Khóa “Kiêu binh”
Vậy là thầy đã
đi xa thật rồi. Ánh hồi quang cuối cùng của một thế hệ vàng giảng dạy và nghiên
cứu văn học vụt tắt. Học trò của thầy không còn được trò chuyện cùng thầy khi gặp
gỡ cafe hay chat cùng thầy trên facebook.
Có lẽ sẽ phải
nhiều năm nữa mới lại có một người thầy giảng văn tài hoa và tinh tế ở trường phổ thông, khiến học trò yêu
văn đẹp, mê văn hay như thầy đã làm được.
Thầy đã đi quãng đường 58 mùa xuân, mới thêm 8 nhịp của một
phần hai kiếp nhân sinh ba vạn sáu nghìn ngày, vậy là cũng đủ tài hoa trọn một
cuộc đời. Một người bạn đồng niên với thầy đã lặng đi khi em báo tin thầy rời
cõi tạm. “Có lẽ trời xanh kia muốn giữ mãi hình ảnh trẻ trung của Chu Văn Sơn
chứ không muốn có một Chu Văn Sơn lụ khụ”.
Nói xong, anh cố giấu những nỗi xúc động, vờ quay mặt
nhìn xa xa... Cái đẹp bao giờ cũng mỏng manh và người tài hoa tuổi thọ hình như chẳng được dài?
Trương Trào chẳng
phải có câu: "Tài tử mà lại đẹp, mỹ nhân mà lại biết làm văn ắt là không
thọ được. Không phải do tạo hóa đố kỵ mà bởi hạng người đó không chỉ là báu vật
của một thời mà là báu vật của muôn đời, nên không thể lưu lại lâu trên cõi
thế mà hóa ra nhàm".
Tiến sĩ Chu Văn Sơn (1962 – 2019).
Đầu năm Kỷ Hợi này, một người bạn đồng niên, đồng môn của thầy là chị Lại Thái Hưng từ CHLB Đức về,
hai chị em trò chuyện, chị lại nhắc đến thầy, đến những kỷ niệm của khóa
kiêu binh.
Trong hơi thở
của trời xuân rất khẽ, từng kỷ niệm của chị và những mẩu chuyện thầy từng kể
cho em nghe cứ đan cài để thành một bức tranh xinh xắn về khóa học có một không
hai ấy.
Năm học
1979-1983 của khoa Văn, cái tên hồi đó còn thêm số I đằng sau là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, với nhiều
cái đầu tiên. Lần đầu tiên tổ chức thi học sinh giỏi trên quy mô toàn quốc.
Lần đầu tiên
có chuyện đội tuyển được vào thẳng Sư phạm. Khóa ấy, như lời thầy kể thì
“toàn những tay khá cả”. Đi kèm với đó là kiêu và quậy. Như lời chị Hưng nói, đó là đám “kiêu binh” đã
khiến các thầy cô phải điên đầu.
Có những giờ giảng mà nhìn xuống lớp học chỉ lưa thưa vài sinh viên, còn đâu là
nghỉ học cứ như bãi khóa.
Nguyên nhân cũng bởi nhiều thầy cô dạy “buồn chết đi được”, đấy là sau này lúc
vui chuyện thì thầy tỉ tê kể cho em nghe. Nhiều biện pháp đã được Đảng ủy khoa,
Ban chủ nhiệm khoa, Liên chi đoàn khoa áp dụng nhưng chẳng ăn thua. Kiêu binh vẫn cứ bỏ tiết.
Chỉ đến khi những
giờ giảng của các giáo sư Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hoành
Khung, Phan Trọng Luận… thì lạ thay, chẳng ai bảo ai, lớp học lúc nào
cũng chật kín.
Sau đó, xuất hiện những bài vè, bài họa thơ chân dung các
thầy: “Vừa dạy vừa hát/ Là thầy Thế Cường/ Vừa dạy vừa “lườm”/ Là thầy
Trường Phát/ Vừa dạy vừa quát/ Là thầy Hoàng Dung/ Thầy Lưu Đức Trung/ Hiền chi
hiền thế…”.
Nhắc đến chuyện làm vè, thì đỉnh cao phải kể “nửa đêm
truyền hịch”, “rạng ngày bố cáo” đã làm náo loạn xô chậu và ầm ĩ đèn đuốc trong
khu nhà A7 ký túc xá của sinh viên khoa Văn. Nhiều bài hịch, bài cáo, những
khoá sau vẫn còn truyền tụng, như “Cáo cử nhân đăng trường ứng thí”, “Cáo tú
tài tựu trường”, “Hịch sống vệ sinh”....
Lụy cái đẹp
Hình như trong quãng thời gian vừa tròn một
con giáp được làm học trò của thầy, tôi chưa bao giờ gặp thầy vào mùa hè? Có lẽ như thế. Tôi chỉ gặp thầy vào mùa
xuân và mùa thu. Tại sao tôi nhớ như vậy, vì hình như thầy cũng không ham la đà bia rượu. Mà bia rượu
thì tập trung mùa hè.
Phải rồi, mùa hè, còn là mùa thầy bị “nhốt” để ra đề thi
học sinh giỏi và đề thi tuyển sinh quốc gia, đề thi tuyển sinh đại học. Tốt
nghiệp, ra trường đi làm tôi mới hiểu vì sao những giờ giảng của thầy luôn được
đông đảo học trò đến lớp ngồi nghe như thế.
Có bạn tôi mới đây nhắc lại bài giảng, thầy đã nói sự
khác nhau của sinh viên năm 1-2-3-4 là ở chữ R.
Năm nhất thì “Rạo rực”, năm hai “Ríu rít”; năm 3 “Rộn
ràng” và năm tư thì “Rệu rã” Cảm giác của chúng tôi thì giờ học của thầy lúc
nào cũng đầy đủ và không khí thầy trò rất gần gũi. Gần như giờ thầy lên lớp ai cũng ghi chép rất đầy đủ về
cái thế giới nghệ thuật có vườn tình và tình nhân.
Ra trường, đi
làm, thầy trò càng có thêm những dịp chia sẻ chuyện của khoa khi những cơn lốc bất ngờ ào qua, tôi càng biết, càng
hiểu và càng thêm yêu quý thầy.
Mặc dù tôi
không theo nghề dạy học mà đi làm báo nhưng đôi lúc hứng chí tôi vẫn lên lớp cho một số sinh viên chuyên ngành báo
chí. Thầy là tấm gương để tôi soi vào làm sao có những giờ giảng mà chẳng cần
điểm danh sinh viên vẫn đến lớp đều.
Muốn vậy, người
thầy, ngoài kỹ năng sư phạm, còn phải có yếu tố của một nhà khoa học và
một người nghệ sĩ. Lý thuyết
thì đơn giản như vậy đấy nhưng để thực hành được thì phải rèn luyện kiên trì cộng
với một chút của trời cho mà không phải ai cũng có.
Trời đã phú cho thầy con mắt nhìn ra cái đẹp của văn
chương, bằng tư duy khoa học và kỹ năng sư phạm, thầy như một khối nam châm có
sức hút sinh viên vào các bài giảng, dù chúng có tản mát hay nhẩn nha rong chơi, mải mê chinh chiến và yêu đương ở góc
biển chân trời nào cũng đều thấy tiếc nếu không được nghe thầy giảng bài.
Đôi khi, tôi lại
vẩn vơ nghĩ, bây giờ công nghệ hiện đại, sinh viên lên lớp có thể quay clip
toàn bộ bài giảng, hay livestream bài giảng của thầy, nhưng cái thú vẫn là được
trực tiếp ngồi nghe thầy giảng bài rồi đôi khi hỏi cắt ngang một câu vừa nảy ra
trong đầu. Dù bị bất ngờ nhưng thầy vẫn trả lời gãy gọn và lại nhập vào
làn bài giảng mà không hề lạc hướng.
“Tự tình cùng cái đẹp” – cuốn sách
cuối cùng của Tiến sĩ Chu Văn Sơn.
Trong ghi chép
của tôi về giờ giảng của thầy có một lát cắt về sinh viên sư phạm. Ngay từ đầu
thầy đã muốn kích thích sinh viên sáng tạo bằng cách phá vỡ và vượt lên những nếp tư duy cũ kỹ hằn sâu và
ăn sâu thành thói quen vô thức, phản xạ khó bỏ của con người. Thầy cắt nghĩa
màu sắc để người ta nhận ra sinh viên sư phạm là gì: là cái chất chân phương, mực thước.
“Điều này yếu
tố tích cực của nó là đem lại cho số đông những người trong xã hội, đặc biệt là
những người già một cảm giác
yên tâm”. Chỉ một câu nhưng thầy dừng lại đôi chỗ, cười thành tiếng như muốn nhấn
mạnh đến mấy chữ “người già”, đến “cảm giác yên tâm”.
Bỗng có tiếng
một nữ sinh hỏi vọng lên: “Chúng ta là lãng tử”. Thầy trả lời ngay:
Chúng ta đừng hiểu lãng tử theo nghĩa phất phơ. Lãng tử, nghĩa gốc của nó là người lãng mạn. Mà lãng mạn không phải là người sống kiểu tài tử, phù phiếm, thậm chí nhom
nhem.
Theo tôi, lãng
tử là người có một đời sống tinh thần
thật sự phóng túng”. Câu trả lời của thầy thuyết phục sinh viên ngay để thầy tiếp
tục lái vô-lăng về làn bài giảng.
“Các bậc phụ huynh
nhìn thấy chân phương mực thước
là yên tâm để họ trao gửi con gái mình cho chúng ta”. Lẽ ra phải là trao
gửi “con cái” nhưng thầy nháy mắt
đùa vui với mấy cậu sinh viên chúng tôi, “mỳ chính cánh” trong lớp, mà đổi
thành “con gái”. Trao gửi con gái cho mấy anh sinh viên văn khoa thì cứ
yên tâm.
Thầy cắt nghĩa, thực chất sinh viên sư phạm tự cắt xén mình mà không biết. Điều
đáng buồn ở tuổi trẻ sư phạm đó là bị đám đông vô hình cuốn đi.
“Theo tôi nghĩ, khi chúng ta có cá nhân mạnh thì chúng ta
sẽ có ý thức cá nhân mạnh. Ý thức cá nhân mạnh tức là luôn luôn khao khát mình
được là mình chứ không phải là bản sao của người khác. Mình không phải là cái bóng của người khác, và mình không phải là sự hòa tan
vào đám đông. Mình phải là mình. Tất nhiên đừng phủ nhận đám đông, đừng bất chấp
đám đông. Tôi nhắc lại: không nên để mình bị hòa tan vào đám đông. Càng không
nên là người bị uốn nắn. Chúng ta phải
là mình, trước hết là mình”.
Thầy đi xa mãi rồi, một đời tài hoa, một đời luỵ cái đẹp,
sẽ chẳng còn cơ hội cho em được đọc
những bản thảo thầy gửi qua email như “Ăngkor những đối cực của cái đẹp”, như
ngày nào nữa.
Nhớ đến Hoài Thanh
“Đọc Chu Văn
Sơn, hoặc một bài viết nghiêm túc đăng báo hay chỉ một note nhỏ trên facebook,
tôi luôn thấy thú vị. Thú vị vì ở anh luôn có những phát hiện rất tinh tế,
bất ngờ. Anh nhìn thấy, phát hiện ra những cái đẹp mà ít người nhìn thấy. Một ngòi bút thật tài hoa và
tinh tế. Trời phú cho Chu Văn Sơn một khả năng cảm nhận, một con mắt nhìn ra
cái đẹp của văn chương.
Không hiểu sao, đọc Chu Văn Sơn tôi cứ hay liên tưởng đến Hoài Thanh. Có lẽ vì bởi ở
Chu Văn Sơn có những điểm tương đồng với tác giả của "Thi nhân Việt
Nam"?
Tiến sĩ Toán học Nguyễn Hùng
Phong - CHLB Nga
Tiếng kêu vô
nghĩa
“Ở một đoạn khác, thầy giảng về hai mệnh đề. Thứ nhất,
chúng ta trưởng thành trong cô đơn. Thứ hai, chúng ta sáng tạo trong cô đơn.
“Cô đơn là khi mà cái tôi đối diện với chính nó. Đối diện
với chính nó thì bao giờ cũng trả lời được câu hỏi rất tốt thế này: Mình là ai
nhỉ? Mình là ai trong cõi đời này? Mình định trở thành ai? Mình là gì ở trong
cõi đời này?”
Vừa lúc đó, ngoài đường Xuân Thủy có tiếng hú dài của ôtô
cấp cứu 115 hay cảnh sát 113 dẹp đường, khiến cả lớp cười rộ lên. Còn thầy cũng
tếu táo: “Đó, câu trả lời: Mình chỉ là tiếng kêu vô nghĩa”.
Nhật ký của Khải Mông
KIỀU MAI SƠN
Theo ANTGCT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét