Thứ Hai, 15 tháng 7, 2019

CHUYỆN NÓI CHƠI

Những ý tưởng ảnh hưởng đến sinh mệnh của cả thành phố hoặc quốc gia, chắc không ai ngây thơ đến mức nghĩ rằng nói to trong các cuộc họp là xong. Chúng cần một sự thúc đẩy và vận động mạnh mẽ ngoài xã hội - nếu chủ nhân ý tưởng tin là nó chính đáng.

Cuối tuần trước, bỗng nhiên tôi tự hỏi rằng giờ này 10 năm về trước xã hội đang có chuyện gì xảy ra? Tôi sử dụng công cụ lưu trữ Wayback Machine và truy cập vào VnExpress tháng 7/2009.

Thời đó, mục Thời sự của VnExpress vẫn còn tên là mục "Xã hội". Tôi click vào mục Xã hội, đọc lướt qua các tin tức về tuyển sinh đại học 2009. Hẳn độc giả còn nhớ rằng đầu tháng 7 hàng năm từng là thời điểm cố định cho cuộc thi trọng đại này. Và ở đó, lẫn trong các tin tức giáo dục, tôi đọc được một tin khá kỳ dị.

Đó là bản tường thuật một cuộc họp của Hội đồng nhân dân TP HCM. Không khí có vẻ căng thẳng. Các đại biểu bày tỏ sự không hài lòng với trả lời của Giám đốc Sở Giao thông thành phố vì vấn đề kẹt xe và ngập nước.

Và một đại biểu tuyên bố: "Nếu Sở không làm được thì để tôi". Giải pháp chống ngập nước, "đơn giản chỉ cần khuyến khích mỗi hộ dân có hồ chứa nước riêng", đại biểu này nói.

Đó là tháng 7 năm 2009. Phải gần một tuần sau phát biểu này, Yahoo 360 mới bị khai tử, Facebook mới cất cánh trở thành nền tảng mạng xã hội bao trùm tại Việt Nam. Nếu phát biểu này xuất hiện ngày hôm nay, nó có thể tạo ra một cấp độ chú ý khác.

Nếu được nói ra ngày hôm nay, nhờ một sự tình cờ trên mạng xã hội, có thể ý tưởng này sẽ được mổ xẻ kỹ hơn. Rất nhiều câu hỏi phát sinh: "Khuyến khích" thế nào ở nơi có giá đất cao nhất Việt Nam? Tại sao thành phố không đào hồ công cộng lớn mà mỗi hộ phải có một cái? Các khu đô thị gồm nhiều chung cư thì đào vào đâu?

Có thể là sau khi tranh luận ở tầm xã hội, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng mỗi hộ dân sống ở mặt đất Sài Gòn, thay vì xây kín đất mở tiệm tạp hóa hoặc hủ tiếu mì, đào một cái hồ, nhỏ thôi, thì thành phố sẽ trở nên đáng sống hơn nhiều. Không còn ngập nước nữa. Giá của phần bất động sản còn lại sẽ tăng lên nhiều hơn cả khi xây kín đất. Chúng ta sẽ có thành phố triệu hồ, du khách thế giới sẽ đến chen chúc, flycam bay kín trời để chụp muôn vàn lỗ nhỏ lấp lánh trên bề mặt thành phố. Có thể vị đại biểu đó đúng. Chuyện này nên để độc giả nhận định, tôi không muốn tỏ ra thiên kiến.

Dù sao tất cả cũng chỉ là giả tưởng. Tôi về với thực tại: TP HCM vẫn ngập, ngày một nặng hơn. Trong 10 năm qua, hẳn là đã có rất nhiều ý tưởng được đưa ra. Một vài cái trong đó được lắng nghe, một số ít hơn được thảo luận, và một số ít hơn nữa được triển khai. Nói theo ngôn ngữ của Marvel, thì "thành phố triệu hồ" kia đã tồn tại ở một vũ trụ khác, được tách ra khỏi vũ trụ ta đang sống từ tháng 7/2009.

Bỏ qua tính hợp lý của ý tưởng đào hồ, chuyến du hành ngược thời gian trên Internet làm phát sinh trong tôi một câu hỏi mới: trong một thập kỷ đã có bao nhiêu ý tưởng, bao nhiêu phát biểu của chính quyền nói chung, đại biểu dân cử hay cán bộ nói riêng, không đi ra thực tiễn? Bao nhiêu phát biểu về các vấn đề trọng đại đã thành chuyện... nói chơi?

Câu trả lời rất đơn giản: không thể nào biết được. Một nghìn, mười nghìn hay là một trăm nghìn câu nói ra trong các cuộc họp quan trọng, về các chủ đề quan trọng, về sau không trở thành tiền đề cho cái gì cả.

Việc xem xét một ý tưởng đến tận cùng không bao giờ vô nghĩa. Nếu nó có tính khả thi cần triển khai là một nhẽ. Bỏ qua thì rất ân hận, không bao giờ chúng ta biết người dân ở cái vũ trụ triệu hồ họ sung sướng thế nào. Nhưng nếu nó vô lý và vô duyên, thì công chúng cũng có cơ hội được phê bình, để các kỳ họp sau các vị lãnh đạo và dân biểu phát biểu thiết thực hơn.

Nhưng người dân không thể ngồi đọc hết biên bản các cuộc họp của các vị này - dù nó có được đăng công khai. Cánh nhà báo cũng chỉ lựa chọn được một vài chi tiết. Cơ bản là, thế giới của các cuộc họp và những ý tưởng cao siêu của nó, với thế giới thực - nơi người dân đang sinh sống - không thường xuyên giao nhau. Rất nhiều câu nói trong các cuộc họp, ví dụ chuyện toàn dân đào hồ, về sau chẳng để làm gì cả.

Tháng trước tôi ở Hong Kong, trong một tòa nhà chung cư rất cũ ở Vịnh Đồng La. Trên bảng tin của chung cư ấy, dán vài tấm poster rất đáng chú ý. Nó được thiết kế cẩn thận, in màu trên giấy bóng, song ngữ, đồ họa mạch lạc: ảnh một nữ dân biểu đang cười, bên cạnh là ảnh trên cao của một khu dân cư. Tôi dùng công cụ chụp ảnh của Google Translate đọc phần tiếng Trung, và hiểu là vị dân biểu này đang mời người dân đến để họp về một vấn đề xây hạ tầng trong khu.

Trong thời đại của Internet, cái giấy mời họp được thiết kế như tờ rơi siêu thị, dán trên tường chung cư cũ, vẫn khiến tôi dừng lại và xúc động. Khuôn mặt bà dân biểu trên tường hàm chứa rõ một tinh thần. Họ vươn cánh tay đến với công chúng, đề nghị được hỗ trợ và đòi hỏi nhận lại sự hỗ trợ cho công việc của mình. Đó là một thái độ rất chủ động.

Nói chung là đã có lòng, thì không thiếu gì cách để một lãnh đạo hay đại biểu dân cử nêu lên một vấn đề, đẩy xung đột, tranh luận đến tận cùng và thúc đẩy ý tưởng của mình. Khi mà ai đó cho rằng ý tưởng của mình là quan trọng, là bức thiết, cần được đáp ứng hoặc thảo luận ngay, họ sẽ tìm ra cách để tạo ra điều đó. Họ có thể họp dân lại, bằng kỹ thuật số hay là bằng tờ rơi giải thích mạch lạc tầm quan trọng của vấn đề, ví dụ đào hồ. Họ có thể tự tổ chức họp báo. Họ có thể bắc loa ngoài phố - mà cũng không cần bắc loa như chính trị gia Hong Kong, vì hệ thống này ở Việt Nam có sẵn trên cột điện rồi - để thuyết phục người dân tham gia vào ủng hộ mình. Đã có lòng thì có cách.

Những sinh hoạt chính trị kiểu này rất quen thuộc, nhưng là trên phim nước ngoài. Phần lớn ý tưởng hệ trọng ở Việt Nam vẫn chỉ được nói ra trong các cuộc họp. Một số vị nói rất to, rất bức bối, sau đó tự cho rằng đấy là thể hiện bức xúc cho nhân dân.

Những ý tưởng ảnh hưởng đến sinh mệnh của cả thành phố hoặc quốc gia, chắc không ai ngây thơ đến mức nghĩ rằng nói to trong các cuộc họp là xong. Chúng cần một sự thúc đẩy và vận động mạnh mẽ ngoài xã hội - nếu chủ nhân ý tưởng tin là nó chính đáng.

Còn khi người ta nói ra những thứ mang danh "giải pháp", tầm vóc có vẻ hệ trọng, tính chất có vẻ cấp bách, nhưng nỗ lực vận động không tương xứng, mấy câu đó hoàn toàn xem là nói chơi cũng được.

ĐỨC HOÀNG
Nguồn: VNEX



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều