Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

Nhà văn Tiến Đạt: Thể xác lưu lạc có bóng dáng tinh thần hiện sinh?

Sau một thời gian im lặng, tác giả Tiến Đạt (sinh năm 1975, hiện đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh) đã xuất hiện trở lại với cuốn tiểu thuyết đầu tay có nhan đề Thể xác lưu lạc (NXB Hội nhà văn 2009).
Nhà văn Tiến Đạt

Thế giới trong Thể xác lưu lạc là thế giới những con người với những nỗi cô đơn không thể tỏ bày. Trần - một chàng trai đào hoa, có sức cuốn hút kỳ lạ với phụ nữ, chìm đắm trong những cuộc tình "không đầu không cuối". Trâm - một cô gái xinh đẹp, nhưng luôn có những ý nghĩ lạ lùng, chìm trong nỗi suy tư sâu kín. Họ yêu nhau từ lúc vào đại học và xa nhau vào đúng ngày Trần chở Trâm bằng xe đạp đến trường nhận bằng tốt nghiệp. Một sự "biến mất" đầy uẩn khúc mà Trần không dám tìm hiểu tận tường.

Nhiều người đàn bà đã đến với Trần, dù sâu sắc hay chỉ duy nhất một đêm thì đều gặp nhau ở một điểm: Không lợi dụng, không vì vật chất. Họ tự nguyện đến với anh bằng thứ đam mê bản năng không đòi hỏi trách nhiệm. Họ đến với anh bởi sự cô đơn trong tâm hồn, bởi sự tẻ nhạt trong cuộc sống, cùng bỏ anh đi mà không một lý do nào.

Bằng lối kể đan xen sự kiện và cảm xúc giữa hiện tại và quá khứ, "Thể xác lưu lạc" của Tiến Đạt không dừng lại ở nỗi cô đơn của lớp trẻ, mà nỗi cô đơn đó còn lục về quá khứ, nơi cha mẹ anh, cha mẹ Trâm... đã sống cùng những bí mật, những đau đớn không thể nói ra, để rồi những đứa con của họ hồ nghi, "mù mờ" về chính mình.

Thể xác lưu lạc hay chính tâm hồn lưu lạc? Sau những day dứt với quá khứ, sau những sự kiện hiện tại, Trần giật mình nhận ra, "bước chân quay về nhưng tâm lại là kẻ ra đi thì chỉ mang lại phiền toái cho chính mình và xúc phạm sự mong chờ của người thân". Kết thúc câu chuyện, Trần trở về với căn nhà của mình, nơi có người vợ vẫn đang đợi anh dù rằng cô là người đề nghị ly thân.

Anh đã hiểu giá trị của hiện tại, giá trị của tình yêu, của những gì anh có ngay chính lúc này chứ không phải từ một ai đó đã trở thành quá khứ, từ những sự việc đã là quá vãng. Quá khứ đã ngủ yên, giây phút tỉnh thức với hiện tại đã đưa anh trở về với chính mình. Đưa thể xác anh trở về với linh hồn "mặc những mùa gió cũ quay ngược chở nặng ký ức xao động giữa cố hương".

Ngay sau khi ra mắt, cuốn sách đã thu hút được sự quan tâm của độc giả cũng như nhận được nhiều sự đánh giá trái chiều không chỉ bởi đây là tác phẩm đầu tiên lọt vào Chung khảo Giải thưởng văn Bách Việt 2009 mà bởi các vấn đề đặt ra trong cuốn sách.

Nhà văn Mai Sơn:

Là một tiểu thuyết, nó tràn ngập sắc dục như một vũng lầy hay như một đêm dài. Trong đó, có người đang vật vã muốn thoát ra, rũ bùn đứng dậy, nhưng phần đông là bị nhấn chìm. Như một đêm dài, thấy nổi bật lên hình ảnh một người đàn ông đang tìm cách đi tới về phía ngày mới, nhưng mỗi bước đi của anh bóng tối từ bên ngoài cứ không ngừng đổ xuống từng mảng.

Anh đi tìm tình yêu xuyên qua màn đêm sắc dục. Một hành trình vất vả. Anh cứ phải đối mặt thường xuyên với sự quyến rũ của nhục thể đàn bà lẫn sự thôi thúc trong anh. Là khi anh hồi nhớ lại những bi kịch đam mê sắc dục của những người thân (cùng nhiều người khác) và cảm thấy trong huyết quản anh đang chảy một dòng máu hôn ám. Hơn nữa, anh luôn bị chặn đứng lại bởi chính mình, chính xác là bởi cảm giác mệt mỏi trước “nhiều thứ, nhiều người”.

Trước khi mất tích, Trâm, người yêu của anh, đặt ra cho anh một câu hỏi nghiêm trọng: “Điều gì khiến chúng ta không thể yêu nhau bằng bản năng và tự nhiên được hả anh?” Anh không trả lời được.
Không riêng gì anh, hầu hết chúng ta đều không thể trả lời được một câu hỏi như thế. Nhưng với câu hỏi như một thỏi nam châm đó, bên cạnh vài câu hỏi khác, cuốn tiểu thuyết có một trung tâm thu hút để chuyển động. Và sự chuyển động của các nhân vật, các tình huống, các tâm trạng diễn ra thật gấp gáp dồn dập như thể chúng giành nhau khẳng định vị thế của mình – vị thế hướng về chủ đề tiểu thuyết.

Đối mặt với câu hỏi, anh chỉ “linh cảm” là trở lực nằm ở đâu đó trong truyền thống xã hội. Bây giờ, khi nàng đã mất tích, anh đi tìm nàng, mà thực chất đó là hành trình đi tìm ý nghĩa của tình yêu như một phương diện không thể tách rời của tình dục.

Và khi trang sách cuối cùng đã khép lại, chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời gián tiếp qua cách nhân vật chính quyết định giảm trừ những gì nặng nề của vật chất - xã hội, để cho thân xác được nhẹ nhõm sảng khoái: “Anh khỏa thân nằm một mình, ngủ tích cực, triền miên, ngủ như trẻ thơ, cứ mặc những mùa gió cũ quay ngược chở nặng ký ức xao động giữa cố hương”.

Cần phải nhắc lại rằng cho mãi đến giữa thế kỷ 20, người ta mới chú ý đến vai trò của thân xác, mới thấy thân xác là nơi làm nên hiện hữu căn bản và sơ khởi của con người.

Hành trình của anh ta có cái gì đó gần với hành trình của nhân loại, qua cái nhìn của Freud, muốn thắng vượt cái phần thâm u lớn lao phi lý tính có tên là dục năng (libido) thống trị tất cả sinh hoạt con người. Freud đã làm cho cả châu Âu đang dương dương tự đắc với Thế kỷ Ánh sáng - lý tính của mình cảm thấy xấu hổ và giận dữ khi vạch trần ra cái thế giới ghê gớm đó.

Trong tiểu thuyết này, Tiến Đạt cũng có thể làm độc giả giật mình khi ngòi bút sắc ngọt của anh không ngừng khám phá những tình huống mà ở đó các nhân vật của anh bị “dẫn dụ” hay khuất phục trước sự réo gọi của thân xác.

Bằng một cấu trúc vừa đủ chặt chẽ để cố kết chủ đề, vừa đủ thoáng cho một không gian đa sự của tiểu thuyết, tác giả lần lượt trình diện cho ta thấy từng bộ mặt âu lo khắc khoải của các nhân vật sau khi bị lôi cuốn vào bão táp sắc dục. Và vì thế, có thể nói câu chuyện gây cho ta cảm tưởng rằng, âu lo khắc khoải gắn chặt với sắc dục.

Từ đó, sắc dục gắn chặt với bi kịch con người. Nó thường xuyên gây ra đổ vỡ, mất mát cho những ai dính dáng đến. Mà gần như không ai không dính dáng đến nó. Ít nhất thì cuốn tiểu thuyết này đã cho thấy điều đó.

Và giăng mắc qua các trang sách là những cạm bẫy khác nhau của sắc dục. Từng thân phận người mắc kẹt sa bẫy trong đó. Sức mạnh của thế giới sắc dục quá lớn đến nỗi đa số những người bình thường trong tiểu thuyết này không vượt qua được.

Trong khi những người mạnh mẽ của Freud ngoài kia thắng vượt được nó, thăng hoa dục tính thành nghệ thuật, tôn giáo, chính trị… thì các nhân vật của Tiến Đạt bị đè bẹp không lối thoát, ngoại trừ một hai người, trong đó có nhân vật chính, nhưng anh ta cũng phải chịu tả tơi cho đến gần hết một thời trưởng thành của mình.

Rất may cho anh, vì dù là “một thằng đàn ông đam mê sắc dục”, nhưng anh luôn tìm được trong sách vở “sự chia sẻ đến tận cùng sau những va chạm của các nền văn minh, sự tương tác giữa các nền văn hóa và hàng triệu khuôn mặt người trên khắp hành tinh trong cuộc tìm kiếm bản lai diện mục tôi là ai từ đâu đến đang làm gì chuẩn bị đi về đâu”.
Tiểu thuyết Thể xác lưu lạc của Tiến Đạt

Nhà phê bình Nguyễn Hoà:

Những hồi ức đứt đoạn và những trăn trở như để mổ xẻ hoặc lý giải về quá khứ, rồi những câu hỏi và trả lời, những tự vấn và tâm sự uất ức hoặc dửng dưng, những niềm vui thoáng qua, những cuộc tình và vô số cuộc giao hoan được mô tả với động tác và ngôn từ hầu như lặp lại, rồi rượu và ngao du, rồi chân thành và phản bội, rồi khoan dung và gian trá... liên tục xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết, chúng làm cho cuộc truy tìm người yêu của Trần - nhân vật chính trong tiểu thuyết, như trở thành điểm tựa mang vác một luận đề về sự tồn tại. Chúng làm tôi như thấy thấp thoáng đâu đó, như có bóng dáng của "tinh thần hiện sinh"?

Cái "tinh thần hiện sinh" ấy như đã khởi phát từ ngày Trâm - người Trần yêu tha thiết và gắn bó như máu thịt, bỗng nhiên biến mất, mà căn nguyên có thể (xin nhấn mạnh - NH) là do tai nạn giao thông, nhưng Trần lại không đi tìm, anh dửng dưng: "không vào nhà xác các bệnh viện tìm Trâm. Anh không dám tin Trâm bị tai nạn chết. Anh không đủ can đảm nhìn Trâm trong đời sống thực vật. Anh không đủ khả năng cưu mang Trâm khi nàng nằm trên giường bệnh. Anh chọn giải pháp chờ đợi ngày đẹp trời nàng quay về". Để rồi hàng chục năm sống như tha nhân giữa cuộc đời, trong cuộc mưu sinh từ khốn khó đến thành đạt, Trần vẫn bị ám ảnh bởi câu hỏi: Trâm còn sống hay Trâm đã mất, có nên đi tìm Trâm hay không? Để rồi, Trần đã đi tìm. Đi tìm một cách ý thức nhưng đón nhận kết quả một cách vô thức. Thiết nghĩ, đó chính là nghịch lý ở nhân vật này, nếu không nói là Trần sống trong một thế giới tinh thần lưu lạc.

Tác giả đã "làm nên" Trần giữa những tình huống xã hội - tinh thần tưởng chừng là đặc biệt, nhưng suy đến cùng cũng không nhiều đặc biệt. Các biến động quyết liệt của xã hội, sự chuyển dịch mạnh mẽ của nhiều giá trị thiết thân, cuộc mưu sinh cơ hồ vừa vô trật tự vừa đan xen với các mánh khoé, mẹo mực vốn chưa từng xuất hiện một cách ồ ạt trong đời sống thường ngày của người Việt đã và đang đẩy những ai "cả nghĩ" vào tâm trạng hoang mang, nếu không nói là bất ổn.

Chấp nhận để thay đổi, thậm chí là đánh mất mình, hay trì níu những gì từng làm nên mình mà khó có thể tường minh kết quả ra sao, hay chán nản, bất cần và phó thác theo lối "mặc đời trôi chảy"... đều là các câu hỏi dự phóng đang "lưu lạc" trong đời sống tinh thần của không ít người. Nhưng, suy tư và các câu hỏi đặt ra ở cuốn tiểu thuyết đã vượt qua ý nghĩa của "tinh thần hiện sinh", vì các nhân vật, như Trần chẳng hạn, vẫn ý thức về trách nhiệm xã hội, anh vẫn biết "sống tử tế hơn ngày hôm qua", vẫn tự dằn vặt mình với các câu hỏi: "Anh đã làm gì mang lại niềm vui, bình yên cho người thân và những người lân cận? Liệu anh có chấp nhận sự thua thiệt bản thân để góp phần vào công cuộc tẩy rửa rác rưởi trong môi trường đang ngày càng ô tạp vì tính bền vững chung của cộng đồng?". Có lẽ đó là vấn đề xã hội - con người mà Thể xác lưu lạc đặt ra, làm cho cuốn tiểu thuyết có dáng dấp luận đề, và quả thật, "tính luận đề" trở đi trở lại trong cuốn sách như là một cách thức khảo nghiệm để tìm câu trả lời. Và với thủ pháp thời gian đồng hiện, Tiến Đạt đã có cái "chìa khoá" để cấu tứ điều anh muốn viết. Tuy nhiên, sử dụng thủ pháp mới là một việc, thành công đến đâu lại là việc khác.  

Nhà văn Lê Anh Hoài:

Trong tiểu thuyết Thể xác lưu lạc, cuộc sống hôm nay được trần hiện với một số đoạn hoặc chi tiết khá đắt, lột tả bản chất. Tuy nhiên về mặt nghệ thuật tiểu thuyết, Thể xác lưu lạc còn bộc lộ một số nhược điểm. Để có cớ dựa vào tình dục, tác giả đã cho nhân vật Trần trôi nổi trong quá nhiều mối quan hệ, mà một số quan hệ không hệ không hoàn toàn thuyết phục, thậm chí có mối quan hệ khiên cưỡng dẫn đến phản cảm (với Trầm, chị của Trâm chẳng hạn). Cũng vì quá nhiều mối quan hệ nhưng kết dính chưa đủ độ, không nhuyễn, nên xảy ra tình trạng nhân vật nổi lên khá đậm ở đoạn này, nhưng sang đoạn khác lại biến mất như chưa hề có… 

Tính cách nhân vật chưa sắc nét, đôi chỗ có cảm tưởng ý nghĩ này, câu nói này gắn vào nhân vật nào cũng được - một cô điếm cũng triết lý sâu xa như một cử nhân, một bà mẹ của thời xa ngái viết thư cũng chẳng khác gì một cô gái ngày nay… Tình huống truyện, tiếc thay có vài tình huông quan trọng nhất , cũng bị tác giả đưa vào chỗ khiên cưỡng. Nhân vật Trâm mất tích, dù tự bỏ đi hay bị tai nạn, cũng không thể diễn ra giản đơn như thế. Rồi một thoả ước lý thân cũng không thể nhẹ nhõm như cái ngoắc tay của con trẻ như thế. Đây là những điểm dễ gẫy, rất đáng tiếc trong một cuốn tiểu thuyết có nhiều đột phá mạnh bạo rất đáng chú ý như Thể xác lưu lạc của Tiến Đạt. 

GIA VĂN
Nguồn: Văn Nghệ Trẻ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều