Họa sỹ Lê Thiết Cương
“Những buổi ngày xưa vọng nói về”
Lên báo, thường
ngôi nhà án ngữ “vị trí vàng” ấy hay được gọi là “ngôi nhà triệu đô”. Nhưng tôi
lại thích gọi nó là “ngôi nhà triệu view” hơn, vì nó có rất nhiều điểm
nhìn đáng giá. Chỉ cách thế giới bên ngoài có một vuông kính lớn, được trổ rộng,
ăn gần hết mặt tiền, đủ để trông thấy những cái “động” vui tươi rộn rã bên
ngoài: Tây ba lô, những người bán
hàng rong trước cửa Nhà thờ Lớn... nhưng ngay sau ô cửa nhỏ và tấm kính lớn, lại
là một không gian “tĩnh” gần như tuyệt đối. Ở đó, chủ nhân bày một cách nâng
niu tranh, gốm sứ (“của nhà trồng được”), cùng những món đồ gỗ được người thợ
xưa chạm khắc cầu kỳ, tinh tế, có bề dày niên đại đáng tự hào và đương
nhiên, đáng giá. Nhưng không ai có thể hỏi
mua. Cũng không một hạt bụi nào được bám lên chúng.
Cương chơi cả
đồ cổ Trung Hoa và Pháp, nhưng để nói là thích hơn cả và nhiều hơn cả là đồ gỗ
và đồ gốm Việt - “yêu nước một cách tự nhiên” - như Cương nói. Thích cái cách
các cụ nhà ta “đóng mà mở”, “mở mà đóng” khi dám phá vỡ cả chuẩn mực (đồ gỗ đời
Minh của Trung Quốc và Louis XIV ở Pháp được đánh giá là một chuẩn mực về mỹ
thuật), để cho Đông Tây kết hợp một cách nhuần nhuyễn và “tinh quái” nhất có thể.
Một mẫu trường kỷ hay đoản kỷ được người Pháp đặt đóng theo mẫu nguyên bản, vào
tay người thợ Việt thì kiểu gì cũng được thay thế một chi tiết rất nhỏ
nào đó bằng một hoa văn, đường nét đậm nét Đông phương (chữ Thọ cách điệu, hay
con tiện...) - không quá đập mắt nhưng vẫn rất dễ để nhận biết. Hay tay vịn của
cái đoản kỷ, trong nguyên bản thì là một miếng da, nhưng sang đến Việt Nam, lại được thay bằng gỗ - bớt
sang chảnh hơn nhưng lại thân thiện, ấm áp hơn nhiều, cũng là phù hợp với khí hậu
bản địa hơn.
Lại có cái tủ
để gánh, được người thợ Việt xưa ý nhị trổ cánh ở phía sau để tôn trọng
tính chỉnh thể ở mặt tiền. Chưa hết, để ý kỹ sẽ thấy hai cái núm đồng bé tý như
hai cái cúc áo đính trên mặt gỗ. Nghĩ mãi mới thông, hóa ra là người thợ ta xưa đề phòng chiếc quai đồng kia
có thể làm xước mặt gỗ khi ngả xuống.
Tinh tế và kỹ lưỡng đến thế là cùng! “Hài hòa về bố cục, tinh tế về tỷ lệ,
đơn giản mà cầu kỳ, tính toán từng ly từng tý nhưng vẫn toát lên một vẻ đẹp hồn nhiên mộc mạc...” - Cương nói anh muốn học
được điều đó từ vốn cổ.
Sống chậm, nhưng không “cớm nắng”
Ngôi nhà, đồng
thời là một gallery có tiếng của đất Hà thành, nhưng từ tầng 2 trở lên đã được tính là khoảng
riêng, để không một ống kính nào được lột tả chúng. Hồi lâu lâu, tôi từng bắt gặp
trong khoảng không gian đó một bóng hồng đặc biệt nhan sắc. Đến nỗi, trong lần
gặp đầu, khi mới từ ngoài sáng bước
vào, tôi đã bị ảo giác, đó là tranh, hơn là người thực. Nhưng ngay cả ảo giác đó cũng là thực, vì sau đây
nó đã tan biến. Đó cũng là khoảng thời gian Cương đánh bạn với những sở đoản khác ngoài vẽ: Chụp ảnh, viết (thơ, thậm
chí truyện ngắn)... - như một cách đi qua, và sống khác. Ngôi nhà đẹp thường chứa
một nhan sắc. Nhưng đôi khi nó cũng giống như một bức tranh được bỏ vào, hay
tháo khỏi khung vậy - biết thế! Cương tài hoa và đào hoa, nếu muốn. Nhưng tôi
đoán anh là người không dễ yêu. Anh vừa là người lụy cũ, vừa là người rất mới.
Nhìn nhà anh thì biết.
Xem tranh Cương
vẽ, người không am tường hội họa sẽ vừa mừng vừa... hoảng. Mừng vì hội họa,
hóa ra không khó xem như họ tưởng.
Nhưng lại cũng hoảng vì không hiểu sao nó lại có thể đơn giản thế, “ý
văn học” sâu xa sau đó là gì... Cả gốm sứ, Cương cũng chỉ chơi đúng hai màu: Lam - trắng. Tiết chế hết sức cả về bố cục
lẫn màu sắc. Cương thích tối giản, dù biết rõ cái giá của nó là sự tinh
tế. “Màu sắc chưa phải là hội họa. Bố
cục cũng chưa phải, hình ảnh - cũng chưa... Hội họa, hay design, xét cho cùng, đấy là tỉ lệ. Tinh tế hay không là
ở trong tỉ lệ, hơn là hoa văn. Hoa văn là tay nghề, thiên về nghệ nhân, mỹ nghệ...
Còn tỉ lệ là gần với nghệ thuật hơn, nó là nghệ sỹ...”, Cương quan niệm.
Lê Thiết Cương
là cái tên được mẹ anh đặt cho, trong một kỷ niệm liên quan đến... Khu gang
thép Thái Nguyên. Cương lụy đồ gỗ, đồ gốm, nhưng cũng từng chơi cả đồ sắt, thậm
chí từng có nguyên một xưởng làm đồ sắt. Nhưng về cơ bản, anh chọn sống mềm mại,
gần với những gì thô ráp (nhưng
đã được xử lý một cách tinh tế để không quá làm mờ nguyên bản). Anh thuộc
tuýp sống chậm, từng đi ô tô, sau chuyển qua xe máy, rồi xe đạp, và giờ phần
nhiều là đi bộ. “Được sống trong một khu phố cổ mà không biết đường sống chậm,
không bắt được cái nhịp chung của nó thì phí ra”, anh nói. Di chuyển trong ngôi
nhà đặc biệt của anh hẳn cũng là một “nghệ thuật”, khi có quá nhiều thứ tinh tế
và cần gượng nhẹ vây quanh.
Điểm thở thị
giác đáng kể trong ngôi nhà ấy là khoảng sân rộng 14m2 (có thể gọi là giếng trời),
ở một nơi “tấc đất, tấc vàng” mà lẽ thường ra, chủ nhân căn nhà mặt phố sẽ tận
dụng từng milimet (âu cũng là một cách chơi sang của chủ nhân). Khi tôi hỏi anh
về những cái cây ít nhiều bị cớm nắng trong cái giếng trời ấy, như người ta vẫn
giễu, “con trai phố cổ” thường bị “cớm nắng”, phần nào đó hơi “ngơ ngác” hơn
khi vào đời, thì Cương bảo
anh không cho phép mình được “cớm nắng”. Đàn ông, theo anh, cần phải biết
sửa từ cái bóng điện đến việc kiếm tiền. “Cớm nắng” thì làm sao kiếm được tiền?
Hai tháng nay, Cương đóng cửa ngồi vẽ, điện thoại chỉ
nghe sau bốn giờ chiều. Thường, anh hay vẽ cả một series theo một chủ đề nào
đó. Đầu tháng 5 tới, anh sẽ cùng người
bạn nghề thân thiết của mình là nhà điêu khắc Đinh Công Đạt tổ chức triển
lãm “Duo Design” tại Press Club (Hà Nội). Ở đó, sẽ có tranh của Cương hay điêu
khắc của Đạt mà sẽ là những tác phẩm design được hai nghệ sỹ thiết kế cho không
gian nội thất. Lần này, tay họa sỹ có vẻ mặt rất lạnh này quyết chơi mấy gam màu nóng, đối nhau chan chát
cho những mẫu ghế và mẫu bình của anh. Những chiếc ghế nóng bỏng, nhưng mặt ghế lại là một tấm kính lạnh. Nó
không phải là một chỗ ngồi. Nó là chỗ đứng. Của một người nghệ sỹ, có tiếng
nói.
NGUYÊN LÊ
Nguồn: ĐBND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét