Chú chó Sully nằm cạnh linh cữu cố Tổng thống George
H.W Bush.
Nói vậy là để
con người lưu ý hơn đến đặc
điểm này mà có cách xử sự với loài chó sao cho tinh tế, phù hợp.
Tôi có anh bạn
hiện sống, làm việc tại Sài Gòn. Biết tôi thuộc “hội yêu chó”, anh đã kể
tôi nghe một câu chuyện mà theo anh nhận xét là “rất đáng phẫn nộ” sau đây:
Hôm ấy, buồn tình, bạn anh - một ông cán bộ vừa chớm tuổi
hưu đem mồi ra nhậu. Gần đó là con
chó bị xích. Vừa nhậu, ông vừa vứt toẹt các mẩu xương xuống chân bàn. Điều lạ
là, xương vứt xuống, ông gọi bầy chó thả rông trong khu dân cư tới thỏa thuê gặm,
nhá, còn con chó của nhà thì ông vẫn xích. Oái oăm hơn, ông vứt những miếng
xương ở tầm mà con chó bị xích dù cố dướn đến mấy cũng không sao với tới, trong khi những con chó bên ngoài thì
cứ thoải mái rau ráu, rôm rốp.
Hình như ông
đang đùa.
Hoặc giả ông
muốn trừng phạt con chó. Chẳng là, con chó rất quấn chủ cũ - tức bà vợ đã
ly hôn của ông. Dù hai người chia
tay đã lâu, vậy nhưng ở với
ông, nhiều lúc nó cứ nức lên, rền rĩ, khiến ông hậm hực!
Ở đây, người đàn ông đã phạm sai lầm. Như phần đầu bài đã nói, chuyện miếng ăn đối
với loài chó là chuyện “nhạy cảm”. Việc con chó phải gồng mình vít dây xích để
dướn tới miếng xương - trong khi các con khác mặc sức “đánh chén” no nê - đó quả
là một sự… “tra tấn” đối với nó. Không, ở đây tôi không muốn dùng hai chữ “xúc
phạm”, bởi có thể ai đó sẽ cho rằng nói vậy là quá… cao xa. Điều tôi muốn cảnh
báo là, với con chó trong trường hợp
cụ thể này, đó quả thực là một sự “tra tấn”.
Con chó hết
ngước cặp mắt u ẩn nhìn chủ lại nhìn sang miếng xương, rồi nhìn những con chó khác đang thỏa
sức xử lý đống “chiến lợi phẩm” được tới tấp quăng ra từ bàn tay ông chủ của
nó. Không chỉ những gì đập vào mắt, với con chó, cả mùi vị lẫn tiếng nhai rổn rảng
của đồng loại đều thực sự là…“hấp lực” đủ khiến cái cơ thể còm cõi của nó phải
rung lên.
Nước miếng của
nó liên tục tứa ra.
Người đàn ông
vẫn không để ý. Nói đúng hơn là ông… bất chấp. Lại một mẩu xương nữa được vứt xuống. Lần này mẩu xương
gần tầm với của con chó. Mặc sợi xích thít đến lằn cổ, con chó cố nhoài mình…
vươn tới. Khi bàn chân trước của con
chó sắp quều được miếng xương thì cũng là lúc người đàn ông “phát hiện” ra sự việc. Rất phũ phàng,
ông ta lấy chân gạt phắt miếng xương qua chỗ một con chó khác.
Bốp - Con chó
tớp một nhát trúng vào bắp chân người đàn ông.
Có thể nó
không còn “kìm” được sự phẫn uất.
Cũng có thể chỉ là do nó… đớp hụt miếng xương.
“Ái dà, khốn nạn con này!” - Người đàn ông rít lên, răng nghiến trèo trẹo. Đoạn,
ông đứng dậy, lò cò đi vào nhà trong. Không, không phải ông vội đi tìm
bông băng để rịt vết thương. Vật ông cần tìm là thanh sắt ngáng cửa. Và ông đã
tìm thấy. Dồn tất cả sinh lực của một thằng người có cơ thể hộ pháp, lại vừa qua bữa nhậu đẫy bụng, ông ta vụt liên tiếp
thanh sắt vào đầu con chó. Con chó tội nghiệp trong tư thế bị xích quả không phải
là “đối thủ” của ông. Chỉ sau hai nhát đập, con chó nằm sõng sượt, ngực không nhịp thở.
Chó là loài vật trung thành với
con người.
Trong ảnh: Một chú chó nằm trên mộ chủ đã mất.
Chưa hả giận,
ngay sau khi đập chết tươi con chó, người đàn ông bốc máy gọi bạn. Ông muốn gọi
họ tới nhà cùng ông xẻ thịt chính con chó ông vừa đập chết để… nhậu. Trả lời
câu hỏi “Nhậu chi nhậu dữ vậy”, người đàn ông mặt bóng mỡ, tay gãi bụng
sồn sột nhếch mép cười gằn. Dường
như lúc này, với ông, mồi nhậu phải là chính con chó vừa “hỗn hào” tớp chân ông
kia mới đủ làm ông… hạ hỏa!
Mắt ông vằn đỏ.
Ông “hận” con chó nuôi của mình mà không hề để ý, trên nền gạch cóc cáy,
con chó bất hạnh nằm thẳng cẳng, phơi
cái bụng lép kẹp “chờ đón” các bạn nhậu của ông. Trên hai khóe mép nó là dòng
nước dãi chưa kịp khô, và trên khuôn mặt giúm lại vì
quá đớn đau là cặp mắt đục lờ, như không muốn sao in bất kỳ hình ảnh nào từ bộ
mặt phì nộn, nhẫn tâm của người đàn
ông một thời nó cúc cung phục vụ.
Câu chuyện bấc
giác làm tôi nhớ tới truyện ngắn “Con chó mực có vòng lông trắng” của
nhà văn Phạm Lưu Vũ. Truyện kể về một con chó không biết vì lý do gì có mối “tư thù” với một vị thẩm phán, đến độ khi nó
bị bắt trộm và bị làm thịt rồi mà vẫn đủ sức “báo oán”, khiến vị thẩm phán “bị
hóc nguyên cả hàm răng chó, không cấp cứu kịp nên đã chết”.
Cả hai câu chuyện đều có điểm giống nhau là “người thật việc thật”. Tuy nhiên, khác với
việc báo oán mang màu sắc tâm linh trong truyện ngắn của nhà văn Phạm Lưu Vũ,
người đàn ông trong câu chuyện tôi vừa kể hiện vẫn sống… nhăn. Và dẫu khi bị
chó cắn, ông hung bạo thịt ngay con chó (thay vì theo dõi bệnh tình của
nó như nhiều trường hợp được khuyến
cáo), cũng như quên luôn việc đi tiêm phòng, song may mắn là sau đó ông
không hề hấn gì.
Có điều, dù không bị lây truyền vi rút bệnh dại, song sau
vụ việc quá “thất nhân tâm” nói trên, rất nhiều người, trong đó có cả những bạn thân của ông đã
kêu gọi tẩy chay, không quan hệ với ông. Tất cả đều cho rằng, việc ông đối xử với
vật nuôi như vậy là quá hèn hạ, quá độc ác!
PHẠM KHẢI
Nguồn: VNCA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét