Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh.
Lần đầu tiên tôi biết đến thơ của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là
khi chị gửi chùm thơ tham dự cuộc thi thơ chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long
– Hà Nội mang tên là “Thơ về Hà Nội” do báo Văn nghệ và đài PT-TH Hà Nội phối hợp
tổ chức. Đó là quãng năm 2008 – 2010. Thú thực khi đọc những câu thơ như “Ngó từ
cửa sổ máy bay/ tạm biệt !/ Hà Nội dưới hai ngàn mét/ xanh một vệt cảm động/ còn
ai đó chào em/ kìa sông Hồng / cuốn lấy thủ đô / yêu đương ì oạp” (Hà Nội hớp hồn
ai) tôi đã “giật mình”. Thơ của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh có gì đấy đầy nữ tính được
ẩn trong “vẻ” mạnh mẽ và hiện đại.
Thế rồi được làm quen với chị nhưng mà chỉ được làm quen
dưới dạng “kết bạn” trên FB. Ban đầu khi thấy “nick” ghi là “Chiếc lá trên
cành” tôi đã ngại. Ngại lắm khi kết bạn với những ai dùng “nick” không sử dụng
tên thật, nhưng rồi “sự ngại” nhanh chóng trôi qua. Tấm ảnh đại diện đã cho tôi
sự tin cậy. Đó là một người đàn bà có nét mặt thân gần. Nhưng cho mãi tới giữa
thu năm 2015 tôi và chị mới được trò chuyện nhiều hơn, dịp đó Hội Nhà văn Việt
Nam tiến hành Đại hội lần thứ 9. Buổi tối trước ngày khai mạc, như thông lệ,
các đại biểu sẽ có buổi “làm việc” trước khi Đại hội chính thức tại Khánh sạn
La Thành. Vừa bước chân vào sảnh trong thì tôi thấy một dáng người nhanh nhẹn rời
khỏi ghế ngồi tiến lại gần. Tôi hơi ngỡ ngàng vì bất ngờ nhưng cũng dễ dàng nhận
ra chị. Nguyễn Thị Ánh Huỳnh “củng cố” thêm, chị cười nói nhỏ “Chiếc lá trên
cành đây mà”. Vậy là hai chị em thân với nhau. Chị bảo “Truyện ngắn “Ngôi sao
xanh xa ngát” của Văn mình thích lắm. Giá mà có tiền để làm phim nhựa thì tuyệt”.
Tôi mừng lắm, mừng nhất là “các nhà văn còn đọc nhau”.
***
Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh khi “U50” mới trình làng với
tập thơ “Giọt mưa bất chợt” nhưng đã nhanh chóng “lấy lòng” được độc giả yêu thơ
bằng một “lối” thơ khá hiện đại. Một sự muộn mằn? Tôi có lần hỏi nhưng nhà thơ
chỉ mỉm cười, chị không nói. Tôi đành nói kiểu tự nói với mình: “Năm 2003 in tập
thơ đầu tay để rồi 4 năm sau thành “nhà thơ” thực thụ, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh vào
Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007, chậm mà hóa ra nhanh”.
“Người con gái Long An” - mọi người đã thân mật gọi chị
như vậy bởi mảnh đất Cần Đước ở nơi cuối dòng của con sông Vàm Cỏ Đông chính là
quê hương chị. Cho dù sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng mà sao người đọc vẫn
phải “thảng thốt cõi lòng” khi đọc thơ của chị, chắc là chị phải yêu quê hương
miền hạ Long An đến nhường nào mới viết được những câu đầy ám ảnh "Đước à/
có tiếng cười lạt lẽo/ nhưng khóc không lạt lẽo/ khóc mặn/ một hôm/ những cây
đước bước lên bờ thành người Cần Đước/ em - người đàn bà miền Nam gốc đước"
(Cần Đước).
Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh vốn là một cô giáo dạy văn cấp
2, cư trú tại quận 8, TP.HCM. Những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống kinh tế
khó khăn, lại một nách 3 con nhỏ nên chị đã nghỉ dạy để ra tạp hóa ở chợ Hoà Hưng.
Trong cái thời buổi “gạo tiền” ấy. Trong cái thời buổi “cơm áo không đùa với
khách thơ” ấy, năng khiếu thơ và niềm đam mê thơ ca của chị đã bị cuộc sống khốn
khó phong toả. Những tưởng thơ ca sẽ chỉ là dĩ vãng, ấy vậy mà hồn thơ trong chị
cứ “dùng dằng”. Chị kể: “Chỉ những lúc về khuya, những cảm nhận đời sống qua sự
nhạy cảm của sợi dây tình cảm thi ca mới lại được trỗi dậy”. Và cứ thế cứ thế,
cô cựu sinh viên Văn khoa Sài Gòn lại ngồi dậy âm thầm làm thơ. Những bài thơ
viết vội. Viết như thể nếu không viết thì cảm thấy như mình đang mắc lỗi vậy. Hồn
thơ trong chị ào ạt tuôn trào để rồi lặng lẽ đọng lại trên những trang giấy viết
học trò. Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh tâm sự: “Hai con trai học xong đại học mình
mới dám in tập thơ đầu tay” (đó cũng là lúc chị trở thành hội viên Hội Nhà văn
TPHCM).
Hóa ra là vậy. Với thơ, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh chưa bao giờ
“muộn” cả mà chị chỉ chờ dịp thích hợp thì mới công bố mà thôi. Thảo nào khi
nghe tôi hỏi về sự muộn mằn chị chỉ mỉm cười chứ không nói.
Tôi được nghe kể rằng, một dạo ở Sài Gòn người ta cứ thắc
mắc không hiểu vì sao có một người đàn bà bán bánh mì trên hè phố mà có nhiều
nhạc sĩ đến để đặt hàng viết lời bài hát đến thế. Đấy là Nguyễn Thị Ánh Huỳnh.
Nếu nói theo cách người ta hay nói bây giờ thì “Thơ của mình phải như thế nào
người ta mới đặt làm lời ca khúc chứ”. Người đàn bà có vóc dáng nhỏ nhắn, gương
mặt nhu lành, tính nét thân gần ấy tưởng như chì biết lo toan việc nhà chăm
chút con cái, ấy vậy mà “tâm hồn dào dạt”. Người ta còn nói thêm, chị đã phải
giấu chồng giấu con, đem những tờ giấy có lời bài hát (kiểu “lén lút” gửi những
lá thư tình vậy) ra ngoài đầu đường để trao cho các nhạc sĩ và để nhận về chút
ít tiền “nhuận bút” mà nuôi con và để trả nợ. Chuyện nghe vui vui, chuyện thơ
nghe chen lẫn chuyện đời.
Bìa tác phẩm của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh.
Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh cho hay quê hương chị có thứ
gạo Nàng Thơm ngon nổi tiếng, những ai đã một lần được bưng bát cơm nấu bằng gạo
Nàng Thơm hẳn không thể nào quên được thứ mùi có vị ngọt ngào ấy. Được ăn gạo
Nàng Thơm, được uống nước Vàm Cỏ Đông – dòng sông thi ca ấy và “má chôn cuống
nhau em/ vào tiếng cuốc/ chiều miệt vườn gió lạc trong cây/ đêm bị thương bởi
tiếng đờn cò/ chú Tư vuốt/ ánh trăng thành tiếng nấc/ miệt vườn/ gan ruột ai xuống
xề câu vọng cổ” (Miệt vườn) mới thấy dù sống xa quê nhưng tình yêu quê hương
chưa khi nào cạn nguôi trong chị.
Có lẽ vậy chăng mà đọc thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, ta càng
hiểu thêm về chị, nhất là khi nhà thơ từng trải qua quãng đời cơ cực của một
gia đình trí thức, tần tảo vượt qua lận đận thời cuộc. Cay đắng nhiều, thêm quả
ngọt, vợ chồng chị nuôi con khôn lớn, thành tài. Dù không còn những lãng mạn vẩn
vơ song phía sau những câu chữ vẫn là màu lãng đãng mà chất chứa nhiều ân tình
sâu nặng "Chúng ta lấy nhau/ vì khát/ giếng nước yêu/ đứt sợi dây gàu/...
em ngó trời/ thấy giếng mọc thành sao". Hay như những câu thơ "Xin
anh/ đừng múc cạn nỗi buồn/ trong đôi mắt em/ để em còn là giếng nước" (Đừng
múc cạn nỗi buồn).
Có lần tôi hỏi nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh “Sao lại là
chiếc lá trên cành?”. Chị cười: “Thì mình chỉ mong được như là một chiếc lá
thôi”. Chất “con gái” vẫn là đấy, nhẹ nhàng và giản dị. Cái chất con gái trong
thơ chị cho dù được biểu đạt bằng cảm nhận tâm hồn của một thi nhân hay diễn đại
bằng những ngôn chất chứa cuộc sống thực nhưng chẳng thể nào lẫn được “bắc một
cái thang/ là đèo Chuối/ bắc hai cái thang/ là đèo Bảo Lộc/ bắc ba cái thang/
là đèo Prenn/ em đã trèo lên mây/ bằng xe hơi/ Đà Lạt treo trên trời/ lửng hửng
mù sương” (Bắc thang lên Đà Lạt).
Thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh đọc sao mà “sướng” những câu thơ
không giấu giếm, không ngại ngùng nhưng vẫn cho thấy một trái tim con gái rất
“mong manh”. Những câu thơ như sau chẳng hạn “Nhớ tối nào/ anh hôn em/ bầm dập
cả trăng non/ giữa trưa nắng/ anh hôn em/ trời đất tối mù/ trong đêm đen/ không
có anh/ em vẫn được hôn/ sáng thức dậy/ chẳng có ai hôn ai/ ngoài ban mai/ đang
hôn từng/ giọt sương/ sắp khóc” (Nụ hôn).
Sau đại hội lần thứ 9 Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn
Thị Ánh Huỳnh được “ngồi” trong Hội đồng Thơ, đó không chỉ là vinh dự mà điều
đó thể hiện “về sự đánh giá” tài năng thơ của một “giọng thơ” đất phương Nam.
Tôi đùa: “Được thiên hạ vị nể là nhất rồi còn gì”. Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh
lắc đầu “Ngồi để làm việc cho công bằng, cho tử tế thì là một áp lực không hề
nhỏ”. Rồi Hội đồng Thơ được lập mới theo định kỳ lại không thấy tên chị. Thôi cứ
làm thơ bằng suy nghĩ của mình. Đấy, chùm thơ của chị mới in trên báo Văn nghệ
hôm mùng 8 tháng 6 đấy. Hay “quá xá” luôn.
Tại sao lại là “Chiếc lá trên cành” nhỉ? Tôi chợt hiểu
ra: “Thà làm một chiếc lá xanh trên những cành xanh còn hơn, chị nhỉ?”.
NGUYỄN TRỌNG VĂN
Theo Tinh Hoa Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét