Thông điệp của những
số phận
Tự truyện của người nổi tiếng, nhất là giới nghệ sĩ bao
giờ cũng hấp dẫn công chúng. Những chuyện chưa biết đằng sau bức màn nhung, đằng sau tài hoa phát tiết trên màn ảnh,
sân khấu của họ luôn hấp dẫn những ai coi họ là thần tượng. Công chúng luôn có
mong muốn được nghe để hiểu hơn về thần tượng.
Tháng 5 vừa
qua, lần lượt tự truyện của ca sĩ Ái Vân và nghệ sĩ Kim Cương ra mắt. Ở cái dốc
bên kia của cuộc đời, hồi ký là nơi để họ nhìn lại một hành trình, sẻ chia với độc giả. Với Ái Vân, tự
truyện "Để gió cuốn đi" là món nợ trần gian chị phải trả để giải thích hết mọi nghi kỵ, oan
khuất mà mình phải mang trong gần 30 năm xa xứ. Vì sao chị bỏ quê hương để vượt biên sang Tây Đức năm 1990? Vì
sao chị vướng phải những tin đồn
tiêu cực như đóng phim nhạy cảm, ham giàu sang danh vọng… Rồi những thăng trầm,
sóng gió khi ca hát giữa xứ người. Riêng hồi ký "Sống cho người, sống cho mình" của NSND
Kim Cương lại là món quà để bà tri
ân người mến mộ mình.
Tự truyện của
nghệ sĩ nổi tiếng, nhất là nghệ sĩ lão làng trải qua nhiều biến động lịch
sử, xã hội càng được người đọc đón đợi. Bởi dù kể về số phận của mình nhưng cuộc đời của họ ít nhiều liên quan đến
người khác và những biến động trong thời kỳ ấy. Chẳng hạn khi đọc tự truyện của
Ái Vân người ta thấy được mốc khởi thủy của nhạc nhẹ Việt Nam với các tên tuổi
như ca sĩ Ái Liên, Năm Châu, Kim Thoa, Năm Phỉ… và sự hồi sinh của nhạc nhẹ miền
Bắc sau năm 1975.
Cuộc sống ca
hát thời bao cấp đầy khó khăn của nghệ sĩ như đi hát chui, đi buôn lậu khi lưu
diễn ở nước ngoài hay những năm tháng đầy hào hùng khi đoàn đi hát phục vụ bộ đội
ở chiến trường biên giới, bà con vùng sâu vùng xa… Hồi ký của NSND Kim Cương khắc họa lại đời sống của kịch nói miền
Nam trước năm 1975 và sau ngày thống nhất. Người đọc sống lại thời kỳ đỉnh cao
của nghệ thuật kịch nói miền Nam mà tiêu biểu là đoàn kịch Kim Cương làm mưa
làm gió một thời với hàng loạt vở kinh điển như "Lá sầu riêng",
"Dưới hai màu áo", "Trà hoa nữ"…
"Tôi hy vọng
qua hồi ký, các bạn trẻ muốn bước chân vào sân khấu sẽ thấy được hành trình nghệ thuật đầy gian
nan cũng như quan niệm làm nghề của thế hệ chúng tôi, biết đâu nó giúp ích cho
các bạn" - nghệ sĩ Kim Cương chia sẻ. Trong tâm niệm của thế hệ bà, sân khấu
là Đạo: Đạo làm người. Và nghệ sĩ là
những kỹ sư của tâm hồn. Vậy nên bước lên sân khấu, nghệ sĩ và khán giả như những
con chiên bước vào thánh đường, thiêng liêng lắm. Dù bom rơi đạn nổ bên tai, họ
vẫn cháy hết mình cùng vai diễn để khán giả khóc cười.
Nụ cười, nước mắt ấy làm người ta sống đẹp hơn. Họ đến với sân khấu không hề
vì tiền tài hay danh vọng mà vì biết rằng vai diễn của mình góp ích cho
đời. Năm 2015, trong buổi ra mắt hồi ký "Tâm thành và lộc đời", nghệ sĩ Thành Lộc thành thật tâm sự:
"Mình là thế hệ con cháu đi sau, rất muốn biết ngày xưa các nghệ sĩ cha chú như má Bảy Nam, Phùng Há,
Năm Châu… đã bước vào nghề,
lăn lộn với nghề ra sao. Tiếc là các cô chú ít ai viết hồi ký kể lại.
Nên bây giờ mình viết, như một cách
cho lớp trẻ hiểu hơn về thế hệ mình sống chết với sân khấu như thế nào".
Dù là sách thuộc
dạng hồi ký, tự truyện, chất văn học không cao nhưng điều độc giả mong đợi
là họ sẽ lượm lặt được gì đó
hữu ích khi gấp sách lại. Ra đi sau căn bệnh ung thư quái ác, Trần Lập để lại
cuốn hồi ký chứa chan niềm yêu sống. Đọc, trái tim độc giả được thắp lửa như
thuở còn nghe giọng hát rực cháy của anh trên cõi thế. Hồi ký Kim Cương là tấm lòng của nghệ sĩ trước tiên sống hết lòng vì người, sau mới vì mình. Bởi ở cuối chặng
đường nghệ thuật đầy vinh quang, con tằm đã nhả hết tơ cho đời, bà dồn tâm sức cho hoạt động thiện nguyện,
giúp đỡ trẻ em khuyết tật.
Riêng ca sĩ Ái
Vân mong người đọc hiểu hơn về cuộc đời lắm biến cố của mình, hiểu hơn tấm lòng của một ca sĩ mê hát đến
điên cuồng dù đó có là hát trên quê mình hay trên quê người. Trên hết, điều chị muốn gửi gắm đó là mọi đau
khổ, đắng cay hãy để gió cuốn đi thật xa, không vương vấn gì như tên cuốn sách.
Đời tư - miếng mồi béo bở
Trong buổi ra
mắt hồi ký "Sống cho người,
sống cho mình", nghệ sĩ Thành Lộc hỏi vui NSND Kim Cương: "Chị Kim Cương sẽ kể tường tận chị yêu
ai, yêu mấy người và có bao nhiêu người từng đeo đuổi chị trong hồi ký
phải không? Khán giả tò mò lắm đó". Một câu hỏi mang tính chất vui là
chính nhưng vô tình lại phản
ánh rất thật nhu cầu đọc hồi ký của một bộ phận độc giả. Họ mua sách chỉ cốt
xem chuyện tình ái của nghệ sĩ như
thế nào. Bởi nghệ sĩ thường được coi là người nhạy cảm, tài hoa đa tình
nên lắm mối tình "hay như
phim".
Nghệ sĩ Kim
Cương vốn rất kín tiếng chuyện đời tư. Phỏng vấn bà, hỏi gì thì hỏi nhưng động đến chuyện tình yêu, gia
đình thì bà nhất quyết không nói. Bà biết, chuyện đó không giúp ích bao nhiêu
cho nghệ thuật mà chỉ làm miếng mồi ngon cho dư luận mổ xẻ, bàn tán lúc ngồi lê đôi mách. Nhưng ở tự truyện, người viết
"không bị đánh cũng phải khai" vì đây là yếu tố không thể thiếu
trong cuộc đời họ. Bà đành phá lệ kể chuyện tình duyên của mình. Mà hồi ký thì
phải kể thật. Chỉ là chọn cách kể thế nào, thái độ ra sao: qua loa đại khái hay
tỉ mỉ, chi tiết; trân trọng giữ gìn hay hậm hực, hả hê. Dù rằng hồi ký, tự truyện
có tôn trọng sự thật cỡ nào thì vẫn không thể khách quan trăm phần trăm. Bởi nó
vẫn được kể bởi góc nhìn, nhận định chủ quan của nhân vật "tôi".
Rất nhiều người cũng tò mò chuyện yêu đương của Thành Lộc
vì đến bây giờ anh chưa lập gia đình. Nhưng đọc "Tâm thành và lộc đời", hẳn nhiều người sẽ thất vọng vì
chuyện tình chỉ được kể qua loa. Cái chính anh muốn nói là con đường đến với Tổ
nghiệp, vai diễn và khán giả chứ không phải chuyện tình mà anh xin giữ riêng.
Thị hiếu tò mò săm soi của mọi người, anh không chiều được.
Vì ám ảnh ký ức đẫm nước mắt của cuộc hôn nhân thứ hai,
Ái Vân đã xóa trắng gần 9.000 chữ. Nhưng tôn trọng độc giả và sự thật, chị vẫn để 7 trang trắng trong sách để họ
ngầm hiểu và thông cảm. Ái Vân nghẹn ngào xin lỗi: "Tôi buộc phải xóa đi vì
con tôi - cu Vũ - sẽ rất đau lòng khi đọc được. Tôi không muốn con bị tổn
thương". Chị cũng dùng từ "chàng" để gọi những người đàn ông đã
đi qua đời mình chứ không tiết lộ tên tuổi, đó như cách bảo vệ họ.
Không phải ai cũng dũng cảm công khai với công chúng rằng
mình giấu đi sự thật vì nó gây tổn hại cho người khác. Hồi ký "Thương Tín: Một đời giông bão" khiến dư luận một phen "giông bão" khi sự
thật trần trụi với hơn 20 bóng hồng
được Thương Tín vô tư phơi bày. Dưới danh nghĩa tôn trọng sự thật, ông không hề
giấu giếm tên tuổi những người từng một thuở mặn nồng với mình dù họ đã
yên ấm bên chồng con.
Yêu Thương
Tín, người thì liên tục phá thai, người thì đổ tiền bao ông vô điều kiện… Đọc "Một đời giông
bão", người ta chỉ thấy mớ tình
ái lăng nhăng, ô hợp của nam tài tử. Trong khi, chuyện đời và sự nghiệp lẫy lừng
của ông nếu khéo khai thác, người chấp
bút đã trình làng một tác phẩm có tầm hơn rất nhiều. "Lạc giữa thanh xuân" được coi như tự truyện của Bà
Tưng kể về ngày tháng bồng bột "khoe, cởi" trên mạng. Nhưng ngay khi
ra mắt, hàng chục tờ báo rút tít đại ý: "Bà Tưng tâm sự về mối tình sai lầm với cầu thủ
đội tuyển Việt Nam…!".
Xin kết bài này bằng tâm sự của một độc giả dự buổi ra mắt
tự truyện của ca sĩ Ái Vân: "Buổi ra mắt sách để lại trong lòng mọi người một nhân cách đặc biệt, cách ứng xử
văn hoá cao và tấm lòng vị tha chân tình. Sao ít người nhận ra những điều này quá mà chỉ tập trung
duy nhất vào 8.808 chữ bị xoá trắng trong phần "Tập 2"? Như là những
năm tháng cuộc đời và những đóng góp của chị Ái Vân không còn có gì khác
lôi cuốn trừ những bi kịch riêng của hạnh phúc gia đình mà không mấy ai dám kể
thật bằng nước mắt như chị...
Chẳng lẽ nhìn
qua lỗ khoá nhà người khác thì
luôn thú vị hơn là bước vào cổng
chính đàng hoàng sao? Hay là bị ảnh hưởng nặng bởi cách săn tin của các trang mạng
đối với những khoảnh khắc đời tư của các nhân vật showbiz Việt đang làm lệch
giá trị rất nhiều thứ?".
MAI QUỲNH NGA
Báo VNCA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét