Nhà thơ Phạm Quang Tiễn
Gần một năm sau tôi mới được gặp Phạm Quang Tiễn tại “Sân
thơ trẻ” trong Ngày Thơ Việt Nam Xuân Tân Mão tổ chức ở Bến Nhà Rồng.
Qua chuyện trò tôi mới biết Phạm Quang Tiễn là người làm xây dựng nhưng tính
ông lại nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ, chỉn chu như một nhà giáo. Ông đến với thơ đơn giản
chỉ là yêu nó. Âu cũng là duyên trời vậy.
Phạm Quang Tiễn trao cho tôi tập thơ “Cơn mưa
xanh” và nhờ tôi đọc “Xem có in được không?”- ông nói. Phạm
Quang Tiễn là vậy. Sẽ sàng, khiêm nhường hơn cả mức cần thiết. Là người đã từng
cho ra đời hai tập thơ: “Trở lại dòng xưa” do Nhà xuất bản Hội
Nhà văn ấn hành năm 2006 và “Tơ xanh Tơ vàng” in năm 2010 nên
tập thơ thứ ba này hẳn phải rất thú vị. Và tôi đã không lầm:
Ngày tôi trở lại dòng xưa
Ngày em lỡ chuyến đò trưa một mình
Sông quê mải miết vô tình
Phù sa lắng đọng dần thành nỗi đau
Nửa đời trôi chảy với nhau
Mượn câu thơ chở bể dâu kiếp người…
(Trở lại dòng xưa 2)
Thơ của Phạm Quang Tiễn hồn hậu, chân thành như chính con
người ông. Điểm nhấn trong thơ ông cũng giống như điểm nhấn trong công trình
xây dựng, tạo ra ấn tượng làm cho người ta phải nhớ:
Nhưng em vẫn trong anh
Hệt như ngày xưa ấy
Cái đuôi tóc vùng vẫy
Bơi trên vai ngày nào
Cái dáng đi thanh mảnh
Làm bao người nôn nao.
(Gửi bạn Hà Nội)
Tập thơ Cơn mưa xanh của Phạm Quang Tiễn
Sinh ra và lớn lớn ở vùng Duyên Hải Bắc Bộ nên chính dòng
sông quê tươi mát đã tưới xanh tâm hồn Phạm Quang Tiễn. Thơ ông không ào ạt, mạnh
mẽ như những lớp sóng mà sẽ sàng, rỉ rả giống như mưa xuân. Nó thấm vào lòng người
một cách tự nhiên bởi sự sâu lắng đến giản dị:
Trời xanh không có thực
Biển cũng có xanh đâu
Tạo hóa làm phông ảo
Cho người diễn với nhau!
(Dự cảm)
Tác giả “Cơn mưa xanh” đã phản ảnh một
cách chân thực sự xúc cảm đa chiều trong tâm hồn mình. Đọc thơ ông, người ta dễ
dàng nhận ra trong cái đẹp có cái đau và trong cái đau có cái đẹp. Chính sự
tương phản này làm cho thơ ông rất “riêng” khó có thể bị quên
lãng:
Mỗi tháng đủ ba mươi ngày
Vẫn viết nhật ký vẫn bày trò vui
Thơ tình vẫn cứ “Em ơi !”
Viết xong lòng mới bồi hồi: Gửi ai ?
(Trường Sa một thoáng)
Hoặc:
Tan
ca em ghé chợ
Tất tưởi mua mớ rau
Con cá chiều mắt đục
Con tôm chiều long đầu
Cuối tháng ví xẹp lép
Toàn những đồng tiền nhàu
Lượn qua rồi vòng lại
Trăng cài xanh mái đầu!
(Chợ chiều)
Nghề xây dựng đã đưa ông đến nhiều vùng đất. Những xúc cảm
cũng trải dài trên con đường của ông. Người đọc có thể chia sẻ với ông những
xúc cảm đó - Những xúc cảm tưởng là rời rạc nhưng lại phản ánh một cách thống
nhất cái nhìn thời cuộc và không mất đi chất thơ trong tâm hồn ông:
Đêm
nghe tiếng máy ủi
Gạt trăng vàng xuống thung
Có một người không ngủ
Nhìn lên trời…rưng rưng.
(Xưa rồi)
Đọc thơ Phạm Quang Tiễn người ta có thể nhận thấy tình
yêu chân thành nhất quán mà ông dành cho người ông yêu. “Em” là
một người cụ thể nào đó mà ông yêu thương, gửi gắm. Nhưng “Em” cũng
có thể chỉ là một ước vọng, một khát khao, một vẻ đẹp thuần khiết mang tính biểu
tượng mà ông suốt đời ngưỡng vọng, tìm kiếm:
Em
mãi là tứ thơ thứ nhất
Bài thơ tôi chưa viết bao giờ
Em mãi là bông hoa thứ nhất
Mà tôi chưa hái được trong mơ
Tôi sinh ra đã là người hành khất
Suốt đời gõ cửa trái tim em
Cả khi ngủ lòng còn thổn thức
Trong giấc mơ vẫn rạo rực đi tìm.
(Em và
tôi)
Tôi không muốn huyên thuyên, dài dòng về thơ Phạm Quang
Tiễn bởi không thể nói hết được những điều mà ông muốn gửi gắm, muốn chia sẻ với
người đọc. Người xưa từng nói: “Ý hết, lời dứt đã là hay. Nhưng lời dứt
mà ý chưa hết mới hay hơn.” Xin nhường lại cho bạn đọc thẩm định lời dạy
ấy trong thơ của Phạm Quang Tiễn.
VĂN LÊ
(Lời tựa tập thơ Cơn mưa xanh)
_____________________
Nhà thơ Phạm Quang Tiễn sinh năm 1958 ở xã Hải Thanh, huyện
Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Hiện đang công tác tại Công ty TNHH Xây dựng Phạm Quang
ở 89 - 91 Nguyễn Du, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Tác phẩm đã xuất
bản:
- Trở lại dòng xưa - thơ, NXB Hội Nhà
văn 2006
- Tơ xanh tơ vàng - thơ, NXB Thanh Niên
2010
- Cơn mưa xanh - thơ, NXB Hội Nhà văn
2011
- Đất Tổ - thơ, NXB Hội Nhà văn 2016
Quan niệm văn học:
“Sinh ra và lớn lên trong cái nôi đồng bằng Bắc Bộ. Thơ
Phạm Quang Tiễn không ào ạt, mạnh mẽ như những lớp sóng mà sẽ sàng, rỉ rả giống
như mưa xuân. Nó thấm vào lòng người một cách tự nhiên bởi sự sâu lắng đến giản
dị…”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét