Câu chuyện vừa qua, 100 người Việt trẻ tiêu biểu hoạt động
trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài trở về nước cùng tham dự Chương trình kết nối mạng
lưới đổi mới sáng tạo với sự hiện diện
và đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các
lãnh đạo bộ, ngành đã cho thấy Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến
khoa học công nghệ, nguồn nhân lực thời kỳ 4.0 và thực lòng mong muốn quy tụ hiền
tài về đóng góp cho đất nước.
Nhắc tới tên tuổi nhiều nhà khoa học tận hiến cả cuộc đời
cho đất nước, được Tổ quốc ghi công và lịch sử ghi danh như giáo sư Trần Đại Nghĩa, nhà bác học Lương Định Của,
bác sĩ Đặng Văn Ngữ…, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, lịch sử cho thấy, đất
nước chỉ hưng thịnh khi khơi dậy được lòng yêu nước, quy tụ được người tài, đức dốc lòng vì
nước, dám xả thân vì nghĩa lớn.
Đất nước không có người hiền tài thì không thể hưng thịnh...
Trong bài viết
này, tôi muốn bàn sâu đến một khía cạnh. Nước ta còn nghèo và khó khăn về
nhiều mặt. Nói “trải thảm” để mời giới trí thức giỏi, tâm huyết về giúp đất nước,
là điều chúng ta sẽ cố gắng làm, nhưng
chắc chắn không dễ bởi cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Lương trả dù thế nào cũng không thể đủ cao
tương xứng đóng góp của họ. Rồi thì cơ sở vật chất kèm theo, như nhà ở, phương tiện đi lại cũng như máy móc, môi
trường nghiên cứu cũng có nhiều vấn đề,...
Vì thế,
điều quan trọng nhất trước tiên chính là cần phải khơi dậy nơi họ lòng yêu đất nước, yêu dân tộc,
không muốn Việt Nam bị thế giới xem thường và thể hiện rõ thiện ý đón các trí thức trở về cống hiến cho
quê hương. Người Việt ta, dù ở
phương trời nào, cũng đều canh cánh trong lòng nỗi trăn trở làm sao để đất
nước phát triển, mở mày mở mặt với bên ngoài. Làm sao để có các sản phẩm, các
công ty tầm cỡ thế giới “made in VietNam”, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ.
Thời nào cũng vậy, cho dù là thời 4.0 đi chăng nữa. Và lịch sử có thể cho chúng
ta rất nhiều bài học hữu ích về quy tụ nhân tài.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc vĩ đại và vô cùng
thành công trong việc “chiêu hiền đãi sĩ”. Chỉ một lời kêu gọi đúng lúc, đúng
chỗ, đúng người cần vận động, Người có thể làm được những điều mà không ai có
thể làm được.
Như trường hợp kỹ sư Trần Đại Nghĩa trong cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp đã trở về nước cống
hiến từ năm 1946, sau lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp. Ông đã từ bỏ
giàu sang phú quý bên nước người dù
có rất nhiều bằng đại học, để về nước, dấn thân cùng dân tộc trong cuộc trường
chinh đầy gian khổ. Con người huyền thoại ấy có thể xem như một điển hình
của việc Đảng và Chính phủ ta quy tụ hiền tài.
Năm 1935, một số trí thức và nhà giáo tiến bộ đương thời ở
Nam bộ đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho cậu học sinh đậu tú tài vốn thông minh hơn người Phạm Quang Lễ (tên khai sinh của
Trần Đại Nghĩa) sang Pháp du học. Và suốt 11 năm ở Pháp (1935 – 1946), ông đã
tốt nghiệp nhiều trường Đại học quốc
gia: Cầu – Đường, Điện, Mỏ, Bách khoa, Học viện kỹ thuật Hàng không và nhiều chứng
chỉ khoa học cơ bản của Đại học Tổng hợp Sorbonne. Ông cũng đã bí mật học
thêm nghề chế tạo vũ khí.
Tháng 5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris dự Hội nghị
Fontainebleau, ông đã được gặp Bác. Ít ngày sau đó, ông cùng một số trí thức
yêu nước tình nguyện theo Bác
về Việt Nam với hơn một tấn tài liệu
quý thuộc lĩnh vực chế tạo vũ khí. Ông trở thành người khai sinh ra ngành công nghiệp quốc phòng
Việt Nam từ hai bàn tay trắng, góp phần đánh thắng thực dân Pháp. Ông trở thành
giáo sư, viện sĩ, Chủ nhiệm Uỷ ban
Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Anh hùng Lao động
và được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về nghiên cứu và chế tạo vũ khí.
Khi kháng chiến
chống Pháp, chúng ta tiếp tục được đón các trí thức lớn khác trở về từ Pháp,
như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Trần Hữu Tước, ông Nguỵ Nhu Kon Tum, như tiến
sĩ Triết học lỗi lạc Trần Đức Thảo, như giảng viên Hoàng Xuân Nhị, như anh em
ruột, kĩ sư Võ Đình Quỳnh và kĩ sư Võ Đình Bông..., ở Nhật về nước thì như bác sĩ Đặng
Văn Ngữ...
Rồi thì
một lớp trí thức khác nữa được đào tạo căn cơ ở nước ngoài rồi về nước làm việc, đời sống tuy khá giả nhưng
cũng đã từ bỏ tất cả, chỉ bởi có cảm tình với cách mạng mà chấp nhận rời
Thủ đô tham gia đồng hành cùng cuộc kháng chiến cứu quốc, như kỹ sư Tạ Quang Bửu, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ...
Rất nhiều nhà
khoa học trong số này đều trở thành các giáo sư, tiến sĩ khoa học đầu ngành và
nhận giải thưởng cao quý, như
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước...
Suốt những chặng
đường khó khăn, gian khổ của dân tộc, đã có biết bao trí thức tài ba từ
bỏ cuộc sống sung túc, đủ đầy, hào quang hứa hẹn để trở về chung vai gánh vác
cùng đồng bào mình. Nếu không phải là lòng yêu nước luôn da diết, nồng nàn trong thăm thẳm mỗi người Việt, thì chắc
hẳn chẳng có động lực nào đủ mạnh.
Bối cảnh Việt Nam ngày nay đã khác, đã phát triển hơn trước rất nhiều. Nhưng chưa bao giờ
chúng ta có thể ngủ quên trong sự thỏa mãn với những gì đạt được. Giờ
đây “Cách mạng 4.0” đã trở thành khái niệm bắt gặp nơi nơi, là tương lai mà chúng ta không thể đứng
ngoài. Nhưng để nó trở thành hiện thực là cả con đường đầy thách thức.
Trên con đường
đó không thể thiếu sự chung tay của những trí thức trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực
khoa học công nghệ. Tất nhiên, thế hệ trẻ hôm nay cũng đã khác, với những
hệ giá trị, thế giới quan, những kỳ vọng cũng như những nhu cầu phong phú và khác cha ông rất nhiều. Bởi thế cách thu hút
và quyết tâm tháo bỏ những rào cản để mời họ trở về cũng sẽ phải khác đi. Nhưng
tất cả vẫn phải bắt đầu từ một tấm lòng khát khao dựng xây đất nước hùng
cường – từ cả hai phía, người mời và
người được mời.
QUỐC PHONG/ TVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét