Sáng 21-12-2018, nhân kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập QĐND
Việt Nam, và 5 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại Nhà khách Bộ Quốc
phòng (266 Thụy Khê, Tây Hồ, Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy
văn hóa dân tộc - Hội khoa học Lịch sử Việt Nam - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt
Nam - Tạp chí Văn Hiến Việt Nam, tổ chức Hội thảo quốc gia “ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN
GIÁP VỚI VĂN HÓA DÂN TỘC”. Đây là sự khởi
đầu của mọi sự khởi đầu. Hội thảo thu hút nhiều vị nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà
nước, nhiều tướng lĩnh quân đội, công an, các nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ…
trong cả nước.
Trong số hơn 60 bản tham luận được gửi đến, Ban tổ chức,
đã chọn lựa 50 bản in vào tập Kỷ yếu Hội thảo khoa học. Từ Thành phố Hồ Chí
Minh, Đại tá - nhà văn Nguyễn Minh Ngọc ra tham dự với bản tham luận “Đại tướng
Võ Nguyên Giáp, vị tướng kiệt xuất, nhà chính trị, nhà văn hóa tầm cỡ”. Xin
trân trọng giới thiệu.
Đại tá - nhà văn Nguyễn Minh Ngọc tại hội thảo
ĐẠI
TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP, VỊ TƯỚNG KIỆT XUẤT,
NHÀ
CHÍNH TRỊ, NHÀ VĂN HÓA TẦM CỠ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013), vị tướng lừng danh
trong lịch sử, là người văn võ song toàn, cả công lẫn danh đều quán thế: trên hết
cả một đời (despasser lesiècle). Ông còn là nhà chính trị, nhà văn hóa tầm cỡ với
tầm nhìn sâu rộng, trọn đời vì nước, vì dân.
Sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho thanh bần tại làng
An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, được người cha truyền dạy chữ,
Võ Nguyên Giáp nổi tiếng thông minh và hiếu học. Từ nhỏ, ông đã phải lao động để
kiếm sống. Năm 13 tuổi, ông được vào trường Quốc học (Huế). Đến năm 1925, Võ
Nguyên Giáp bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Ở tuổi 18, ông tham gia cải tổ
Tân Việt cách mạng đảng thành Đông Dương cộng sản liên đoàn. Sau khi bị
thực dân Pháp bắt giam (1930), rồi được thả, Võ Nguyên Giáp ra Hà Nội tiếp tục
con đường học vấn. Năm 1937, ông đỗ Cử nhân Luật và kinh tế chính trị học. Cùng
với việc hoạt động năng nổ, tích cực trên mặt trận văn hóa, như làm báo, viết
bài cho nhiều tờ báo công khai lúc bấy giờ, như: Tin tức, Dân chúng (Le Peuple),
Lao Động (Le Travail), Tiếng nói của chúng ta (Notre voix)… Võ
Nguyên Giáp còn là thầy giáo dạy Sử - Địa ở trường Tư thục Thăng Long. Bao giờ
cũng vậy, sử học luôn là cái bếp than hồng “giữ lửa” ấp ủ và nhen nhóm tâm hồn
của một dân tộc!
Từ năm 1936-1939, phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương
lên cao, Võ Nguyên Giáp là một trong những sáng lập viên của Mặt trận và là Chủ
tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Và ông đã có
tác phẩm lý luận đầu tiên “Vấn đề dân
cày” viết chung với ông Trường Chinh, dưới bút danh là Qua Ninh - Vân Đình.
Tác phẩm nêu bật quan điểm: vấn đề then
chốt ở Đông Dương là trao ruộng đất cho dân cày! Đó là nội dung cốt lõi của
các mạng dân tộc dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.
Năm 1939, Võ Nguyên Giáp cùng Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc
tìm gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tại đây, năm sau, ông được kết nạp vào Đảng Cộng
sản Đông Dương. Tháng 5-1941, ông trở về Cao Bằng cùng mấy cán bộ cao cấp khác,
dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh, họ bắt tay xây dựng cơ sở cách mạng và
lập ra Mặt trận Việt Minh. Để phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, thời
gian này, Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng mở các lớp đào tạo quân sự ngắn ngày do
các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp trực tiếp huấn luyện. Tài liệu huấn luyện,
bên cạnh tác phẩm “Người chính trị viên” của Phạm Văn Đồng, là cuốn “Công tác chính trị trong LLVT nhân dân cách
mạng” của Võ Nguyên Giáp.
Từ việc được phân công phụ trách ban “Xung phong Nam Tiến”, thực hiện Nghị quyết
Trung ương 8, tháng 12-1944, tại căn cứ địa Cao Bằng, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ
thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền
giải phóng quân, và giao cho Võ Nguyên Giáp thay mặt Đoàn thể (Trung ương Đảng)
trực tiếp tổ chức thành lập Đội. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân
Việt Nam ngày nay. Chỉ thị nêu rõ nguyên tắc hoạt động của Đội là phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ
địch không thể nào tiêu diệt được, tổ chức của Đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo. Là người trực tiếp lãnh đạo và
chỉ huy, Võ Nguyên Giáp là vị Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của Quân đội ta.
Cuối tháng 3-1945, ông đưa Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân xuống phía
Nam hội quân với Đội Cứu quốc quân của ông Chu Văn Tấn tại vùng chợ Chu, Thái
Nguyên, thống nhất tổ chức thành Việt Nam
Giải phóng quân.
Tháng 8-1945, Võ Nguyên Giáp là Ủy viên Ủy ban Quân sự
cách mạng, Tổng chỉ huy các đội Việt
Nam Giải phóng quân. Trong năm này, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 2, ông được
cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng
và Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương
(Bộ Chính trị). Ông tham gia Ủy ban khởi
nghĩa toàn quốc, Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, làm Bộ trưởng Nội vụ trong Chính phủ lâm thời,
Chủ tịch Quân sự ủy viên hội trong Chính phủ liên hiệp, Phó trưởng đoàn Chính
phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đàm phán với Pháp tại Hội nghị trù bị Đà Lạt năm
1946. Cùng thời gian này, Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Quân ủy (nay là Quân ủy Trung
ương) và chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng là
Bí thư. Đây là cơ quan lãnh đạo, giúp Trung ương Đảng nắm chắc hoạt động của
quân đội, xây dựng bản chất cách mạng của quân đội, bảo đảm cho quân đội tuyệt
đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, trung thành với Tổ quốc và
nhân dân.
Càng về cuối năm 1946, tình hình càng trở nên phức tạp
như “ngàn cân treo sợi tóc”. Thời gian hòa hoãn ngắn ngủi sau Hiệp định sơ bộ
Việt - Pháp đã hết. Sau khi chiếm được Nam Bộ, Nam Trung Bộ, thực dân Pháp mở rộng
gây hấn ra phía Bắc. Chúng ngang nhiên đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn. Ngày
18-12-1946, Bộ chỉ huy quân Pháp gửi tối hậu thư cho Chính phủ Việt Nam dân chủ
cộng hòa, chúng láo xược đòi tước khí giới của tự vệ và LLVT ta.
Trước đó, ngày 30-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh
số 230/SL “Thống nhất Quân sự ủy viên hội
và Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy”; bổ nhiệm ông Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam. Thực hiện
mệnh lệnh chiến đấu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, 20
giờ đêm 19-12-1946, quân và dân ta đồng loạt nổ súng đánh quân xâm lược Pháp ở Hà
Nội và các thành phố lớn. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.
Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số
110/SL phong quân hàm Đại tướng cho Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia Võ Nguyên
Giáp; cùng các Sắc lệnh số 111/SL, 112/SL và 115/SL phong hàm 9 Thiếu tướng, 1
Trung tướng. Khi một nhà báo nước ngoài phỏng vấn lý do phong hàm tướng, Chủ tịch
Hồ Chí Minh trả lời đại ý, rằng đánh thắng
Đại tướng, phong Đại tướng; đánh thắng
Trung tướng, phong Trung tướng. Và thực tế, trong 9 năm xâm lược Việt Nam
(1945-1954) đã có 7 viên tướng Pháp sừng sỏ kế tiếp nhau chuốc lấy thất bại trước
quân dân ta và vị tướng trẻ của Quân đội nhân dân Việt Nam khi ấy mới 43 tuổi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng Tư lệnh Quân đội nhân
dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tổng Quân ủy (sau là Quân ủy
Trung ương) từ năm 1946 đến năm 1977; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa VI; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa II, III và IV;
Phó Thủ tướng Chính phủ từ 1978-1982.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cùng với các tác phẩm
lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh, Nhà xuất bản Vệ
quốc quân (tiền thân của Nxb QĐND ngày nay) đã cho ra mắt một số cuốn sách có
giá trị ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Cuộc
chiến tranh giải phóng của chúng ta - chiến lược và chiến thuật”, “Phát động
chiến tranh du kích”, “Tiến mạnh sang giai đoạn mới”…
Là một học trò xuất
sắc và là cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đại tướng Võ Nguyên
Giáp là một nhà chiến lược, một chỉ huy quân sự lỗi lạc. Những năm đất nước có
chiến tranh, cùng với việc tham gia lãnh đạo, chỉ đạo chung, sát cánh cùng với
Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp, Đại tướng trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn như: Chiến dịch Biên Giới (1950), Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)… với tài
nghệ siêu phàm về chỉ đạo tác chiến chiến lược, cũng như tác chiến chiến dịch.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp
đã cùng Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng chỉ đạo các chiến dịch lớn ở
miền Nam, trong đó có chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; chỉ đạo cuộc chiến tranh
nhân dân chống lại cuộc leo thang phá hoại của không quân và hải quân Mỹ ra miền
Bắc Việt Nam. Đặc biệt, ông là người trực tiếp chỉ đạo quân và dân Hà Nội, với
nòng cốt là bộ đội Phòng không - Không quân, đập tạn cuộc tập kích cực kỳ tàn bạo
12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, làm nên trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên
không” lừng lẫy, hạ gục uy thế của “Siêu pháo đài bay” B52, buộc Mỹ phải “xuống
thang” chiến tranh và ký kết Hiệp định Paris. Suốt 21 năm bền gan chiến đấu, quân
và dân ta đã đánh bại 4 chiến lược chiến tranh của 5 đời Tổng thống Mỹ, cùng
nhiều viên tướng tên tuổi khác của Hoa Kỳ, cuối cùng phải ngậm ngùi cuốn cờ trở
về chính quốc.
Trong bộ phim truyện “CAO HƠN BẦU TRỜI” 50 tập đang được
phát song trên các kênh truyền hình (VTV9, SCTV6, Quốc phòng Việt Nam, VTV.cab
“Phim Việt”, tôi đã dựng lại hình tượng sống động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Là người luôn hiểu rõ sự thành bại của chiến tranh phụ thuộc vào tâm trạng của
những người đang trực tiếp cầm súng trên chiến trường, ông không chỉ là vị Tổng
Tư lệnh, người chỉ huy tối cao, luôn quan tâm đến cấp dưới. Trong chiến dịch Điện
Biên Phủ, Đại tướng 4 lần viết thư cho bộ đội trước khi bắt tay vào nhiệm vụ mới.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nhận xét: “Một vị Tổng Tư lệnh viết thư tâm tình với
cán bộ và chiến sĩ như vậy là nét đẹp nói lên bản chất cách mạng của bộ đội Cụ
Hồ và cũng là điều hiếm thấy trong chiến tranh các nước”.[1]
Những lời động viên của ông đối với các chiến sĩ Sư đoàn
phòng không “Cận vệ Thủ đô” trong 12 ngày đêm ở Hà Nội, dễ gì quên được: “Cả nước đang hướng về Hà Nội. Toàn thế giới
đang hướng về Hà Nội. Từng giờ, từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương
theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến
sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội!”. Không chỉ đến khu phố Khâm Thiên đổ nát sau
trận bom hủy diệt của B52, Đại tướng trực tiếp xuống kiểm tra các trận địa tên
lửa, gặp gỡ động viên, “truyền lửa” cho bộ đội. Trọn một ngày đêm 28-12-1972, Đại
tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ để theo dõi và
chỉ đạo cuộc chiến đấu. Có thể nói chưa bao giờ và cũng không một cán bộ chính
trị nào có đủ sức lôi cuốn và thu phục nhân tâm như Đại tướng của chúng ta,
chính vì vậy dễ cắt nghĩa vì sao tất cả cán binh luôn dành cho ông sự yêu mến
và kính trọng tuyệt đối!
Vốn là một thầy giáo dạy Sử, nổi tiếng là người thông kim
bác cổ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kỹ lịch sử các cuộc chiến tranh, lịch
sử quân sự thế giới. Ông nghiền ngẫm trước tác của các nhà kinh điển như Marx,
Engels, Lenin, Napoléon, Tôn Tử, Clausewits, cùng một số tác giả đương đại
khác. Bên cạnh đó, Đại tướng biết kế thừa tinh hoa quân sự trong binh thư của tổ
tiên, đặc biệt là nghiên cứu binh thư Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi. Nghệ thuật
đánh giặc của tổ tiên ta rất coi trọng yếu tố thời cơ, nắm vững mỗi quan hệ giữa
“thời” với “thế”. Trong tác phẩm “Quân trung từ mệnh tập”, Nguyễn Trãi viết:
“Người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế mà thôi. Được “thời”, có “thế”
thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn. Mất “thời”, không “thế” thì mạnh hóa ra
yếu, yên lại thành nguy. Sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay mà thôi!”.
Trong cuốn “Bài giảng về đường lối quân sự của Đảng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp,
viết: “Thế là hoàn cảnh, điều kiện trong đó hai bên tiến hành chiến tranh; là
hình thái bố trí, triển khai và hoạt động của lực lượng hai bên trên chiến trường…
Dĩ nhiên, muốn có “thế” thì phải có một “lực” nhất định. Đặc biệt, Đại tướng Võ
Nguyên Giáp là người tiếp thu và phát triển sáng tạo tư tưởng quân sự Hồ Chí
Minh lên tầm cao và thực sự ông đã có những đóng góp lớn lao vào kho tàng lý luận
quân sự hiện đại.
Đến nay, khó có thể liệt kê ra hết khối lượng tác phẩm đồ
sộ, cũng như các luận văn chính trị quân sự, cùng những bài viết, bài nói của Đại
tướng Võ Nguyên Giáp. Số trang in sách của ông đã lên tới hàng vạn trang, bề thế.
Trong những thời điểm, những giai đoạn mang tính bước ngoặt lịch sử của dân tộc,
ông đều có sách. Đó là các tập hồi ký: “Từ
nhân dân mà ra”, “Những năm tháng
không thể nào quên”, “Chiến đấu
trong vòng vây”, “Đường tới Điện Biên
Phủ”, “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử”, “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng”… Năm 2006, cơ quan tôi,
Nhà xuất bản QĐND hoàn thành 2 bộ Tổng tập đồ sộ cho hai danh nhân đồng niên
Tân Hợi (1911) là Đại tướng Võ Nguyễn Giáp và Giáo sư, NGND, Anh hùng Lao động
Trần Văn Giàu. Mỗi bộ gần 1.500 trang in, khổ lớn (19 x 27).
Các tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp không chỉ có
giá trị về khoa học mà còn có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, chân thực, đậm đà chất
nhân văn. Vâng, ông là bậc danh tướng kiệt xuất trong lịch sử dân tộc, là danh
nhân văn hóa có tầm ảnh hưởng sâu rộng, được nhân dân và toàn quân tôn thờ. Ông
là vị tướng của lòng dân! Yêu nước, thương dân, đồng hành cùng dân tộc, hướng tới tương lai, bài học ấy muôn đời không bao giờ xưa, cũ! Là sản phẩm của thời
đại Hồ Chí Minh, tên tuổi và sự cống hiến to lớn nhiều mặt của Đại tướng Võ
Nguyễn Giáp sẽ mãi là niềm tự hào và trường tồn cùng non sông, đất nước Việt
Nam ta!
TP. HCM, ngày
4-12-2018
Đại tá - nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC
Nguồn: Blog Văn
chương phương nam
[1] Hoàng Minh Phương: Sức
mạnh Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, Hà Nội 2014, tr.52.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét