Thơ Xuân Trường thuộc dòng truyền thống nhưng không chịu
yên vị mà luôn tự làm mới mình bằng những thủ pháp nghệ thuật tinh tế…
Xuân Trường có thơ đăng báo từ mấy chục năm trước, nhưng
anh sống thầm lặng ở cao nguyên nhiều năm, ít giao tiếp. Anh ở vùng nhiều bão
giông mưa lũ, nhiều biến động bất ngờ, thực tế này in dấu ấn rõ nét trong tập
thơ “Chiếc cằm nũng đôi”. Thơ anh nặng lòng với quê hương đất nước,
phong phú đề tài, đa dạng cách thể hiện, đặc biệt, tập này anh đầu tư nhiều để
làm giàu chất thơ cho mỗi bài thơ nên có nhiều câu thơ đẹp.
Nhà thơ Xuân Trường
Về thăm quê, anh viết:
Ta về quê cũ hôn lên gió
Đưa đón mây quê để tiễn mùa
Áo hương lãng đãng bên trời cũ
Ngọt ngào cay đắng đã thành xưa
(Quê cũ)
Những câu thơ rất xúc động do tình cảm chân thật đã đành
mà còn nhờ sự lao động nghệ thuật rất công phu, thơ anh chân thật nhưng không
quá thật thà mà có sự kết hợp giữa thực và ảo. “Áo hương lãng đãng” là hình ảnh
lung linh, giàu sáng tạo.
Sợi chiêm bao ta từng quen biết
Xiết chặt ngày xưa thành nỗi nhớ bây giờ
(Tôi lại về Quy Nhơn)
Tôi nhắm mắt viết chiều lên ký ức
Những câu thơ chưa hết chuyện ban đầu
(Bên này sông Bình Lợi)
Cách lập ý trong hai trường hợp trên tương đối lạ khiến
bài thơ mới mẻ hẳn lên. Giá trong tập thơ có nhiều hơn nữa những sáng tạo này
thì thật là giá trị.
Nắng đan vòm nớ quê nhà
Mây xanh chia nắng con phà làm đôi
Nụ cười nghiêng mát phía tôi
Ai quăng con sóng bồi hồi sang em.
Bốn câu thơ trên, câu nào cũng khiến ta gật gù tâm đắc.
Anh có những nhận xét tinh tế: “Mây xanh chia nắng con phà làm đôi”. Quả
thật Xuân Trường không dễ dãi, anh viết kỹ, lao động công phu nghiêm túc.
Ở một bài khác:
Lục bình hò hẹn sông trôi
Bà ba khoác nhớ lên thời chiến chinh.
(Em mặc áo bà ba)
Chữ “khoác nhớ” là một tìm tòi bất ngờ của riêng Xuân Trường.
Theo tôi, mỗi nhà thơ cần có những sáng tạo riêng để đóng “nhãn mác” của mình
vào tác phẩm, để không lẫn với ai được. Điều này cực khó, nhưng thiếu yếu tố
này thì công việc sáng tạo của nhà thơ gần như số không.
Hiện nay người viết thế này không nhiều, nên rất nhiều
tác phẩm dán nhãn thơ mà rất thiếu chất thơ, thật đáng tiếc.
Lại có bài thơ mang chất sử thi, chất chuyện, bài “Uống
rượu gặp người xưa”:
Dạ thưa say quá rượu Bàu Đá
Cố về lại lạc bước vào xưa
Người xưa đó là Công chúa Trần Huyền Trân, nhà thơ được
Công chúa nhắc nhở:
… Xưa đổi ngàn vàng ta lấy đất
Nay lo gìn giữ chớ ăn dần…
Nêu ra chi tiết này để minh chứng thơ Xuân Trường linh hoạt,
anh chọn nhiều cách thể hiện khác nhau làm cho tập thơ phong phú, thêm sức lôi
cuốn hấp dẫn.
Tập thơ Chiếc cằm
nũng đôi, NXB Hội Nhà Văn 2013
Vẫn trong mạch cảm hứng về đất nước, Xuân Trường viết:
Chiều Yarung làm bằng sương khói thác
Với nguyên sinh thăm thẳm của đại ngàn
Và trong xanh sông Ba mùa hóa đá
Thương ta ngồi mường tượng thuở hồng hoang.
(Thư gửi Kôngchro)
Xuân Trường khá quen thuộc với cảnh sắc Tây Nguyên, anh
viết về sông suối rừng núi có những khắc họa mang dấu ấn đặc biệt không lẫn với
ai.
Mây tiếc chiều nên lựng khựng không
bay
(Đâu phải vội vàng)
Anh cũng nặng lòng với cuộc sống, có những nỗi đau bất ngờ:
Vì sao nỗi đau lại rình rập bên dòng Sêrêbôk
Lật chuyến xe đêm xuống gầm cầu
Người đi từ Krôngbuk
Mà muôn năm chẳng về tới Sài Gòn.
(Nỗi đau trên dòng Sêrêbôk)
Những tai nạn thương tâm này thường gặp trên báo chí hàng
ngày nhưng vào thơ thì quá ít. Thơ cần bám sát đời sống, chia sẻ những mất mát
đau thương của cộng đồng. Nhưng nói những chuyện cụ thể dễ lấn sang địa hạt báo
chí nên các nhà thơ đều ngại. Tôi nghĩ điều cốt yếu là tấm lòng, tình cảm và bản
lĩnh nghệ thuật của người viết. Những nhà thơ lớn thế giới, họ không bỏ qua những
sự kiện đã đành, mà ngay cả những chuyện cụ thể, họ cũng có được những bài thơ
bất tử. Mà suy cho cùng, trước nỗi đau của đồng loại, người nghệ sĩ giàu cảm
xúc lại không xúc cảm, không rung động bức xúc thì còn xứng đáng là nghệ sĩ nữa
không?
Trong tình yêu, Xuân Trường có những câu thơ xúc động:
Trăng vàng chín lúc chia tay
Tôi xin phía khuyết mùa đầy cho em
(Hạnh phúc ngậm ngùi)
Người thơ thường
nhận phần thiệt thòi về mình, nhường sự thuận lợi may mắn cho bạn tình là lẽ
đương nhiên không có gì lạ, nhưng đây là lúc chia tay, người thơ trong tâm trạng
đau khổ thế mà vẫn không quên lẽ đời, vẫn cầu mong người mình yêu gặp được hạnh
phúc tròn đầy.
Anh có vẻ là
người tình rất “trách nhiệm” ngay cả lúc chia xa:
Chính em lại dây giùn khó dứt
Nên ngày đi đầy ắp nỗi quay về.
Thơ Xuân Trường thuộc dòng truyền thống nhưng không chịu
yên vị mà luôn tự làm mới mình bằng những thủ pháp nghệ thuật tinh tế.
Lay phay chút gió cũng mùa
Chút mây cũng nước, chút đùa cũng em
Chút sương vội ướt tóc mềm
Chút rượu võ cũng chợt thèm môi văn.
(Huyền tích kinh kỳ)
Hay những hình tượng khoáng đạt táo bạo:
Chiều nay phím bậc không lời
Sông Kôn mùa hạ nhốt trời trong vung.
(Bâng khuâng hoa khế)
Trong cặp lục bát trên, câu sáu gợi hình ảnh những nương
ruộng thấp cao miền núi thấp cao như những phím đàn trong dàn giao hưởng. Câu
tám diễn tả hình ảnh sông Kôn thật dũng mãnh và hùng vĩ. Những câu hay như thế
trong tập thơ không hiếm.
Nhiều người làm thơ hiện nay có khuynh hướng kéo thơ gần
với ngôn ngữ đời thường, đó cũng là một hướng đổi mới nhưng nếu không có những
ý tưởng sâu sắc mới lạ sẽ rơi vào tẻ nhạt. Đây là một thách đố ghê gớm đối với
người làm thơ. Thơ hiện đại có yêu cầu này không thể coi nhẹ, ấy là chất trí tuệ,
nó mang lại cho thơ có những khám phá bất ngờ, tác động mạnh vào nhận thức tình
cảm người đọc. Xuân Trường tỏ ra cố gắng về mặt này, anh khéo kết hợp giữa chất
trí tuệ sâu sắc và nghệ thuật tinh tế nên có khá nhiều câu thơ tài hoa. Tôi đã
lựa được một số câu để bổ sung vào tập “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam” tái
bản sắp tới.
TP. Hồ Chí Minh
1-2014
NGUYỄN VŨ
TIỀM
Theo NVTPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét