Nhà thơ Nguyễn Vỹ
1. Tự bao đời, phẩm tính cao cả nhất làm nên hệ giá trị của
một nền văn học không có gì khác đó là sự quan tâm đến thân phận con người với
tất cả những vui buồn, được mất, hạnh phúc, khổ đau, vinh quang, cay đắng
trong kiếp nhân sinh đầy biến đổi và bất an này. Vì vậy, trong Việt Nam
thi nhân tiền chiến (quyển thượng), Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng khi
nghiên cứu về thơ Nguyễn Vỹ đã chia sẻ: “Nguyễn Vỹ góp mặt vào làng thơ tiền
chiến từ năm 1934, thời kỳ thơ Mới đang hồi phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn
này, phần đông thi sĩ thường đem khung cảnh lãng mạn, chuyện tình ái vào thi
ca… Nhưng với Nguyễn Vỹ, có thể nói nhà thơ không lấy tình yêu làm đối tượng,
vì thế thơ ông có một đường nét độc đáo riêng biệt”(1). Nhận định
trên đã xác quyết một sự lựa chọn riêng của đời thơ Nguyễn Vỹ, một sự lựa chọn
vừa như định mệnh, vừa như hệ quả của cuộc sống với nhiều phong ba bão táp suốt
đời cầm bút của thi nhân. Vậy “đường nét độc đáo riêng biệt” đó của thơ Nguyễn
Vỹ là gì và được thể hiện ra sao? Đó là câu hỏi đặt ra cần một sự luận giải thấu
đáo để làm sáng tỏ các giá trị nhân văn trong thơ Nguyễn Vỹ, ghi nhận những
đóng góp của ông cho thi ca nói riêng và văn học nước nhà nói chung. Điều này rất
cần thiết đối với một con người mà số phận đã đặt để ông trong rất nhiều khúc
quanh của cuộc sống, với nhiều biến cố xã hội mà một nhà thơ, nhà báo luôn quan
tâm đến thân phận con người như ông phải chọn lựa.
2. Thơ Nguyễn Vỹ, vì thế, theo chúng tôi là thơ mang nặng
nỗi đau về phận số con người và điều này có thể thấy trong nhiều bài thơ
như: Sương rơi, Hoàng hôn, Tiếng chuông chùa, Hai con chó, Hai người
điên, Trăng, chó, tù…, Gửi Trương Tửu, Một mình, Tiếng súng đêm xuân, Giấc mơ
bom nguyên tử, Chim hấp hối, Đêm sầu về, Cũng thế thôi, Sài Gòn đêm khuya, Đêm
trinh, Hoa lệ, Hài nhi lai Mẽo vứt trôi sông…
Qua những bài thơ này, người đọc ở mọi thời đều nhận thấy,
ẩn sau câu chữ là tiếng thở dài chua chát, mỉa mai, là nỗi dồn nén uất ức, nỗi
xót xa, đau đắng và khát vọng muốn phá vỡ những rào cản đang bủa vây để hướng đến
tự do, giải thoát nỗi thống khổ của kiếp người trong xã hội mà sự phi lý, bất
công, hoành hành đến ngột ngạt… Đây là những giá trị cốt lõi, là một hằng
số văn hóa trong thơ Nguyễn Vỹ, bởi nó đã chạm đến tư tưởng nhân văn của
thi ca dân tộc và nhân loại. Và để thể hiện những điều này, bằng tài năng của mình,
Nguyễn Vỹ đã tạo nên những diễn ngôn thi ca đầy tính ẩn dụ qua hình tượng độc
đáo mà Bàng Bá Lân đã nhận xét khá xác đáng: “Nguyễn Vỹ là nhà thơ Việt
Nam có cảm tình với chó nhiều nhất, và lần nào anh đưa con vật đó vào trong thơ
cũng đều xúc cảm được người đọc”(2). Đúng như vậy, trong tâm thức của
người Việt, chó là vật nuôi gần gũi, gắn bó, trung thành với con người. Nhưng
chó cũng là giống loài chịu nhiều khổ cực nên trong dân gian mới có câu nói ví
von: “khổ như chó!”. Trong các bài thơ Hai con chó, Trăng, chó,
tù…, Gửi Trương Tửu đều xuất hiện hình ảnh con chó. Vậy dùng hình ảnh
“chó” trong thơ phải chăng là một dụng ý nghệ thuật để Nguyễn Vỹ muốn gửi gắm
những suy tư về thân phận con người nổi chìm trong cõi nhân sinh, trong đó có
chính thân phận mình?
Sống trong thời nước nhà tao loạn bởi ngoại xâm, do bất
bình với hiện thực đương thời, Nguyễn Vỹ viết hai tác phẩm Cái hoạ Nhật
Bản và Kẻ thù là Nhật Bản, sau đó ông bị quân
đội Nhật ở Hà Nội bắt giam chiều 30 Tết nhốt trong hầm kín của Sở Hiến binh Nhật,
Kampetai. Nguyễn Vỹ cùng bị giam với bốn người Việt khác. Bài thơ Hai
con chó làm trong phòng ngục tử hình, thấp và chật, như cái chuồng chó
đúng đêm giao thừa Nhâm Ngọ, 1942. Cả bài thơ tái hiện tình cảnh khốn cùng của
cảnh tù đày. Điều đặc biệt là vần “o” được gieo khắp bài thơ tạo cảm giác về một
không gian bức bối, ngột ngạt: Chuồng ngục tối om, kìa bốn xó / Bốn
thằng bơ bơ như bốn chó/ Chẳng được nói năng, chẳng được cười/ Hai chân chồm hỗm
ngồi co ró/ Lưng rít mồ hôi, không dám cọ / Ngứa ngáy tay chân không rậy rọ/
Rệp bò lên cổ, leo lên đầu/ Muỗi bay khiêu vũ, kêu ó ó.
Ngoài kia là “Hà Nội đón mừng xuân Nhâm Ngọ/ Pháo nổ
tưng bừng, đèn sáng tỏ”, còn trong này là những người tù chịu cực hình tra
tấn liên tiếp của lính Nhật tàn bạo, hắn vừa uống rượu “như uống máu tươi trong
cái sọ” vừa dùng roi da “quất lên bốn đầu sỏ”, “sả ba roi lên đỉnh đầu” những
tù nhân. Hình ảnh những tù nhân hiện lên dưới ngòi bút đặc tả của Nguyễn Vỹ thật
thảm hại, họ như đang bị nhốt trong tầng sâu địa ngục với ma quỷ chứ không phải
ở cõi người. Nguyễn Vỹ khắc họa chân dung những người tù dưới cơn mưa roi da của
tên lính Nhật bằng nhiều động từ và tính từ gợi hình, gợi cảm: rụt vai,
mặt mếu mó/ nhăn nhó/ tay run cầm cập, răng gỏ mỏ/ sốt rét lên cơn, không dám nằm/
cúi đầu lạy lạy như xin xỏ/ da mặt xanh lè, mắt tho lỏ/ giờ như cái xác con
ma xó/ thằng tôi chờ chết, ngồi co ró
Tính chất bi hài của bài thơ khiến người đọc có thể cười
rơi nước mắt chính là sự xuất hiện bất ngờ của con chó Nhật ngoài song sắt.
Song con chó cũng bị khủng bố, tên lính Nhật “đạp giày lên lưng”, chó
Nhật ẳng ẳng chạy gần đó…/ rồi tôi nhìn nó, nó nhìn tôi/ thông cảm cùng nhau
hai đứa chó!
Hai đứa chó - Thật là cay đắng, chua chát,
phũ phàng! Kiếp người và kiếp chó có gì khác nhau đâu? Thậm chí con chó còn được
tự do ngoài song sắt, còn con người chỉ ngồi “co ró” đợi chết mà thôi! Khi bạo
tàn ngự trị khắp nơi thì cả người và chó đều bị tước đoạt quyền sống và quyền tự
do, dân chủ. Câu kết của bài thơ neo lại trong lòng người một dư âm nhức nhối,
ngậm ngùi: Ôi tôi ôi, tôi ôi là tôi! Ôi chó ôi, chó ôi là chó.
Và cũng tiếp nối dòng cảm xúc trên, trong bài thơ “Trăng,
chó, tù…”, Nguyễn Vỹ đã so sánh ba hoàn cảnh và khát thèm sự tự do của
trăng và của chó - một nỗi khát thèm đến nhức nhối tâm can, tái tê tim óc đặt
trong hoàn cảnh bi đát tưởng chừng tuyệt vọng mà đến hôm nay đọc thơ Nguyễn Vỹ
chúng ta không thể không rưng rưng, xúc động và cảm thông:
Bỗng dưng đôi mắt lệ hoen mờ/ tôi gục xuống sàn tre, nằm
thổn thức/ trăng với chó tự do ngoài sân ngục/ tôi bị giam sau bốn bức tường
cao/ Ôi! Tự Do mi quý biết nhường bao!
Hơn ai hết, Nguyễn Vỹ-người tù-thi sĩ thấm thía và thấu
hiểu giá trị quý giá của hai tiếng Tự do đối với con người: Có tự do là
có cả thần tiên/ không có nó, trần gian là ngục thẳm. Vậy mà, thân phận con
người bị giam cầm, tù ngục, bị đối xử tàn nhẫn còn không bằng con vật- đó là nỗi
đau đớn, tức tưởi, buồn tủi đè nặng tâm tư, chiếm trọn tâm hồn khiến thi nhân
đã khóc rất nhiều, khóc thâu đêm: Tù Trà – Khê say mê trong giấc đắm/
Trên giường tù ai lệ đẫm thâu đêm!
Nguyễn Vỹ đã trải lòng mình một cách thành thực, hồn
nhiên, tế nhị…và có lẽ chính vì vậy mà những ví von có tính đối lập của ông giữa
hình ảnh con người mất tự do trong nhà ngục với con chó tự do ngoài sân ngục trở
nên thuyết phục, bởi người đọc không thấy sự khiên cưỡng, gượng ép. Hình ảnh
thơ gợi cho người đọc những suy tư sâu sắc về kiếp người khốn cùng trong một đất
nước đang sống trong kiếp nô lệ, lầm than.
Tồn tại với thân phận “ đầu thai nhầm thế kỷ” (từ dùng của
Vũ Hoàng Chương), Nguyễn Vỹ phải chứng kiến bao cảnh đời bi thảm, bất công xảy
ra trên chính quê hương. Ông bất bình với thời thế và muốn làm cái gì đó để phản
kháng cho nguôi nỗi uất ức trong lòng. Nhưng khát vọng của Nguyễn Vỹ bị trả giá
bằng những năm tháng tù đày, cùng cực, điều này giúp chúng ta hiểu hơn vì
sao trong thơ Nguyễn Vỹ nhiều khi ta bắt gặp những tiếng thở dài ảo não như muốn
nối dài sang tận thế kỷ sau: “Ôi! Buồn lắm! Lòng ta buồn da diết!”…
“Con người Nguyễn Vỹ là con người đã sống, đã nếm mùi tân
khổ, gian lao của kiếp “nhân sinh”… Kiếp “nhân sinh” ấy lại ở vào cảnh giao thời
của hai thế hệ, trong một tình trạng bi đát nhất của lịch sử nước nhà, nên Nguyễn
Vỹ đã trở thành con người rắn rỏi, yếm thế… để đi đến tâm trạng căm hờn, biếm
nhạo, khắt khe, chua chát… gần như điên dại”(3). Dùng ngòi bút
của mình như một phương tiện dấn thân để rồi chấp nhận tù tội và những thăng trầm
trong cuộc sống của một thân phận lưu đày, cho nên nỗi khắc khoải phận
người trong thơ Nguyễn Vỹ được thể hiện da diết, thành thực nhất lại chính là
trong những vần thơ ông viết về nghiệp cầm bút.
Không giống như Tản Đà chủ trương lối sống hưởng lạc, yếm
thế “chơi là lãi” để trốn tránh cuộc đời. Nguyễn Vĩ dẫu có “chán mớ đời” trong
cái xã hội “mục, nát, thối” lúc đương thời thì ông vẫn tha thiết với nghiệp văn
chương. Song, càng tha thiết với nghiệp văn chương ông càng đau buồn, chua xót
bởi nhận thức rõ thân phận nghèo hèn, sự tồn tại vô nghĩa của những kẻ cầm bút
mang nhiều khát vọng. Lần đầu tiên trong lịch sử thi ca văn học dân tộc, có một
thi sĩ đã dũng cảm nhìn thẳng vào bi kịch của thân phận người cầm bút và cay đắng,
xót xa đến tột cùng: “Thời thế bây giờ vẫn thấy khó/ nhà văn An-nam khổ như
chó/ mỗi lần cầm bút viết văn chương/ nhìn đàn chó đói gặm trơ xương/ rồi nhìn
chúng mình hì hục viết/ suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết/ mà thương cho tôi,
thương cho anh/đã rụng bao nhiêu mái tóc xanh” (Gửi Trương Tửu).
Hình ảnh so sánh của những câu thơ viết từ năm 1937 của
thế kỷ trước, diễn tả thực trạng bi đát, tủi cực, khốn cùng của nhà văn An-Nam
nhưng đến hôm nay bất cứ ai, đặc biệt là những người làm nghề cầm bút đọc lại vẫn
thấy nhói đau sâu thẳm trái tim mình…Hoài Thanh dù khắt khe với Nguyễn Vỹ đến mức
khó hiểu nhưng vẫn phải thừa nhận: “Lời thơ thống thiết, uất ức, để giãi bày nỗi
bi phẫn cho cả một hạng người. Một hạng người nếu có tội với xã hội thì cũng có
chút công, một hạng người đã đau khổ nhiều lắm, hạng sống bằng nghề văn. Hãy
cho họ không có gì xuất chúng đi thì ít nhất họ cũng đã nuôi những giấc mộng to
lớn khác thường. Nhưng đời không chiều họ; đụng vào sự thực, những giấc mộng của
họ đều tan tành và lần lượt họ bỏ thây ở dọc đường hay trong một căn phòng bố
thí”(4).
Không phải ngẫu nhiên “khi Tản Đà say rượu trách Nguyễn Vỹ:
“Sao anh lại ví nhà văn chúng mình với chó? Anh không sợ xấu hổ à?”. Nguyễn Vĩ
đáp lại, cũng trong lúc say: “Tôi có ví như thế thì chó xấu hổ chứ chúng ta xấu
hổ nỗi gì?” (5). Câu trả lời của Nguyễn Vĩ đã chứng tỏ cách ví
von trong thơ ông tiềm ẩn những thông điệp thâm thúy, sâu sắc mà bất cứ
thời nào ngẫm nghĩ, suy tư về thân phận của nhà văn nói riêng và nghệ sĩ - những
người cầm bút nói chung chúng ta vẫn thấy nhiều ý nghĩa. Lối chơi chữ hai mặt
theo cách riêng của Nguyễn Vĩ khiến câu thơ vừa mang tính triết luận vừa như sự
đúc kết một hiện tượng đời sống thấm thía nhiều ngậm ngùi, đắng đót, xót xa…!
Nguyễn Tấn Long đã khẳng định văn tài và nhân cách của
Nguyễn Vỹ khi ông xác quyết : “Nguyễn Vỹ có cái nhìn thường xuyên vào thực trạng
xã hội, theo dõi những màu sắc biến đổi của nhịp sống dân tộc đã chịu nhiều thảm
họa, hòa lẫn vào đấy tình yêu thương đồng loại, tiếng thơ của Nguyễn Vỹ là tiếng
nói chân thành phát xuất tự con người còn nghĩ đến quê hương” (6).
Quả đúng như vậy! Đọc thơ Nguyễn Vỹ, có thể nhận thấy bức tranh hiện thực được
tái hiện đa dạng, nhiều sắc màu đậm nhạt khác nhau. Trung tâm của bức tranh
là thân phận bèo bọt, chìm nổi của con người trong cơn binh
lửa được Nguyễn Vỹ tái hiện một cách chân thực nhất khiến chúng ta giật
mình xa xót: Kế tiếp nhau ngã gục những bóng người/ lẫn tiếng súng, tiếng
kêu gào: “giết giết!”/ Ai say máu, chém đâm nhau ác liệt? Ai rên la thảm thiết
khóc kêu vang?...Trời đất hỡi lại bao nhiêu xác chết…Ai thân yêu, nhắn nhủ lúc
chia lìa/ Đang quằn quại rỉ rên bên vũng máu!...Một lớp trẻ chôn vùi ngoài chiến
trận/ đã đem xương đem máu đắp xây mồ/ Một lớp sau còn sống sót bơ vơ/ Khóc
cũng dở mà cười càng thêm dở (Tiếng súng đêm xuân). Và đây là cảnh tượng
hoang tàn trong bài thơ “Giấc mơ bom nguyên tử”: Rớt chìm trong đáy bề khơi/
muôn muôn triệu xác nổi trôi dật dờ/ Hình như cả loài người chết cả/ Khắp bao
la đầy mả mồ hoang…
Với tất cả sự tủi hờn của dân tộc chìm đắm trong thảm họa
chiến tranh. Nguyễn Vỹ đã đổ lệ cho những phận người mong manh còn “đầu xanh tuổi
trẻ”. Trong mạch ngầm của những câu chữ diễn tả tang tóc, đau thương là tinh thần
phản đối chiến tranh và khát vọng về một ngày hòa bình “ để cho
muôn muôn đời dân tộc/ hết đói rét lầm than tang tóc” (Gửi Trương Tửu).
Chiến tranh và cái chết tàn nhẫn không từ bất cứ một ai,
lứa tuổi nào. Nguyễn Vỹ đã tố cáo tội ác kinh hoàng “do chiến tranh đó mới
là thủ phạm” gây nên: Một hài nhi lai Mẽo vứt sơ sanh/ bị vứt bỏ,
trôi bập bềnh trên sông rạch/ tội xác bé máu me chưa sạch/một đùm nhau chưa cắt,
dính tùm lum! Hài nhi là con lai, con hoang, kết quả của
lối sống ô hợp bừa bãi của những người lính Mỹ khi đến Việt Nam đã bị vứt bỏ
không thương tiếc - một hiện tượng đau lòng nhưng không phải ai cũng quan tâm trong
bối cảnh xã hội nhiều nhiễu nhương mạnh ai nấy sống lúc đương thời. Kiếp lưu
đày và số phận bất hạnh của những hài nhi “quốc tế đủ các sắc, các màu”
ngay từ lúc chào đời đã tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của tác giả,
khiến lòng ông như tan nát: Mượn đất Việt để chôn nhau cắt rún/ chúng
đang sống hàng bà làng, hổ lốn/ vì chiến tranh, cha của chúng, là tên/ Và chiến
tranh là thủ phạm, cho nên… (Hài nhi lai Mẽo vứt trôi sông).
Có thể khẳng định Nguyễn Vỹ là một trong không nhiều những
nhà thơ Việt Nam khắc họa hiện thực chiến tranh ấn tượng nhất: chiến tranh gắn
liền cùng những cái chết bi thảm, thương tâm, và cái chết cũng
như một sự mặc định đối với thân phận con người nếu xảy ra chiến tranh ở bất cứ
nơi đâu và ở bất cứ thời đại nào. Có lẽ đây là thông điệp nhân văn mà đương thời
ít thi sĩ đề cập đến...
Chiến tranh là chết chóc đau thương…song, không dừng lại ở
đó, hệ lụy chiến tranh mà con người phải gánh chịu là khôn lường, nó tàn phá
văn hóa, và làm băng hoại những gì thuộc về giá trị nhân văn. Con người
không còn được đối xử như là con người nữa, họ phải sống cuộc đời vất vưởng như
con vật thậm chí không được bằng con vật. Nguyễn Vỹ “mang một trái
tim/ đìu hiu tan tác/ nặng sầu vết thương” (Chim hấp hối) để chia sẻ cùng
những mảnh đời bất hạnh hơn mình. Đó là cảnh Sài Gòn đêm khuya với những con
người “không cửa nhà, không một chiếc giường rơm…những đàn bà, con trẻ, kẻ
già nua/ rách tàn tạ, áo quần gần không có/ nằm đầu đường dãi nắng với dầm
mưa…những hành khất xác xơ, đầu ủ rũ/ngày ngồi xin góc chợ khách đi qua/ bạn biết
tối họ nằm đâu để ngủ?Bên bìa thành, trong những bãi tha ma!...Tôi đã thấy một
người cha đói rách/Ôm con ngồi trong xó tối hoang vu…” (Sài Gòn đêm khuya).
Lẽ ra trong mắt người trẻ tuổi, lãng mạn như thi nhân thuở
ấy xuân phải là “xuân thanh trinh bát ngát đẹp vô ngần” nhưng với tâm hồn
nhạy cảm và “mang trong tim một khối nặng tình thương ” Nguyễn Vỹ lại
chỉ nhìn thấy trong khung cảnh mùa xuân những cảnh đời éo le, ngang trái, bao lần
thi nhân đã nhỏ lệ xót thương: “Những thiếu nữ đêm xuân nằm trằn trọc/buồn
cô đơn, tủi phận, khóc hờn duyên/ những chàng trai thất nghiệp, túi không tiền/
đi thất thểu chiều xuân trên vỉa phố…/ những đoàn người trí thức, dáng dịu hiền/
gương mặt sáng, đôi mắt ngời rực rỡ/ phải lam lũ làm quanh năm khổ sở/ không đủ
nuôi cha, mẹ, vợ, con, em/ những công nhân quần áo rách cũ mèm/ mấy ngày Tết
đâu có nem với gỏi?/ Ở túp lá bị mưa dầm nắng dọi/ ăn, cà, dưa, nhiều bữa đói
không cơm/ kẻ đi xin, như những xác không hồn/ nằm hấp hối đêm giao thừa góc phố”
(Hoa lệ). Trước mắt nhà thơ hiện thực cuộc sống không thể thêu dệt bằng ảo mộng,
đó là hiện thực phũ phàng khiến trong suy tư của tác giả chỉ ngập tràn nỗi “xuân
đau khổ”, “xuân nghẹn ngào trong cổ, ứ trong tim…/ xuân âm thầm của vô số
sinh linh/ xuân đìu hiu của muôn vạn gia đình/ xuân tang tóc của những nàng quả
phụ/ xuân lạnh lẽo trên những mồ vô chủ…”
Đói nghèo, tàn tạ, mông muội… những kiếp người vật vờ, sờ
soạng như bóng ma trong bóng đêm dày đặc, mịt mù - ấn tượng đó chúng ta gặp không
ít trong thơ Nguyễn Vỹ. Thi nhân đã lưu lại cho hậu thế một bức tranh chân thực
về đời sống đương thời mà chính ông là chứng nhân lịch sử. Nguyễn Vỹ đã chủ ý
tô đậm gam màu u tối trên bức tranh - đó cũng chính là gam màu mang đến cho người
đọc mọi thời nhiều ưu tư về thời thế và thân phận con người đã, đang và sẽ
sống kiếp đọa đày giữa cõi trần gian đầy bất trắc. Và những điều này không thể
không làm ta suy nghĩ truy tìm câu trả lời đặt ra cho nhân loại mà sinh thời
chính Nguyễn Vỹ đã luôn trăn trở: Phải làm sao cho hết người đói lạnh/
phải làm sao cho hết kẻ bần hàn/ và làm sao những tâm hồn hiu quạnh/ được niềm
vui trong an ủi hân hoan…” (Sài Gòn đêm khuya).
3. Góp mặt vào làng thơ Tiền chiến từ năm 1934 - thời điểm
thơ Mới phát triển mạnh mẽ nhất, không ồn ào, chạy theo tâm lý đám đông lấy
chuyện ái tình lãng mạn làm chủ đề chính cho thơ, Nguyễn Vỹ đã lặng lẽ theo tiếng
gọi thao thiết của con tim viết những vần thơ gửi gắm tâm sự uất ức, dồn
nén, bi phẫn của ông trước cuộc sống đầy phi lý và những kiếp người bị đày đọa
trong bể khổ khôn cùng. Sinh thời, Nguyễn Vỹ cùng thơ ông đã tạo sự hấp dẫn
và quan tâm đối với người tiếp nhận của nhiều thế hệ qua mọi thời đại. Cho dù
Hoài Thanh đã từng chê thơ Nguyễn Vỹ là mắc “tật lòe đời”, Thế Phong đã từng khẳng
định “sự nghiệp của Nguyễn Vỹ chỉ được một câu thơ trong bài gửi cho Trương Tửu
khiến cho người đời còn nhắc đến tên ông: Thi sĩ Việt Nam khổ như chó”(7) thì
cho đến hôm nay theo thời gian, hồn thơ Nguyễn Vỹ đã và đang tiếp tục khẳng định
giá trị trường tồn của nó, bởi một lẽ giản dị: tự thân nội hàm thơ Nguyễn
Vỹ đã mang tư tưởng vượt thời đại ông sống, chạm đến những vấn đề mang giá trị
trường cửu của thi ca nhân loại, hàm ẩn những giá trị nhân văn tiến bộ sâu sắc
mà độ lùi thời gian càng lớn nó càng phát lộ hào quang - đó là vấn đề thân phận
con người!
Nguyễn Vỹ đã sống và viết như một thi sĩ dám dấn thân để
chia sẻ với nhân quần những đau khổ về phận người với những trang viết đầy ắp nỗi
niềm trăn trở. Ông sống như một kẻ “cô phương” (chữ dùng của Nguyễn Vỹ) suốt những
năm tháng ngắn ngủi của cuộc đời mà nhiều khi không có nổi “chốn nương thân”.
Song, ông đã can trường chấp nhận, đối diện, đương đầu với những trầm luân đau
khổ của cuộc đời và như một định mênh mà số phận đặt để. Và chính cuộc đời nghệ
sĩ “ba nổi bảy chìm” của Nguyễn Vỹ trong cõi nhân sinh cũng là một bài thơ thống
thiết, ẩn chứa nhiều thông điệp đầy tính nhân văn gửi đến các thế hệ mai sau.
Bài viết này, vì thế, xin được coi như một nén tâm hương tưởng nhớ, tri ân Nguyễn
Vỹ - người con tài hoa của quê hương Quảng Ngãi về những gì ông đã làm cho thơ
và cho đất nước trong phận số của một Con Người đúng nghĩa… Xin được ngược dòng
thời gian, chia sẻ cùng thi nhân nỗi cô đơn của trái tim nghệ sĩ luôn đau đáu
niềm đau về thân phận con người với những mảnh đời bé nhỏ, mong manh, như thi
nhân từng bộc bạch: Một trời, một biển bao la/ một mây, một gió, một
ta, một mình/ trần ai một kiếp lênh đênh/ trăm thương, nghìn nhớ, một mình, một
ta...
CAO THỊ HỒNG
Theo NVTPHCM
CHÚ THÍCH:
(1),(3),(6),(7). Nguyễn Tấn Long-Nguyễn Hữu Trọng, Việt
Nam thi nhân tiền chiến (Quyển thượng), tr.438,449,446,460.
(2). Nhiều tác giả, Văn thi sĩ hiện đại,
Nxb. Xây dựng, Sài Gòn, 1962, tr.153
(4),(5). Hoài Thanh-Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam,
Nxb. Văn học, Hà Nội, 2003(tái bản), tr. 107,108.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét