ theo thời gian đã trở nên công khai, sòng phẳng
hơn. Khái niệm sòng phẳng thẳng thắn đã tạo nên “cái tôi” đầy nhân tính khi
Nhân tổng kết thân phận mình ở bài thơ TUYÊN NGÔN cuối tập thơ. Xin lược trích
vài đoạn:
Tôi. Đầu, mình, tay chân. Quần áo
Đứng nhờ lực hút trái đất
Cố gắng dặn mình đứng thẳng
…
Chẳng cần nịnh nọt và cơ hội
Chẳng cần tìm cái thang cho mình
Đi, yêu và viết. Cứ thế
Cố gắng đừng đánh mất niềm tin
Thứ đơn giản mà khó nhất
Tôi đi tìm tôi
Vâng, đó chính là hai trích đoạn thơ mở ra và khép lại của
một cá thể suốt hơn 30 năm đi tìm bản ngã chính mình. Huỳnh Dũng Nhân vừa hào hứng
vừa thống khoái mở màn cuộc hành trình chân thiện mỹ để cuối cùng tị nạn êm đềm
trong cõi thơ như vậy. Nhẹ lòng, nhẹ gánh tang bồng như lời bạn TỰ THÚ:
Tôi chả biết nói thế nào về thơ tôi cả. Chỉ biết là
khi không viết được văn, không viết được báo, không vẽ được, không hát không
múa được, không la lên với thiên hạ rằng tôi yêu, tôi buồn, tôi nhớ, tôi thương
được thì… tôi muốn làm thơ.
Muốn làm thơ ư ? Hơn ai hết Nhân thừa hiểu làm thơ không
phải dễ, nhất là làm thơ tình. Khó như là MỘT CHÚT RIÊNG TƯ vậy. Trong bài thơ
trên Nhân đã rình rập một cô gái miền sông nước trong cảm giác của “ăn vụng,
nhìn lén, nhớ trộm, yêu thầm” thế mà trái tim cuối cùng lại đập quá vụng về:
Đến ngày về có nói được gì đâu
Đến ngày về vẫn chỉ nhớ thầm nhau
Tội nghiệp anh chàng đa cảm mà tôi quen từ hồi tóc đen
cho tới lúc tóc muối tiêu lốm đốm trên đầu có trái tim mãi mãi vụng về hờn dỗi
hết sức trẻ con. Các bạn thử kiểm tra một trích đoạn bài thơ NHỚ TÌNH thử xem:
Muôn lần đến vạn lần đi
Buồn như bóng nắng mỗi khi xế chiều
Bây giờ gần cạn tuổi yêu
Tôi thắp ký ức trong veo nhớ tình
Xong. Bây giờ gạt qua một bên những khát vọng thân phận,
những nỗi niềm bướm hoa của anh chàng quanh năm “mới lớn”, tôi xin phép trở lại
cái cách mà tôi quan sát những cuộc phiêu lưu của Huỳnh Dũng Nhân bằng kinh
nghiệm giang hồ. Bằng kinh nghiệm của một kẻ va chạm quá nhiều với đời sống,
tôi thấy Nhân mỗi lần vấp ngã (trong tình yêu trong gia đình trong nghề nghiệp)
là bạn lại đứng bật dậy và thăng hoa. Không tin hãy nhìn những cuộc viễn du của
Nhân xem, Nhân hóa thân thành thi sĩ thực sự khi gởi hồn xâm nhập vào những
vùng đất Tây Nguyên và Tây Bắc. Ở đó trước sơn lam chướng khí, trước non nước hữu
tình, bạn đã khám phá ra vẻ đẹp tuyệt đối khi người nữ có mặt. Người nữ trong
thơ Nhân lúc ấy là nét chấm phá linh hồn làm nên bức tranh đất nước quê hương.
Tôi có thể liệt kê những bài thơ mang tựa GỬI HEO MAY, HOA BAN, NÀY EM LAI
CHÂU, SAPA MƯA, MÔI HOA… như những họa phẩm hoàn chỉnh cả tứ thơ lẫn vần điệu:
Bao giờ gặp lại Sapa nhỉ
Mình lượn vòng quanh dốc nhà thờ
Để nép vào nhau Sapa lạnh
Hôn nhau ấm cả Sapa mưa
Và một đoạn khác:
Rượu cần em chúm môi hoa
Tôi đi nghiêng ngã như là bùa yêu
Đốt lên đống lửa phiêu diêu
Muôn tàn lửa cháy bấy nhiêu môi hồng
May mắn và cũng hạnh phúc thay, tâm hồn bạn tôi đã bình ổn
nhờ cái đẹp mơ hồ mong manh sương khói. Cái đẹp “tình đời” ấy đã giúp chúng ta
sau hơn 30 năm vẫn nguyên vẹn tình bằng hữu. Thứ tình bằng hữu của những người
đàn ông thông qua thi ca lúc những năm 1975, 1976 tôi la cà đọc thơ cho Bùi Việt
Phong, Huỳnh Dũng Nhân, Thái Thăng Long… ở khuôn viên trường đại học Tổng Hợp
nơi các bạn theo học. Thứ tình bằng hữu truyền khẩu như lời nhà báo Duy Vượng
(đã khuất núi) thường khen Nhân ngoài chuyện giỏi làm báo viết văn còn có năng
khiếu… đánh bóng bàn.
Rồi mọi chuyện dâu bể chắc chắn sẽ qua cùng thế sự thăng
trầm. Nhưng “quân mạc vấn” vẫn còn ám ảnh Nhân khi bạn tự chát vấn mình qua bài
thơ XA XĂM đau nhói:
Thế mà cũng đã tỉnh say
Rượu xưa quán cũ những ngày cạn nhau
Mà thôi trăm thứ đớn đau
Phá cười nhìn xuống chẳng đâu là gì
Thế mà nặng trĩu làm chi
Sao ôm mãi thế, về đi hết rồi
Về đi hết rồi. DÃ QUỲ TÍM cuối cùng cũng nở hoa dù… muộn.
Nhân danh một bằng hữu kiêm đồng nghiệp, tôi chúc anh chàng hành phương Nam
ngày nào tiếp tục mở cửa vườn mình gặt hái những bông hoa dã quỳ mới nở. Bởi vì
thưa bạn hiền, cuối cùng vẫn chỉ có thi ca và nghệ thuật là bóng mát cây đời
che chở cho con người bất hạnh. Nó chứng minh cho chân lý vĩnh cửa của Goethe:
“Tất cả lý thuyết đều là màu xám
Mà cây đời thì mãi mãi xanh tươi”
16.7.2011
BÙI CHÍ VINH
Theo NVTPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét