GS. Huỳnh Như Phương
Trong tác phẩm
mới nhất của mình, "Thành phố những thước phim quay chậm", tác giả Huỳnh Như Phương
đã cho thấy cái tài của một nhà ký họa văn chương bằng việc dựng lại được
tất cả hình ảnh sống động và xếp chúng lại thành một chuỗi liền mạch như thể lật nhanh các trang của một quyển
sách tranh để thấy các hình ảnh ấy, những con người, hàng cây, xe cộ… đang chuyển động trong một
guồng xoay của thời gian, của bốn mùa, giữa những khoảnh khắc của hơi thở hay
thời gian hút tàn một điếu thuốc trong lúc cảm nhận sự chuyển dịch của khung cảnh.
Tập tản văn
này thật ra không phải là một chỉnh thể được hình thành bởi những dụng ý
ngay từ lúc ban đầu, nhiều bài viết trong tập này đã được sử dụng trong các tập
trước đó của cùng tác giả Huỳnh Như
Phương. Việc để các tác phẩm này tái xuất, đứng chung với nhau trong một cuốn
sách không biết vô tình hay hữu ý lại giống với kỹ thuật dựng phim, các
thước phim được cắt, nối với nhau,
xoay đều trên máy chiếu để trình hiện trước đôi mắt khán giả bộ phim tư liệu về thành phố. Thành phố ở đây không chỉ
một, mà là nhiều thành phố: Huế, Sài Gòn, Hà Nội, Hội An và cả… Paris,
những thành phố hiện hữu trong một tập hợp các ghi chép kéo dài trong nhiều
năm, từ một người quan sát thầm lặng, tinh tế và có kiến văn sâu rộng.
Cuốn sách “Thành phố những thước phim quay chậm”
Tác giả Huỳnh
Như Phương dành cho mỗi bài một dung lượng vừa phải với các pha chuyển cảnh khiến
cho cuốn sách thuần nhất với nhịp điệu này nhưng không gây nhàm chán dù rằng được
sắp xếp theo thứ tự abc, nơi các bài viết từ năm 1995 có thể được đặt cạnh những
bài viết năm 2015 mà không gây cảm giác hẫng hụt hay lệch khỏi cái không khí
chung của toàn bộ tác phẩm. Để làm được như vậy chứng tỏ mạch viết của tác giả
xuyên suốt và không ngừng trở đi trở lại với những vấn đề được xem là muôn thuở,
vừa có tính phổ quát nhưng đồng thời lại gợi ra những đặc trưng chỉ có những
nơi chốn ấy mới có: những kỷ niệm về Viện Đại học Vạn Hạnh, Trường Đại học Văn
Khoa, là lao xao chợ Tết với nhà văn Lê Văn Thảo, miên man "một cõi
đi về" với Trịnh Công Sơn, là những hồi ức thuở ban đầu lưu luyến khi chập
chững bước vào văn chương và chịu những "tai nạn" văn chương. Những
"tai nạn" từ sớm ấy đã không suy giảm tình yêu với văn chương, một
tình yêu đã biến chú nhóc tỉnh lẻ Quảng Ngãi trở thành một giáo sư văn chương của chính ngôi trường Văn Khoa một
thuở mình theo học.
Ta vẫn thấy trong tập sách này một Huỳnh Như Phương thủy chung với công việc quan sát cuộc sống
đương đại, ở các đô thị, nhất là Sài Gòn, với những phát hiện như thể còn nguyên sơ của những điều thường ngày ta tưởng đã
thân quen đến mòn sáo. Tựa hồ một tập nhật ký vừa riêng tư mà cũng như đã thuộc về mọi người, trong suốt những năm tháng ấy, đi
trên những trang sách này, biết đâu được trong một giây hạnh ngộ nào đó, ta đã
đứng rất gần tác giả Huỳnh Như Phương khi ông đang ngồi dưới một mái hiên rêu
phong nào đó trong thành phố, cùng ông nhìn dòng người qua lại, cùng ông nghe một bài hát… tự thân cuộc
sống này đã ràng rịch mỗi sinh thể tồn tại nơi nó lại với nhau và chia sẻ mọi cảm xúc bất chấp
ta có cảm nhận về chúng hay chăng nữa.
Nhẹ nhàng,
không đại ngôn, tác giả Huỳnh Như Phương như một người hướng dẫn khiêm tốn như
thể là người bạn đồng hành cùng độc giả đi suốt hành trình từ miền ấu thơ, trải qua tuổi hoa niên đến khi bước vào
tuổi "tri thiên mệnh", những bước đi thật chậm mà chắc chắn, ở bất cứ
nơi nào ông dắt ta đi qua, bất cứ con người nào ông bắt tay giới thiệu với ta đều
với một nụ cười, một ánh nhìn hòa ái. Sự hòa ái của một con người biết mình có thể yêu thương mọi người, cúi thấp xuống và nhìn
thật gần để thấy không cần phải to lớn thì mới là vĩ đại, mà bản thân sự vĩ đại
của bất cứ thứ gì thì cũng chỉ là tầm thường trong thế giới này.
Không có sinh
mệnh lớn và sinh mệnh nhỏ vì mọi sinh mệnh đều ngang nhau, cho nên không
bao giờ đặt mình cao hơn đối tượng
quan sát mà vẫn làm ta thấy gần gũi hệt như những pho tượng Phật ngự trong ngôi
chùa nơi hẻm nhỏ mà ông để ý và muốn giới thiệu với ta: "Phật
nghiêng xuống đời thường, nghiêng xuống kiếp người, nên con người cũng không phải ngẩng mặt lên quá cao để đón lấy nụ cười
bao dung của Phật".
HUỲNH TRỌNG KHANG
Nguồn: NLĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét