Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2019

KHI SỰ THIỆN LƯƠNG BỊ “NÉM” ĐÁ

Từ ngày mạng xã hội trở nên phổ biến, nơi đây dung chứa đội quân "chặt chém" hùng hậu chuyên "soi" người nổi tiếng. Nhưng từ bao giờ, ngay cả nghĩa cử tốt đẹp, ý nghĩa của nghệ sĩ cũng  bị "ném đá", phỉ báng như một vết nhơ tày trời?

Cách đây không lâu, Việt Trinh chia sẻ hình ảnh chị làm thủ tục đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy lên trang cá nhân. Sau nhiều năm suy nghĩ và nghe sư thầy giảng giải về triết lý nhà Phật, chị mạnh dạn đi đến quyết định này.

Nữ diễn viên tâm sự:  "Tôi từng đọc thông tin về một người bị tai nạn đã hiến tạng sau khi mất và cứu được năm người khác. Nghệ sĩ Minh Vương sống khỏe mạnh, yêu đời hơn sau khi được một thanh niên hiến thận. Tôi thấy hiến tạng là hành động mang ý nghĩa lớn lao khi chúng ta qua đời. Tôi mong muốn cơ thể mình có thể cứu được nhiều người".

Việt Trinh hy vọng hành động của chị có thể truyền cảm hứng, lan tỏa đến mọi người để cộng đồng cùng chung tay. Bởi ở Việt Nam, số người hiến tạng cứu người còn quá khan hiếm vì vướng nhiều định kiến. Nhưng điều chị không ngờ là bên cạnh những bình luận ủng hộ, hưởng ứng thì vẫn có không ít bình luận mỉa mai, châm chích. Kẻ bảo Việt Trinh hết thời nên chia sẻ những hình ảnh trên để PR, đánh bóng tên tuổi. Kẻ thì bảo chị đăng ký "làm màu" chứ hiến gì mà hiến...
Hành động đăng ký hiến tạng của nghệ sĩ Việt Trinh 
bị nhiều người ác ý quy kết là đánh bóng tên tuổi.

Tương tự Việt Trinh, MC- diễn viên Quyền Linh cũng bị hàng tá người vào chửi "Ông hiến thì hiến đi, nói làm gì" khi anh chia sẻ việc mình hiến tạng và vận động mọi người hiến tạng trên trang cá nhân. Nổi tiếng là một MC - diễn viên hết lòng vì người nghèo, miệt mài rảo bước khắp nẻo đường đất nước, đến những thôn quê xa xôi để hỗ trợ những mảnh đời bất hạnh, Quyền Linh vẫn bị không ít khán giả chỉ trích là "tham tiền", "tham còn than", "nhận nhiều show để đánh bóng tên tuổi", "chảnh chọe"...

Trước chê trách vô lý của một số người, bạn bè và người thân của Quyền Linh không khỏi tức giận. Những người chỉ biết chửi cho sướng miệng đâu hay rằng Quyền Linh luôn là người chịu cực chịu khổ nhiều nhất khi quay show từ thiện. Không những vậy, anh còn gian lận thời gian để giúp các nhân vật hoàn thành thử thách, âm thầm móc tiền túi và tiền catse giúp người nghèo...

Nếu không phải vì người nghèo mà chỉ muốn nhàn thân, muốn kiếm nhiều tiền, anh chỉ cần ở TP Hồ Chí Minh là đủ, đâu nhất thiết phải lặn lội nắng mưa đến nhiều nơi như thế khi sức khỏe và tuổi tác xuống dốc.

Mới đây, trong một gameshow, Thanh Duy bất ngờ gặp ca sĩ Đan Trường. Vì thần tượng Đan Trường từ hồi còn nhỏ nên Thanh Duy vô cùng xúc động. Không kìm chế được mình, Thanh Duy vừa khóc vừa kể lại những kỷ niệm xa xưa, rằng mình hâm mộ anh Bo như thế nào.

Cũng vì mến mộ anh Bo mà Thanh Duy cố gắng học tập, phấn đấu để trở thành một ca sĩ như ngày hôm nay. Nhưng những cảm xúc rất thật và cảm động của Thanh Duy với thần tượng nhanh chóng bị cư dân mạng chỉ trích là làm lố, "giả tạo", "diễn sâu", "muốn thu hút sự chú ý"...

Tuy nhiên, nói về độ nhẫn tâm từ cái miệng "rắn rết" của cộng đồng mạng, không thể không nhắc đến hành trình các nghệ sĩ kêu gọi quyên góp hỗ trợ cho diễn viên Mai Phương chữa bệnh ung thư phổi. Lắm kẻ không vừa lòng với việc kêu gọi ấy, mắng các nghệ sĩ là đạo đức giả, hỏi sao không kêu gọi hỗ trợ cho những bệnh nhân ung thư khác mà chỉ kêu gọi cho Mai Phương (!?). Thậm chí, họ còn "ném đá" Mai Phương, kêu cô "bán bệnh" dù thực tế cô đã cố gắng giấu bệnh, đến khi ở giai đoạn nguy kịch thì bạn bè mới hay biết.

Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Hoàng Tú, mạng xã hội tạo một không gian mở và tự do để mọi người bày tỏ chính kiến. Vì vậy, đây trở thành mảnh đất màu mỡ để người ta khoác lớp áo đạo đức rồi cho mình cái quyền phán xét người khác.

"Nhiều bạn trẻ sử dụng nó như một cái máy chửi. Mạng xã hội giúp họ ẩn náu danh tính, đâu sợ người ta biết mình là ai. Và thế là họ tha hồ chửi mà không ý thức trách nhiệm của mình. Đáng báo động là bất cứ cái gì họ cũng có thể chửi được, kể cả điều tốt. Họ chửi mà không cần xét đến bản chất, nguồn gốc câu chuyện, chửi theo đúng slogan "mình thích thì mình chửi thôi".

Thậm chí, họ tranh nhau chửi cho thật độc, thật nanh nọc, bẩn tưởi hòng gây sự chú ý. Đó cũng là một cách dìm đối phương xuống và tự nâng mình lên theo đúng hội chứng tự luyến. Họ chửi xong rồi quên ngay nhưng người hứng chịu thì bị tổn thương nghiêm trọng. Chửi rủa, chê bai không căn cứ, vô tội vạ sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của người bị chê. Cảm xúc tiêu cực sẽ dẫn đến hành động tiêu cực" - anh phân tích.

Đơn cử, những chửi bới quá khích của cư dân mạng khiến Việt Trinh bất ngờ và hoảng hốt. Trước cơn mưa chỉ trích như lên đồng của đám đông, chị phải xóa bài viết và hình ảnh đăng ký hiến tạng sau thời gian ngắn đăng tải. Mọi người lo lắng, thắc mắc thì người đẹp giải thích: "Đành phải xóa bài đăng về hiến tạng.

Thật ra, mình đã hoàn thành thủ tục này hơn một tuần rồi mà hôm nay mới dám đăng Facebook. Một số người bạn khuyên mình nên đăng để chia sẻ tâm tư tình cảm và truyền cảm hứng cho mọi người việc ý nghĩa này thôi. Việt Trinh đã lưỡng lự cả tuần rồi mới quyết định đăng vậy mà có vài người hiểu lầm là đánh bóng và PR nên vô chửi ghê quá". Đi cùng việc xóa bài viết hiến tạng, Việt Trinh cũng tạm đóng cửa trang cá nhân một thời gian để tĩnh tâm.

Căng thẳng hơn Việt Trinh, miệng lưỡi thiên hạ thị phi khiến MC - diễn viên Quyền Linh không thể chịu nổi mà muốn giải nghệ vào cuối năm nay. Anh sốc và cảm thấy tổn thương ghê gớm khi sự tận tụy của mình đổi lại là búa rìu dư luận. Còn ca sĩ Thanh Duy thì rơi vào trầm cảm sau những cười cợt, chỉ trích cay nghiệt của đám đông.

Anh uất ức chất vấn: "Rất nhiều những nghệ sỹ tài năng, mình rất ngưỡng mộ và xem họ như những quyển sách sống để kính trọng và học tập theo. Thì điều đó có gì sai sao mọi người? Không lẽ khi gặp người mình yêu mến, mình không được thể hiện điều đó ra?".

Là người của công chúng, các nghệ sĩ càng bị dư luận soi mói khủng khiếp. Ca sĩ người Mỹ Kyo York cho hay lúc mới sang Việt Nam hoạt động nghệ thuật, anh sốc vì tật hay soi mói của một bộ phận không nhỏ người Việt, nhất là giới trẻ.

Anh kể: "Có nhiều lời chê rất ác, làm tổn thương, hạ nhục nghệ sĩ. Hồi mới vào nghề, nghe những lời như vậy tôi vừa khó chịu vừa buồn lòng. Nhưng mình tự nhủ bất kỳ nghệ sĩ nào cũng có người thương, kẻ ghét. Nói thật nghệ sĩ chúng tôi phải có bản lĩnh lắm mới đối đầu được". Cũng theo anh, tật hay chê bai, chỉ trích người khác xuất phát từ sự đa nghi. Họ nhìn đâu cũng nghi ngờ và rồi ném điều tiêu cực đó vào người khác.

Khi những nghĩa cử thiện lương cũng bị "con dao" từ cộng đồng mạng tấn công và giết chết thì đó là điều cực kỳ nguy hiểm. Các giá trị bị đảo lộn, suy tàn. Trong khi những nghệ sĩ chân chính với hành động nhân văn dần ít đi thì những kẻ bất tài vô dụng nhưng lại muốn nhanh chóng nổi tiếng bằng chiêu trò xuất hiện ngày càng nhiều. Lợi dụng tâm lý thích chửi của đám đông trên mạng, những kẻ muốn bước chân vào showbiz tha hồ làm lố, làm điều xấu để gặt cơn bão "gạch đá". Họ vin tai tiếng mà đi lên.

Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Hoàng Tú, hội chứng "máy chửi" liên quan nhiều đến văn hoá và giáo dục. Bản thân một người được giáo dục tốt, tâm luôn hướng thiện, cư xử tử tế thì cho dù chê hay khen, họ vẫn thể hiện sự văn minh, cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói chứ không chửi vung vít. Họ có ý tốt cho người được góp ý, giúp nâng người ta lên.

Nhiều nghệ sĩ cho rằng, để sống được với dư luận thì phải "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến". Không ai hơi sức đâu chạy theo giải thích với từng người khi họ chỉ trích vô căn cứ, cố tình dựng chuyện, đơm đặt. Hãy tin vào những điều tốt đẹp mà mình đang làm. Còn với những kẻ chuyên soi mói, chỉ trích người khác thì họ nên nhớ lấy câu của Joseph Parker: "Đừng bao giờ ném bùn vào người khác. Bạn có thể ném trật nhưng tay bạn thì chắc chắn lấm bẩn".

MAI QUỲNH NGA/VNCA



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều