Duy chỉ một
cán bộ trẻ giơ tay xin phê bình. Ngần ngừ mãi anh mới cất được lời:
"Em xin phép mạnh dạn góp ý với thủ trưởng. Anh làm việc nhiều quá, không
giữ gìn sức khỏe".
Khi tôi và chị gái thi đại học, mẹ khuyên hai chị em đừng
bao giờ vào cơ quan nhà nước.
"Nhà mình không biết nịnh, không hợp làm nhà nước đâu", mẹ bảo. Mẹ thỉnh thoảng kể những
chuyện mà mẹ cho là "thấy ghét". Ví như ông H., đồng nghiệp của mẹ,
luôn có câu cửa miệng là "Ý kiến chỉ đạo của anh rất sáng ạ"
dù cấp trên chưa kịp phát biểu gì.
Mẹ tôi nổi tiếng là người cương trực
ở cơ quan. Cấp trên nói rằng một số quần chúng có ý kiến về mẹ, bà trả lời:
"Xin anh cho biết tên của quần chúng. Nếu anh không nói ra được thì quần
chúng chính là anh".
Dù vậy, nhưng
khi chọn người để trông coi kho hàng mẫu, vốn đầy tivi, tủ lạnh, quạt máy - những
tài sản quý hiếm thời bao cấp - công ty luôn chọn mẹ, vì không bao giờ
kho hàng mất mát, hao hụt một thứ gì.
Chị em tôi sau này đều may mắn được làm việc trong các
môi trường tốt. Việc nịnh sếp hầu
như không tồn tại trong khái niệm của chúng tôi. Thậm chí, khi làm ở những cơ
quan có người nước ngoài là cấp trên, tôi còn được chứng kiến và được hưởng
văn hóa "nịnh nhân viên" nữa. Cấp trên luôn khen ngợi mỗi khi các
thành viên trong nhóm hoàn thành tốt công việc. Các sếp còn tổ chức đi ăn và
đãi xem phim để cảm ơn nhân viên sau những ngày làm việc vất vả.
Khi tôi làm cho một tổ chức của Anh, chúng tôi đã được
phát rất nhiều sticker với các dòng chữ "bạn là ngôi sao", "bạn
thật giỏi". Các sếp dán ngôi sao đó lên bàn làm việc của nhân viên để động
viên họ. Tại những nơi tôi đã
từng làm việc, tuy một số điểm có thể khác nhau nhưng đều đề cao sự liêm chính,
can đảm và tinh thần sáng tạo, tôn trọng giá trị cốt lõi của tổ chức và quy tắc
ứng xử nơi làm việc.
Tôi thực sự thấy
mình may mắn, bởi đã chứng kiến nhiều người bạn hoặc người quen vất vả thế nào để lấy lòng cấp trên. Một anh
bạn của tôi chơi quần vợt rất giỏi
nhưng mỗi khi ra sân luôn phải tự nhắc mình không bao giờ được thắng sếp.
Người bạn khác dù lương ba cọc ba đồng
nhưng mỗi khi đi công tác phải lo mua cho sếp những món quà giá bằng cả tháng
lương. Có nhiều người còn phải lo hài lòng cả vợ sếp. Ngày cưới của mình có thể không kỷ niệm
nhưng ngày cưới của sếp thì
nhất định phải tặng hoa.
Một số cơ quan công quyền và nhiều ý kiến gần đây lên tiếng
về "nạn" nịnh bợ, lấy lòng quan chức vì động cơ không trong sáng. Tôi
cho rằng vấn đề của chúng ta không nằm ở việc thiếu vắng số lượng các quy định,
khẩu hiệu kêu gọi đạo đức và liêm chính nơi làm việc mà ở khâu thực thi chúng.
Từ cuối năm
ngoái, chính phủ đã phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ trong đó có quy định
công chức không được "nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng".
Đề án có quy định về việc thanh tra, thưởng và phạt với những người vi phạm.
Ta đã
có vô số quy định, lệnh phạt nhằm xây dựng nếp sống văn minh như cấm hút thuốc
nơi công cộng, cấm xả rác, văng tục và khạc nhổ bừa bãi nhưng chúng chỉ tồn tại trên giấy. Với những hành vi
dễ ghi lại bằng chứng như vậy, chúng ta còn bất lực chưa kiểm soát được thì việc kiểm soát một vấn
đề hết sức định tính là "nịnh nọt", liệu có cơ sở vững chắc gì để đánh giá và cải thiện?
Nịnh nọt luôn có đất sống khi hệ thống công quyền, bộ máy
công chức thiếu vắng những giá trị cốt lõi và chuẩn mực đạo đức. Những giá trị
và chuẩn mực này ngoài việc tồn tại trong các sổ tay công chức thì chỉ phát huy
được khi có sự công khai trên diện rộng, được giám sát chặt chẽ bởi nhân dân,
báo chí và các đơn vị độc lập – chứ không chỉ là công tác giám sát nội bộ của
chính hệ thống.
Những sáng kiến và nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức luôn đáng trân trọng
và khuyến khích, nhưng chúng cần vượt qua tính hình thức. Có vậy, người dân mới dám "tin ở hoa hồng"
như ước vọng cách đây gần 40 năm của Lưu Quang Vũ.
CẨM HÀ
Theo VNEX
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét