Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC CHU VĂN SƠN: SUỐT MỘT ĐỜI ĐI TÌM CÁI ĐẸP

Từ CHLB Nga, Tiến sĩ Toán học Nguyễn Hùng Phong chia sẻ: “Trời phú cho Chu Văn Sơn một khả năng cảm nhận, một con mắt nhìn ra cái đẹp của văn chương”.

Khóa “Kiêu binh”

Vậy là thầy đã đi xa thật rồi. Ánh hồi quang cuối cùng của một thế hệ vàng giảng dạy và nghiên cứu văn học vụt tắt. Học trò của thầy không còn được trò chuyện cùng thầy khi gặp gỡ cafe hay chat cùng thầy trên facebook.

Có lẽ sẽ phải nhiều năm nữa mới lại có một người thầy giảng văn tài hoa và tinh tế ở trường phổ thông, khiến học trò yêu văn đẹp, mê văn hay như thầy đã làm được.

Thầy đã đi quãng đường 58 mùa xuân, mới thêm 8 nhịp của một phần hai kiếp nhân sinh ba vạn sáu nghìn ngày, vậy là cũng đủ tài hoa trọn một cuộc đời. Một người bạn đồng niên với thầy đã lặng đi khi em báo tin thầy rời cõi tạm. “Có lẽ trời xanh kia muốn giữ mãi hình ảnh trẻ trung của Chu Văn Sơn chứ không muốn có một Chu Văn Sơn lụ khụ”.

Nói xong, anh cố giấu những nỗi xúc động, vờ quay mặt nhìn xa xa... Cái đẹp bao giờ cũng mỏng manh và người tài hoa tuổi thọ hình như chẳng được dài?

Trương Trào chẳng phải có câu: "Tài tử mà lại đẹp, mỹ nhân mà lại biết làm văn ắt là không thọ được. Không phải do tạo hóa đố kỵ mà bởi hạng người đó không chỉ là báu vật của một thời mà là báu vật của muôn đời, nên không thể lưu lại lâu trên cõi thế mà hóa ra nhàm".
Tiến sĩ Chu Văn Sơn (1962 – 2019).

Đầu năm Kỷ Hợi này, một người bạn đồng niên, đồng môn của thầy là chị Lại Thái Hưng từ CHLB Đức về, hai chị em trò chuyện, chị lại nhắc đến thầy, đến những kỷ niệm của khóa kiêu binh.

Trong hơi thở của trời xuân rất khẽ, từng kỷ niệm của chị và những mẩu chuyện thầy từng kể cho em nghe cứ đan cài để thành một bức tranh xinh xắn về khóa học có một không hai ấy.

Năm học 1979-1983 của khoa Văn, cái tên hồi đó còn thêm số I đằng sau là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, với nhiều cái đầu tiên. Lần đầu tiên tổ chức thi học sinh giỏi trên quy mô toàn quốc.

Lần đầu tiên có chuyện đội tuyển được vào thẳng Sư phạm. Khóa ấy, như lời thầy kể thì “toàn những tay khá cả”. Đi kèm với đó là kiêu và quậy. Như lời chị Hưng nói, đó là đám “kiêu binh” đã khiến các thầy cô phải điên đầu.

Có những giờ giảng mà nhìn xuống lớp học chỉ lưa thưa vài sinh viên, còn đâu là nghỉ học cứ như bãi khóa. Nguyên nhân cũng bởi nhiều thầy cô dạy “buồn chết đi được”, đấy là sau này lúc vui chuyện thì thầy tỉ tê kể cho em nghe. Nhiều biện pháp đã được Đảng ủy khoa, Ban chủ nhiệm khoa, Liên chi đoàn khoa áp dụng nhưng chẳng ăn thua. Kiêu binh vẫn cứ bỏ tiết.

Chỉ đến khi những giờ giảng của các giáo sư Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hoành Khung, Phan Trọng Luận… thì lạ thay, chẳng ai bảo ai, lớp học lúc nào cũng chật kín.

Sau đó, xuất hiện những bài vè, bài họa thơ chân dung các thầy: “Vừa dạy vừa hát/ Là thầy Thế Cường/ Vừa dạy vừa “lườm”/ Là thầy Trường Phát/ Vừa dạy vừa quát/ Là thầy Hoàng Dung/ Thầy Lưu Đức Trung/ Hiền chi hiền thế…”.

Nhắc đến chuyện làm vè, thì đỉnh cao phải kể “nửa đêm truyền hịch”, “rạng ngày bố cáo” đã làm náo loạn xô chậu và ầm ĩ đèn đuốc trong khu nhà A7 ký túc xá của sinh viên khoa Văn. Nhiều bài hịch, bài cáo, những khoá sau vẫn còn truyền tụng, như “Cáo cử nhân đăng trường ứng thí”, “Cáo tú tài tựu trường”, “Hịch sống vệ sinh”....

Lụy cái đẹp

Hình như trong quãng thời gian vừa tròn một con giáp được làm học trò của thầy, tôi chưa bao giờ gặp thầy vào mùa hè? Có lẽ như thế. Tôi chỉ gặp thầy vào mùa xuân và mùa thu. Tại sao tôi nhớ như vậy, vì hình như thầy cũng không ham la đà bia rượu. Mà bia rượu thì tập trung mùa hè.

Phải rồi, mùa hè, còn là mùa thầy bị “nhốt” để ra đề thi học sinh giỏi và đề thi tuyển sinh quốc gia, đề thi tuyển sinh đại học. Tốt nghiệp, ra trường đi làm tôi mới hiểu vì sao những giờ giảng của thầy luôn được đông đảo học trò đến lớp ngồi nghe như thế.

Có bạn tôi mới đây nhắc lại bài giảng, thầy đã nói sự khác nhau của sinh viên năm 1-2-3-4 là ở chữ R.

Năm nhất thì “Rạo rực”, năm hai “Ríu rít”; năm 3 “Rộn ràng” và năm tư thì “Rệu rã” Cảm giác của chúng tôi thì giờ học của thầy lúc nào cũng đầy đủ và không khí thầy trò rất gần gũi. Gần như giờ thầy lên lớp ai cũng ghi chép rất đầy đủ về cái thế giới nghệ thuật có vườn tình và tình nhân.

Ra trường, đi làm, thầy trò càng có thêm những dịp chia sẻ chuyện của khoa khi những cơn lốc bất ngờ ào qua, tôi càng biết, càng hiểu và càng thêm yêu quý thầy.

Mặc dù tôi không theo nghề dạy học mà đi làm báo nhưng đôi lúc hứng chí tôi vẫn lên lớp cho một số sinh viên chuyên ngành báo chí. Thầy là tấm gương để tôi soi vào làm sao có những giờ giảng mà chẳng cần điểm danh sinh viên vẫn đến lớp đều.

Muốn vậy, người thầy, ngoài kỹ năng sư phạm, còn phải có yếu tố của một nhà khoa học và một người nghệ sĩ. Lý thuyết thì đơn giản như vậy đấy nhưng để thực hành được thì phải rèn luyện kiên trì cộng với một chút của trời cho mà không phải ai cũng có.

Trời đã phú cho thầy con mắt nhìn ra cái đẹp của văn chương, bằng tư duy khoa học và kỹ năng sư phạm, thầy như một khối nam châm có sức hút sinh viên vào các bài giảng, dù chúng có tản mát hay nhẩn nha rong chơi, mải mê chinh chiến và yêu đương ở góc biển chân trời nào cũng đều thấy tiếc nếu không được nghe thầy giảng bài.

Đôi khi, tôi lại vẩn vơ nghĩ, bây giờ công nghệ hiện đại, sinh viên lên lớp có thể quay clip toàn bộ bài giảng, hay livestream bài giảng của thầy, nhưng cái thú vẫn là được trực tiếp ngồi nghe thầy giảng bài rồi đôi khi hỏi cắt ngang một câu vừa nảy ra trong đầu. Dù bị bất ngờ nhưng thầy vẫn trả lời gãy gọn và lại nhập vào làn bài giảng mà không hề lạc hướng.
“Tự tình cùng cái đẹp” – cuốn sách cuối cùng của Tiến sĩ Chu Văn Sơn.

Trong ghi chép của tôi về giờ giảng của thầy có một lát cắt về sinh viên sư phạm. Ngay từ đầu thầy đã muốn kích thích sinh viên sáng tạo bằng cách phá vỡ và vượt lên những nếp tư duy cũ kỹ hằn sâu và ăn sâu thành thói quen vô thức, phản xạ khó bỏ của con người. Thầy cắt nghĩa màu sắc để người ta nhận ra sinh viên sư phạm là gì: là cái chất chân phương, mực thước.

“Điều này yếu tố tích cực của nó là đem lại cho số đông những người trong xã hội, đặc biệt là những người già một cảm giác yên tâm”. Chỉ một câu nhưng thầy dừng lại đôi chỗ, cười thành tiếng như muốn nhấn mạnh đến mấy chữ “người già”, đến “cảm giác yên tâm”.

Bỗng có tiếng một nữ sinh hỏi vọng lên: “Chúng ta là lãng tử”. Thầy trả lời ngay: Chúng ta đừng hiểu lãng tử theo nghĩa phất phơ. Lãng tử, nghĩa gốc của nó là người lãng mạn. Mà lãng mạn không phải là người sống kiểu tài tử, phù phiếm, thậm chí nhom nhem.

Theo tôi, lãng tử là người có một đời sống tinh thần thật sự phóng túng”. Câu trả lời của thầy thuyết phục sinh viên ngay để thầy tiếp tục lái vô-lăng về làn bài giảng.

“Các bậc phụ huynh nhìn thấy chân phương mực thước là yên tâm để họ trao gửi con gái mình cho chúng ta”. Lẽ ra phải là trao gửi “con cái” nhưng thầy nháy mắt đùa vui với mấy cậu sinh viên chúng tôi, “mỳ chính cánh” trong lớp, mà đổi thành “con gái”. Trao gửi con gái cho mấy anh sinh viên văn khoa thì cứ yên tâm.

Thầy cắt nghĩa, thực chất sinh viên sư phạm tự cắt xén mình mà không biết. Điều đáng buồn ở tuổi trẻ sư phạm đó là bị đám đông vô hình cuốn đi.

“Theo tôi nghĩ, khi chúng ta có cá nhân mạnh thì chúng ta sẽ có ý thức cá nhân mạnh. Ý thức cá nhân mạnh tức là luôn luôn khao khát mình được là mình chứ không phải là bản sao của người khác. Mình không phải là cái bóng của người khác, và mình không phải là sự hòa tan vào đám đông. Mình phải là mình. Tất nhiên đừng phủ nhận đám đông, đừng bất chấp đám đông. Tôi nhắc lại: không nên để mình bị hòa tan vào đám đông. Càng không nên là người bị uốn nắn. Chúng ta phải là mình, trước hết là mình”.

Thầy đi xa mãi rồi, một đời tài hoa, một đời luỵ cái đẹp, sẽ chẳng còn cơ hội cho em được đọc những bản thảo thầy gửi qua email như “Ăngkor những đối cực của cái đẹp”, như ngày nào nữa.

Nhớ đến Hoài Thanh

“Đọc Chu Văn Sơn, hoặc một bài viết nghiêm túc đăng báo hay chỉ một note nhỏ trên facebook, tôi luôn thấy thú vị. Thú vị vì ở anh luôn có những phát hiện rất tinh tế, bất ngờ. Anh nhìn thấy, phát hiện ra những cái đẹp mà ít người nhìn thấy. Một ngòi bút thật tài hoa và tinh tế. Trời phú cho Chu Văn Sơn một khả năng cảm nhận, một con mắt nhìn ra cái đẹp của văn chương.

Không hiểu sao, đọc Chu Văn Sơn tôi cứ hay liên tưởng đến Hoài Thanh. Có lẽ vì bởi ở Chu Văn Sơn có những điểm tương đồng với tác giả của "Thi nhân Việt Nam"?

Tiến sĩ Toán học Nguyễn Hùng Phong - CHLB Nga

Tiếng kêu vô nghĩa

“Ở một đoạn khác, thầy giảng về hai mệnh đề. Thứ nhất, chúng ta trưởng thành trong cô đơn. Thứ hai, chúng ta sáng tạo trong cô đơn.

“Cô đơn là khi mà cái tôi đối diện với chính nó. Đối diện với chính nó thì bao giờ cũng trả lời được câu hỏi rất tốt thế này: Mình là ai nhỉ? Mình là ai trong cõi đời này? Mình định trở thành ai? Mình là gì ở trong cõi đời này?”

Vừa lúc đó, ngoài đường Xuân Thủy có tiếng hú dài của ôtô cấp cứu 115 hay cảnh sát 113 dẹp đường, khiến cả lớp cười rộ lên. Còn thầy cũng tếu táo: “Đó, câu trả lời: Mình chỉ là tiếng kêu vô nghĩa”.

Nhật ký của Khải Mông

KIỀU MAI SƠN
Theo ANTGCT


Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2019

NHÀ THƠ HUY CẬN VỚI QUÊ HƯƠNG, DÒNG TỘC

Nhiều người thường nhớ, thường nhắc về một chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm bởi tuyệt bút của Hoài Thanh - nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận... Nhưng có lẽ ít người biết về một Danh nhân văn hóa Cù Huy Cận với mối quan hệ bền chặt, đầy nghĩa tình thủy chung cùng quê hương, dòng tộc, từ lúc sinh ra cho đến phút cuối đời...
Nhà thơ Huy Cận

1.
Huy Cận sinh ngày 31-5-1919 (cũng có tài liệu nói ông sinh ngày 22-1-1917) tại xã Ân Phú, thời đó thuộc huyện Hương Sơn, sau chuyển về Đức Thọ và nay là huyện Vụ Quang, Hà Tĩnh.

Ân Phú tuy chật hẹp (diện tích khoảng 9 km2, dân số hơn 2.000 người) nhưng sơn thủy hữu tình, giáp ranh giữa ba huyện Vũ Quang, Hương Sơn và Đức Thọ. Tên Ân Phú hiện cũng có nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng nghĩa chung là giàu có, thịnh vượng - xuất hiện từ đầu thời Tự Đức (1847). Đây không chỉ là vùng đất hiếu học, giàu truyền thống văn hóa mà còn nổi tiếng yêu nước, cách mạng với nhiều người tham gia các phong trào Cần vương, yêu nước, có 59 liệt sĩ qua các cuộc kháng chiến. Hiện nay, Ân Phú đang là một điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đã đạt chuẩn nông thôn mới từ khá sớm...

Cùng với họ Trần và họ Nguyễn, họ Cù là một trong ba dòng tộc đầu tiên có công khai ấp lập làng. Trong số 32 vị tiên hiền, hậu hiền được nhân dân thờ tự cho đến nay, có đến bảy vị họ Cù. Theo hồ sơ khoa học di tích lịch sử văn hóa Đền Vại, thì ngoài dòng tộc Cù Hoàng từ Quỳnh Lưu chuyển cư vào, họ Cù Huy tôn Binh bộ Thượng thư Cù Ngọc Xán là tiên Thủy tổ. Tuấn vũ hầu Cù Ngọc Xán được nhà Lê ban quốc tính, sau được phong tước Vương, thờ tại Đền Vại với mỹ danh Tượng Sơn Cao Liệt tôn thần. Ông là phu quân của bà Ngô Thị Ngọc Điệp, sinh khoảng đầu thế kỷ XV, con gái thứ 14 của Dụ Vương Ngô Từ, hậu duệ thứ 13 của Ngô Quyền; bà cũng là chị của Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ vua Lê Thánh Tông. Bà Ngọc Điệp là Quận Quân Á tước, được phong thần là Lê Triều Hoàng hậu, mất ngày 13 tháng 2 âm lịch tại Trại Đầu - Ân Phú và trở thành người mẹ tinh thần của vùng đất này trong suốt 600 năm qua; riêng Triều Nguyễn đã có bảy sắc phong.

Như vậy là sự hợp duyên giữa hai dòng tộc Cù - Ngô của vị Thủy tổ đã mang lại cho làng xã, dòng họ một sức sống bền bỉ, một truyền thống văn hóa, yêu nước xuyên suốt năm thế kỷ. Và đến thế kỷ 20, không biết có lời “mách bảo” nào từ nguồn cội không mà hai thi sĩ chủ tướng của phong trào Thơ Mới, Cù Huy Cận - Ngô Xuân Diệu đã kết thân ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên trên đất Huế, tạo thành một Tình Bạn lớn hết sức đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam.

Hỡi ai đó, có nhớ chàng Huy Cận
Gọi gió trăng mà thỏ thẻ với lời trên
Rất thương yêu, xin nhớ gọi giùm tên
Rất an ủi của bạn chàng: Xuân Diệu

(Thơ Huy Cận - Mai sau)

Chi nhánh họ Cù Huy có thủy tổ là Cù Thạch Khối đến Huy Cận là tám đời. Khoảng năm 1942, họ Cù Huy lại tách thành hai cánh. Huy Cận là con trai đầu của cụ Cù Trương, từng thi Hương trúng Tam trường, sau theo học Quốc ngữ, chữ Tây, hết cấp Tiểu học được bổ làm Hương sư ở Thanh Hóa một thời gian, sau về quê dạy học, cày ruộng. Mẹ là bà Bùi Thị Chi sinh trưởng trong một gia đình có nhiều người đỗ đạt ở làng dệt lụa Hạ nổi tiếng vùng Tùng Ảnh.

Đường về Ân Phú quê cha
Sông La uốn khúc Mồng Ga núi gần,
Đường về quê mẹ quen chân
Tam Soa bến cũ mấy lần đò xuôi

...Một đời mòn gót nghìn đường
Bước về đầu xóm rưng rưng lệ nhòa...

2.
Đọc “Hồi ký song đôi” (Nxb Hội Nhà văn, H. 2011), ta sẽ nhận thấy quê hương Ân Phú nói riêng và Hà Tĩnh, xứ Nghệ nói chung thật sự là mạch nguồn của rất nhiều tác phẩm văn học của Huy Cận. Xuân Diệu từng nhận xét - quê hương đã cung cấp cho Huy Cận một cái vốn đất đai gì sâu thẳm lắm như từ ruột của thời gian. Và chính Huy Cận trong bài thơ “Tôi nằm nghe đất” đã chia sẻ:

Tôi sinh ra ở miền sơn cước
Có núi làm xương cốt tháng ngày
Đất bãi tơi làm da thịt mát
Gió sông như những mảng hồn bay...

Quê hương hiện ra trong thơ Huy Cận thật cụ thể, yên bình:

Tuổi nhỏ tôi trùm trong nhớ thương
Cách sông chợ Nướt, bến đò sương
Làng quê sơn cước chiều về sớm
Bóng núi dài lan mát ruộng nương...

Mãi sau này, trong bài thơ “Yêu đời” ông cũng nhắc lại: Quê anh cà nhút mặn mòi/ Sinh anh muối mặn yêu đời, đó em! Khung cảnh làng quê cũng chính là thi hứng trực tiếp của những tuyệt thi như “Tràng Giang”, “Ngậm ngùi” và nhiều sáng tác sau 1945.

Đặc biệt, trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã để lại hai thi phẩm nổi tiếng như để tri ân quê hương - “Gửi người xứ Nghệ” đã được phổ nhạc và thành bài ca “đi cùng năm tháng” (Ai vô xứ Nghệ), và “Ngã ba Đồng Lộc” - như dựng thêm một tượng đài vĩnh cửu bằng thi ca:

Trong đời mỗi dân tộc cũng có những ngã ba/ Những ngã ba vận mệnh/ Những cái nút trên dặm dài lịch sử/ Gặp những ngã ba đời con sẽ nghĩ suy/ Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi/ Con sẽ nhớ đến ngã ba Đồng Lộc/...Là ngã ba nhưng nào có phân vân/ Nào có đắn đo do dự!/... Nhưng hướng đi đã quyết/ Không phải cho một lần/ Mà cho tất cả mọi lần/ Không phải cho một người/ Mà cho tất cả quê hương, đất nước...

Với những thành công lớn trong sự nghiệp chính trị và đặc biệt là sự nghiệp văn hóa, văn học, người đầu tiên của Việt Nam được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ thế giới (2001), hoặc như nhận xét của Vũ Đình Minh - nhà thơ hoạt động chính trị, nhà văn hóa lừng danh vượt qua cả biên giới quốc gia để hòa nhập vào dòng văn hóa của thế giới - Huy Cận đã thật sự mang lại niềm vinh dự, tự hào cho dòng tộc và quê hương Hà Tĩnh.

3.
Sinh thời, Huy Cận dành rất nhiều tâm huyết, tình cảm cho quê hương. Ngày thơ Việt Nam lần đầu tiên (2003) được Hội Nhà văn tổ chức tại Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), nhà thơ Huy Cận đã về dự, đánh trống khai hội và phát biểu, đọc thơ rất say sưa. Ông cũng tranh thủ mọi cơ hội để về thăm, động viên, giúp đỡ quê hương, dòng tộc.

Mặc dù rất bận rộn với nhiều hoạt động khác nhau nhưng ông vẫn không quên trách nhiệm của một Tộc trưởng dòng họ. Ông đã trực tiếp lập gia phả, viết lời mở đầu rất thống thiết: “Chim có tổ, người có tông. Chúng ta là các lớp hậu duệ của tổ tiên xem, thuộc tộc phả để ghi lòng tạc dạ tinh thần thương yêu đùm bọc lấy nhau của cha ông, cố kết với nhau vì tình nhà nghĩa nước. Tộc phả cũng là lịch sử của họ ta, một họ tuy không đông người nhưng đã có đóng góp xứng đáng vào công việc của quê hương, làng nước. Có thuộc quá khứ mới mở mang được tương lai. Xin bà con trong họ giữ gìn và phát huy ý nghĩa, tác dụng giáo dục của bản tộc phả thiêng liêng này”.

Năm 2002, ông viết “Di chúc về vấn đề lưu niệm”, trong đó khẳng định việc được thờ tự tại quê nhà: “Vợ con tôi sẽ thờ tôi tại nhà và đất ở của tôi ở 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội và thờ tôi tại nhà thờ họ Cù Huy cánh tiểu tôn ở xã Ân Phú, tỉnh Hà Tĩnh”.

Sau khi ông mất (19-2-2005), nhà thờ họ Cù Huy đã được tôn tạo lại và đang làm hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa ngay trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa - Nhà thơ Huy Cận (1919 - 2019). Khép lại một đời bôn ba khắp bốn phương trời, cống hiến hết mình cho đất nước, từng giữ nhiều chức vụ trọng yếu như bộ trưởng, thứ trưởng và đại diện cho quốc gia tại nhiều tổ chức, diễn đàn văn hóa, chính trị quốc tế, để lại cho hậu thế gần 50 đầu sách, trong đó có nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Pháp hoặc được xuất bản ở nước ngoài, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên (1996), Huân chương Sao Vàng cao quý..., nay ông đã được về với tổ tiên, dòng tộc, được bà con làng xã tri ân, thờ phụng như một nhân thần của quê hương, đất nước.

TS. VÕ HỒNG HẢI
Nguồn: Nhân Dân



Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019

TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG MỘT VỞ TUỒNG CỔ

Bản in cũ nhất của vở tuồng cổ "Trương Ngáo" (tên đầy đủ là "Trương Ngáo đòi nợ Phật") được in ở nhà xuất bản Claude et Cie Impimerie (Sài Gòn, 1904) có 40 trang với 17 lớp tuồng và 12 nhân vật. Nhiều nhà nghiên cứu tuồng cho rằng vở này có tuổi đời trên dưới 200 năm...

Đã có nhiều dị bản dân gian và tác giả bác học viết lại, bổ khuyết để dựng thành vở nhưng cái lõi ý nghĩa nội dung thì hầu như vẫn giữ nguyên.

Tuồng hát bội truyền thống thường đi theo đề tài "quân quốc" tức chuyện vua quan liên quan đến vận mệnh đất nước đề cao tính lý tưởng "trung quân", như các vở "Sơn Hậu", "Tam nữ đồ vương", “Đào Phi Phụng", "Võ Hùng Vương"… có đặc điểm là tính ước lệ rất cao. Nhân vật được miêu tả theo lối công thức: "Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc/ Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi".

Nhưng lại có một số vở như "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" hay "Trương Ngáo" thì lại rẽ theo một lối khác - lối tuồng hài với sự cách tân rõ nét: phá vỡ đề tài quen thuộc, đưa nhân vật người thường, thậm chí tầm thường làm nhân vật trung tâm. Ở vở "Trương Ngáo" còn gắn ý nghĩa triết lý nhân sinh với triết lý tôn giáo (đạo Phật) nhằm mục đích đề cao ý nghĩa con người và cuộc sống đời thường.

Anh chàng Trương Ngáo vốn có bản tính thật thà đến mức ngô nghê được vợ cho năm quan tiền đi buôn, để mụ rảnh rang rước giai về nhà. Trên đường đi nghe thấy chuyện mang của cúng chùa thì sau này sẽ hưởng phước, thế là chàng ngốc ta vào chùa cho Phật vay tiền. Về khoe, dĩ nhiên bị vợ cho ăn gậy và bắt đi đòi lại. Ngáo ta hồn nhiên đi, nhưng không đòi ở chỗ đã cho vay mà sang tận Tây Thiên đòi Phật Tổ… Tác phẩm mang đậm cảm quan dân gian về Phật giáo gần gũi, đời thường, bình đẳng với con người.
Vở tuồng cổ “Trương Ngáo” chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc.

Nhân vật chàng ngốc đã có nhiều trong truyện dân gian, ở vở tuồng này còn ngược và lạ đời hơn… Ngáo gọi Phật Tổ là "anh" (Gần chùa gọi Bụt là anh). Bật cười trước bộ dạng, hành vi và ứng xử của Ngáo, rồi Phật thương Ngáo hay thương người tâm thiện mà nhận Ngáo làm đệ tử và đặt tên mới là Chơn Tâm…  Hành trình của thầy trò Đường Tăng trong "Tây du ký" đi Tây Trúc thỉnh kinh hay là hành trình của con người đi tìm lý tưởng? Tôn Ngộ Không biểu trưng cho trí tuệ và Trư Bát Giới biểu trưng cho tình cảm thống nhất trong một con người Đường Tăng.

Ai cũng thế, sống ở đời là phải trải qua bao tai ách (81 nạn) mới có thể tìm tới lý tưởng (Kinh Phật). Trong cuộc hành trình đó con người phải luôn dùng trí tuệ (Tôn Ngộ Không) mới vượt qua được khó khăn trở ngại (yêu quái). Ý nghĩa phổ quát ấy của thiên kiệt tác làm say mê hàng triệu trái tim của bao thế hệ, không chỉ ở phương Đông mà còn ở cả nhân loại.

Còn hành trình của Trương Ngáo đến Tây phương đòi nợ Phật hay là hành trình của con người kiếm tìm sự thật? Đó là những triết lý lớn chỉ có ở những tác phẩm lớn. Trên mọi cuộc hành trình, cuộc đời cũng như khoa học, nghệ thuật cũng như tôn giáo, lao động cũng như tình yêu thì cái đáng quý là quá trình khám phá, tìm hiểu chứ không phải mục đích. "Đi là sống, đến là chết".

Ngạn ngữ phương Tây đã nói vậy. Tính hiện đại của vở tuồng chính là ở sự phân tích quá trình biến đổi nhân vật Trương Ngáo từ chưa biết đến biết, từ sự ngờ nghệch, ngốc nghếch đến minh triết sáng láng. Ta thấy vở tuồng rất ít nhân vật, nhân vật chính chiếm gần trọn không gian tác phẩm. Kết cấu tình tiết, cảnh vật, hình ảnh của vở tuồng đi theo bước hành trình của nhân vật chính.

Ý nghĩa cơ bản của tác phẩm như muốn đưa ra một bài học: muốn thay đổi, làm mới mình phải "lên đường" tức phải bước vào quá trình học hỏi dù có phải trải qua bao khó khăn. Điều quan trọng nhất là người ta phải có đủ ý chí, trí tuệ và niềm tin! Khi đã "tư duy" được tượng Phật chưa phải là Phật, cho tượng Phật vay tiền nên không thể đòi, thế thì phải đòi Phật Tổ, dù ngàn trùng xa xôi. Tức là Ngáo đã "ngộ" để "đổi ngôi" sang một thân phận khác, thân phận của trí tuệ và trí huệ.

Nhà Phật định nghĩa rõ về trí tuệ, "thông đạt sự tướng hữu vi" (tức hiểu thông cái vỏ sự vật) thì gọi là trí, "thông đạt không tướng vô vi" (tức hiểu thông cái lõi sự vật) thì gọi là tuệ". Vượt lên trí tuệ là trí huệ. Nếu trí tuệ kết tinh từ những trải nghiệm ngoài đời thì trí huệ là sự kết tinh của thế giới nội cảm tâm linh bên trong của con người.

Theo nhà Phật, trí huệ chỉ có được qua sự tích luỹ, sự giác ngộ của nhiều kiếp sống. Như vậy Ngáo ta từ thân phận một chàng ngốc được làm đệ tử Phật Tổ tức là một sự đổi ngôi triệt để, đã hoàn thành một cuộc hành trình vĩ đại từ ngốc nghếch vươn tới tầm trí huệ. Ngáo đã tìm được chân lý của đời mình!

Ngáo đã vượt qua cái khoảng không gian ngàn trùng tức vượt qua cái hèn kém của con người, cái thử thách của cuộc đời. Cái hay đặc sắc của tuồng "Trương Ngáo" chính là quá trình đến và gặp Phật, tức là gặp được sự thật. Nếu Ngáo không "ngộ" tức không có bản lĩnh Ngáo sẽ không đến được Tây Thiên. Ở đời vẫn thế, nhiều người, dù lắm tiền nhiều của nhưng vẫn có thể chết mòn cùng với tiền của mà không hề biết một cuộc sống khác, chưa nói tới chuyện được gặp chân lý.

Cái tuyệt vời của Ngáo là gặp Phật nhưng vẫn quyết giữ bản thể, bản sắc của mình. Ngáo chỉ đòi tiền cho vay chứ không xin xỏ một cái gì khác, một điều gì khác. Ngáo đã biết dừng lại (tri chỉ) thế nào là đủ (tri túc). Ta thấy Ngáo hơn hẳn Trư Bát Giới hay Sa Tăng xin Phật Tổ cho mình hoá thành Phật. Phật Tổ đổi tên và cho sánh duyên với nàng Hà Như Ý nhưng Ngáo cũng không cảm ơn vì coi đó là việc của nhà Phật.

Phật cho Ngáo nhành cây soi rõ tình đời hay chấp tay lạy hái ra tiền, Ngáo cũng từ chối. Ngáo đã "đổi ngôi" và quyết không đổi nữa vì Ngáo đã thấy đủ, thấy được đích thực là mình, nếu đổi là mất mình. Ngáo đã nêu ra bài học: hành trình của con người kiếm tìm sự thật là được "đổi ngôi" khi thấy cần, nhưng cũng là giữ vững "ngôi" khi thấy đủ! Biết đủ là đủ không hề đơn giản, phải có một quá trình "biết" rất khó khăn để thấy cái "đủ" nhẹ nhàng!

Vợ Ngáo là Ba Bành và người tình Lục Tồn cũng tự đổi ngôi bởi tính cách xấu xí, tráo trở, lẳng lơ, dâm đãng. Đang làm ăn khấm khá, nhà cửa đề huề, vì say mê sắc dục mà Lục Tồn bỏ vợ bỏ nhà lấy Ba Bành. Kết cục sự nghiệp Lục Tồn tiêu ma, từ giàu có thành trắng tay, tức bị "lộn ngược". Ba Bành cũng chịu chung số kiếp…

Cái lõi thẳm sâu bên trong của vở tuồng là những khao khát nhân văn thánh thiện luôn muốn cựa quậy, muốn bung phá, muốn vươn lên thế giới của cái đẹp, cái hạnh phúc!

Câu chuyện đi "đòi nợ" lại là câu chuyện về đối thoại. "Đòi nợ" là chuyện mong muốn được đối thoại. Khi Ngáo cho tượng Phật vay tiền trở về "khoe" với vợ liền bị đánh. Ngáo ta than thở: "Cúng Phật mà đắc tội/ Cho vay lại phải đòn" thì không phải than với vợ mà là than với công lý. Ngáo ta trở lại chùa nơi cho vay liền bị sư quát "Thằng ở đâu lếu láo/ Làm những sự dại ngây/ Của cúng là của mất…". Ngáo ta không thèm nói lại vì chủ thể lời quát này không xứng để "đối thoại". Ngáo đã bừng tỉnh về tri thức: phải đi tìm người xứng đáng để đối thoại. Và Ngáo lên đường…

Để tạo ra một cuộc đối thoại cần phải có bốn yếu tố cơ bản: hiểu biết, bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt, biết lắng nghe. Thì ta thấy Ngáo đang dần có đủ những cơ sở ấy. Khi có đủ trí tuệ và niềm tin, Ngáo lên đường. Gặp Phật, Ngáo không quỳ lạy tức Ngáo muốn bình đẳng với Phật. Ngáo tôn kính Phật nên không xin xỏ. Lắng nghe Phật nhưng Ngáo làm theo ý mình. Còn Phật lúc đầu bật cười vì sự ngược đời mà cho rằng "họ Trương mắc chứng điên cuồng" nhưng lắng nghe và thấu hiểu lại thấy Ngáo "vốn nhà gã có lòng thành kính". Phật Tổ đã nhận Ngáo làm "đệ tử" tức Phật đã thấu hiểu để thấu cảm về Ngáo. Thì ra để thấu hiểu và thấu cảm về nhau là cả một quá trình. Không có đối thoại các bên sẽ không bao giờ có sự kết nối, giao lưu, hoà nhập.

Đã có ý kiến cho rằng vở tuồng ảnh hưởng từ "Tây du ký". Cũng là hành trình đi Tây Trúc, cũng qua bao gian nan, cũng gặp Phật Tổ…Nhưng như ta thấy, nó chỉ chịu ảnh hưởng ở phương diện môtip, còn nội dung ý nghĩa là khác nhau. Mục đích cũng khác nhau, thầy trò Đường Tăng đi "xin" (thỉnh kinh) còn Ngáo ta là đi "đòi" (đòi nợ). Ngáo ta hồn nhiên hơn (không suy tính, nghĩ ngợi nhiều); bản lĩnh hơn (đi một mình): khảng khái, tự tin hơn (không lạy, không xin)… Đó cũng là một nét bản sắc Việt!

NGUYỄN THANH TÚ
Nguồn: VNCA


Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2019

VĂN PHONG ĐOÀN THẠCH BIỀN QUA CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ

“Nhà văn Đoàn Thạch Biền là một cây bút giàu kinh nghiệm trong việc sử dụng các biện pháp tu từ trong văn chương. Khảo sát một số tác phẩm của ông đã đưa đến một cảm nhận khá thú vị, đa số tác phẩm của ông đều có một điểm khá đặc biệt khi có cùng một chi tiết để mở đầu và kết thúc một câu chuyện”.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền

Văn chương dùng ngôn từ làm chất liệu để xây dựng hình tượng, phản ánh và biểu hiện đời sống. Một thực tế tồn tại trong văn chương là  mỗi một tác giả,  sẽ tái hiện trong độc giả một bức tranh sinh động về các tác phẩm của mình với những ngôn ngôn riêng. Để đưa những ngôn ngữ đó vào tác phẩm một cách thành công và lưu lại những cảm xúc không thể phai nhạt trong lòng đọc giả thì phải thông qua văn phong phù hợp. Chính cái được gọi là văn phong đó đã tạo nên sự đa sắc, dị biệt trong các tác phẩm của nhà văn Đoàn Thạch Biền, qua sự vận dụng của ngôn ngữ, nguyên tắc, quy luật lựa chọn và hiệu quả lựa chọn, cũng như việc sử dụng toàn bộ các phương tiện ngôn ngữ như các biện pháp, phương tiện tu từ ngữ nghĩa, cú pháp, ngữ âmnhằm biểu hiện một nội dung tư tưởng, tình cảm nhất định của ông .

Cũng như nhiều nhà văn viết cho tuổi mới lớn, nhà văn Đoàn Thạch Biềncó một ngôn ngữ văn chương riêng dành cho lứa tuổi này. Ở đó, ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ đối thoại và văn tả cảnh thường thể hiện thành những mẫu câu ngắn, đơn giản mà vẫn biểu đạt được các sắc thái khác nhau tạo ra một nét đặc trưng của văn phong “ông Biền”. Hơn thế nữa, đôi khi các trang văn xuôi cũng gần như thơ và thể hiện khá rõ trong nhiều tác phẩm mà đặc trưng nhất là truyện dài: Những ngày tươi đẹp.

Nét đặc sắc của ngôn ngữ trong tác phẩm của ôngthườngđược biểu hiện quaphương thức ẩn dụ trongviệc mượn những câu ‘kinh điển’(Dẫn ngữ) thường được sử dụng trong các cuộc đối thoại rất bình thường trong cuộc sống,đã đưa độc giả vào một bối cảnh quen thuộc,làm câu chuyện dễ đi vào lòng người hơn. Như vậy, nội dung trong quá trình tiếp nhận sẽ được lĩnh hội thông qua việc liên tưởng đến những “tiền giả định” là những tư tưởng, hoàn cảnh, phong thái của những nhân vật  đã biết trong các bối cảnh đó. Trong những câu chuyện của tác giả, tác dụng chính của phép dẫn ngữ này là khả năng gây cười trước vẻ lù khù, ngu ngơ của nhân vật, chẳng hạn nhưchi tiết “Tôi đành cất giọng vịt đực hát. - Là là lá... là lá la la la là..”.  Tác giả thật sự đang vẽ tranh bằng chữ. Các chữ được lặp đi lặp lại như chiếc cọ vẽ đã phác họa trong tâm trí độc giả một hình ảnh về chàng trai  cù lần , và đó cũng chính là một điểm nhấn có tác dụng chuyển hướng suy nghĩ của nhân vật chính khi hát theo là đã chấp nhận bài nhạc này sau một thời gian ‘ghét cay ghét đắng’, tạo bối cảnh cho nhân vật quan trọng thứ hai xuất hiện, đó là nhân vật nữ với phong thái tiểu thư nhưng dường như ẩn chứa một nỗi niềm tuyệt vọng, cái nỗi niềm đã đưa câu chuyện lên cao trào, cũng chính là tình tiết cảm động nhất của câu chuyện.

Đặc biệt hơn nữa là lối dẫn ngữ có sự chọn lọc, biến đổi cho phù hợp với cốt truyện, với văn cảnh và cũng làm nổi bật lên phong cách của tác giả mang đậm nét khôi hài một cách rất đáng yêu như: “Nghe cô bé trả lời, tôi biết nàng chẳng phải thuộc loại "con nai vàng ngơ ngác" mà là "con nai vàng có sừng”.

Không kém phần quan trọng là Câu giản lược thành phần chủ ngữ và cả động từ chỉ để lại phần túc từ “- Chẳng cứ gì mận. Với tính tham ăn uống của con, cái thứ gì cũng có thể làm cho con đau liệt giường.”, để nhấn mạnh bản tính ‘phàm phu tục tử’ của nhân vật nam chính, đối lập với nhân vật nữ dịu dàng, trong sáng để có thể theo đúng qui luật ‘âm dương tương sinh’, cơ sở của sự phát triển của vạn vật, của tình yêu, của vũ trụ.

Đến đây, ta thấy thêm một dụng tâm rất công phu của nhà văn trong phép tượng trưng được sử dụng trong tác phẩm  “Những ngày tươi đẹp” khitác giả mở đầu câu chuyện bằng một tên bài nhạc rất phổ biến, tượng trưngcho tình yêu, một chi tiết dẫn đến tính chất kịch tính của câu chuyện sau này. “Vừa bước chân lên lầu tôi đã nghe bản Somewhere My Love được em tôi mở volume hết cỡ. Chắc nó muốn dùng nhạc đó thay nhạc đám ma đưa tiễn tôi”. Ở cuộc đối thoại sau, khi nhân vật chính gặp được cô gái mà anh sẽ yêu, lúc này cái tên bài nhạc rất phổ biến của tình yêu này lại một lần nữa xuất hiện như một định mệnh: “Ông hãy cho em nghe bản nào ông thích nhất. Đoạn nhạc dạo vang lên khiến tôi giật mình. Tôi đã bỏ lầm băng nhạc rồi chăng? Không, trong đống băng nhạc của tôi làm gì có bản nhạc quái quỉ đó. Bản nhạc Somewhere My Love. Bây giờ tôi mới hiểu sự "páo thù" của cô em gái tôi. Con nhỏ đã tráo đổi cuốn băng của nó để tôi đem ra ngoài này nghe cho bỏ ghét. Tôi đứng dậy định tắt bản nhạc phải gió đó đi, cô bé đã gật gù nói:

- Không ngờ ông hợp "gout" với em. Em rất thích nghe bản Somewhere My Love,….
Được cô bé nhận là hợp gout, tôi không dám đính chính, đành ngồi im trên giường, bậm môi cố gắng chịu đựng cho bản nhạc của nợ qua đi.”

Thêm một lần nữa, bản nhạc định mệnh lại xuất hiện minh chứng cho tình yêu mãnh liệt của nhân vật chính: “Nhưng bức tranh vẫn chưa đủ giúp tôi liên tưởng dễ dàng đến cô bé. Tôi phải mở cassette nghe thêm bản nhạc trời đánh Somewhere My LoveNhờ bản nhạc hợp gout với cô bé (nhưng chẳng hợp gout với tôi tí nào), tôi đã hình dung ra cô bé rất rõ ràng, mỗi khi muốn nhớ đến em.”

Và rồi lần cuối cùng “Somewhere My Love” đã xuất hiện những trong tâm trạng “Thối chí. Nản lòng. Buồn rầu”. Chẳng biết làm gì hơn tôi mở cassette nghe bản nhạc phải gió Somewhere My Love. Đã buồn cho buồn luôn. Đã rầu cho rầu luôn. Thử xem buồn rầu có vật tôi chết không. Tôi nghĩ vậy và leo lên giường nằm chờ chết. Và từ “chết’ đã xuât hiện đánh dấu bước ngoặc cuối cùng của câu chuyện, nhẹ nhàng đưa đọc giả từ từ tiến ra khỏi vườn địa đàng của tình yêu để đến với  thế giới hiện thực, đó là sự chia ly, chia ly khi mà mọi viễn ảnh tốt đẹp vẫn còn ở phía trước: “Tôi buồn bã ngước nhìn trời cao lấp lánh sao. Lạy chúa, xin Ngài đừng cho cô bé lên Thiên đàng sớm. Chắc Ngài cũng hiểu cô bé còn quá nhỏ để phải lên Thiên đàng sớm.”.

Tronglời tự sự đau buồn của nhân vật chính, nhà văn  đã sử dụng phép Ẩn dụ, một biện pháptu từkhông gọi thẳng tên đối tượng biểu đạt mà để người đọc phải tự tìm đến đối tượng biểu đạt theo các quy luật của văn cảnh, của sự tương đồng logic, của thói quen thẩm mĩ, để dần phát hiện ra một nguyên nhân sâu xa của sự ra đi của người con gái luôn ngự trị trong tim anh.

Em đúng đó, trước mặt tôi, giữa nhiều người, mắt dõi nhìn những hòn bi một cách trìu mến. Đã nhiều lần tôi bắt gặp cái nhìn cảm thông với sự vật, nhưng dửng dưng với người khác của em.

Tại sao em có cái nhìn kỳ quặc đó? Phải chăng chỉ sự vật mới gần gũi với em vì chúng hiểu được vết đen trong đời sống em, đời sống mà bên ngoài đã được phủ che bằng màu hồng rực rỡMàu hồng kia chắc chắn là sự giàu có, vẻ vui tươi và những nụ cười thường nở trên môiNhưng vết đen kia có phải là cái chết không rời trong tâm hồn em như lời người mẹ nói?

Có phải  hạt giống "cây hủy diệt" đang đâm chồi trong em và thường khiến em rùng mình băn khoăn?

Đồng tiền có hai mặt, ai mà chẳng biết vậy. Trăng tròn đầy trong đêm rằm chính là lúc bắt đầu có hình dạng méo mó, ai mà chẳng biết vậy. Khi đời sống dâng cao như ngọn thủy triều thì cái chết đã nằm ở đầu sóng ùa đổ, ai mà chẳng biết vậy. Thôi dẹp ngay đầu óc phân tích tâm lý người khác bằng cách dựa vào giác quan đi. Hãy nhìn ngọn thủy triều đang dâng và quên đi sự ùa đổ...

Đoạn văn này đã thấm đượm triết lý nhân sinh, quy luật của tạo hóa, của sự hình thành và hủy diệt muôn đời không ai có thể tránh khỏi. Tuy biết vậy nhưng trong từng con người vẫn luôn tồn tại niềm hy vọng, và đó cũng là mầm sống luôn đâm chồi nảy lộc cũng như ngọn thủy triều đang dâng. Vì vậy, qua ẩn dụ tu từ, người ta có thể nhận ra những nét riêng thuộc về người sử dụng. Chỉ trong một đoạn ngắn, tác giả đã gợi lên toàn bộ trạng thái tâm lý của con người và quy luật phát triển của vũ trụ.

Tuy nhiên, có lẽ biện pháp So sánh tu từ là nhiều nhất, gợi ra hình ảnh cụ thể, những cảm xúc thẩm mĩ để tạo nên những hình ảnh sinh động của nhân vật như trong đoạn:Mặt trời mọc lơ lửng trên mặt biển xanh thẫm như một quả bóng bóng bay màu đỏ rực, đang chuyển dần sang màu vàng óng. Không khí ấm áp dần, nhưng tôi lười biếng không còn muốn nhảy xuống biển. Khi một người đàn ông đã có nhân tình rồi, chẳng ai còn thích gần gũi với bà vợ của mình, dù cho đó là bà vợ biển có tấm lòng bao la như lòng mẹ.” cũng chính là diễn tả tâm trạng đang yêu của nhân vật chính, đan xen với những sự ví von khôi hài “Tình yêu đang nhẹ nhàng như cánh bướm đến với em, em hãy mở rộng trái tim đón nó. Nếu em bỏ chạy, Ngọc sẽ buồn vì nàng có cảm tưởng tình yêu của nàng nặng nề như con voi, khiến kẻ khác phải hoảng sợ.” làm giảm nhẹ tính chất bi câu chuyện, tạo sự hoàn hảo như quy luật phát triển của vũ trụ, khởi đầu là sự hài hòa của âm và dương, của vui và buồn.

Và sự thay đổi thay đổi trong thời khóa biểu sống của nhân vật chính đã dẫn đến  một bi kịch, một niềm thương tiếc về sau, với những giọt lệ thầm vẫn còn long lanh, vương vấn mãi không nguôi, có lẽ bởi vì : Cô bé đã nói đúng "Không nên làm sai cái gì mình đã hoạch định. Chỉ cần làm sai một lần rồi sẽ sai mãi". Hôm qua, tôi đã sống sai với thời khóa biểu cũ và hôm nay tôi cũng ăn sáng sai với giờ giấc ghi trong thời khóa biểu mới. Có thật rồi tôi sẽ sai mãi?

Thậm xưng trong ước nguyện tuy ngây thơ nhưng đã thể hiện tình yêu mãnh liệt của nhân vật chính :
- Tôi sẽ kéo dài giấc mộng đến một triệu năm nữa.

- Em khỏe mạnh mãi mãi. Khỏe mạnh suốt đời. Khỏe mạnh muôn năm.

Tuy là ‘ngoa dụ’ nhưng sự thật chẳng ‘ngoa’ tí nào, mà đó là sự chân thành, sự níu giữ người yêu từ bàn tay tử thần, sự níu giữ một tình yêu để thoát khỏi một định mệnh khắc nghiệt về ‘sự mong manh của một đóa phù dung’.

Tôi” và ‘’em’’, ‘’em’’ và ‘’ông’’ là nét đặc trưng đã làm nên cái gọi là ‘văn phong Đoàn Thạch Biền’. Lối xưng hô ‘đặc biệt’ này cũng đã được ông lập luận khá ‘đặc biệt’ qua lối ‘điệp từ’ và ‘chơi chữ’ cũng rất đặc biệt như sau:

- Chắc em cũng biết Pascal đã nói câu: "Cái tôi là cái đáng ghét".
- Phải. Tôi đã làm một bài luận về câu nói đó.

- Như vậy em bỏ xưng"tôi" được không?
- Tại sao?

- Ở tuổi em, xưng"tôi" là cái đáng ghét.
- Được rồi "em" đồng ý với điều kiệnông phải tiếp tục xưng "tôi".

- Tại sao tôi không được phép dùng tiếng"anh" cho ngọt ngào.
- Vì ông xứng đáng với tiếng "tôi" đáng ghét.

 Nhân vật nam chính của tác giả thường có vẻ ‘phớt đời, mặc kệ nó’ mọi chuyện :

- Tôi mong Ngài sẽ "phù hộ" tôi, trong khi tôi viết tập tiểu luận.
- Ông không tin vào tài năng của ông?
- Tôi chỉ tin vào sự lười biếng của tôi.

Nhưng đôi khí cái nét ‘phớt đời, mặc kệ nó’ lại còn pha lẫn một chút ‘ngang tàng’ trong lối lập luận khá ‘sở khanh’ như: “Tình em là tình đầu trong đời, tình anh là tình cuối trong tháng. Hai thứ tình đó đâu có giống nhau”.

 Hay thể hiện trong lối chơi chữ đối nghĩa của đoạn hội thoại  sau:

- Không. Nó trọng cậu. Muốn trọng ai người ta phải giữ một khoảng cách.

Phải cần một khoảng cách người ta mới trọng nhau được?    

- Tôi cóc cần được trọng. Tôi muốn cô bé khinh tôi, để tôi được gần emtrong lúc bệnh hoạn. Nhưng làm thế nào để em khinh tôi bây giờ?

Cũng như trong lối chơi chữ của chữ ‘ghét’ thật độc đáo, không dễ gì nghĩ ra được khi dùng thủ pháp so sánh diễn đạt sự đối nghĩa một cách tuyệt vời:

- Nhưng ông hãy hứa sẽ nói ghét em cho em vui lòng nghe ông.

- Tôi thở dài: Ừ tôi hứa. Tôi ghét em như tôi ghét tôi.

Hoặc bằng cách Nhân hóa: “mặt trời còn ngủ say dưới nước biển xanh đen”. Đoàn Thạch Biền làm người ta có thể tâm tình, trò chuyện với đối tượng không phải người như tâm tình trò chuyện với con người, để chúng trở nên gần gũi hơn, dễ  hiểu hơn với độc giả. Và rồi một lần nữa, hình ảnh mặt trời đã được nhân hóa gợi lên một cảnh  hủy diệt của cái chết: “… Biển là nấm mồ của mặt trời. Ông nhìn kìa, nó đã chôn mặt trời ở dưới.”  và đây cũng chính là lối dẫn đến  một hồi kết đau thương và rất cảm động. Tuy nhiên, sự dang dở này chính là hình ảnh của sự hoàn mỹ vì ‘tình chỉ đẹp khi còn dang dở”’. Nữ nhân vật chính đã thành công khi đã lưu lại trong lòng người yêu hình ảnh đẹp của cô mãi mãi “Em đang đánh nhau với thần chết. Chẳng nên nhìn em lúc này. Trông em ghê gớm lắm.”. Cuộc tình lãng mạn đó sống mãi ở những ngày tươi đẹp dù cho vẫn còn đó long lanh những giọt lệ thầm, vì đó cũng chính là quy luật tồn tại của thiên nhiên: có dương thì phải có âm, có vui thì phải có buồn, có như vậy thì âm dương mới hài hòa, vận vật mới phát triển theo đúng quy luật của nó.

Hơn thế nữa, kỹ thuật tạo hiệu ứng văn chương của tác giả đã  kết hợp nhiều biện pháp tu từ trong cùng một câu như một vài đoạn tự sự sau:

 “Tôi buồn cười cho tính của em giống hệt tính của tôi ngày xưa. Ăn không được thì đạp đổ. Nhưng khổ nỗi những gì mình ghét và muốn đạp đổ thường khiến mình phải nhớ đến, nghĩ đến nhiều hơn. Tình "thù" vẫn khiến người ta khó quên hơn tình "thương”.” Là sự kết hợp giữa phép so sánh tu từ  “tính của em giống hệt tính của tôi ngày xưa” và phép dẫn ngữ  “Ăn không được thì đạp đổ”đồng thời phép điệp từ ngữ cũng xuất hiện trong từ ‘mình ghét, mình phải nhớ đến, nghĩ đến..Và điệp từ ngữ đối lập trong cặp từ Tình "thù" - tình "thương”.

Hoặc lối đột giáng được kết hợp với phép dẫn ngữ và điệp từ ngữ còn làm người đọc bị ‘quay 180 độ’ về tính cách của nhân vật Minh, vốn rất thực tế kiểu ‘con buôn’, đã được nhân vật chính dùng để cố tạo hình tượng ‘đẹp’ trong lòng người Minh yêu, một y tá : “Vậy Ngọc hãy gọi Minh là "anh". Bù lại Minh sẽ gọi Ngọc là "em" vậy là huề. Minh biết rằng "yêu là đau khổ". Nhưng Minh vẫn sẵn sàng chấp nhận khổ khi yêu Ngọc. Minh cũng biết rằng tình yêu không thể nào "cho không, biếu không", một cách khơi khơi mà phải "mua đàng hoàng” và Minh cũng sẵn sàng"mua" tình yêu của Ngọcvới giá cao nhất, đó là mạng sống của Minh”.

 Nhà văn Đoàn Thạch Biền là một cây bút giàu kinh nghiệm trong việcsử dụng các biện pháp tu từ trong văn chương. Khảo sát một số tác phẩm của ông đã đưa đến một cảm nhận khá thú vị, đa số tác phẩm của ông đều có một điểm khá đặc biệt khi có cùng một chi tiết để mở đầu và kết thúc một câu chuyện. Điều này đã cho ta cảm giác của sự khép kín của một vòng tròn như đang thể hiện mong muốn viên mãn của tác giả đối với cuộc sống, đối với những câu chuyện tình còn dang dở.

THẠCH THANH
Nguồn: NVTPHCM


Thứ Tư, 17 tháng 7, 2019

CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ NHÀ THƠ PHAN VŨ QUA 'TA CÒN EM'

Nhà thơ Phan Vũ đã qua đời sáng nay (17/7) tại TP.HCM, hưởng thọ 93 tuổi. Tập thơ "Ta còn em" của nhà thơ Phan Vũ được xem là có nhiều câu thơ “chạm vào tim ta, làm ứa ra những giọt hồng nóng hổi thương yêu lối xưa phố cũ”. Tập thơ cũng Giải Tác phẩm tại giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2018 do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tổ chức.
Nhà thơ Phan nổi tiếng hào hoa. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Tập thơ mới nhất của nhà thơ Phan Vũ - Ta còn em mở đầu bằng trường ca Em ơi Hà Nội phố với trọn vẹn 443 câu thơ chia thành 24 khổ.

Độc giả hẳn đã không còn xa lạ với Em ơi Hà Nội phố qua 21 câu thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. Trường ca Em ơi Hà Nội phố được nhà thơ Phan Vũ viết năm 1972 tại căn gác nhỏ nhà ông trên phố Hàng Bún, với tâm trạng ám ảnh từ lời đe dọa "sẽ đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá"của Mỹ khi đưa B52 bắn phá thủ đô.

Phan Vũ không chỉ là nhà thơ, ông còn là đạo diễn, biên kịch và họa sĩ. Bởi vậy thơ ông đầy chất họa. Ông từng kể ngày trước hay cùng với họa sĩ Bùi Xuân Phái lang thang Hà Nội, Bùi Xuân Phái vẽ phố còn ông thì nghĩ về phố.

24 khổ thơ của Em ơi Hà Nội phố được ví như 24 bức họa về Hà Nội, vẽ từ chính kí ức và kỉ niệm của nhà thơ với thủ đô. Trong đau thương và khốc liệt, ông chắt lọc những gì đẹp nhất, yên bình, lãng mạn và thanh lịch nhất của Hà Nội để gửi gắm vào vần thơ.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh, người từng thân thiết với nhà thơ Phan Vũ ngày cả hai cùng sinh hoạt tại phòng Đạo diễn ở Hãng phim truyện Việt Nam chia sẻ: "Những gì anh Phan Vũ đưa vào thơ đều xuất phát từ chính cuộc sống anh.

Như hình ảnh "Mùa Đông năm ấy tiếng dương cầm trong căn nhà đổ", ngày trước Phan Vũ có thầm mến một cô gái chơi dương cầm sống trên phố Chân Cầm, gần nhà máy điện Yên Phụ".

Ngày đó nhà thơ Phan Vũ thường cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh tản bộ từ trụ sỡ Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê về nhà ông ở Hàng Bún. Mỗi lần như vậy, Phan Vũ lại đọc thơ và tâm sự với đạo diễn Đặng Nhật Minh. Trong đó không thiếu những câu chuyện về các bóng hồng.

"Phan Vũ yêu vợ, yêu cả những cô gái đẹp. Nói thế có vẻ mâu thuẫn nhưng những cô gái đẹp là nguồn cảm hứng cho chất lãng mạn của thơ Phan Vũ. Tôi biết ông chỉ yêu mến họ chứ không phải kiểu lăng nhăng", đạo diễn Đặng Nhật Minh kể.

Nhà thơ Phan Vũ vốn nổi tiếng là người lãng tử đào hoa, người mà "bằng chất giọng trầm ấm kể chuyện tình thì các cô gái cứ chết mê chết mệt", theo lời NPB Phạm Xuân Nguyên.

Song ông cũng nổi tiếng không kém với cuộc hôn nhân đẹp cùng người vợ đầu tiên, diễn viên Phi Nga (người đóng vai chính trong phim truyện điện ảnh cách mạng đầu tiên của Việt Nam - Chung một dòng sông). Gần 10 năm cuối đời, Phi Nga bị bệnh tim và tai biến mạch máu não không thể tự đi lại, chính Phan Vũ là người bên cạnh chăm sóc, cõng vợ đến tất cả các buổi sinh hoạt văn nghệ.

Mãi đến 30 năm sau khi Phi Nga qua đời, ông mới bước vào cuộc hôn nhân thứ 2 với Diễm Chi. Ngày ấy Phan Vũ 73 tuổi còn Diễm Chi 37.

Phan Vũ là người tài hoa, am hiểu văn hóa sâu sắc. Bởi thế sẽ thật thiệt thòi nếu chỉ biết đến ông qua Em ơi Hà Nội phố.

 Phần 2 của tập thơ Ta còn em giới thiệu những tác phẩm đặc sắc của Phan Vũ nhưng chưa có "nhân duyên" được biết đến rộng rãi, xoay quanh 3 chủ đề: tình yêu, thế sự, những bức chân dung tự họa bằng thơ.

Nhà thơ Dương Tường nhận xét: "Nghệ thuật của Phan Vũ để lại trong lòng công chúng một ấn tượng động mà át âm, là một vị ngọt ngào thơ man mác tình. Tình trong thơ Phan Vũ không chỉ là tình yêu nam nữ mà mở rộng ra đến biên độ mênh mông, cho nên tiếng "em" trong thơ Phan Vũ thật đa nghĩa và đầy cộng âm".

Khi ở tuổi ngoài 90, Phan Vũ vẫn vẽ tranh, làm thơ bằng điện thoại rồi đăng lên facebook, 1 2 năm trước vẫn chạy xe máy. Nhưng có mong ước cháy bỏng thì ông lại chưa thực hiện được, và có lẽ sẽ khó để làm được nữa, đó là "ra Hà Nội đọc thơ một lần".

Buổi ra mắt thơ Phan Vũ dù vắng bóng "nhân vật chính", bạn bè văn chương của ông và các khán giả vẫn biết cách lấp đầy khoảng trống ấy bằng những câu chuyện và cảm nhận riêng trong niềm cảm mến sâu sắc dành cho ông.

Phan Vũ, một gã lãng tử hào hoa, "gã du canh" với nghệ thuật. Một người chỉ ghé chân qua Hà Nội nhưng lại khiến cho những người con thủ đô phải giật mình nhận ra mình chưa hiểu gì về Hà Nội.

ĐÔNG HÀ
Theo TT&VH



NGÔ TẤT TỐ - MỘT SỰ NGHIỆP LỚN TRÊN CẢ HAI TƯ CÁCH

Nghiệp văn của Ngô Tất Tố là nằm trọn nửa đầu thế kỷ XX, thế nhưng người đọc vẫn không một chút e dè khi đặt Ngô Tất Tố vào hàng những đại văn gia của thế kỷ. Bởi ông luôn luôn là con người của thời sự, của hiện tại. Bởi ánh sáng trong tác phẩm của ông luôn luôn có sức rọi sâu và xa. Bởi sự nghiệp của ông là dự cảm, là phát ngôn, là hiện thân những vấn đề lớn của đất nước, của nhân dân, của thế kỷ.
Nhà văn Ngô Tất Tố

Một thế kỷ dày đặc các sự kiện, các biến động, các đổi thay, các bước ngoặt trong đời sống vật chất và tinh thần, trong văn hoá, văn học, nghệ thuật... mà phần xuyên suốt, liền mạch, không ngắt quãng của nó là hai nhu cầu lớn và khẩn thiết: công cuộc canh tân đất nước và cách mạng dân tộc - dân chủ chúng ta đã hoàn thành; công cuộc đổi mới và cách mạng theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang theo đuổi. Đó là hai nhu cầu xen cài vào nhau, chuẩn bị cho nhau, làm tiền đề cho nhau, cùng điều chỉnh, cùng phát triển. Ở mỗi nhà văn lớn như Ngô Tất Tố, phần giá trị tác phẩm của họ là nhằm đáp ứng được một nhu cầu, hoặc gắn được một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, gần hoặc xa hai nhu cầu ấy. Đưa văn chương vào quỹ đạo các vấn đề xã hội, trong đó nổi lên cực kỳ gay gắt vấn đề áp bức và bóc lột, vấn đề quyền sống và sự an toàn của con người, vấn đề sống còn của dân tộc - đó là vấn đề bức xúc, dồn tụ suốt nửa đầu thế kỷ và đạt đỉnh điểm, để đi tới giải pháp ở thời điểm 1945. Đưa văn chương vào con đường hiện đại hoá, vào một quá trình hoà nhập với thế giới, để cho nền văn chương ấy thoát ra khỏi tình thế phong bế, lạc hậu; góp phần cải tạo dân trí, khơi gợi các khát vọng dân chủ ở con người - đó cũng là một nhu cầu lịch sử cấp bức đặt ra vào đầu thế kỷ. Nhu cầu đó tìm được cách giải quyết nhờ vào sự tiếp sức của mấy thế hệ Nho học và Tây học, trong cả một phong trào liên tục nhằm truyền bá chữ quốc ngữ, phát triển báo chí, hình thành các thể văn mới, giao lưu và hoà nhập từng phần vào nền văn hoá thế giới hiện đại...

Là nhà văn hiện đại sinh năm 1893, thuộc lớp tiền bối của số lớn nhà văn có tuổi đời thua ông trên dưới 30 năm làm nên một đội ngũ hùng hậu vào những năm 1930 đầu 1940. Với năm sinh đó, ông đã xích gần với những tên tuổi thuộc thế hệ giao thời như Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Hồ Biểu Chánh... Thế nhưng trong ý tưởng của nhiều tầng lớp bạn đọc, ông vẫn là người của thế hệ mới, người của thời hiện đại. Đi suốt chiều dài thế kỷ XX, ông không phải là người gối đầu, người chuyển tiếp, người của buổi giao thời, mà vẫn cứ là người hiện đại. Nhà Nho đầu xứ tinh thông Nho học, am hiểu Đông phương học ấy lại là người rất tân thời, rất cùng thời với chúng ta, trong toàn bộ trước tác của ông với tư cách nhà văn, nhà báo, nhà phóng sự, nhà tiểu thuyết, nhà tiểu phẩm, và bao trùm, một nhà văn hoá, nhà học giả... Toàn bộ trước tác của ông chứa đựng nhiều mặt giá trị. Không riêng Tắt đèn, Việc làng, Tập án cái đình nói với ta bao điều nhức nhối trong sinh hoạt người nông dân và nông thôn Việt Nam trước 1945. Không riêng tiểu phẩm, báo chí nói với ta một đời sống với bao điều bức bối của một xã hội đã chuyển hẳn vào guồng quay của chế độ thuộc địa. Không riêng Lều chõng và các công trình nghiên cứu về sử, văn học sử và tiểu thuyết lịch sử cho ta hiểu Ngô Tất Tố như một nhà văn hoá sử. Quả là vậy, Ngô Tất Tố luôn luôn làm ta kinh ngạc, vì cách đặt các vấn đề xã hội từ các tầng tiềm ẩn sâu xa của sự sống và của cả nền văn hoá, và vì sự nhạy cảm, thức thời, cập nhật của thời sự, của hiện tại. Tách riêng ra, ở mỗi lĩnh vực, Ngô Tất Tố là người viết sâu sắc, và bộc lộ hết mình. Tổng hợp lại, ông càng lớn trong những thấu hiểu sâu xa về cuộc sống và con người, về xã hội và thời cuộc, về tri thức và văn hoá, về văn chương và học thuật...

***

Ngót hai phần ba thế kỷ qua, tên tuổi Ngô Tất Tố trước hết và gần như bao quát là gắn liền với Tắt đèn (1938), “một tiểu thuyết có luận đề xã hội hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác, tùng lai chưa từng thấy”, theo cách nói của tác giả Giông tố, Số đỏ. Nhà văn hoàn thành tác phẩm ngay chính trên làng quê của mình, đã đào xới vào tận cùng các tầng sâu nỗi khổ của người nông dân như trên các luống cày của đất quê, trên số phận của những người thân kẻ sơ một vùng quê không xa ánh sáng thành thị là mấy, mà cứ như hun hút ngập vào đêm đen trung cổ.

Tắt đèn ra đời vào cuối những năm 1930, như một báo hiệu tức nước vỡ bờ. Chỉ dăm năm sau khi Tắt đèn ra mắt và bị cấm, sẽ diễn ra một cuộc cách mạng làm thay đổi tận gốc số phận người dân Việt Nam. Nhưng nếu sự vùng dậy là quyết liệt, làm đổi đời hai mươi lăm triệu con người thì cái giá phải trả cho sự đổi đời đó là hai triệu người gục xuống trong một cơn đói khủng khiếp, nối dài những cơn đói triền miên trong lịch sử. Người đói ăn rau má, củ chuối, cám bã, khô dầu, bã đậu... Người đói ăn tất cả những gì có thể ăn, và cả những gì không ăn được, miễn là không gây chết người. Cái “nghệ thuật làm no” bằng cách ăn đất sét, và cách pha chế nó sao cho có vị, để nuốt trôi được, của một người làng Ngô Tất Tố trong một chuyến nhà văn về thăm quê giữa mênh mông ngập lụt, quả là một cách chống đỡ đã nâng lên trình độ nghệ thuật để đánh lừa cả dạ dày và khẩu vị. Ở đây là “nghệ thuật làm no”, chứ không phải no thật. Chuyện no thật sẽ có những trang khác, như Một bữa no của Nam Cao. Nói là no, nó vẫn cứ là một biến dạng thê thảm của cái đói, và chết vì no là một cực khác của đói khổ và tủi hổ.

***

Hoá thân vào người nông dân nhưng Ngô Tất Tố vẫn là một nhà Nho, một trí thức Tây học, một kẻ Sĩ của nhân dân. Ông nhìn nhân dân với cái nhìn của người trí thức và đau nỗi đau của người trí thức, không phải cái nhìn và nỗi đau của người đứng ngoài “Họ khổ mà không biết rằng mình khổ, âu là mặc quách họ!” (Vũ Trọng Phụng). Người trí thức ấy có một trục đi - về quen thuộc là nông thôn và thành thị, là Từ Sơn – Hà Nội (nay là Đông Anh – Hà Nội). Gắn với đất quê, ông cũng đồng thời tách ra khỏi đất quê, để nhìn nông thôn chìm trong tối tăm từ phía ánh sáng thành thị, và nhìn rộng ra những vấn đề của một xã hội đang chuyển động giữa ngổn ngang những bất công và đói khổ, của sự phân cực giàu - nghèo, của những nhố nhăng và thối ruỗng được che đậy hoặc không cần che đậy. Tất cả đều có cách vào văn Ngô Tất Tố với những chạm khắc thật sắc sảo qua hàng trăm phóng sự, hàng nghìn bài bút chiến, tiểu phẩm, trên nhiều mặt báo, và qua hàng chục bút danh.

Nghề báo, đó cũng chính là lĩnh vực Ngô Tất Tố chiếm lĩnh ở vị trí cao, và tác giả Ngô Tất Tố - vẫn qua nhận xét của Vũ Trọng Phụng - là “một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho”. Ở đây bộc lộ sự quyết liệt, sâu sắc trong phê phán, phanh phui, lật trở các vấn đề của xã hội thuộc địa. Ở đây vừa tiếp tục các vấn đề của bóc lột, tước đoạt, vừa bổ sung các vấn đề về phong tục, lối sống, ứng xử của văn hoá làng xã và đô thị vào một buổi giao thời Đông - Tây, giao thoa mới cũ. Ở đây không hiếm các chân dung phản diện trong bộ máy chức dịch nhà nước từ thấp lên cao, được mở ra trên một biên độ khá rộng, từ Toàn quyền, Thống sứ, Khâm sứ đến Tổng đốc, nghị viên, dân biểu, rồi các loại nha lại, chức dịch, cường hào... Cũng ở đây hiện lên thấp thoáng chân dung nhà văn - người không hoà hợp được với hiện thực nhưng vẫn phải tồn tại và gắn bó với nó trong một khát khao cải tạo và thay đổi; nếu chưa phải là cách mạng, nếu đôi lúc có sa vào ảnh hưởng cải lương thì cũng là điều khó tránh; bởi lẽ trên cái gốc cơ bản là nhập cuộc, là yêu nước và thương dân, ông không một chút thoát ly, trốn lánh, hoặc sa vào những tìm kiếm siêu hình.

Quả không dễ hình dung di sản báo chí đặc sắc gồm nhiều nghìn bài ở Ngô Tất Tố nếu không thấy ở người trí thức yêu nước yêu dân này một sự căm ghét mọi tội ác đến từ nhiều phía, sự vô nhân, và những điều phi nghĩa trong quan hệ giữa người giầu, kẻ nghèo. Ở kho tiểu phẩm đồ sộ hơn tất cả mọi người viết đương thời nào của Ngô Tất Tố, có thể cho ta một sự hình dung, một bên là đời sống xã hội phong kiến - thuộc địa ở những mặt tối tăm, nhố nhăng và bi đát của nó; và bên kia là đời sống văn chương báo chí trong thế nương tựa vào nhau, làm nên đặc thù đời sống văn hoá những năm 1930 thế kỷ XX. Báo chí đã trở thành cái nôi sinh thành nền học Quốc ngữ và văn chương Quốc ngữ; và văn học đã đưa báo chí vào một trường lực hấp dẫn, sống động cho đời sống tinh thần, góp phần thúc đẩy nhu cầu dân trí và khát vọng dân chủ của con người và xã hội.

Bên người viết văn về nông thôn, nhà văn của dân quê đằm thắm tình người, Ngô Tất Tố còn là nhà báo sắc sảo của đời sống thành thị. Nông thôn và thành thị, biểu trưng cho đời sống dân tộc trong một cơn chuyển động lớn lao của lịch sử, của thế kỷ, biểu trưng cho sự giao thoa cũ và mới, của phương Đông và phương Tây, trong tự nguyện và bắt buộc, trong giao lưu và cách bức, trong riêng rẽ và gắn nối, trong bổ sung và tương phản, trong hoà hợp và đối nghịch... trên chặng cuối một thời kỳ chuyển động để hướng tới một giải pháp cách mạng, đã tìm được một cách phát ngôn, một kiểu đại diện ở Ngô Tất Tố.

***

Tư cách nhà văn hoá, học giả, người nghiên cứu dày dặn và sâu sắc về văn hoá dân tộc nói riêng và văn hoá phương Đông cổ truyền có thể được xem là phần cơ bản tạo nên cốt cách riêng của Ngô Tất Tố, so với nhiều đồng nghiệp cùng thời. Ông làm sách Lão Tử, Mặc Tử, dịch Kinh Dịch, Đường thi, nghiên cứu văn học Lý-Trần, viết sách Phê bình Nho giáo của Trần Trọng Kim... Những năm 1930 và trước đó, các vấn đề của dân tộc và văn hoá dân tộc đã được đặt ra, với nhiều động cơ, mục tiêu khác nhau. Có cái là nằm trong ý đồ của chính quyền thuộc địa, nhằm phục vụ cho các âm mưu của giai cấp thống trị. Có cái là cách tìm một lối thoát ly, độc lập với chính trị, để có một khu vực riêng, độc lập cho văn chương, học thuật. Thời gian rồi sẽ dần dần giúp cho sự nhìn nhận một cách công bằng các giá trị trên một sự phân tích khách quan hơn, mối quan hệ giữa các động cơ và hiệu quả.

Xứng đáng ở nhiều tư cách, nhưng với Ngô Tất Tố, nhấn mạnh lại tư cách nhà văn hoá, như một tư thế bao trùm, và là điểm tựa cho mọi lĩnh vực sáng tạo ngôn từ và bồi đắp cho tư duy hình tượng, luôn luôn đạt được độ cao sâu và các giá trị bền vững. Ông là nhà văn đứng cùng vị trí vinh quang của nhiều đồng nghiệp cùng thời như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao... Đồng thời ông có một vị thế riêng, ở giai đoạn 1930-1945, và cho đến hôm nay. Những đỉnh cao văn chương như ông có người đạt được, nhưng ông còn có thêm những giá trị mà nhiều người không có. Từ thời điểm hôm nay mà nhìn lại, một chân dung lớn, một sự nghiệp lớn trên cả hai tư cách: nhà văn, nhà văn hóa như Ngô Tất Tố là thuộc con số hiếm.

GS. PHONG LÊ
Nguồn: Văn nghệ số 25/2019


Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

TẾ HANH - TÌNH YÊU HÀ NỘI CỦA MỘT HỒN THƠ XỨ QUẢNG

Tế Hanh (1921-2009) là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền thơ Việt Nam hiện đại. Ông nổi danh từ trước năm 1945 với tập thơ Nghẹn ngào (1939) được giải Khuyến khích của Tự lực văn đoàn, sau đó là một trong 46 thi sĩ được Hoài Thanh – Hoài Chân giới thiệu trong tuyển tập Thi nhân Việt Nam. Sự nghiệp sáng tác thi ca hơn 70 năm của Tế Hanh gồm hơn 20 tập tác phẩm in riêng, 2 tuyển tập thơ cùng nhiều bài thơ dịch và một số tiểu luận phê bình văn học.

Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi muốn bàn riêng về một mảng đề tài đặc biệt trong thơ ông, đó là những bài thơ, câu thơ viết về tình yêu Hà Nội.
Nhà thơ Tế Hanh

Tế Hanh vốn nguyên quán tại làng Đông Yên, phủ Bình Sơn, nay là xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đồng hương với hai thi sĩ lãng mạn nổi tiếng đương thời là Nguyễn Vỹ và Bích Khê. Từ 1936 đến 1945, ông học ở Huế và tham gia các công tác văn hóa, giáo dục của Việt Minh. Từ 1949 cho đến 1954, Tế Hanh ở trong Ban phụ trách Chi hội Văn nghệ Liên khu V. Sau hiệp định Genève 1954, ông tập kết ra Bắc, sống và làm việc ở Hà Nội cho đến cuối đời. Như vậy, cuộc đời Tế Hanh có hơn nửa thế kỷ gắn bó với Thủ đô. Từ nhà ông chỉ bước vài chục bước chân là ra tới hồ Thiền Quang Hà Nội, đó đã trở thành một nguồn cảm hứng dồi dào và liên tục trong thơ ông, từ những bài thơ của thập niên 50 cho đến những bài thơ cuối đời.

Nếu đọc các tác phẩm của Tế Hanh, có thể nhận thấy, một trong những chủ đề, đề tài nổi bật trong thơ ông chính là những thi phẩm thể hiện tình yêu quê hương đất nước, bên cạnh những bài thơ về tình yêu đôi lứa. Trong 4 bài được Hoài Thanh chọn vào Thi nhân Việt Nam đã có tới hai bài về quê hương là Quê hương và Lời con đường quê, trong đó bài thơ Quê hương hiện nay vẫn được đưa vào SGK Ngữ văn lớp 8: Làng tôi vốn làm nghề chài lưới/Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông/Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng/Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá. Sau này, Tế Hanh còn nổi tiếng với bài thơ Nhớ con sông quê hương (1956): Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre/ Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/ Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng/ Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng/Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi/ Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi/ Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ/Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ/ Sông của miền Nam nước Việt thân yêu.

Tôi có cảm giác rằng, với một trái tim đôn hậu và tha thiết như Tế Hanh, có lẽ ông cũng đã dành cho Hà Nội một tình yêu như quê hương thứ hai của ông. Hà Nội – Thủ đô của cả nước, trái tim của dân tộc không chỉ mang trong nó những vẻ đẹp đặc trưng mà còn là một biểu tượng về lịch sử và văn hóa. Chính ngay trong năm 1956 (cùng thời điểm ra đời bài thơ Nhớ con sông quê hương), Tế Hanh đã viết Bài thơ tình ở Hàng Châu với nỗi nhớ đắm say Hà Nội. Nỗi nhớ người yêu, người bạn đời của ông đã hòa chung cùng với cái tình của không gian quê hương xứ sở: Bàn tay nào đã dệt nỗi lòng anh?/ Tiếng mùa xuân đem sóng vỗ bên mình/ Vơ vẩn tình chăn chập chờn mộng gối/Anh mơ thấy Hàng Châu thành Hà Nội/Nước Tây Hồ bỗng hóa nước Hồ Tây/Hai chúng mình cùng bước dưới hàng cây.

Dường như với chuyến đi xa nào cũng vậy, trái tim thi sĩ luôn thao thức nhớ về Hà Nội thân yêu, nơi có một bóng hình phụ nữ đang ngày đêm trông ngóng, nơi có mùi hoàng lan mùi hoa sữa ngọt ngào trên những con đường quen, nơi có những mặt hồ thơ mộng với từng hàng cây in bóng. Bài thơ Nhớ về Hà Nội hôm nay được viết trong chuyến đi công tác ở Kavkaz tháng 10/1979 là một thi phẩm như vậy: Ở đây rét lắm em ơi/ Con chim én cuối đã rời về Nam/Đêm nghe gió rít quanh thềm/ Nhớ về Hà Nội của em vô chừng/ Cuối thu trăng vẫn sáng trưng/ Hoàng lan hoa sữa thơm lừng không gian/ Hồ Tây, Hoàn Kiếm, Thuyền Quang/Nước thu sóng sánh soi hàng mây bay/Nhớ về Hà Nội hôm nay/Cây me cây sấu có thay lá vàng?/ Con chim én đã về Nam/Giục anh trở lại cầm bàn tay em.

Nếu như bên trên, chúng tôi vừa giới thiệu hai thi phẩm viết về nỗi nhớ Hà Nội khi nhà thơ đang ở những phương trời xa xăm thì trong một bài thơ khác, tình yêu Hà Nội lại được thắp lên ngay chính giữa lòng Thủ đô, gắn với tình yêu đôi lứa, gắn với bóng hình của một người con gái yêu thương nay đã rời xa. Thi sĩ yêu từng góc phố, vườn hoa, từng bóng cây của Hà Nội. Và độc đáo hơn cả là yêu chính sự trống vắng của một bóng hình. Điều này đã mang đến một tứ thơ độc đáo và mới mẻ cho bài lục bát Hà Nội vắng em: Thế là Hà Nội vắng em/ Anh theo các phố đi tìm ngày qua/ Phố này ở cạnh vườn hoa/ Nhớ khi đón gió quen mà chưa thân/ Phố này đêm ấy có trăng/ Cùng đi một quãng nói bằng lặng im/ Phố này anh đến tìm em/ Người qua lại tưởng anh tìm bóng cây/ Anh theo các phố đó đây/ Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em. Đọc đi đọc lại bài thơ, càng đọc càng thấy yêu thương cái tình bơ vơ ngơ ngác của người thi sĩ. Những tưởng bài thơ sẽ rơi vào bi lụy bởi sự chia cách giữa hai con người, không biết đến ngày nào gặp lại. Nhưng không, chàng thi sĩ đã biến nỗi trống vắng ấy thành thi vị, coi Hà Nội như một nhân chứng đầy hồn vía cho mối tình của mình. Thế nên, tình yêu với một bóng hình không còn gặp lại đã được chuyển vị thành tình yêu Hà Nội, yêu thêm mỗi góc phố hàng cây đã từng in dấu kỷ niệm của hai người.

Những năm tháng cuối đời, tình yêu Hà Nội trong hồn thơ Tế Hanh dường như được dồn về một nơi quen thuộc, thân thương, nơi mà hàng ngày nhà thơ có thể dễ dàng dạo bước. Đó chính là hồ Thiền Quang. Năm tháng qua đi làm tàn phai nhiều thứ. Chàng trai Tế Hanh thuở nào nay đã trở thành một lão niên. Cặp mắt sáng tinh anh ngày xưa bỗng bị mờ dần trong những năm cuối đời. Nhà thơ đã tự bạch về tình yêu với hồ trong chính nỗi niềm đó. Bài thơ chia làm hai đoạn, tương ứng với hai thời kỳ khác nhau trong cuộc đời: Tôi đi quanh hồ hàng nghìn cây số/ Bước tôi đi đo thử bước thời gian/ Trong đời tôi những vui buồn sướng khổ/ Hồ biết không, hỡi hồ Thiền Quang (…) Đi dò dẫm bên hồ từng bước/ Tôi thấy hồ như một khối mơ hồ/ Tôi biết hồ nhờ nghe qua hơi nước/ Đi bên hồ như bước giữa hư vô (Hồ Thiền Quang). So với những bài thơ viết về Hà Nội ở giai đoạn trước, ta thấy có sự thay đổi đáng kể về sắc thái, giọng điệu, nhịp điệu. Nếu như những bài thơ về Hà Nội ở giai đoạn trung niên sôi nổi, dạt dào, nhịp điệu lôi cuốn, thì cho đến bài thơ về hồ Thiền Quang, nhịp điệu thơ chậm lại, bùi ngùi ngẫm ngợi. Cùng với tình yêu cho Hà Nội vẫn vẹn nguyên, trái tim thi sĩ có thêm những suy tư về thân phận, về kiếp người. Ngôn ngữ thơ vì thế trầm lắng hơn mà cũng da diết, khắc khoải hơn.

Trong số những sáng tác của Tế Hanh có một phần không nhỏ những bài thơ viết cho thiếu nhi. Những bài viết cho thiếu nhi hầu hết có âm hưởng trong trẻo, tươi sáng. Và ở khu vực tác phẩm này, ta cũng thấy thấp thoáng hiện lên bóng dáng một tình yêu Hà Nội. Bài thơ Hai ông cháu và cái hồ được gợi cảm hứng từ chính hồ Bảy Mẫu trong công viên Lênin là một điển hình cho những sáng tác này: Cháu mới lên bốn tuổi/ Chưa biết biển bao giờ/Mẹ bảo: biển rộng lắm/ Nhìn xa chẳng thấy bờ/Ông đi khắp bốn biển/Trở về già mắt mờ/Chỉ còn nhớ mặt nước/Không nhớ rõ bến bờ/Một chiều sương ông cháu/ Dạo công viên Lê nin/Đến trước hồ Bảy Mẫu/Ông cháu cùng đứng nhìn/Mở to đôi mắt bé/Cháu ríu rít: Ơi ông!/Chỉ toàn nước là nước/Biển là đây phải không?/Mắt ông thoáng mây qua/ Như thấy mà không thấy/Ông ôm cháu cười xòa:/-Ừ, biển của cháu đấy/Trước hồ hai ông cháu/ Cả hai đều ngây ngô/Cháu cho hồ là biển/ Ông thấy biển như hồ.

Nhà thơ Tế Hanh đã đi xa tròn 10 năm. Những con phố, những hàng cây, những mặt hồ của Hà Nội không còn được thấy bóng dáng ông chầm chậm dạo bước mỗi ngày như thể muốn ôm ấp nâng niu bao yêu thương trìu mến. Thế nhưng tình yêu Hà Nội ông để lại qua những vần thơ sẽ còn lại mãi trong lòng bao thế hệ người đọc. Cùng với những thi phẩm về Hà Nội, những bài thơ tình nổi tiếng một thời như Vườn xưa, Bão, Con đường vẫn còn lắng đọng trong trái tim bao đôi lứa đã từng yêu đương, từng đắm say những khung trời kỷ niệm… 

ĐỖ ANH VŨ
Nguồn: Tinh Hoa Việt


Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều