Những năm gần
đây, có thể do những diễn biến phức tạp về cương vực lãnh thổ hoặc theo
một chu kì vận động tự nhiên, lịch sử trở thành một đề tài được nhiều người cầm
bút quan tâm. Đã có nhiều thành tựu văn học về đề tài này mà bước ngoặt có thể nói đến hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp,
khi nhà văn viết một loạt truyện ngắn về lịch sử với một cảm quan mới. Sau Nguyễn
Huy Thiệp đã có nhiều nhà văn theo đuổi đề tài này và có những thành
công nhất định.
Đề tài lịch sử tất nhiên đã được sự quan tâm từ lâu của
giới cầm bút,. Ngay từ giai đoạn trước năm 1945 đã có nhiều các nhà văn viết về lịch sử như Khái
Hưng, Nguyễn Triệu Luật, Lan Khai, Nguyễn Huy Tưởng… rồi bỗng một quãng thời
gian, đề tài lịch sử dường như bị
chùng xuống, nhường sự quan tâm cho những đề tài có thể được coi là mang tính cấp
thiết hơn hoặc được sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn.
Và như tôi đã
nói từ đầu, trong quá trình vận hành của xã hội và dân tộc, khi những vấn đề
liên quan tới chủ quyền dân tộc được đưa ra một cách gay gắt và cấp thiết như bây giờ thì sự nhìn nhận về lịch
sử và viết về nó dường như trở thành
một dòng rất mạnh. Đó có thể là một cách lí giải về sự “hồi sinh” hoặc
nhu cầu tự thân của văn học viết về lịch sử. Hoặc có một cách lí giải nữa cho sự
biến chuyển này, rằng ở thời điểm hiện tại, khi các đề tài của văn học được
nhìn nhận một cách công bằng và khách quan hơn, nhất là ở tâm thế chính thống thì rõ ràng lịch sử là một nguồn hấp
dẫn và cấp thiết.
Trong một thời gian khá dài, dù không có bất cứ sự hạn chế
nào nhưng dường như đề tài lịch sử
có khoảng trống nhất định. Hoặc các nhà văn viết về đề tài lịch sử theo một tâm
thức cũ mà ở thời điểm hiện tại, những yêu cầu về đổi mới văn chương và cách nhìn
nhận về lịch sử đòi hỏi phải thay đổi. Các nhà văn hoặc viết bằng cảm quan mới,
cách tiếp cận mới thì những câu chuyện lịch sử dường như đã bị ngủ quên hoặc nhạy cảm hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu
đã được đánh thức dậy, mở ra những chiều kích mới, khát khao mới thì một làn
sóng quan tâm tới lịch sử và viết về nó càng bùng lên mạnh mẽ.
Là một người
sáng tác, tôi muốn đưa ra những quan niệm của riêng mình khi viết đề tài
lịch sử.
1.Tôn trọng lịch sử ở những điểm mấu chốt và rõ ràng. Có
những vấn đề, sự kiện lịch sử đã được coi là sự hiển nhiên và chính xác thì nhà
văn cần có sự tôn trọng khi viết về nó. Người viết có thể hư cấu nhiều điều, thậm
chí có một cái nhìn khác hẳn nhưng
những cột mốc lịch sử, những vấn đề đã được coi là tâm thức của dân tộc
được số đông cộng đồng chấp nhận thì người viết phải tôn trọng. Vì nếu các vấn đề căn bản của lịch sử không
được tôn trọng thì người đọc sẽ bị mất
phương hướng, không biết lịch sử mình đã từng biết và những gì nhà văn
hư cấu nên có sự khác biệt thế nào.
Ví dụ trận đánh của Vua Quang Trung năm Kỉ Dậu (1789)
quét sạch quân Thanh ra khỏi bờ cõi và tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự vẫn là sự thật rõ ràng.
Các nhà văn không thể hư cấu rằng Vua Quang Trung thua trận đó được và Sầm Nghi
Đống chạy thoát về nước.
Nhà văn có thể biến hoá về cách đánh của Vua Quang Trung,
tâm lí của ông khi ra trận hoặc diễn biến cái chết của Sầm Nghi Đống nhưng hai
sự kiện mấu chốt kể trên thì không thể thay đổi được. Nhà văn có thể có những
khác biệt theo cách nhìn, quan điểm nhưng nếu xoay ngược 180 độ thì đó sẽ là một
tình thế hết sức nguy hiểm. Lịch sử không phải lịch sử nữa. Người ta còn không biết tin vào ai nữa và từ
đó, sự tiếp nhận lịch sử qua văn học sẽ mất phương hướng, có hại cả cho lịch sử
và đối tượng nó tác động đến. Nhà văn có thể trở thành người phản bội lịch sử và chính dân tộc mình.
2. Lịch sử là niềm cảm hứng, chỗ dựa để cho sự sáng tạo.
Tôi nói điều này vì có rất nhiều vấn đề, nhiều nhân vật có nguồn tư liệu rất dồi
dào, nhà văn dựa vào đó để sáng tạo những sản phẩm nghệ thuật với cái nhìn của
văn học chứ không sao chép lịch sử, mô phỏng nó. Nếu người cầm bút đơn thuần
sao chép lịch sử thì anh ta đã giẫm chân vào người viết sử và thứ nữa, quá trình sáng tạo sẽ trình thụ động, nhăm
nhăm copy, chép lại lịch sử và chắc chắn người đọc cũng không quan tâm tới những tác phẩm mang tính bản sao vụng về
này.
Sao chép lịch
sử vừa đánh mất sự sáng tạo của nhà văn, vừa không kích thích được độc giả quan
tâm, tìm hiểu lịch sử theo một tâm thế mới và vô hình trung không có lợi
cho sự truyền bá tư tưởng hay khơi gợi
tìm hiểu những hấp dẫn mà bất cứ nguồn sử liệu nào cũng tiềm tàng. Tôi
ví dụ một nhân vật lịch sử gây nhiều tranh luận là công chúa An Tư.
Trong chính sử
chỉ có vài dòng vắn tắt rằng nàng được gả cho Thoát Hoan làm kế hoãn
binh trong tình thế hiểm nghèo của đất nước, nhưng thân phận nàng thế nào, cuộc
hôn phối đầy tính toán và có thể là bi kịch này sau đó ra sao thì vẫn là một
khoảng trống mờ mịt. Chính câu chuyện này là mảnh đất màu mỡ và là niềm cảm hứng
dồi dào cho các nhà văn sáng tạo. Chỉ cần vài dòng vắn tắt của lịch sử cũng có
thể dựng những bộ tiểu thuyết lớn.
3. Nhìn nhận lịch sử theo một cảm quan riêng của người viết. Điều này dường như mâu thuẫn với
điều thứ nhất nhưng lại không phải. Nó là sự bổ sung hỗ trợ cho nhau. Người viết
vừa tôn trọng những điểm mấu chốt của lịch sử vừa có cái cách nhìn riêng
của mình. Tôi ví dụ nhân vật Trần Khánh Dư trong thời đại nhà Trần là một người rất tài ba trong trận mạc nhưng cũng
đầy tai tiếng trong tình ái.
Tôi tôn trọng những điều căn bản về ông nhưng khi chính sử
chép lại chuyện Trần Khánh Dư lợi dụng chức vụ của mình ở biên ải để buôn nón
Ma Lôi thì trong tiểu thuyết “Sương
mù tháng Giêng” của mình, tôi nhìn nhận vấn đề này theo một quan điểm
riêng. Tôi (Uông Triều) cho rằng việc buôn bán như vậy chứng tỏ Trần Khánh Dư là một nhân vật rất
thức thời, đã biết tận dụng (lợi dụng) tình huống để cải thiện cuộc sống
của mình chứ không thụ động chỉ chờ đợi bổng lộc của triều đình.
Ngoài việc chê trách ông đã lợi dụng địa vị của mình để
kiếm lợi thì rõ ràng viên tướng từng
đánh trận Vân Đồn lừng danh - tiêu diệt đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, tạo
bước ngoặt căn bản trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba
cũng rất thạo nghề buôn bán và nắm được quy luật thị trường!
4. Lịch sử để
soi chiếu hiện tại. Rõ ràng có rất nhiều những vấn đề lịch sử được lặp lại
ở thời hiện đại và chúng ta có thể học tập từ nó. Ví dụ vấn đề bang giao với
phương Bắc, vấn đề tiệt trừ tệ tham nhũng hối lộ, các tiền nhân trong qua khứ
đã thực hiện những việc này nhiều lần, lúc thành công, lúc thất bại và chúng ta
có thể phân tích sự việc đó để học tập. Thậm chí tôi cho rằng những thất bại của
lịch sử nhiều khi còn đáng học tập hơn vì nó giúp ta tránh được những vết xe đổ
đã nhìn thấy trước. Ví dụ vấn đề cấm
đạo của nhà Nguyễn đã từng gây ra những hậu quả khôn lường và dai dẳng với lịch sử. Hay cũng là vấn đề từ
chối đổi mới, mở cửa khi những trí thức như Nguyễn Trường Tộ nêu ra đã
không được ủng hộ đã góp phần làm suy yếu nhà Nguyễn vì sự bảo thủ của mình.
Nhà văn nên ý thức được điều này, câu chuyện của lịch sử
là bài học có ích cho hậu thế, anh ta nhấn mạnh những điểm cần chú ý, phân
tích, mổ xẻ dưới cảm quan văn học và người đọc có thể thấy được tác dụng của lịch sử và vẫn hấp dẫn bởi nghệ thuật.
Nhà văn không phải viết một truyện lịch sử vô tăm tích mà người đọc có thể soi
chiếu vào đó và tìm ra những ý nghĩa cho riêng mình.
Thành công của nhà văn là khi đọc xong tác phẩm, người đọc
phải suy ngẫm về nó, anh ta day dứt về điều gì đó qua những thông điệp tường
minh hay hàm ẩn của lịch sử. Một tấm gương sáng hoặc mờ trong quá khứ để soi vào, anh ta thấy có ích và ý
nghĩa khi đọc câu chuyện lịch sử đó.
5. Nhà văn cần có bút pháp hấp dẫn. Có những sự kiện lịch
sử, nhân vật lịch sử giàu cá tính và chỉ cần kể lại một cách khéo léo đã hay rồi
nhưng có những chuyện khác cần phải
kì công và dùng rất nhiều trí tuệ và sáng tạo của nhà văn. Có hai cuốn
tiểu thuyết mà tôi rất thích thú là cuốn “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh và
cuốn “Giàn Thiêu” của Võ Thị Hảo.
Nguyễn Xuân Khánh thì tập trung vào luận điểm trí thức
trong thời đại của mình còn Võ Thị Hảo thì tập trung nhiều hơn vào ngôn ngữ và hình ảnh lịch sử. Nguyễn
Xuân Khánh đã thành công về luận điểm con người trí thức nhưng chữ nghĩa của
ông không thật trau chuốt, sắc bén. Còn Võ Thị Hảo thì có một bề ngôn ngữ đầy sắc
sảo, hình ảnh ấn tượng dù vấn đề đặt
ra của tiểu thuyết không nổi trội như Nguyễn Xuân Khánh.
Điều tôi muốn
nói qua hai ví dụ ở trên rằng, mỗi nhà văn sẽ chọn lựa một cách viết riêng phù
hợp với sở trường và sở thích của mình để đạt được hiệu quả cao nhất.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, bất cứ cách viết nào cũng cần tạo ra sự hấp dẫn và khơi gợi với độc giả, vì nếu không
làm được thế thì dù tư tưởng của anh
có lớn lao thế nào, anh có rèn giũa chữ nghĩa công phu ra sao nhưng độc giả dửng
dưng, không quan tâm thì anh đã thất bại từ bước đầu tiên. Vì nói cho cùng tác phẩm nghệ
thuật phải có độc giả, không có độc giả thì cả nhà văn và tác phẩm của anh ta đều
sẽ chết theo đúng nghĩa đen của nó!
UÔNG TRIỀU
Nguồn: VNCA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét