Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

CÁI ÁC ĐẾN TỪ ĐÂU?

Đầu tuần mới, chúng ta lại chứng kiến một câu chuyện bi thảm ở Mộc Châu (Sơn La). Nghi phạm là một thanh niên 35 tuổi và đã có gia đình, anh ta lại có con riêng với một phụ nữ khác.

Vào sáng 8/7, anh ta khóa cửa, đâm chết người phụ nữ này rồi đổ xăng thiêu cháy cả nhà chị (khiến thêm 3 người khác trong gia đình bị bỏng nặng). Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân rất có thể là do ghen tuông.

Câu chuyện ấy khiến nhiều người rùng mình. Nhưng, nó không phải là cái gì quá mới, nếu nhìn vào hàng loạt những vụ giết người tàn nhẫn vì lý do ghen tuông trong vài năm gần đây…
Người viết không có ý định liệt kê lại các vụ việc này, khi mà chỉ cần tìm kiếm với các cụm từ “giết người” và “ghen” trên trang Google, chúng ta lập tức có được hơn 1,1 triệu kết quả trong vòng 0,35 giây. Và, ở rất nhiều trong số đó, cách câu chuyện xảy ra hẳn sẽ khiến độc giả muốn quên nó đi ngay sau khi đọc.

Nhưng, vẫn có một câu hỏi phải trả lời: Tại sao, trong xã hội hiện đại, câu chuyện ghen tuông lại có thể khiến người ta buông thả theo thú tính của mình, tới mức có thể xuống tay hạ sát hàng loạt nạn nhân, hoặc tiếp tục trút mọi căm hờn lên thi thể của người khác sau khi gây án?

***

Dù qua tư liệu nghiên cứu hay phim ảnh, độc giả vẫn thường biết tới xuất xứ của các mẫu tội phạm giết người hàng loạt tại Mỹ và những nước phát triển: Sống độc thân hoặc ly hôn, xuất thân từ những gia đình bất ổn hoặc thiếu cha, ít giao tiếp với xã hội, bị lạm dụng hoặc bạo hành từ bé…

Còn ở Việt Nam, với điều kiện hiện có, dường như chúng ta vẫn chưa có những nghiên cứu tổng quát và khoa học về đặc điểm của loại tội phạm này.

Nhưng, nếu căn cứ vào những gì báo chí đã viết, rất ít khi, người ta bắt gặp thủ phạm có xuất xứ phức tạp như thế trong những vụ án giết người vì ghen tuông. Thậm chí, khá nhiều trong số họ là những người có gia đình đầy đủ, được học hành đàng hoàng và phần nào có vị trí trong xã hội.

Cũng như ở đa số các vụ giết người, đó không phải là những kế hoạch được chuẩn bị tỉ mỉ từ trước, mà gắn với cơn cuồng giận bộc phát và mù quáng.

Có nghĩa, trong một chừng mực nhất định, đó là câu chuyện của sự yếu kém về khả năng kiểm soát bản thân cũng như sự lệch lạc về nhận thức trong cuộc sống gia đình và quan hệ tình cảm. Một khi đã có căn nguyên, từ đó những giải thích sâu xa về tâm lý học và tội phạm học không còn quan trọng.

Bản chất của ghen tuông là ích kỉ. Và từ sự ích kỉ trong tình cảm cho tới sự ích kỉ trong việc tự cho mình quyền cướp đoạt mạng sống của người khác, đó là con đường dài nhưng lại rất logic với diễn biến của tình huống, nếu người ta không chú ý vun trồng những ý niệm về sự nhân ái, bao dung và khả năng suy xét của mỗi người.

Giống như cách mà các nhà tâm lý học từng khẳng định: Ở phần sâu nhất trong tâm hồn của mỗi người đều có những góc khuất, nơi cái ác ẩn mình. Và từ vô thức, cái ác có thể phát triển, nảy nở và chuyển từ suy nghĩ sang hành động nếu gặp những “mảnh đất” hợp lý để ươm mầm. Nó chỉ không có chỗ đứng, nếu người ta dần học được cách sống nhân văn và hướng thiện bằng lương tâm đích thực.

Ở một xã hội đang chuyển mình và có những đứt gãy, thay đổi nhất định về chuẩn mực sống, cái ác đến ngay từ sự ích kỉ, tham lam, vô cảm trong mỗi con người, mỗi gia đình chứ không phải từ đâu xa.

CÚC ĐƯỜNG
Theo TTVH



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều