Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

PHAN CÁT CẨN “GOM LẠI TỪNG MẢNH HỒN LÀNG ĐANG VỠ”

Đường nghề và đường nghiệp đang mở ra trước mắt anh. Phong thuỷ và thơ trong anh như cặp tình nhân đang hô ứng và gọi giục…
Nhà thơ Phan Cát Cẩn

Tôi biết Phan Cát Cẩn là một nhà phong thuỷ trước khi biết anh là một nhà thơ. Ấy là vào một sáng xuân Quý Tỵ 2013, tôi cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ cựu chiến binh Mỹ Bruce Weigl đến thăm tư gia anh tại thôn Đông Viên xã Đông Quang huyện Ba Vì - Xứ Đoài mây trắng, nơi “đất tụ khí anh hoa”, có núi Ba Vì hùng vĩ mà Nguyễn Trãi gọi là “Núi Tổ của nước Nam ta”, có “Sông Đáy chậm mình qua Phủ Quốc”, có “Mảng thành rêu không cũ giữa tim người”, khắc ghi vào lòng du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan vùng đất “địa linh nhân kiệt” này những ấn tượng sâu đậm không thể phai mờ. Phan Cát Cẩn hối hả và tất bật tiếp khách, bởi không chỉ tiếp đón chúng tôi mà anh còn phải nghe và trả lời những cuộc điện thoại liên tục gọi đến cùng hàng chục vị khách đến tận nhà mời anh đi xem giúp hướng nhà , hướng bếp để khai lộc đầu xuân. Sau những lời chúc phúc ấm áp chân tình với những ly rượu Đông Lâu nồng đậm men quê Xứ Đoài, Phan Cát Cẩn tháp tùng chúng tôi lên đền Thượng chót vót đỉnh núi Ba Vì xin quẻ cầu may. Trong một phút hứng khởi, anh đột nhiên ngẫu hứng đọc bốn câu thơ:

Lên Ba Vì lòng ta tĩnh lại
chơi ván cờ cùng gió núi cùng mây
bỗng thấy một lần ta thanh sạch
bỏ lại dưới kia gót bụi trần.

Sau cái khoát tay chỉ xuống dưới chân núi mịt mù mây trắng và một nụ cười hồn nhiên nở trên môi Phan Cát Cẩn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dịch lại bằng tiếng Anh bốn câu thơ trên cho nhà thơ Mỹ cùng thưởng thức. Bruce cười tít mắt, gật đầu nói bằng tiếng Việt: Hay… Hay!

Chuyến ngưỡng tâm non Tản lần này cũng giống chuyến ngưỡng tâm non Tản lần đầu tiên cùng nhà thơ Hữu Thỉnh đầu xuân 2008 đem lại cho tôi một cảm giác hết sức thanh tĩnh, tâm hồn an nhiên đến lạ kỳ. Cũng chính vào những giây phút đó, tôi đã dự cảm rằng Phan Cát Cẩn sẽ trở thành một nhà thơ. Quả đúng như vậy, sau khi cho ra đời hai tập thơ liên tục “Bến vắng” và “Những chiều mây cổ tích” năm 2013, năm 2014 anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, thoả một ước nguyện ấp ủ bấy lâu trong lòng. Từ khi trở thành hội viên, thơ Phan Cát Cẩn có một bước chuyển biến mới, ý tứ thơ anh gắn chặt với những bước đi và những kỷ niệm sâu đằm trong cuộc đời anh, bắt đầu có sự lắng đọng đa nghĩa và bớt đi nhiều những kể tả dài dòng. Bằng chứng là mùa thu năm 2014 anh cho ra đời tập thơ “Về đâu chim ngói xanh” và mùa thu năm nay 2015 là tập “Về miền đất sinh thành”còn tươi nguyên màu mực.

Phan Cát Cẩn trở thành nhà phong thuỷ, như tôi được biết, hoàn toàn là một cơ duyên, như là có sự xui khiến của trời đất, do say mê cá nhân, tự mày mò nghiên cứu, tự tìm hiểu học tập qua sách vở. Và anh trở thành một nhà thơ cũng tương tự như vậy. Với anh, thơ và phong thuỷ gắn kết với nhau, bổ khuyết cho nhau. Bởi anh cho rằng cứu cánh của phong thuỷ là đem lại sự hanh thông giữa lòng người và vận khí trời đất; thuận thiên địa, thuận lòng người là chìa khoá chế hung ích cát, dung dưỡng lòng tin, bồi bổ ý chí quyết tâm, khiến con người có thể sống an lạc thanh tĩnh, vượt qua những trắc trở, thậm chí cả tai nạn nguy nan trong đường đời. Còn cứu cánh của thơ không gì khác là bồi bổ tâm hồn, cảm xúc, nhân đạo hoá con người, vĩnh cứu hoá cái đẹp. Như vậy cả thơ và phong thuỷ đều hướng tới cái chân, cái thiện cho con người, vì con người. Với anh, đó là cái đạo của phong thuỷ và cũng là cái đạo của thơ. Cho nên, mỗi khi đến một vùng đất mới, về một vùng quê kiểng, hay xem hướng một căn nhà, một mảnh đất, dự đoán thời gian có thể cải táng một ngôi mộ v.v., chớp được một ý thơ, tứ thơ hay là đêm về anh ngồi cặm cụi làm thơ. Với nghề phong thuỷ và nghiệp thi ca anh đau đáu một nỗi niềm làm được chút gì đó có ích cho con người, cho quê hương, bằng cách “gom lại từng mảnh hồn làng đang vỡ”, khi mà các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hoá nước nhà đang có nguy cơ mai một, cần được bảo trì, phát huy và phát triển phù hợp với yêu cầu của thời đại mới, lên một tầm vóc mới.

Ý tình trên đây của Phan Cát Cẩn, tôi thấy bộc lộ rõ nét trong tập thơ “Về miền đất sinh thành”. Anh thổ lộ:

Mỗi lần qua cổng làng
lại vấp vào ký ức
những gánh gồng tất tả
những hạt lúa vặn mình trên đôi vai nhọc nhằn
loang mồ hôi muối
cánh đồng - nơi vết rạ đâm thấu vết nứt chân người
vết nứt mặt ruộng như vết dao đâm…

Đó là cái cổng làng mãi mãi vẹn nguyên trong tâm thức, để rồi sau hai mươi năm trở lại khiến anh bừng ngộ và nung nấu một ý chí:

Hai mươi năm trở lại
ngắm mảnh rêu bám hờ năm tháng
ngắm rễ đa cuốn vòng nguyệt quế
vòm cổng cong, khuyết nửa vầng trăng
gom lại
từng mảnh hồn làng đang vỡ…

“Gom lại từng mảnh hồn làng đang vỡ” quyện hoà giữa nghề và nghiệp, trở thành hồn cốt của thơ anh. Với hồn cốt đó, tôi hy vọng anh sẽ mang lại nhiều niềm vui cho đời, nhiều hữu ích cho con người. Chắc chắn sức mạnh ma quái của đồng tiền - “con đĩ nhân loại” như Sêchxpia đã chỉ đích danh không thể làm tha hoá một nhân cách và một tình thơ.
Bìa tập thơ Về miền đất sinh thành của Phan Cát Cẩn

Với Phan Cát Cẩn, “gom lại từng mảnh hồn làng đang vỡ” trước hết là về với “miền đất sinh thành - nơi ta trở về nguồn cội”, để “nhớ ngón chân Giao Chỉ thuở nào / sinh Thánh Tản Viên”, để “mắt hướng về xa / đôi bờ huyền thoại” , đặng nhận ra “bầy ngô trổ cờ một thuở / đò chiều buông neo trong giá buốt / giầy cỏ ấm chân ai chiều đông lạnh”, và để thấy “Núi Tản in bóng sông Đà / đảo Ngọc dập dềnh thương nhớ / những con đường dẫn về hư ảo”. Bởi, chính “miền đất sinh thành” ấy là nơi có mẹ ta “Ráng đỏ cuối ngày / mài lõm con đường sống trâu / mẹ đi-về trong nắng quái/ loang lổ chiều đông / đau nhức lưng còng / khi thời tiết giao mùa / âm thầm cật vấn lòng con”. Ở đó, có quê ngoại ta “Cha già râu ám thuốc lào / Mẹ già nhai trầu bỏm bẻm / mây trắng đầu non mòn mỏi / lối vườn ngập lá vàng rơi”, mà nay trở về ta chỉ thấy “Trời cũ, dòng sông cũng cũ / bao nhiêu gò bãi ngổn ngang / cát sỏi xô nhau thành đống / đâu còn con nước xanh trong”. Những rơi rụng, những mất mát khi trở về mảnh đất nuôi ta khôn lớn thành người, ta không thể không“gom lại”. Và đặc biệt ở đó còn “một thuở em”“Trăng mùa đông trắng bệch / bên đồi chè em xám bạc màu trăng / sông Chảy chở tháng năm / khoác cơn mưa tìm nhau tóc ướt… / mây chiều cánh én nghiêng chao”, để rồi “Nhìn lũ kiến lửa diễu hành bên ngõ / Tôi ngẩn ngơ / Ngày em vu quy…” với bao xa xót ngậm ngùi :“Tôi nhấp em trong ly rượu cặn /Ngoài trời mưa trong bóng / Buồn nao lòng / Buồn đắng đót / Em qua đời tôi như mùa thu”. Đó không chỉ là ký ức mà là văn hoá, là hồn vía nơi ta sinh thành không thể nguôi ngoai, không thể quên lãng. Nghĩa là, chỉ có “gom lại từng mảnh hồn làng” đang rụng rơi trước khắc nghiệt của thời gian, đang bị bào mòn, xâm thực trước sự xuống cấp của văn hoá, đạo đức và lối sống, thì ta mới không đem “bán Phật”, không đem “những niềm tin” ra mà “rao bán”, bởi “liệu có mua về, có cứu rỗi được trái tim lầm lỗi”. Và cũng chỉ có như vậy, ta mới khắc ghi mãi mãi bài học “ Người Việt thưở ấy dại khờ / bị quỷ kế ăn cắp trái tim”, để đời đời kiếp kiếp thấu nhận “Nước giếng Ngọc ngày đêm rửa mặt lịch sử / cho ta nhìn rõ kẻ thù / Hoàng Sa, Trường Sa luôn trong vùng mắt bão”.

Phan Cát Cẩn không còn là một nhà phong thuỷ “chân đất” và một “lều thơ” như xưa, giờ đây anh đã trở thành một thầy phong thủy có không ít học trò muốn kế nghiệp và một nhà thơ thực thụ được tu nghiệp qua một lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam. Đường nghề và đường nghiệp đang mở ra trước mắt anh. Phong thuỷ và thơ trong anh như cặp tình nhân đang hô ứng và gọi giục. Tôi cầu mong anh gặt hái nhiều thành công hơn nữa. Lẽ nào sau “Về miền đất sinh thành”, anh lại không có những miền thơ mới lắng đọng hơn, chiếm lĩnh được nhiều trái tim độc giả hơn?

Thành phố Hồ Chí Minh, một đêm thu 2015
QUANG HOÀI
___________________________________

Nhà thơ Phan Cát Cẩn tên thật là Phan Văn Cẩn, sinh 1946 tại Đông Viên, Ba Vì, Sơn Tây, Hà Nội. Ông hoạt động văn học từ năm 1992, có bài đăng ở các báo trung ương, địa phương và các báo chuyên ngành văn chương.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm đã xuất bản:

Miền hư o - thơ, NXB Hội Nhà văn 2012.
Bến vắng - thơ, NXB Hội Nhà văn 2013.
Những chiều mây cổ tích - thơ, NXB Hội Nhà văn 2013.
Về đâu chim ngói xanh - thơ, NXB Hội Nhà văn 2014.
Về miền đất sinh thành - thơ, NXB Hội Nhà văn 2015.
Mùa lên hương - thơ, NXB Hội Nhà văn 2016.

Nguồn: NVTPHCM



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều