Nhà thơ Lê Tú Lệ
“Mờ khơi dong vút cánh buồm” nghe dường như rất
bãng lãng, nhưng là ngọn lửa đã thắt cùng trái tim người đọc, từ nỗi niềm thắt
thỏm nhớ thương hình bóng cũ của chính mình ở nơi đất ở, nơi mà tuổi thơ nhà
thơ đã đi qua trong chiến tranh. Một Hà Nội vừa lãng mạn vừa bi hùng gói gọn
trong ký ức cô bé 16 tuổi ngày xưa. Nay trở về, nhìn lại chốn cũ, nỗi nhớ nôn
nao đã bật lên như tiếng thầm thì riêng với chính mình:
… Ừ thì về quá vãng ngoại ô
Lượm tiếng bom rung giấu vào hơi thở
Đàn sấu rụng vỡ mấy tầng thương nhớ
Gói mưa phùn dành ướt lúc thôi xuân…
(Nhớ
Thăng Long)
Hà Nội là nơi đất ở, đã gói gọn tuổi thơ nhà thơ, gói cả
tất cả những khúc ca bi tráng và cả một trời mơ mộng của những quả sấu, của
những hạt mưa bụi li ti mà trời Nam không có. Dẫu là những dòng rất lãng mạn về
một tình yêu đã xa, về một bóng hình đã nhòa trong tim, nhưng vẫn có cái gì ray
rứt đến nao lòng.
Kiếp tằm
phải
trả nợ dâu
Tơ tằm
buộc
lấy ngàn sau chữ tình
Khỏa rong rêu
Giữa
chúng mình
Lại trong ngân ngấn
Mắt
nhìn nhau xưa…
(Tơ tằm)
Bài thơ là một chữ buồn, nhưng nhẹ lắm, thinh không lắm.
Một chút thương yêu, một chút vấn vương, nhưng nhẹ như mây, cái buồn
rười rượi ấy làm ta nhớ mấy chữ “con mắt còn có đuôi” của cụ Phan Khôi. Nhưng
tình yêu ấy cũng có lúc dâng trào như lửa, quay quắt đớn đau:
Bỏng rát gan bàn chân
Em tự cháy trong anh lanh canh lửa cát
Biển ăm ắp mà cả đời ta khát
Một phiến buồn thầm lặng xa xanh…
(Cát)
Tình yêu trong thơ Lê Tú Lệ chẳng bao giờ là trực diện,
mà là cái nhìn xa xăm vọng vào ký ức. Viết về Cát, về Tơ Tằm, về hơi xuân mà thấy
cả một tình yêu dạt dào của ký ức được gói gọn trong trái tim thơ…
Nhưng đó chỉ là vài sợi tơ vương nhẹ trong tâm hồn, một
phút lãng mạn xao lòng, cũng giống như nỗi bồi hồi nhớ tiếc một dòng kinh, một
bến nước… Nhìn cảnh vật bây giờ nhớ chuyện ngày xưa như một cái nhìn sâu vào
quá khứ của một thời mở cõi đất Phương Nam.
… Hàng Bàng - Hàng Bàng
Dòng kênh ấy bây giờ không còn nữa
Nước vô vọng tìm dòng
Nước long đong trên phố…
(Khóc
một dòng kênh)
Đó cũng giống như vài hạt sương rơi nhẹ, khép nép khẽ
khàng bên nguồn mạch chủ đạo của những trang thơ lửa cháy. Những Thác Bản
Giốc, Khoảnh khắc Thương Giang, Khúc Chi Lăng tráng ca, Hòn đảo hình mũi giáo,
Lục bát đảo đá, Lính đảo, Lời cha, Những bà mẹ Gạc Ma, Gửi sóng… chính
là những khúc tráng ca cất lên như những bài hịch ra trận. Đọc những câu thơ đầy
lửa ấy, ai không cảm thấy sôi chảy tình yêu đất nước mình. Một đất nước ngàn
năm đau thương mà vẫn ngẩng cao đầu.
Này bẫy đá ầm ầm rung chuyển
Này muôn cây lẫy nỏ rùng rung
Tiếng quân reo ngựa hí vỡ cả trời
Xác giặc chất chồng lớp lớp
Liễu Thăng cụt đầu hóa đá vẫn còn run
(Khúc Chi Lăng tráng ca)
Chuyện của ngàn năm xưa tới bây giờ vẫn còn nguyên ý
nghĩa. Vẫn nỗi đau không dứt, vẫn tiếp tục tái hiện như một nỗi ám ảnh không
nguôi trong lòng người dân Việt.
Có phải ý trời mà Trường Sa Lớn mang hình mũi giáo
Mũi giáo Cha Lạc Long Quân cưỡi sóng dữ khuất phục thuồng
luồng, cá kình, cá mập...
(Hòn
đảo hình mũi giáo)
Và tiếp đó là nỗi đau, nỗi đau của máu hòa trộn với dòng
sông dựng nên tượng đài bi hùng của một dân tộc không lúc nào không thắt thỏm
bóng quân thù…
Khoảnh khắc Thương Giang
Ngàn năm đồng hiện
Lớp lớp hồn người tay chài tay kiếm
Sóng người ôm sóng nước
Nước bẩn bao lần
rửa
bằng máu giặc
lại xanh nguyên.
(Khoảnh khắc Thương Giang)
Tình yêu quê hương đất nước như sôi lên cùng sông, cùng
núi, cùng biển trời… Tất cả như cùng thở trong cùng hơi thở của nhà thơ. Thác
Bản Giốcnhư “Xói vào lòng đá một nhát chém” và rơi vào trái tim
đau, nỗi đau bi tráng:
Ba mươi bốn năm trôi qua.
Anh linh liệt sĩ
Vẫn thức canh trời
Nghe thác đổ…
(Thác Bản Giốc)
Ngọn lửa vẫn tiếp tục cháy trong từng câu chữ, dù đọc lên
thấy đau như xát muối. Nỗi đau sau chiến tranh vẫn như là một vết cắt không bao
giờ lành. Anh linh hàng triệu liệt sĩ vẫn còn đó. Trong từng ngọn cỏ, từng nắm
đất, từng con sông, từng ngọn sóng biển Đông… Họ đang ở đâu, những con người
còn rất trẻ đã sống và chết vì đất nước này? Nỗi thao thức về một người cô còn
rất trẻ đã hy sinh trong chiến tranh, về những người lính trẻ hóa
thành nhành hoa trắng trên dòng sông Thạch Hãn, về nỗi đau của người mẹ Gạc Ma
cùng những anh linh trôi dạt ở biển Đông 24 năm xưa… Tất cả bện lại thành một
dòng nước mắt tuôn chảy, dòng nước mắt cả dân tộc khóc cho nỗi đau trên chính
cơ thể mình.
Con thay mẹ ra thăm anh
Thay mẹ gửi hoa cho sóng
Thay mẹ xoa mềm đá khóc
Chẳng thể nào cất đỡ mẹ gánh đau…
Những bà mẹ Gạc Ma vẫn chong đèn đợi cửa
Đêm dày thêm mỗi ngày
Nhớ đầy thêm mỗi khắc
Gió thốc vào nhà lại trở ngược ra khơi
Biển giấu các con mẹ ở đâu, ở đâu
Để người bạc đầu thay sóng
(Những bà mẹ Gạc Ma)
Đọc Lê Tú Lệ như nhìn thấy cả trái tim tha thiết, nồng
nàn trong từng câu từng chữ. Con chữ như nhập vào anh linh người đã khuất, cất
lời của gió, của sông…
… Con không thấy mặt cha
Nhưng cha đang nhìn con rất rõ
Cha nhìn con bằng rưng rưng mắt gió
Bằng ngân ngấn lung linh đốm nước
Nhìn con qua hơi thở dài hun hút bốn mươi năm
Qua khát vọng lưới chài người ngư dân lụi cụi
Tôm cá sông Thạch Hãn này cùng tắm máu lớn lên…
(Lời cha)
Những câu chữ như xoáy vào trái tim người đọc, bắt người
ta phải sống cùng, thở cùng nỗi niềm mà chị đang trang trải. Đó là sức hút của
lửa, lửa trong tim chị cháy bỏng và chị bắt mọi người phải tan chảy cùng chị…
Nhưng cũng có lúc ngọn lửa ấy chỉ còn hơi ấm nồng nàn dịu
nhẹ khi tiễn biệt một con người vĩ đại của dân tộc.
Chiều nay
Cây khế tiễn người lặng lẽ chít khăn tang
Tổ quốc tiễn người bằng niềm kiêu hãnh
Chúng con tiễn người bằng quân lệnh trong tim!
(Hành trình mới của Đại tướng)
Đọc thơ chị để thấy cả tâm hồn chị. Một tâm hồn có lửa…
NGÔ NGỌC NGŨ LONG
Theo NVTPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét