Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

NHÀ THƠ PHAN HOÀNG DAY DỨT VỚI LÀNG QUÊ

Cuối năm 2012, Phan Hoàng nhận được tin vui khi giải thưởng duy nhất của Hội Nhà văn TP. HCM năm 2012 được trao cho tập “Chất vấn thói quen” của anh. Những ngày gần tết, trong anh lại trào lên nỗi day dứt về làng quê...
Nhà thơ Phan Hoàng

Cuối năm nhớ làng

Thấy tôi băn khoăn về “các kiểu làm thơ” đang chiếm sự quan tâm của giới cầm bút, nhà thơ Phan Hoàng tâm sự: "Sứ mệnh hàng đầu của nhà thơ là phải thể hiện được tiếng nói, ngôn ngữ của dân tộc mình, thời đại mình đang sống. Tôi không theo bất kỳ trường phái nào, mà chủ trương phải tự tìm một hướng đi riêng, như con sói độc hành giữa sa mạc để khơi mạch nguồn nước thi ca cho riêng mình”.

Theo Phan Hoàng, có quá nhiều người ảo tưởng mình là nhà thơ và viết “nên vần nên điệu” giống hệt nhau. Điều kiêng kỵ nhất của nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng là giống nhau và lặp lại của người khác lẫn chính mình. Thực tế, nhiều người biết thơ không nuôi nổi người làm thơ nhưng sẵn sàng đánh đổi đời mình.

Giữa “mộng” và “thực” của một nhà thơ có độ chênh nhưng lại rạch ròi trong Phan Hoàng: “Đúng là thơ có sức quyến rũ kỳ lạ, giúp con người thăng hoa, nhưng đôi khi cũng làm cho người ta hư danh mông muội đến “phá sản”. Thơ không trực tiếp làm ra lúa gạo, thịt cá hoặc xe hơi... Nhưng thơ có khả năng nuôi dưỡng ước mơ, mang lại cái đẹp và niềm hy vọng, giúp cho người nông dân trên cánh đồng, ngư dân trên biển hoặc công nhân trong nhà máy có được niềm vui sống, tạo nên những giá trị cho mình. Đối với tôi, thơ là sự kết hợp giữa mộng và thực, là sự liên tài giữa cái chết và sự tái sinh”.

Trong câu chuyện, tôi nhận ra một Phan Hoàng hơi trầm. Anh nói: “Đó là tại… cuối năm nhớ làng. Phải nói rằng tôi luôn biết ơn không khí gia đình và làng quê Hoà Đồng của cánh đồng Tuy Hoà đã nuôi dưỡng nên mình. Những câu hò, câu ca, lời thơ nôm từ bà ngoại và mẹ tôi đã truyền cho tôi tình yêu nghệ thuật. Chính người nông dân đã làm nên nền văn hoá truyền thống cho đất nước này. Thời công nghiệp hoá, chính người nông dân cũng chịu nhiều thiệt thòi về chất lẫn tinh thần”.
Một số tác phẩm của nhà thơ Phan Hoàng

Người cầm bút mắc nợ nông dân

Trong bài “Khi người nông dân để lại cánh đồng”, Phan Hoàng xót xa: “Màu cỏ sân gôn sẽ thay màu lúa tình tự ngàn đời/Dãy dãy tường cao sẽ thay bờ vùng bờ thửa/Từng dải khói đen sẽ thay những đàn cò trắng/Tiếng máy buốt đêm sẽ thay tiếng nhạc côn trùng… Người nông dân/lầm lũi/để lại cánh đồng/bước chân nặng nề chậm chạp/như người lính bị tước vũ khí cúi mặt rời khỏi chiến trường/sau lưng rền vang sấm chớp”.

Không những mất đất mà người nông dân còn mất luôn ký ức đẹp đẽ từ ngàn đời, như Phan Hoàng viết trong bài “Con trâu thiêng”: “Cổ họng tôi bỗng dưng có bàn tay vô hình siết chặt /Sau những loạt bom thảng thốt xóm làng/Con trâu thiêng từ biệt ruộng nương mãi mãi bay vào cổ tích /(như ngày xưa dưới mưa bom bao người lính bám trụ nơi đây biến mất)/Từng tảng đá xanh giống khối thịt trâu bị chém, chặt, đục, đẽo, áp tải bán buôn khắp mọi ngả đường…”.

Đối với Phan Hoàng, đề tài về người nông dân là mỏ quặng và người cầm bút còn mắc nợ họ rất nhiều. Không thể đô thị hóa một cách vội vã, vô tội vạ, hãy để nông thôn phát triển một cách tự nhiên. Đó là những điều trăn trở trong ngòi bút Phan Hoàng.

Nhắc đến cái Tết cổ truyền đang tới, Phan Hoàng nói giọng nghèn nghẹn: “Thú thực, đã 25 chẵn sống ở TP.HCM nhưng trong tôi lúc nào cũng chảy nguồn mạch Phú Yên, dù âm giọng dù có nhẹ đi một chút cho “chửng” (chuẩn) để người các nơi có thể nghe được. Chỉ khi có việc cần gấp, còn phần lớn, năm mới tôi đều về quê ăn Tết cổ truyền, sum họp gia đình, viếng mộ ông bà, thăm bà con dòng họ và láng giềng... Tôi muốn con tôi kết nối chặt chẽ với quê cha đất tổ. Về ăn tết ở quê tôi còn được tiếp thêm sinh lực cho hành trình tiếp theo của mình”.

ĐÀO ĐỨC TUẤN
Nguồn: Dân Việt 2013




Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

ẢO TƯỞNG QUYỀN LỰC, "HẠT GIỐNG ĐỎ" BỊ HẠ BỞI “MỒI PHÚ QUÝ, BẢ VINH HOA”

Thăng tiến nhanh, thành danh sớm, không ít người, nhất là người trẻ từng được đặt kỳ vọng là những “hạt giống đỏ” được “gieo trồng” đúng lúc, đúng chỗ sẽ mang lại nhiều “thành quả” cho quốc gia, xã hội đã không lo tu dưỡng nên nhanh chóng bị gục bởi “mồi phú quý, bả vinh hoa”.
Việc kỷ luật nghiêm khắc này đối với ông Tất Thành Cang, thêm một lần 
cảnh tỉnh, cảnh báo về việc tự tu dưỡng, rèn luyện của lãnh đạo trẻ. Ảnh: PLO

Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa quyết định kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, cách chức Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020, cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.Việc kỷ luật nghiêm khắc này đối với ông Tất Thành Cang, thêm một lần cảnh tỉnh, cảnh báo về việc tự tu dưỡng, rèn luyện của lãnh đạo trẻ.

Thành danh sớm, “ngã ngựa” nhanh

Thăng tiến nhanh, thành danh sớm, không ít người, nhất là người trẻ từng được đặt kỳ vọng là những “hạt giống đỏ” được “gieo trồng” đúng lúc, đúng chỗ sẽ mang lại nhiều “thành quả” cho quốc gia, xã hội đã không lo tu dưỡng nên nhanh chóng bị hạ gục bởi “viên đạn” lợi ích.

Vụ việc kỷ luật ông Tất Thành Cang khiến nhiều người nhớ lại cách đây hơn một năm, ngày 6/10/2017, ông Nguyễn Xuân Anh đã bị Trung ương kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 và thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Ít lâu sau đó, ông Nguyễn Xuân Anh cũng bị HĐND Thành phố Đã Nẵng bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND Thành phố này.

Trong khoảng hơn một năm, việc Đảng ta kỷ luật nghiêm khắc đối với ông Nguyễn Xuân Anh và ông Tất Thành Cang, những người giữ trọng trách ở hai thành phố lớn, thêm một lần minh chứng Đảng ta đang rất nỗ lực quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên. Điều đó cũng cho thấy kỷ luật Đảng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đã và đang được thực hiện nhất quán, kiên quyết, triệt để. 

Cả hai ông được bầu chức danh Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ Đại hội XI của Đảng năm 2011, khi đó ông Anh mới 35 tuổi, còn ông Cang vừa tròn tuổi 40. Đến Đại hội XII của Đảng năm 2016, hai ông tiếp tục có “bước phát triển về chất” khi được Đại hội tín nhiệm bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Nhớ lại lời cổ nhân “Tam thập nhi lập” (nghĩa là khi người ta ở độ tuổi 30 thì sự tự thân lập nghiệp mới có thể chắc chắn, vững vàng) và “Tứ thập nhi bất hoặc” (nghĩa là khi người ta ở độ tuổi 40 có thể thấu hiểu mọi đạo lý trong thiên hạ, phân biệt được hay- dở, phải- trái, đúng- sai, biết được cái gì nên hay không nên).

Tuổi trẻ, chí lớn, tài cao, lại có thêm chút may mắn trên con đường công danh sự nghiệp, đáng ra cả hai cán bộ ở lứa tuổi U40 này với cương vị trọng trách của mình phải thể hiện đúng nghĩa “Tứ thập nhi bất hoặc”, thì hai người lại sớm ảo tưởng quyền lực, để cho “mồi phú quý, bả vinh hoa” làm hoa mắt, từ đó trượt dài trên con đường sai phạm.

Từ chỗ đứng trên “đỉnh cao” quyền lực khi tuổi đời còn khá trẻ, điều gì đã khiến ông Nguyễn Xuân Anh, ông Tất Thành Cang “ngã ngựa” một cách đau đớn như vậy?

Thật không khó để nhìn nhận ra vấn đề. Vì sớm tiếp xúc với quyền lực, bị quyền lực “chi phối, điều khiển” khiến cả hai người đã ít nhiều bị quyền lực tha hóa. Đều là những người học cao, hiểu rộng, nắm chắc nguyên lý, nguyên tắc, cương lĩnh, điều lệ, quy định, kỷ luật của Đảng, đáng ra hai ông phải tự giác khép mình vào khuôn khổ tổ chức, gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng, nhưng cả hai người đều có chung một khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng, như Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra là: “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ”.

Vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc thuộc về bản chất của Đảng

Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản, quan trọng hàng đầu và thuộc về bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ là vi phạm một trong những vấn đề có tính đặc trưng cốt lõi, từ đó dễ làm suy yếu Đảng từ bên trong.

Từ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ đã khiến ông Nguyễn Xuân Anh tiếp tục “Vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt, trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền”; còn ông Tất Thành Cang sa vào “Vi phạm quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố”.

Tóm lại, từ vi phạm nguyên tắc đặc biệt quan trọng này trong tổ chức, sinh hoạt Đảng, ông Nguyễn Xuân Anh và ông Tất Thành Cang đã trượt dài, lún sâu vào nhiều sai phạm hơn, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, gây bức xúc trong xã hội, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nguyên nhân vừa sâu xa, vừa trực tiếp dẫn đến những khuyết điểm, vi phạm của hai cán bộ lãnh đạo trẻ này là thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, không giữ được bản lĩnh chính trị, để cho “quyền lực” cám dỗ rồi có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, không làm tròn cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao.

Nhưng mặt khác, cũng phải nói rằng, nếu như có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả hơn; nếu như cấp ủy, tổ chức đảng nơi ông Nguyễn Xuân Anh và ông Tất Thành Cang sinh hoạt duy trì nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình; nếu như công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng các cấp làm đến nơi đến chốn ngay từ đầu thì cũng có thể kịp thời phát hiện, ngăn ngừa những khuyết điểm của hai người, từ đó có thể giữ được cán bộ.

Phải luôn “Nghĩ mình phương diện quốc gia”…

Đảng đang có chủ trương “trẻ hóa” đội ngũ cán bộ, mạnh dạn cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ trẻ được học hành, đào tạo bài bản, có trình độ cao, năng lực chuyên môn, nhiều triển vọng phát triển vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt của nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương. Vì thế, hai nhiệm kỳ Đại hội XI, XII Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng đã bầu các cán bộ trẻ vào vị trí Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đó là một chủ trương đúng và trên thực tế, phần lớn những cán bộ được bầu vào chức danh quan trọng này cơ bản đều phát huy tốt vai trò, trách nhiệm và cống hiến tài năng, công sức của mình vào sự nghiệp chung.

Tuy vậy, nhân dân đòi hỏi những người được bầu vào cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Đại hội của Đảng nói chung, những cán bộ trẻ nói riêng, phải luôn nghiêm khắc rèn luyện, tu dưỡng bản thân ở mọi lúc mọi nơi. Bất cứ một sự chểnh mảng, lơ là, buông lỏng, dễ dãi nào với chính mình, tự mình “thỏa hiệp” với những “cạm bẫy” vật chất và tinh thần thì đều có thể đưa đẩy cán bộ trẻ sa ngã vào con đường thoái hóa, biến chất.

Quan chức thời nào cũng vậy, dù ở cấp trung ương hay địa phương đều là “hình ảnh đại diện” của một thể chế chính trị, xã hội ấy. Vì vậy, cán bộ lãnh đạo các cấp lúc nào cũng phải “Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên nhắm xuống người ta trông vào” (Nguyễn Du), để từ đó chú trọng giữ gìn phẩm giá, uy tín và hình ảnh cá nhân xứng đáng với trọng trách được giao.

Chỉ khi cán bộ lãnh đạo giữ được hình ảnh tích cực cho bản thân thì mới giữ được tình cảm, giữ được niềm tin trong xã hội.

THIỆN VĂN
Nguồn: TVN



HOA NÍP DỞ DANG GIẤC MỘNG THI CA

Sáng sớm ngày 25.5.2016, tôi cùng lúc nhận được không biết bao nhiêu là cuộc gọi điện thoại và tin nhắn báo nhà thơ trẻ Hoa Níp đã mất do tai nạn giao thông tại Vũng Tàu.
Nhà thơ trẻ Hoa Níp (phải) và nhà văn Trần Nhã Thụy
chụp ảnh kỷ niệm trong chuyến đi thực tế tại Bình Phước tháng 3.2016
  
Trong những cuộc gọi là tin nhắn ấy, đương nhiên là có những câu hỏi nghi ngờ về sự nhầm lẫn, bởi không ai tin đó là sự thật. Tuy nhiên, sau khi nhờ một bạn phóng viên ở Vũng Tàu xác minh thì biết là thông tin chính xác.

Nhà thơ trẻ Hoa Níp mất vào khoảng rạng sáng ngày 25.5 khi đang trên đường trở về nhà sau một cơn mưa tầm tã. Ghi nhận ban đầu tại hiện trường cho thấy anh đi xe tay ga và tự đâm vào bùng binh ngã tư Chí Linh (TP. Vũng Tàu).

Hoa Níp tên thật là Trần Quang Minh Giảng, sinh năm 1985 trong một gia đình nhà giáo. Với anh em văn nghệ trẻ TP.HCM thì Hoa Níp là một gương mặt quen thuộc, bởi anh từng là sinh viên Đại học Kiến trúc TP.HCM, từng có thời gian sinh sống và làm việc ở thành phố này.

Mấy năm trước khi về ở hẳn quê nhà Vũng Tàu, Hoa Níp từng sinh hoạt trong Ban Nhà văn trẻ thuộc Hội Nhà văn TP.HCM. Sau này, khi Ban Nhà văn trẻ có sinh hoạt gì hay đi thực tế ở đâu, Hoa Níp đều nhiệt tình tham gia nếu như thu xếp được.

Là một người yêu thơ, dấn thân với sự cách tân đổi mới, Hoa Níp còn thể hiện là một nghệ sĩ phản kháng.

Có thể thấy ngoài đời Hoa Níp như một chàng trai bất cần, phiêu bạt, nhưng với thơ anh lại nồng nàn và kỹ lưỡng. Hoa Níp kỹ lưỡng và khó tính với thơ ca tới mức cho đến bây giờ sau hơn 10 năm làm thơ, anh vẫn chưa cho ra đời một tập thơ riêng mình.

Với riêng tôi thì Hoa Níp là một người em bộc trực chân thành. Tôi quý mến và âm thầm lo lắng cho Hoa Níp vì cảm nhận sự bất an ở một người tuổi trẻ dấn thân văn nghệ mà hồn nhiên không biết đề phòng.

Hoa Níp ra đi khi tuổi đời quá trẻ, dở dang nhiều dự định cuộc đời, dở dang giấc mộng thi ca mà anh nguyện chung thủy trọn đời.

Hoa Níp mất đi để lại cho bạn bè nhiều hụt hẫng, nhiều tiếc thương cho một tài hoa đoản mệnh.

____________________

Theo thông tin từ gia đình nhà thơ trẻ Hoa Níp, anh từ trần lúc 1g20 ngày 25.5.2016 (nhằm ngày 19.4 Bính Thân), hưởng dương 32 tuổi. Lễ nhập quan lúc 18g30 ngày 25.5. Lễ viếng bắt đầu từ 19g ngày 25.5. Lễ động quan diễn ra vào 8g30 ngày 28.5, an táng tại nghĩa trang Long Hương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

TRẦN NHÃ THỤY
Nguồn: TTO


Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

KHÔNG SAY KHÔNG VỀ

Tôi thích uống rượu và thích luôn cả những người hay uống rượu. Người hay uống tôi quen thường là những người nói thẳng, không vòng vo Tam quốc. Họ cũng nhanh chóng đưa ra quyết định trong công việc. Họ yêu đời và yêu người nên tôi cũng yêu họ.

Nhưng hơn lúc nào hết, tôi thấy rất cần phải nói về rượu và cách uống rượu trong xã hội hiện nay.

Lịch trình của tôi trong chuyến công tác tháng trước: Sáng thứ 6 phát biểu về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia trên diễn đàn Quốc hội, chiều thứ 6 tới bệnh viện Sơn La hỗ trợ chuyên môn. Sáng hôm ấy, tôi đã phát biểu rằng, nếu bộ luật này khi được thông qua khi còn quá nhiều điều khoản dài dòng, không phù hợp như Chính phủ trình thì hiệu quả sẽ thấp, vì không phù hợp với thực tế của "phong trào" rượu bia đang lên rất cao của Việt Nam. Tối, thực tế ấy đã được anh em Sơn La chứng minh một cách sinh động nhất. Về đến phòng khách sạn, tôi còn không tìm được công tắc bật đèn.

Cái sự uống rượu đã gắn liền với cuộc sống từ lâu lắm rồi, có lẽ từ khi loài người còn "ăn lông ở lỗ". Ai trong chúng ta không có kỷ niệm khó quên về một cuộc hội ngộ mà luôn kèm theo những ly rượu, cốc bia?

Nhưng cái văn hoá rượu ở xứ mình hiện nay thì tôi xin chào thua. Uống ngày, uống đêm, uống vì bất cứ lý do gì, buồn, vui, không buồn hay không vui cũng uống, uống mỗi khi gặp nhau, sinh nhật của bạn của thằng bạn... Và đặc biệt là phải uống lấy say. Không say không về. Say mới là bằng chứng cho "tình cảm thật lòng", là "yêu thương nhau thực sự".

Chính vì cái văn hoá  ấy mà nhiều khi người ta không nói "hẹn gặp lại nhé" mà là "hôm nào ngồi (uống) với nhau tý nhỉ?". Và cũng có lẽ vì văn hoá ấy mà hầu hết quan chức thời nay đều giỏi uống rượu. Không biết uống làm sao ngồi cùng mâm "các cụ" được.

Khỏi nói hậu quả của bia rượu, vì báo chí nhắc ra rả hàng ngày, bao nhiêu người chết, bao nhiêu người bị thương, chỉ có bao nhiêu trái tim tan nát thì chưa thống kê đầy đủ. Là một bác sỹ, tôi không thể kể hết những vụ tai nạn thương tâm đã gặp trong công việc của mình.

Cùng đoàn xe khám bệnh thiện nguyện của chúng tôi, hai buổi chiều cuối năm, hai thanh niên say rượu lao đầu vào. Vụ đầu tiên cách đây năm năm tại Mường Lát, Thanh Hoá đã cướp đi sinh mạng một con người. Vụ thứ hai mới xảy ra thứ bảy tuần trước, khi đoàn chúng tôi đi ra khỏi địa bàn xã Phiềng Luông, Bắc Mê, Hà Giang. May mà cậu thanh niên ấy không chết, nhưng anh không thể ngóc đầu lên cổ vũ chiến thắng của đội tuyển Việt Nam. Còn đoàn xe của chúng tôi thì 6 giờ sáng mới về được đến Thủ đô.

Chính cái văn hoá uống rượu "Made in Việt Nam" này làm xấu đi hình ảnh thưởng thức rượu rất tao nhã được thi ca ghi lại. Nói đến đi uống là các bà đã nhảy chồm chồm vì biết là sẽ phải đón về một cái bị rách bốc mùi khi gần sáng. Chúng tôi có uống rượu đâu mà là rượu uống chúng tôi đấy chứ, thích thú gì đâu.

Vậy nên chắc chẳng có điều luật nào có thể ngay lập tức giảm việc tiêu thụ đồ uống có cồn ở Việt Nam trong giai đoạn này. Giải pháp đơn giản, không tốn kém và hiệu quả nhất là Chính phủ cần sớm ban hành một nghị định quy định về việc quản lý rượu bia với những điều cấm chi tiết, rõ ràng. Nghị định cấm pháo nổ hay nghị định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã thành công theo cách ấy.

Cụ thể hơn, nghị định này cần làm rõ các hành vi của người sử dụng rượu bia, ở các điểm:

Thứ nhất là tuổi được phép mua rượu và uống rượu. Chính phủ đã ban hành Nghị định 40 về sản xuất và kinh doanh rượu, trong đó cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Chúng ta cũng đã có chế tài xử lý các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh rượu, trong đó ai bán sản phẩm rượu cho người chưa đủ 18 tuổi có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Nhưng vấn đề là các chế tài đó không được thực thi. Vì thế, nên bổ sung cấm và phạt cả những người bán hoặc uống rượu cùng vị thành niên nữa. Trong nhiều trường hợp, họ là tác nhân chính.

Thứ hai, khoanh vùng lại các sản phẩm với nồng độ cồn cao được bán đại trà trong các siêu thị, các cửa hàng, các quán ăn, khách sạn... Nơi nào có giấy phép đặc biệt mới được bán rượu nồng độ cồn cao.

Thứ ba, công bố danh sách những địa điểm tuyệt đối không được bán hoặc sử dụng rượu bia như trường học, công sở, bệnh viện, các địa điểm tôn giáo... Và có biện pháp giám sát, thực hiện phạt hiệu quả những vi phạm này. Thái Lan đã làm điều này rất tốt.

Sửa đổi văn hoá rượu ở nước ta không thể chỉ bằng lời nói. Người ta đã hô hào "hãy ngừng uống rượu bia" bao nhiêu năm nay nhưng tác dụng thế nào chắc chúng ta đều thấy. Việc luật hóa các hành vi với chất có cồn là cần thiết, nhưng để nó hiệu quả bền vững, không gây lãng phí nguồn lực của xã hội lại không hề dễ dàng.

Xin dẫn bài thơ tôi rất tâm đắc của Ôma Khayyam (1040 - 1112), nhà triết học, toán học lớn người Iran để kết thúc bài viết này.

"Rượu chỉ cấm với những người ngu ngốc
chứ không phải với người thông minh và có học
Uống rượu là cần nếu anh biết rằng anh
uống với ai, lúc nào, mấy cốc..."

NGUYỄN LÂN HIẾU
Nguồn: Vnex




Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

PHAN CÁT CẨN “GOM LẠI TỪNG MẢNH HỒN LÀNG ĐANG VỠ”

Đường nghề và đường nghiệp đang mở ra trước mắt anh. Phong thuỷ và thơ trong anh như cặp tình nhân đang hô ứng và gọi giục…
Nhà thơ Phan Cát Cẩn

Tôi biết Phan Cát Cẩn là một nhà phong thuỷ trước khi biết anh là một nhà thơ. Ấy là vào một sáng xuân Quý Tỵ 2013, tôi cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ cựu chiến binh Mỹ Bruce Weigl đến thăm tư gia anh tại thôn Đông Viên xã Đông Quang huyện Ba Vì - Xứ Đoài mây trắng, nơi “đất tụ khí anh hoa”, có núi Ba Vì hùng vĩ mà Nguyễn Trãi gọi là “Núi Tổ của nước Nam ta”, có “Sông Đáy chậm mình qua Phủ Quốc”, có “Mảng thành rêu không cũ giữa tim người”, khắc ghi vào lòng du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan vùng đất “địa linh nhân kiệt” này những ấn tượng sâu đậm không thể phai mờ. Phan Cát Cẩn hối hả và tất bật tiếp khách, bởi không chỉ tiếp đón chúng tôi mà anh còn phải nghe và trả lời những cuộc điện thoại liên tục gọi đến cùng hàng chục vị khách đến tận nhà mời anh đi xem giúp hướng nhà , hướng bếp để khai lộc đầu xuân. Sau những lời chúc phúc ấm áp chân tình với những ly rượu Đông Lâu nồng đậm men quê Xứ Đoài, Phan Cát Cẩn tháp tùng chúng tôi lên đền Thượng chót vót đỉnh núi Ba Vì xin quẻ cầu may. Trong một phút hứng khởi, anh đột nhiên ngẫu hứng đọc bốn câu thơ:

Lên Ba Vì lòng ta tĩnh lại
chơi ván cờ cùng gió núi cùng mây
bỗng thấy một lần ta thanh sạch
bỏ lại dưới kia gót bụi trần.

Sau cái khoát tay chỉ xuống dưới chân núi mịt mù mây trắng và một nụ cười hồn nhiên nở trên môi Phan Cát Cẩn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dịch lại bằng tiếng Anh bốn câu thơ trên cho nhà thơ Mỹ cùng thưởng thức. Bruce cười tít mắt, gật đầu nói bằng tiếng Việt: Hay… Hay!

Chuyến ngưỡng tâm non Tản lần này cũng giống chuyến ngưỡng tâm non Tản lần đầu tiên cùng nhà thơ Hữu Thỉnh đầu xuân 2008 đem lại cho tôi một cảm giác hết sức thanh tĩnh, tâm hồn an nhiên đến lạ kỳ. Cũng chính vào những giây phút đó, tôi đã dự cảm rằng Phan Cát Cẩn sẽ trở thành một nhà thơ. Quả đúng như vậy, sau khi cho ra đời hai tập thơ liên tục “Bến vắng” và “Những chiều mây cổ tích” năm 2013, năm 2014 anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, thoả một ước nguyện ấp ủ bấy lâu trong lòng. Từ khi trở thành hội viên, thơ Phan Cát Cẩn có một bước chuyển biến mới, ý tứ thơ anh gắn chặt với những bước đi và những kỷ niệm sâu đằm trong cuộc đời anh, bắt đầu có sự lắng đọng đa nghĩa và bớt đi nhiều những kể tả dài dòng. Bằng chứng là mùa thu năm 2014 anh cho ra đời tập thơ “Về đâu chim ngói xanh” và mùa thu năm nay 2015 là tập “Về miền đất sinh thành”còn tươi nguyên màu mực.

Phan Cát Cẩn trở thành nhà phong thuỷ, như tôi được biết, hoàn toàn là một cơ duyên, như là có sự xui khiến của trời đất, do say mê cá nhân, tự mày mò nghiên cứu, tự tìm hiểu học tập qua sách vở. Và anh trở thành một nhà thơ cũng tương tự như vậy. Với anh, thơ và phong thuỷ gắn kết với nhau, bổ khuyết cho nhau. Bởi anh cho rằng cứu cánh của phong thuỷ là đem lại sự hanh thông giữa lòng người và vận khí trời đất; thuận thiên địa, thuận lòng người là chìa khoá chế hung ích cát, dung dưỡng lòng tin, bồi bổ ý chí quyết tâm, khiến con người có thể sống an lạc thanh tĩnh, vượt qua những trắc trở, thậm chí cả tai nạn nguy nan trong đường đời. Còn cứu cánh của thơ không gì khác là bồi bổ tâm hồn, cảm xúc, nhân đạo hoá con người, vĩnh cứu hoá cái đẹp. Như vậy cả thơ và phong thuỷ đều hướng tới cái chân, cái thiện cho con người, vì con người. Với anh, đó là cái đạo của phong thuỷ và cũng là cái đạo của thơ. Cho nên, mỗi khi đến một vùng đất mới, về một vùng quê kiểng, hay xem hướng một căn nhà, một mảnh đất, dự đoán thời gian có thể cải táng một ngôi mộ v.v., chớp được một ý thơ, tứ thơ hay là đêm về anh ngồi cặm cụi làm thơ. Với nghề phong thuỷ và nghiệp thi ca anh đau đáu một nỗi niềm làm được chút gì đó có ích cho con người, cho quê hương, bằng cách “gom lại từng mảnh hồn làng đang vỡ”, khi mà các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hoá nước nhà đang có nguy cơ mai một, cần được bảo trì, phát huy và phát triển phù hợp với yêu cầu của thời đại mới, lên một tầm vóc mới.

Ý tình trên đây của Phan Cát Cẩn, tôi thấy bộc lộ rõ nét trong tập thơ “Về miền đất sinh thành”. Anh thổ lộ:

Mỗi lần qua cổng làng
lại vấp vào ký ức
những gánh gồng tất tả
những hạt lúa vặn mình trên đôi vai nhọc nhằn
loang mồ hôi muối
cánh đồng - nơi vết rạ đâm thấu vết nứt chân người
vết nứt mặt ruộng như vết dao đâm…

Đó là cái cổng làng mãi mãi vẹn nguyên trong tâm thức, để rồi sau hai mươi năm trở lại khiến anh bừng ngộ và nung nấu một ý chí:

Hai mươi năm trở lại
ngắm mảnh rêu bám hờ năm tháng
ngắm rễ đa cuốn vòng nguyệt quế
vòm cổng cong, khuyết nửa vầng trăng
gom lại
từng mảnh hồn làng đang vỡ…

“Gom lại từng mảnh hồn làng đang vỡ” quyện hoà giữa nghề và nghiệp, trở thành hồn cốt của thơ anh. Với hồn cốt đó, tôi hy vọng anh sẽ mang lại nhiều niềm vui cho đời, nhiều hữu ích cho con người. Chắc chắn sức mạnh ma quái của đồng tiền - “con đĩ nhân loại” như Sêchxpia đã chỉ đích danh không thể làm tha hoá một nhân cách và một tình thơ.
Bìa tập thơ Về miền đất sinh thành của Phan Cát Cẩn

Với Phan Cát Cẩn, “gom lại từng mảnh hồn làng đang vỡ” trước hết là về với “miền đất sinh thành - nơi ta trở về nguồn cội”, để “nhớ ngón chân Giao Chỉ thuở nào / sinh Thánh Tản Viên”, để “mắt hướng về xa / đôi bờ huyền thoại” , đặng nhận ra “bầy ngô trổ cờ một thuở / đò chiều buông neo trong giá buốt / giầy cỏ ấm chân ai chiều đông lạnh”, và để thấy “Núi Tản in bóng sông Đà / đảo Ngọc dập dềnh thương nhớ / những con đường dẫn về hư ảo”. Bởi, chính “miền đất sinh thành” ấy là nơi có mẹ ta “Ráng đỏ cuối ngày / mài lõm con đường sống trâu / mẹ đi-về trong nắng quái/ loang lổ chiều đông / đau nhức lưng còng / khi thời tiết giao mùa / âm thầm cật vấn lòng con”. Ở đó, có quê ngoại ta “Cha già râu ám thuốc lào / Mẹ già nhai trầu bỏm bẻm / mây trắng đầu non mòn mỏi / lối vườn ngập lá vàng rơi”, mà nay trở về ta chỉ thấy “Trời cũ, dòng sông cũng cũ / bao nhiêu gò bãi ngổn ngang / cát sỏi xô nhau thành đống / đâu còn con nước xanh trong”. Những rơi rụng, những mất mát khi trở về mảnh đất nuôi ta khôn lớn thành người, ta không thể không“gom lại”. Và đặc biệt ở đó còn “một thuở em”“Trăng mùa đông trắng bệch / bên đồi chè em xám bạc màu trăng / sông Chảy chở tháng năm / khoác cơn mưa tìm nhau tóc ướt… / mây chiều cánh én nghiêng chao”, để rồi “Nhìn lũ kiến lửa diễu hành bên ngõ / Tôi ngẩn ngơ / Ngày em vu quy…” với bao xa xót ngậm ngùi :“Tôi nhấp em trong ly rượu cặn /Ngoài trời mưa trong bóng / Buồn nao lòng / Buồn đắng đót / Em qua đời tôi như mùa thu”. Đó không chỉ là ký ức mà là văn hoá, là hồn vía nơi ta sinh thành không thể nguôi ngoai, không thể quên lãng. Nghĩa là, chỉ có “gom lại từng mảnh hồn làng” đang rụng rơi trước khắc nghiệt của thời gian, đang bị bào mòn, xâm thực trước sự xuống cấp của văn hoá, đạo đức và lối sống, thì ta mới không đem “bán Phật”, không đem “những niềm tin” ra mà “rao bán”, bởi “liệu có mua về, có cứu rỗi được trái tim lầm lỗi”. Và cũng chỉ có như vậy, ta mới khắc ghi mãi mãi bài học “ Người Việt thưở ấy dại khờ / bị quỷ kế ăn cắp trái tim”, để đời đời kiếp kiếp thấu nhận “Nước giếng Ngọc ngày đêm rửa mặt lịch sử / cho ta nhìn rõ kẻ thù / Hoàng Sa, Trường Sa luôn trong vùng mắt bão”.

Phan Cát Cẩn không còn là một nhà phong thuỷ “chân đất” và một “lều thơ” như xưa, giờ đây anh đã trở thành một thầy phong thủy có không ít học trò muốn kế nghiệp và một nhà thơ thực thụ được tu nghiệp qua một lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam. Đường nghề và đường nghiệp đang mở ra trước mắt anh. Phong thuỷ và thơ trong anh như cặp tình nhân đang hô ứng và gọi giục. Tôi cầu mong anh gặt hái nhiều thành công hơn nữa. Lẽ nào sau “Về miền đất sinh thành”, anh lại không có những miền thơ mới lắng đọng hơn, chiếm lĩnh được nhiều trái tim độc giả hơn?

Thành phố Hồ Chí Minh, một đêm thu 2015
QUANG HOÀI
___________________________________

Nhà thơ Phan Cát Cẩn tên thật là Phan Văn Cẩn, sinh 1946 tại Đông Viên, Ba Vì, Sơn Tây, Hà Nội. Ông hoạt động văn học từ năm 1992, có bài đăng ở các báo trung ương, địa phương và các báo chuyên ngành văn chương.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm đã xuất bản:

Miền hư o - thơ, NXB Hội Nhà văn 2012.
Bến vắng - thơ, NXB Hội Nhà văn 2013.
Những chiều mây cổ tích - thơ, NXB Hội Nhà văn 2013.
Về đâu chim ngói xanh - thơ, NXB Hội Nhà văn 2014.
Về miền đất sinh thành - thơ, NXB Hội Nhà văn 2015.
Mùa lên hương - thơ, NXB Hội Nhà văn 2016.

Nguồn: NVTPHCM



Thứ Hai, 24 tháng 12, 2018

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP, VỊ TƯỚNG KIỆT XUẤT, NHÀ CHÍNH TRỊ, NHÀ VĂN HÓA TẦM CỠ

Sáng 21-12-2018, nhân kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, và 5 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại Nhà khách Bộ Quốc phòng (266 Thụy Khê, Tây Hồ, Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc - Hội khoa học Lịch sử Việt Nam - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tạp chí Văn Hiến Việt Nam, tổ chức Hội thảo quốc gia “ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VỚI VĂN HÓA DÂN TỘC”.  Đây là sự khởi đầu của mọi sự khởi đầu. Hội thảo thu hút nhiều vị nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiều tướng lĩnh quân đội, công an, các nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ… trong cả nước.

Trong số hơn 60 bản tham luận được gửi đến, Ban tổ chức, đã chọn lựa 50 bản in vào tập Kỷ yếu Hội thảo khoa học. Từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đại tá - nhà văn Nguyễn Minh Ngọc ra tham dự với bản tham luận “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng kiệt xuất, nhà chính trị, nhà văn hóa tầm cỡ”. Xin trân trọng giới thiệu.
Đại tá - nhà văn Nguyễn Minh Ngọc tại hội thảo

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP, VỊ TƯỚNG KIỆT XUẤT,
NHÀ CHÍNH TRỊ, NHÀ VĂN HÓA TẦM CỠ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013), vị tướng lừng danh trong lịch sử, là người văn võ song toàn, cả công lẫn danh đều quán thế: trên hết cả một đời (despasser lesiècle). Ông còn là nhà chính trị, nhà văn hóa tầm cỡ với tầm nhìn sâu rộng, trọn đời vì nước, vì dân.

Sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho thanh bần tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, được người cha truyền dạy chữ, Võ Nguyên Giáp nổi tiếng thông minh và hiếu học. Từ nhỏ, ông đã phải lao động để kiếm sống. Năm 13 tuổi, ông được vào trường Quốc học (Huế). Đến năm 1925, Võ Nguyên Giáp bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Ở tuổi 18, ông tham gia cải tổ Tân Việt cách mạng đảng thành Đông Dương cộng sản liên đoàn. Sau khi bị thực dân Pháp bắt giam (1930), rồi được thả, Võ Nguyên Giáp ra Hà Nội tiếp tục con đường học vấn. Năm 1937, ông đỗ Cử nhân Luật và kinh tế chính trị học. Cùng với việc hoạt động năng nổ, tích cực trên mặt trận văn hóa, như làm báo, viết bài cho nhiều tờ báo công khai lúc bấy giờ, như: Tin tức, Dân chúng (Le Peuple),  Lao Động (Le Travail), Tiếng nói của chúng ta (Notre voix)… Võ Nguyên Giáp còn là thầy giáo dạy Sử - Địa ở trường Tư thục Thăng Long. Bao giờ cũng vậy, sử học luôn là cái bếp than hồng “giữ lửa” ấp ủ và nhen nhóm tâm hồn của một dân tộc!

Từ năm 1936-1939, phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương lên cao, Võ Nguyên Giáp là một trong những sáng lập viên của Mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Và ông đã có tác phẩm lý luận đầu tiên “Vấn đề dân cày” viết chung với ông Trường Chinh, dưới bút danh là Qua Ninh - Vân Đình. Tác phẩm nêu bật quan điểm: vấn đề then chốt ở Đông Dương là trao ruộng đất cho dân cày! Đó là nội dung cốt lõi của các mạng dân tộc dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.
Năm 1939, Võ Nguyên Giáp cùng Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc tìm gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tại đây, năm sau, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 5-1941, ông trở về Cao Bằng cùng mấy cán bộ cao cấp khác, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh, họ bắt tay xây dựng cơ sở cách mạng và lập ra Mặt trận Việt Minh. Để phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, thời gian này, Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng mở các lớp đào tạo quân sự ngắn ngày do các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp trực tiếp huấn luyện. Tài liệu huấn luyện, bên cạnh tác phẩm “Người chính trị viên” của Phạm Văn Đồng, là cuốn “Công tác chính trị trong LLVT nhân dân cách mạng” của Võ Nguyên Giáp.

Từ việc được phân công phụ trách ban “Xung phong Nam Tiến”, thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, tháng 12-1944, tại căn cứ địa Cao Bằng, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, và giao cho Võ Nguyên Giáp thay mặt Đoàn thể (Trung ương Đảng) trực tiếp tổ chức thành lập Đội. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Chỉ thị nêu rõ nguyên tắc hoạt động của Đội là phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được, tổ chức của Đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo. Là người trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy, Võ Nguyên Giáp là vị Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của Quân đội ta. Cuối tháng 3-1945, ông đưa Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân xuống phía Nam hội quân với Đội Cứu quốc quân của ông Chu Văn Tấn tại vùng chợ Chu, Thái Nguyên, thống nhất tổ chức thành Việt Nam Giải phóng quân.

Tháng 8-1945, Võ Nguyên Giáp là Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng, Tổng chỉ huy các đội Việt Nam Giải phóng quân. Trong năm này, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 2, ông được cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương (Bộ Chính trị). Ông tham gia Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, làm Bộ trưởng Nội vụ trong Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Quân sự ủy viên hội trong Chính phủ liên hiệp, Phó trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đàm phán với Pháp tại Hội nghị trù bị Đà Lạt năm 1946. Cùng thời gian này, Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) và chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng là Bí thư. Đây là cơ quan lãnh đạo, giúp Trung ương Đảng nắm chắc hoạt động của quân đội, xây dựng bản chất cách mạng của quân đội, bảo đảm cho quân đội tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, trung thành với Tổ quốc và nhân dân.

Càng về cuối năm 1946, tình hình càng trở nên phức tạp như “ngàn cân treo sợi tóc”. Thời gian hòa hoãn ngắn ngủi sau Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp đã hết. Sau khi chiếm được Nam Bộ, Nam Trung Bộ, thực dân Pháp mở rộng gây hấn ra phía Bắc. Chúng ngang nhiên đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn. Ngày 18-12-1946, Bộ chỉ huy quân Pháp gửi tối hậu thư cho Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, chúng láo xược đòi tước khí giới của tự vệ và LLVT ta.

Trước đó, ngày 30-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 230/SL “Thống nhất Quân sự ủy viên hội và Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy”; bổ nhiệm ông Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam. Thực hiện mệnh lệnh chiến đấu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, 20 giờ đêm 19-12-1946, quân và dân ta đồng loạt nổ súng đánh quân xâm lược Pháp ở Hà Nội và các thành phố lớn. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia Võ Nguyên Giáp; cùng các Sắc lệnh số 111/SL, 112/SL và 115/SL phong hàm 9 Thiếu tướng, 1 Trung tướng. Khi một nhà báo nước ngoài phỏng vấn lý do phong hàm tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời đại ý, rằng đánh thắng Đại tướng, phong Đại tướng; đánh thắng Trung tướng, phong Trung tướng. Và thực tế, trong 9 năm xâm lược Việt Nam (1945-1954) đã có 7 viên tướng Pháp sừng sỏ kế tiếp nhau chuốc lấy thất bại trước quân dân ta và vị tướng trẻ của Quân đội nhân dân Việt Nam khi ấy mới 43 tuổi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tổng Quân ủy (sau là Quân ủy Trung ương) từ năm 1946 đến năm 1977; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa VI; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa II, III và IV; Phó Thủ tướng Chính phủ từ 1978-1982.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cùng với các tác phẩm lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh, Nhà xuất bản Vệ quốc quân (tiền thân của Nxb QĐND ngày nay) đã cho ra mắt một số cuốn sách có giá trị ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Cuộc chiến tranh giải phóng của chúng ta - chiến lược và chiến thuật”, “Phát động chiến tranh du kích”, “Tiến mạnh sang giai đoạn mới”

 Là một học trò xuất sắc và là cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà chiến lược, một chỉ huy quân sự lỗi lạc. Những năm đất nước có chiến tranh, cùng với việc tham gia lãnh đạo, chỉ đạo chung, sát cánh cùng với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại tướng trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn như: Chiến dịch Biên Giới (1950), Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)… với tài nghệ siêu phàm về chỉ đạo tác chiến chiến lược, cũng như tác chiến chiến dịch.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng chỉ đạo các chiến dịch lớn ở miền Nam, trong đó có chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân chống lại cuộc leo thang phá hoại của không quân và hải quân Mỹ ra miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt, ông là người trực tiếp chỉ đạo quân và dân Hà Nội, với nòng cốt là bộ đội Phòng không - Không quân, đập tạn cuộc tập kích cực kỳ tàn bạo 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, làm nên trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy, hạ gục uy thế của “Siêu pháo đài bay” B52, buộc Mỹ phải “xuống thang” chiến tranh và ký kết Hiệp định Paris. Suốt 21 năm bền gan chiến đấu, quân và dân ta đã đánh bại 4 chiến lược chiến tranh của 5 đời Tổng thống Mỹ, cùng nhiều viên tướng tên tuổi khác của Hoa Kỳ, cuối cùng phải ngậm ngùi cuốn cờ trở về chính quốc.

Trong bộ phim truyện “CAO HƠN BẦU TRỜI” 50 tập đang được phát song trên các kênh truyền hình (VTV9, SCTV6, Quốc phòng Việt Nam, VTV.cab “Phim Việt”, tôi đã dựng lại hình tượng sống động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Là người luôn hiểu rõ sự thành bại của chiến tranh phụ thuộc vào tâm trạng của những người đang trực tiếp cầm súng trên chiến trường, ông không chỉ là vị Tổng Tư lệnh, người chỉ huy tối cao, luôn quan tâm đến cấp dưới. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng 4 lần viết thư cho bộ đội trước khi bắt tay vào nhiệm vụ mới. Nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nhận xét: “Một vị Tổng Tư lệnh viết thư tâm tình với cán bộ và chiến sĩ như vậy là nét đẹp nói lên bản chất cách mạng của bộ đội Cụ Hồ và cũng là điều hiếm thấy trong chiến tranh các nước”.[1]

Những lời động viên của ông đối với các chiến sĩ Sư đoàn phòng không “Cận vệ Thủ đô” trong 12 ngày đêm ở Hà Nội, dễ gì quên được: “Cả nước đang hướng về Hà Nội. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ, từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội!”. Không chỉ đến khu phố Khâm Thiên đổ nát sau trận bom hủy diệt của B52, Đại tướng trực tiếp xuống kiểm tra các trận địa tên lửa, gặp gỡ động viên, “truyền lửa” cho bộ đội. Trọn một ngày đêm 28-12-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ để theo dõi và chỉ đạo cuộc chiến đấu. Có thể nói chưa bao giờ và cũng không một cán bộ chính trị nào có đủ sức lôi cuốn và thu phục nhân tâm như Đại tướng của chúng ta, chính vì vậy dễ cắt nghĩa vì sao tất cả cán binh luôn dành cho ông sự yêu mến và kính trọng tuyệt đối!

Vốn là một thầy giáo dạy Sử, nổi tiếng là người thông kim bác cổ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kỹ lịch sử các cuộc chiến tranh, lịch sử quân sự thế giới. Ông nghiền ngẫm trước tác của các nhà kinh điển như Marx, Engels, Lenin, Napoléon, Tôn Tử, Clausewits, cùng một số tác giả đương đại khác. Bên cạnh đó, Đại tướng biết kế thừa tinh hoa quân sự trong binh thư của tổ tiên, đặc biệt là nghiên cứu binh thư Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi. Nghệ thuật đánh giặc của tổ tiên ta rất coi trọng yếu tố thời cơ, nắm vững mỗi quan hệ giữa “thời” với “thế”. Trong tác phẩm “Quân trung từ mệnh tập”, Nguyễn Trãi viết: “Người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế mà thôi. Được “thời”, có “thế” thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn. Mất “thời”, không “thế” thì mạnh hóa ra yếu, yên lại thành nguy. Sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay mà thôi!”. Trong cuốn “Bài giảng về đường lối quân sự của Đảng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, viết: “Thế là hoàn cảnh, điều kiện trong đó hai bên tiến hành chiến tranh; là hình thái bố trí, triển khai và hoạt động của lực lượng hai bên trên chiến trường… Dĩ nhiên, muốn có “thế” thì phải có một “lực” nhất định. Đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người tiếp thu và phát triển sáng tạo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh lên tầm cao và thực sự ông đã có những đóng góp lớn lao vào kho tàng lý luận quân sự hiện đại.

Đến nay, khó có thể liệt kê ra hết khối lượng tác phẩm đồ sộ, cũng như các luận văn chính trị quân sự, cùng những bài viết, bài nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Số trang in sách của ông đã lên tới hàng vạn trang, bề thế. Trong những thời điểm, những giai đoạn mang tính bước ngoặt lịch sử của dân tộc, ông đều có sách. Đó là các tập hồi ký: “Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường tới Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử”, “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng”… Năm 2006, cơ quan tôi, Nhà xuất bản QĐND hoàn thành 2 bộ Tổng tập đồ sộ cho hai danh nhân đồng niên Tân Hợi (1911) là Đại tướng Võ Nguyễn Giáp và Giáo sư, NGND, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu. Mỗi bộ gần 1.500 trang in, khổ lớn (19 x 27).

Các tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp không chỉ có giá trị về khoa học mà còn có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, chân thực, đậm đà chất nhân văn. Vâng, ông là bậc danh tướng kiệt xuất trong lịch sử dân tộc, là danh nhân văn hóa có tầm ảnh hưởng sâu rộng, được nhân dân và toàn quân tôn thờ. Ông là vị tướng của lòng dân! Yêu nước, thương dân, đồng hành cùng dân tộc, hướng tới tương lai, bài học ấy muôn đời không bao giờ xưa, cũ! Là sản phẩm của thời đại Hồ Chí Minh, tên tuổi và sự cống hiến to lớn nhiều mặt của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp sẽ mãi là niềm tự hào và trường tồn cùng non sông, đất nước Việt Nam ta!

TP. HCM, ngày 4-12-2018
Đại tá - nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC

Nguồn: Blog Văn chương phương nam





[1] Hoàng Minh Phương: Sức mạnh Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, Hà Nội 2014, tr.52.

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG - NHÀ KÝ HỌA VĂN CHƯƠNG

Nhẹ nhàng, không đại ngôn, tác giả Huỳnh Như Phương như một người hướng dẫn khiêm tốn như thể là người bạn đồng hành cùng độc giả đi suốt hành trình từ miền ấu thơ, trải qua tuổi hoa niên đến khi bước vào tuổi "tri thiên mệnh"
GS. Huỳnh Như Phương

Trong tác phẩm mới nhất của mình, "Thành phố những thước phim quay chậm", tác giả Huỳnh Như Phương đã cho thấy cái tài của một nhà ký họa văn chương bằng việc dựng lại được tất cả hình ảnh sống động và xếp chúng lại thành một chuỗi liền mạch như thể lật nhanh các trang của một quyển sách tranh để thấy các hình ảnh ấy, những con người, hàng cây, xe cộ… đang chuyển động trong một guồng xoay của thời gian, của bốn mùa, giữa những khoảnh khắc của hơi thở hay thời gian hút tàn một điếu thuốc trong lúc cảm nhận sự chuyển dịch của khung cảnh.

Tập tản văn này thật ra không phải là một chỉnh thể được hình thành bởi những dụng ý ngay từ lúc ban đầu, nhiều bài viết trong tập này đã được sử dụng trong các tập trước đó của cùng tác giả Huỳnh Như Phương. Việc để các tác phẩm này tái xuất, đứng chung với nhau trong một cuốn sách không biết vô tình hay hữu ý lại giống với kỹ thuật dựng phim, các thước phim được cắt, nối với nhau, xoay đều trên máy chiếu để trình hiện trước đôi mắt khán giả bộ phim tư liệu về thành phố. Thành phố ở đây không chỉ một, mà là nhiều thành phố: Huế, Sài Gòn, Hà Nội, Hội An và cả… Paris, những thành phố hiện hữu trong một tập hợp các ghi chép kéo dài trong nhiều năm, từ một người quan sát thầm lặng, tinh tế và có kiến văn sâu rộng.
Cuốn sách “Thành phố những thước phim quay chậm”

Tác giả Huỳnh Như Phương dành cho mỗi bài một dung lượng vừa phải với các pha chuyển cảnh khiến cho cuốn sách thuần nhất với nhịp điệu này nhưng không gây nhàm chán dù rằng được sắp xếp theo thứ tự abc, nơi các bài viết từ năm 1995 có thể được đặt cạnh những bài viết năm 2015 mà không gây cảm giác hẫng hụt hay lệch khỏi cái không khí chung của toàn bộ tác phẩm. Để làm được như vậy chứng tỏ mạch viết của tác giả xuyên suốt và không ngừng trở đi trở lại với những vấn đề được xem là muôn thuở, vừa có tính phổ quát nhưng đồng thời lại gợi ra những đặc trưng chỉ có những nơi chốn ấy mới có: những kỷ niệm về Viện Đại học Vạn Hạnh, Trường Đại học Văn Khoa, là lao xao chợ Tết với nhà văn Lê Văn Thảo, miên man "một cõi đi về" với Trịnh Công Sơn, là những hồi ức thuở ban đầu lưu luyến khi chập chững bước vào văn chương và chịu những "tai nạn" văn chương. Những "tai nạn" từ sớm ấy đã không suy giảm tình yêu với văn chương, một tình yêu đã biến chú nhóc tỉnh lẻ Quảng Ngãi trở thành một giáo sư văn chương của chính ngôi trường Văn Khoa một thuở mình theo học.

Ta vẫn thấy trong tập sách này một Huỳnh Như Phương thủy chung với công việc quan sát cuộc sống đương đại, ở các đô thị, nhất là Sài Gòn, với những phát hiện như thể còn nguyên sơ của những điều thường ngày ta tưởng đã thân quen đến mòn sáo. Tựa hồ một tập nhật ký vừa riêng tư mà cũng như đã thuộc về mọi người, trong suốt những năm tháng ấy, đi trên những trang sách này, biết đâu được trong một giây hạnh ngộ nào đó, ta đã đứng rất gần tác giả Huỳnh Như Phương khi ông đang ngồi dưới một mái hiên rêu phong nào đó trong thành phố, cùng ông nhìn dòng người qua lại, cùng ông nghe một bài hát… tự thân cuộc sống này đã ràng rịch mỗi sinh thể tồn tại nơi nó lại với nhau và chia sẻ mọi cảm xúc bất chấp ta có cảm nhận về chúng hay chăng nữa.

Nhẹ nhàng, không đại ngôn, tác giả Huỳnh Như Phương như một người hướng dẫn khiêm tốn như thể là người bạn đồng hành cùng độc giả đi suốt hành trình từ miền ấu thơ, trải qua tuổi hoa niên đến khi bước vào tuổi "tri thiên mệnh", những bước đi thật chậm mà chắc chắn, ở bất cứ nơi nào ông dắt ta đi qua, bất cứ con người nào ông bắt tay giới thiệu với ta đều với một nụ cười, một ánh nhìn hòa ái. Sự hòa ái của một con người biết mình có thể yêu thương mọi người, cúi thấp xuống và nhìn thật gần để thấy không cần phải to lớn thì mới là vĩ đại, mà bản thân sự vĩ đại của bất cứ thứ gì thì cũng chỉ là tầm thường trong thế giới này.

Không có sinh mệnh lớn và sinh mệnh nhỏ vì mọi sinh mệnh đều ngang nhau, cho nên không bao giờ đặt mình cao hơn đối tượng quan sát mà vẫn làm ta thấy gần gũi hệt như những pho tượng Phật ngự trong ngôi chùa nơi hẻm nhỏ mà ông để ý và muốn giới thiệu với ta: "Phật nghiêng xuống đời thường, nghiêng xuống kiếp người, nên con người cũng không phải ngẩng mặt lên quá cao để đón lấy nụ cười bao dung của Phật".

HUỲNH TRỌNG KHANG
Nguồn: NLĐ


Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

CHÉP LÊN KHOẢNG TRỜI: THAO THỨC MỘT MIỀN QUÊ

Bốn mươi hai bài thơ trong tập thì có tới hơn ba mươi bài thơ Nguyễn Vũ Quỳnh viết về quê hương miền xa thẳm. Nếu kể cả những bài viết về đồng đội, về Trường Sa, Trường Sơn thì anh gửi cả tấm lòng mình cho quê hương, đất nước, cho đồng đội và những người yêu thương
Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh

Tôi đã đọc thơ của Nguyễn Vũ Quỳnh khá nhiều trên các báo, tạp chí và trên mạng. Thế nhưng chỉ rải rác đâu đó, đủ để ấn tượng một giọng thơ, một cái tên đáng nhớ trong làng thơ đông đúc, vui vẻ ở xứ ta. Cho đến khi tập thơ “Chép lên khoảng trời” (Nxb Hội Nhà văn2016) có trên tay thì tôi mới đọc Nguyễn Vũ Quỳnh được đầy đủ, hệ thống và giọng thơ, chất thơ của anh mới thật sự in đậm dấu ấn trong tôi. Thơ anh là sự rung động đẹp, những suy nghĩ đa cảm, bản lĩnh của một người lính đã từng đi qua chiến tranh. Đặc biệt, ở tập thơ này đó là những thao thức về một miền quê, về sự mất mát trong chiến tranh, luôn thường trực hằng đau đáu trong anh.
               
Ngay bài thơ đầu tiên được lấy tên cho cả tập - bài “Chép lên khoảng trời” - chỉ có bốn câu thôi đã nói rõ chủ ý xuyên suốt nội dung của tác giả. “Ta đưa khát vọng thời đương đại/ Về lại bến quê thăm miền cổ tích/ Chép lên khoảng trời xanh màu ngọc bích/ Chuyện ngày xưa, đối thoại bây giờ”. Vâng, ta hãy cùng anh “về lại bến quê” để cùng anh “chép lên khoảng trời” những câu thơ thao thức  miền cổ tích”, ngập tràn những nhung nhớ yêu thương.
               
Nhà thơ Giáp Văn Thạch đã viết: “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi”.  Nguyễn Vũ Quỳnh cũng trong tâm trạng ấy. Quê hương trong anh là “Cánh đồng mẹ tôi”, là “Bên bờ sông quê”, là “Sông Lam ngày trở về”, là “Quán rượu bờ sông”…để rồi “Quá nửa đời một thời son sắt/ Nóng ngọn gió Lào bỏng rát ca dao”. Niềm thương nhớ quê ấy thi thoảng lại ập về trong giấc ngủ, hiển hiện trong cơn mơ. Có tới bốn lần tác giả thảng thốt trong mơ gọi quê như thế. “Bần thần lạc mất tuổi thơ/ Đêm về tìm lại giấc mơ bắt đền”(Giấc mơ bắt đền); “Bước chân lội khắp đồng quê/ Đêm nằm mơ cũng mớ về chợ phiên”(Qua miền ký ức); “Đất chuyển mình rạn nứt cả giấc mơ” (Vô đề); “Đêm mơ trở lại sông quê/ Trong bâng khuâng một lối về tuổi thơ/ Như người khát gặp rừng mơ/ Chảy qua năm tháng bến bờ sông ơi” (Bên bờ sông quê).
               
Quê hương tuổi thơ anh nghèo lắm. Cái thời đạn bom, bao cấp, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược ấy, khiến cho cả nước nơi nào cũng vậy, đều phải căng mình ra chống trọi cùng thiên nhiên, giặc giã. Hãy xem anh tả cái nghèo thuở ấy.
               
Làng tôi thuở ấy quê mùa/ Cánh cò hoang hoải cáy cua cũng gầy/ Hạn khô như vắt cổ chày/ Dòng kênh cạn bụng tháng ngày long đong” (Cánh đồng mẹ tôi). Ví “hạn khô như vắt cổ chày”, “dòng kênh cạn bụng” thì thật là cao thủ. Rồi thì “Bếp nhà một góc vại dưa/ Con rô, con diếc đồng trưa chợ làng/ Bầu trời thiêu cháy cỏ hoang/ Vẫn vang vọng tiếng dô khoan bến Sòng” (Cánh đồng mẹ tôi). Nghèo đấy, lam lũ tằn tiệm đấy nhưng vẫn yêu đời, vẫn lạc quan ca hát. Và hình ảnh này thật đẹp: “Cái ngày cây lúa trổ bông/ Lời ru gặt giữa cánh đồng mẹ tôi”.
               
Ai đã sống qua “Cái thời đói rách triền miên/ Cá lòng tong vẫn lo tiền đủ không?” chắc hẳn sẽ thấu hiểu cái “Nghèo chi rách cả đường làng/ Cá lẹp, rau má, khoai lang bốn mùa” của Nguyễn Vũ Quỳnh. Tả cái nghèo “rách cả đường làng” khéo chỉ có Nguyễn Vũ Quỳnh? Đọc thấy ngày xưa gợn ghê lắm, như te tua, tơ tướp, xác xơ ở ngay trước mặt.

Này đây “Bếp chiều con tép bờ sông/ Chạy qua hành mỡ ngoài đồng cũng thơm/ Quê thời bếp núc rạ rơm/ Mặn trên lưng mẹ nồi cơm độn đầy”. Ngày ấy cơm trộn quanh năm, có cái ăn no bụng là tốt rồi. Chỉ trong câu “Chạy qua hành mỡ ngoài đồng cũng thơm” thôi, cũng đủ thấy cái mùi hành mỡ ngày nghèo khó thơm tho đến thế nào rồi. Trong bản lý lịch khai vào Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh hình như ai cũng có đoạn “thiếu ăn 3, 4 tháng trong năm”. Chả thế mà “Cái thời bánh chưng, bánh dầy/ Tứa trong nước miếng luống cày đồng xa/ Những ngày giáp hạt tháng ba/ Củ dong thì sượng, cây cà đang hoa” (Qua miền ký ức). Hay “Hanh hao sương lạnh gió lùa/ Vàng hoe cả mắt những trưa học về” (Qua miền ký ức). Cơ khổ. Thèm đến tứa nước miếng. Đói đến vàng cả mắt. Đói thèm đến thế là cùng. Thì thế bây giờ mới nhớ.

Và đây nữa: “Thân cò chới với bờ kênh/ Tìm con tép vặt buồn tênh đồng chiều (Bên đoạn sông cong). “Chới với”, “buồn tênh” -  những tính từ Nguyễn Vũ Quỳnh chọn lựa và dùng thật đắc địa. Nghệ thuật câu chữ chính là chỗ này đây. Không cần nhiều từ, nhiều lời cũng đã bật lên cái gian khổ, cái buồn rỗng của cái đói nghèo quê hương ngày ấy.
Tập thơ “Chép lên khoảng trời” của Nguyễn Vũ Quỳnh

Viết, nhớ về cái đói, cái nghèo của quê hương không phải để bi lụy mà chính là tác giả nhắc nhớ cho chúng ta đã có một thời như thế. Từ trong nghèo đói, khổ đau ấy, người ta đã vươn lên, ta đã chiến thắng để có cuộc sống như ngày hôm nay. Xin ai đó chớ vội quên đi một thời cha anh ta đã anh dũng kiên cường vượt qua như thế.

Cái nghèo được ghi lại trong miền cổ tích ấy dâng tràn kỷ niệm mà không bi lụy chút nào bởi ý chí vượt qua đi đến hôm nay. Và đây là những gam màu sáng tươi, những kỷ niệm đẹp về quê hương của Nguyễn Vũ Quỳnh. “Cánh cò lả lướt cánh đồng/ Trời như xõa nắng, mây lồng bóng cây/ Trâu đằm như thể ngủ say/ Tiếng con chim sáo hót lay cánh diều”… “Bướm vàng xoay gió bờ ao/ Bông hoa hồng thắm cứ xao xuyến nhìn”… “Đình làng chín rặng mâm xôi/ Dòng sông vỗ sóng mây trôi dập dềnh/ Mặt trời đợi dưới dòng kênh/ Chờ tôi về giữa bồng bềnh tuổi thơ” (Trở về ngày xưa). Khung cảnh thật thanh bình, lãnh mạn. Cánh cò, trời, mây, cây, trâu, chim, bướm, sông, tôi… với “lả lướt”, “xõa nắng”, “lồng bóng”, “ngủ say”, “xoay gió”, “vỗ sóng”, “dập dềnh”… thật đa sắc, đa thanh, sinh động quá chừng. Đặc biệt “Mặt trời đợi dưới dòng kênh/ Chờ tôi về với bồng bềnh tuổi thơ” thì thật thi vị và lãng mạn. Quê thế mới là quê chứ.

Hình ảnh thật đẹp, chỉ thôn quê mới có đã được tác giả vẽ lên bằng những câu thơ: “Thương những bắp chân nõn nà con gái/ Vội vàng chao giữa cầu ao”; “Thơm hương cơm nếp đầu mùa/ Khói lam chiều bảng lảng cổng thềm xưa” (Trả lại cánh đồng)Đầu hai thứ tóc, sống giữa thị thành mấy chục năm rồi mà hình ảnh ấy còn lưu giữ, lắng đọng mãi trong lòng tác giả. Phải đau đáu với làng quê lắm lắm, mới có được những hình ảnh nên thơ như thế.

Nguyễn Vũ Quỳnh “Đã lâu rồi xa bếp lửa làng quê/ Nghe tiếng gió chợt tim mình bối rối”(Nhớ) để rồi “Quê nhà quả khế/ còn chua/ Rau mồng tơi với cáy cua/ cá thèn/ Sấu bây giờ chín/ chưa em/ Tự dưng anh thấy khát thèm/ ngoài quê” (Tản mạn quê nhà). Và đây, hình ảnh thật đẹp nữa lại hiện ra trong thơ anh: “Cánh cò lửa bay qua miền nắng cháy/ Hoa sim chiều tím ngát cả đồi xanh” (Thức một vùng quê). “Lửa”, “cháy”, “chiều tím”, “đồi xanh”… vừa rừng rực vừa man mác, rất dữ dội nhưng cũng rất đằm sâu, lắng đọng.

Như bao trai làng khác, Nguyễn Vũ Quỳnh cũng để lại quê nhà những mối tình thật thơ mộng lãng mạn. “Ven đường ngày ấy cỏ may/ Còn rơi rớt gió những ngày/ lặng im/ Gần nơi ấy giữa/ đồi sim/ Là nơi đánh mất, đi tìm/ ngày xưa” (Tìm xưa). Chắc phải kỷ niệm nặng sâu lắm ở nơi ấy mới có những câu thơ khắc khoải như thế? Cỏ may ven đường găm vào ký ức để những ngày rơi rớt gió bất chợt nhớ, bất chợt thương cho tác giả cứ mải miết, cứ lặng im đi tìm “ngày xưa” đã vuột mất? Cả cô thôn nữ kia nữa, chắc cũng chông chênh, khắc khoải cùng anh? Là nơi đánh mất/ đi tìm/ ngày xưa. Mất cái gì chỉ họ mới hiểu thôi. Ôi mối tình đầu thôn quê! Sao mà nhớ, sao mà thương đến thế!

Mang mối tình đầu trong tim tha hương, đôi lúc Nguyễn Vũ Quỳnh vẫn xoáy lên trong tim mình câu hỏi “Tôi về hẹn với ngày mai/ Tìm trong xa thẳm chờ ai một mình?” (Còn không). Anh đã “Ra đi mang cả một thời/ Tình người, tình đất và lời quê hương” để khi nghe tiếng “Gió đang mắc kẹt bờ tre/ Trời xanh nợ một lời thề bão giông/ Còn không quán rượu bờ sông/ Mà sao say giữa cánh đồng giêng hai” (Còn không). Gió mắc kẹt bờ tre, bờ sông, quán rượu những cái cớ để tác giả nói về món nợ lớn - nợ lời thề bão giông. Thế nên, dẫu ở giữa cánh đồng giêng hai, dẫu quán rượu không còn nữa thì Nguyễn Vũ Quỳnh vẫn say cái say của thuở yêu đầu. Bởi vì “Màu thời gian ngỡ lãng quên/ Ngờ đâu trẻ lại trong miền xa xăm” (Trong miền xa xăm). Để rồi “Bắt đền nỗi nhớ/ của nhau/ Dòng sông khát nắng/ tím màu hoàng hôn/ Mấy ai biết được/ dại khôn/ Có ai hôn nửa/ nụ hôn bao giờ” (Giấc mơ bắt đền). Thì thế. Tôi cũng đã viết: “Nụ hôn đầu đời vụng dại/ em trao tôi còn ngọt đến bây giờ”. Và hôm nay bắt gặp nụ hôn của Nguyễn Vũ Quỳnh giữa khôn dại tình đầu cũng không thể nói đó là nửa nụ hôn được. Đã đành là thế rồi. Vậy thì cứ bắt đền nhau đi, hỡi người xưa yêu dấu!

Đau đáu nhớ quê hương, nặng lòng cùng hoài niệm, thế nên khi anh trở về quê “Nghe tiếng chim bắt cô trói cột/ Mà sâu lắng bần thần”. Cảnh cũ, người xưa đã không còn nữa. “Cây thị già cũng bỏ ta đi/ Khi ruộng đồng bê tông cốt thép/ Nóng khô đốt cháy chân trời/ Tiếng chim như bất ngờ tiếng nấc”. Rồi “Những con đường thưa mùa rơm rạ/ Khói bếp chiều cũng tắt lịm mái quê/ Cây lá vắng/ Còn chỗ nào chân chim tìm đậu?” (Góc trời quê). Thời buổi công nghiệp hóa, làng quê cũng cuốn trong cơn lốc chuyển mình như thế. Xô bồ, ngổn ngang, gấp gáp. Sắt thép, bê tông, lầu cao phố xá thay cho mái rạ mái rơm. Mừng đấy nhưng cũng trở trăn lắm đấy. Bao kỷ niệm ngày xưa đã phải tìm trong ký ức. Hiện thực cũ không còn nên càng chông chênh ưu tư hơn. Đúng là đem “Chuyện ngày xưa đối thoại với bây giờ” trước cuộc hành trình đô thị hóa đến chóng mặt mà ngỡ ngàng, mà xa xót. Phải chăng “Gió đang mắc kẹt bờ tre/ Trời xanh nợ một lời thề bão giông”?

Bốn mươi hai bài thơ trong tập thì có tới hơn ba mươi bài thơ Nguyễn Vũ Quỳnh viết về quê hương miền xa thẳm. Nếu kể cả những bài viết về đồng đội, về Trường Sa, Trường Sơn thì anh gửi cả tấm lòng mình cho quê hương, đất nước, cho đồng đội và những người yêu thươngAnh viết: “Đồng đội ơi chúng ta/ Chẳng đứa nào mà không có tên/ Khi điểm danh đứa nào cũng có/ Lúc ngã xuống trong bom rơi đạn nổ/ Trên mộ phần tên người có người không” (Đồng đội ơi). Viết về sự hi sinh mất mất của đồng đội, nỗi đau như thế, mấy ai viết xúc động đến như vậy. Thơ anh tung tẩy nhiều thể loại. Lục bát nhuyễn, tứ chặt, ý hay. Có rất nhiều câu găm vào lòng người đọc. Các thể thơ tự do, năm chữ anh sử dụng thành thạo, biến hóa, chuyển tải được tư tưởng và tình cảm của mình. Anh không theo hướng cách tân, hậu hiện đại, không cố tình làm xiếc câu chữ, đánh đố người đọc. Chính vì thế mà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh dân giã, giàu nhạc điệu, chất chứa tình đời, tình người. Đọc anh thấy hồn quê hiển hiện, lâng lâng trên từng con chữ. Tuy nhiên, có đôi ba chỗ anh gieo vần lục bát hơi bị gần nhau nên chưa thật đã lắm. Đó là các bài Ngày ấy (vần “ay”), Qua miền ký ức (vần “a”), Cánh đồng mẹ tôi (vần “òng, ồng). Giá anh chau chuốt thêm ít nữa thì tuyệt.

Gấp tập thơ lại, tôi vẫn bị ám ảnh, hút hồn với những con chữ của Nguyễn Vũ Quỳnh. Anh đã dắt đưa tôi về với một miền quê ắp đầy kỷ niệm để thao thức cùng anh “chép lên khoảng trời” bốn mươi hai thi phẩm cuộc đời. “Chiều nay trở lại đường quê/ Bánh xe quen rẽ lối về ngày xưa”. Vâng, tôi đang cùng anh rẽ lối về ngày xưa đây thi sĩ ạ. Xin chúc mừng anh với thành công của tập thơ này và tiếp tục mong chờ những tập thơ mới tưng bừng hơn nữa.

ĐỖ XUÂN THU

______________________

Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh tên thật là Nguyễn Như Quỳnh sinh ngày 12.9.1952 tại Tùng Lâm, Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Ông nhập ngũ tháng 9.1971, là Thiếu tá QĐNDVN, ra quân 1992.

Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường đai học Tổng hợp Hà Nội và tốt nghịêp các trường sĩ quan chính trị, tuyên huấn trung ương. Ông có hơn10 năm làm sĩ quan chính trị và hơn 20 năm là nhà báo.

Hiện nay Nguyễn Vũ Quỳnh thường trú tại 1/12/16 đường D3, quận Bình thạnh Thành phố Hồ Chí Minh.

Uỷ viên Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khoá VII (2015 - 2020).

Tác phẩm đã xuất bản:

Khúc hát xa quê - thơ, NXB Hội Nhà văn 2006.
Hai mươi năm sau - tập truyện ngắn, NXB Văn Hóa Thông Tin 2008.
Ru lời yêu em - thơ, NXB Thanh Niên 2011.
Đối thoại với thời gian - thơ, NXB Hội Nhà văn 2013.
- Chép lên khoảng trời - thơ, NXB Hội Nhà văn 2017


Theo NVTPHCM


Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều