Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

CÁI TÁT GIỮA HỌC ĐƯỜNG

Tôi có người bạn tên T, đang làm tổ trưởng sản xuất cho một công ty trong khu công nghiệp ở Bình Dương. Không có bằng cấp cao nhưng anh được cảm mến vì chịu khó, trách nhiệm với công việc và yêu vợ thương con.

Ấy vậy mà T. từng là học sinh cá biệt. 15 năm trước, cậu thi đậu vào ngôi trường cấp ba một tỉnh miền Tây với số điểm khá cao. Ngày đầu vào trường nhận lớp, khi đùa giỡn với bạn, anh đã chửi thề. Thầy Hiệu phó nghe thấy. Thầy tát bạn tôi ngay giữa sân trường, trước mặt các bạn khác với lý do "để răn đe tất cả học sinh".

T. bảo anh vẫn nhớ cảm giác choáng váng vì cái tát như trời giáng và bất ngờ. Bạn bè xung quanh im bặt, vẻ mặt khiếp sợ. T. muốn khóc nhưng không khóc được, chỉ muốn chui xuống đất cho đỡ nhục. Nhưng vì sự tự ái và sĩ diện của cậu trai mới lớn trước đông người, anh nghênh mặt lì lợm thách thức. Thầy tát thêm cái thứ hai.

Vậy là, ngay ngày đầu tiên vào trường, T. đã mang danh học sinh cá biệt. Thầy cô, các bạn trong trường ai cũng biết anh, nhiều người e dè không dám lại gần. Sự nổi tiếng đó càng khiến cậu học trò bất mãn, trầm tư suốt ba năm trung học. Từ một học sinh học khá hồi lớp 9, T. tuột dốc và may mắn lắm mới tốt nghiệp cấp ba.

Là giáo viên, đương nhiên tôi không đồng ý việc học trò chửi tục, cũng càng bức xúc trước việc học trò xúc phạm thầy cô. Tình trạng học trò nói tục chửi thề hiện nay rất nhiều, hầu như giờ ra chơi, giờ ra về, ở bất cứ góc sân nào của ngôi trường nào cũng đều có những âm thanh xấu xí ấy. Nhưng những cái tát không bao giờ là giải pháp của vấn đề. Bởi bạo hành luôn phản tác dụng. Trong trường hợp của T, nếu như không có những cái tát giữa sân trường, nếu như thầy gọi anh lên văn phòng nói chuyện, thậm chí có thể mời phụ huynh tới ("vẫn đỡ nhục nhã hơn", như lời T. tâm sự với tôi) biết đâu sẽ có thêm một học sinh đến thăm thầy những năm sau này, biết đâu trường có thêm một học trò khá giỏi?

Ở Quảng Bình và Hà Nội, sau khi cô giáo ra lệnh cho các học sinh tát bạn mình, tôi thấy nhiều ý kiến quan tâm đến cô giáo. Còn với em học sinh đã bị tát, cán bộ địa phương đã trả lời rằng em đã ra viện và "vẫn bình thường". Nhưng còn những vết thương tinh thần, không hiển thị bằng một vết sẹo trên da thịt thì sao? Chúng sẽ được chăm sóc bởi ai và thế nào?

Ngành Giáo dục từng có đề xuất về việc có chuyên gia tư vấn tâm lý trong các trường học, để tư vấn cho cả thầy cô và học trò; đặc biệt với trường cấp hai và cấp ba, khi các em ở ngưỡng thay đổi tâm lý, cần có ai đó hiểu, lắng nghe và chia sẻ với những vấn đề các em đang mắc phải. Với người lớn chúng ta, có thể chỉ là những chuyện nhỏ nhặt, nhưng với các em, một lời trêu chọc, một sự xa lánh của bạn bè, hay một lần giận dỗi đều có thể làm em cả ngày chỉ nghĩ về nó, mất tập trung vào việc học. Đó là chưa kể đến những vấn đề lớn hơn, những em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, những người thấy mình bất hạnh, rất dễ sinh ra tâm lý trả thù cuộc đời. Thầy cô chúng tôi thực ra chỉ được học qua vài tiết Tâm lý học lứa tuổi ở trường Sư phạm, chưa đủ khả năng giải quyết những vấn đề như thế.

Và còn nữa, chính chúng tôi, các giáo viên cũng rất cần được tư vấn tâm lý để cân bằng tinh thần trước những tình huống ngỗ nghịch của học trò. Mới đây thôi, tôi cũng đã từng giận run người trước lời xúc phạm của học sinh. Lớp tôi chủ nhiệm vi phạm nội quy của trường nhiều lần, việc học của các em sa sút, khuyên bảo mãi không cải thiện được, tôi không kiềm chế được cảm xúc mà rơi nước mắt, rất nhanh thôi và tôi cũng gắng bình thường trở lại. Bỗng trong lớp vang lên âm thanh: "Đồ đạo đức giả, nước mắt cá sấu, nhìn bả khóc ứa gan".

Tôi hoàn toàn nhận ra được là tiếng em nào, nhưng khi hỏi thì thì em nghênh mặt lên: "Cô đuổi em đi. Em đi học là tại ba mẹ bắt em đi chứ em không muốn học". Lời nói ấy thật sự đã làm tổn thương tôi. Nếu đưa ra Hội đồng kỷ luật nhà trường thì em đó có thể bị buộc thôi học. Nhưng tôi đã cố gắng kiềm chế. Sau này, trong một buổi sinh hoạt lớp, tôi giải thích cho lớp nghe nghĩa của từ "đạo đức giả" theo từ điển, và chỉ rõ cho cả lớp thấy bản thân chưa làm gì thuộc phạm trù nghĩa của từ đó, nên tôi không hổ thẹn.

Bài toán phức tạp của ngành giáo dục hiện nay không chỉ đơn giản ở việc xử lý những cá nhân vi phạm, mà nó cần phải được giải quyết từ căn cốt. Bên cạnh những vấn đề về cơ chế chung, bệnh thành tích, chương trình học, những quy định về việc xử lý vi phạm, thì bác sĩ tâm lý dưới mái trường là một gợi ý mà tôi hy vọng có thể cải thiện tình hình. Chuyên viên tư vấn tâm lý là một vị trí phổ biến trong nhiều trường học ở nước ngoài, họ còn được gọi là những "người hướng nghiệp" hay "người huấn luyện". Bởi không chỉ cơ thể, tâm hồn cũng cần được chăm sóc, cũng cần được chữa lành... để nó không gián tiếp gây hại đến những tâm hồn khác.

Ý tưởng tổ chức những "Phòng tâm lý" trong trường học của ngành Giáo dục nhiều năm trước, vì lý do thiếu người, thiếu kinh phí... đến bây giờ vẫn chưa được khởi động.

Còn T., anh nói rằng bây giờ đã làm cha, anh cũng biết ngày xưa mình không đúng. Nhưng anh luôn tiếc, giá như thầy không tát anh giữa sân trường thì có lẽ những ngày thanh xuân và cả cuộc đời anh đã khác.

Sự thương yêu sẽ lại nuôi nấng thương yêu. Sự bất hạnh không được chuyển hóa sẽ lại tạo ra đau khổ. Chúng ta chấp nhận và bước đi trên một hệ thống cũ, hay sẽ can đảm đổi thay?

PHẠM MINH PHƯƠNG HẰNG
Nguồn: VNEX



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều