Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

Đối thoại và độc thoại

“Tôi mua thịt mua cá mời các anh về nhà ăn cơm xem các anh có ăn được không” - một người dân Quảng Ngãi nói với lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường.

Lãnh đạo sở tất nhiên không về. “Lời mời” của người dân nọ, chỉ là một lời cảm thán uất ức về tình trạng ô nhiễm môi trường. Mâm cơm của họ trong một thời gian dài bị bu đầy ruồi nhặng từ bãi rác tấn công vào nhà.

Năm ngoái, tỉnh Quảng Ngãi cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy xử lý rác ở huyện Tư Nghĩa bằng công nghệ đốt. Nhưng nhà máy chưa hoàn thành, tỉnh đã giao việc xử lý rác cho nhà đầu tư. Bốn tháng qua, rác thải không được xử lý gây ô nhiễm môi trường sống của người dân gần đó. Mâu thuẫn đỉnh điểm khi dân chặn không cho xe thu gom rác vào nhà máy, khiến hàng nghìn tấn rác ùn ứ trong thành phố.

Khắp nơi, các điểm tập kết rác phình lên thành đống, người dân thành phố có một trải nghiệm chưa từng có, sống chung với mùi hôi thối và ruồi nhặng suốt một tuần. Đó là lúc một cuộc đối thoại diễn ra.

Từ sáng sớm, hàng chục người đứng trước nhà máy để chờ đợi, nhưng phía chính quyền chỉ cử một phó giám đốc sở đến.

Những người dân trong bộ quần áo lao động cũ kỹ, gương mặt căng thẳng, dồn nén, những giọng nói bức xúc thay phiên, liên tiếp đổ dồn những câu hỏi cùng nội dung về phía lãnh đạo sở Tài nguyên - Môi trường và doanh nghiệp.

Người dân chất vấn tại sao không được tham vấn ý kiến khi xây dựng nhà máy và khoảng cách đến khu dân cư. Một số người yêu cầu được dời chỗ ở. Cứ mỗi khi có một người đứng lên phát biểu rành rọt, lột tả được nỗi khổ chung, những người khác đồng loạt vỗ tay, như một sự động viên. Như thể, mỗi người phát biểu đều trở thành "đại biểu" của chính mình và bà con hàng xóm.

Vài lời giải thích của phía chính quyền rằng dự án “được Bộ Tài Nguyên Môi trường cấp phép” không xoa dịu được căng thẳng. Đại diện doanh nghiệp đứng lên xin lỗi mà mong bà con chia sẻ. Một phụ nữ bật lại: "Chúng tôi chia sẻ với các ông thì ai chia sẻ bệnh tật với chúng tôi". Đối thoại bất thành, dân bỏ về tiếp tục chặn xe rác.

Làm phóng viên, tôi đã theo dõi nhiều đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền và người dân. Và những gì được mô tả ở bên trên, thoạt nghe có vẻ cực đoan, nhưng thực chất lại là không khí phổ biến của những cuộc “đối thoại”.

Từ điển tiếng Việt định nghĩa, đối thoại là cuộc nói chuyện giữa hai hay nhiều người với nhau để bàn bạc, trao đổi ý kiến. Trong quan hệ hành chính, đối thoại giữa nhà nước và công dân là hoạt động thiết yếu để người dân có thể nêu lên những mong muốn, bất cập, từ đó nhà chức trách có điều chỉnh phù hợp trong quản lý, điều hành.

Nhưng rất ít khi có đối thoại đúng nghĩa. Những đối thoại mang màu sắc của cuộc khẩu chiến, nơi người dân phía dưới xả cơn bực dọc, bức xúc bằng cơn mưa ngôn từ gai nhọn. Phía trên, nhà chức trách thận trọng điều phối, tìm cách xả van căng thẳng, lắng nghe và đôi khi nghiêm túc kính cẩn ghi chép. Rất hiếm khi đôi bên hài lòng với kết quả của đối thoại.

Khi đối thoại để tìm giải pháp cho một vấn đề đang nóng, tất nhiên không thể đòi hỏi một không khí dịu dàng và thư thái. Phải thừa nhận rằng, lãnh đạo chọn đối thoại với dân là điều đáng ghi nhận, hơn là dùng những biện pháp cưỡng chế, hay im lặng để chờ qua cơn bão.

Nhiều năm trước, tôi xem hình ảnh một lãnh đạo xuống đối thoại với dân là hình ảnh của sự sâu sát, gần gũi và dũng cảm đem uy tín ra đánh cược. Nhưng khi những cuộc đối thoại như trên trở thành hình ảnh phổ biến trong quan hệ giữa chính quyền và người dân, thì đó là điều bất thường.

Dễ thấy rằng hầu hết những cuộc đối thoại căng thẳng như vậy đều diễn ra sau một thời gian dài bức xúc của người dân không được lắng nghe, giải quyết, hoặc họ mất lòng tin với nhà chức trách. Có những đối thoại diễn ra sau hàng chục lá đơn cầu cứu. Có những bức xúc người dân đã phải chịu hàng chục năm, để chờ được lắng nghe. Như những người dân Thủ Thiêm với cuộc sống bấp bênh sau một đại dự án, đã bật khóc, la hét khi tiếp xúc với đại biểu quốc hội và đối thoại với bí thư Nguyễn Thiện Nhân.

Để đến tình cảnh ấy, hình như người dân đã "độc thoại" rất lâu với những trăn trở, bất cập. Và cán bộ cũng "độc thoại" rất lâu, với những quyết sách bỏ qua tâm ý của những người mà họ phục vụ.

Nửa tháng sau cuộc đối thoại ở đầu bài viết này, người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ tiếp tục chặn xe chở rác vào nhà máy xử lý rác Sa Huỳnh. Một cuộc đối thoại khác diễn ra. Vẫn những gương mặt căng thẳng, những giọng nói bực tức, liên tục chất vấn. Bất luận đúng sai, những giải thích của lãnh đạo huyện và cơ quan chuyên môn không làm người dân thỏa mãn. Đối thoại bất thành, họ lại tiếp tục chặn xe chở rác.

Có thể mệnh đề này nghe khá mâu thuẫn, nhưng tôi nghĩ cán bộ nên làm hết sức từ đầu để tránh phải đối thoại với người dân.

Vì trong rất nhiều tình huống ở nước ta, “đối thoại” diễn ra khi mọi sự đã quá muộn, khi mâm cơm đã đầy ruồi nhặng, khi những giọt nước mắt đã chực trào ra. Và khi ấy, trước những cuộc đối thoại này, cánh phóng viên chỉ còn biết tường thuật bằng những từ ngữ đã thành motif: căng thẳng, bức xúc, bật lại, nghẹn ngào, ứa nước mắt,...

PHẠM LINH
Nguồn: VNEXPRESS



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều