Thứ Năm, 5 tháng 7, 2018

Nhà văn Đoàn Thạch Biền: Người của miền Áo trắng

Trong trí tưởng của tôi không nghĩ có ngày được ông mời đi nhậu. Tôi, đang mon men đâu đó ngoài rìa văn chương, tập tành vài ba truyện ngắn, lại được nhà văn gạo cội, ông chủ của vựa văn chương tuổi mới lớn, theo cả nghĩa sản xuất lẫn đào tạo, mời nhậu, thì hỏi sao không bất ngờ?! Đấy là câu chuyện của 8 năm về trước, khi tôi đang lơ ngơ chân ướt chân ráo ở chơi Sài Gòn, chờ ngày về Bà Rịa - Vũng Tàu dạy học. Sau này mới biết, chuyện Đoàn Thạch Biền chủ động gặp gỡ các cây viết trẻ để tiếp lửa cho ngòi bút của họ là việc làm thường xuyên của ông.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền

1. Chiều Sài Gòn. Tháng Mười một. Nắng thảnh thơi trên tán lá khế nơi quán Ruốc của nhà văn Mường Mán. Tôi, nửa hồi hộp nửa hân hoan xen lẫn ngượng ngùng và pha thêm chút hiếu kỳ, bởi ngay trước mặt là nhà văn Đoàn Thạch Biền. Dù trước đó 5 tháng, tôi cùng với đông đảo cộng tác viên của tập san Áo Trắng đã gặp ông, khi ông ra dự Festival Huế lần thứ 5. Lần ấy tôi chỉ dám kính nhi viễn chi. Ông hiện hữu đấy mà như… cao lắm và xa lắm.

Trong trí tưởng của tôi không nghĩ có ngày được ông mời đi nhậu. Tôi, đang mon men đâu đó ngoài rìa văn chương, tập tành vài ba truyện ngắn, lại được nhà văn gạo cội, ông chủ của vựa văn chương tuổi mới lớn, theo cả nghĩa sản xuất lẫn đào tạo, mời nhậu, thì hỏi sao không bất ngờ?! Đấy là câu chuyện của 8 năm về trước, khi tôi đang lơ ngơ chân ướt chân ráo ở chơi Sài Gòn, chờ ngày về Bà Rịa - Vũng Tàu dạy học. Sau này mới biết, chuyện Đoàn Thạch Biền chủ động gặp gỡ các cây viết trẻ để tiếp lửa cho ngòi bút của họ là việc làm thường xuyên của ông.

Lý lịch trích chéo của nhà văn Đoàn Thạch Biền đọc lên nghe rất… "Bắc Trung Nam sum họp một nhà, cao nguyên và biển gần xa đã từng". Thì đấy, ông sinh ở Nam Định, học tiểu học ở Hội An, học trung học ở Đà Nẵng, học đại học Văn khoa ở Sài Gòn, dạy Triết học ở Bình Thuận, làm nông dân trồng dâu ở Lâm Đồng, làm công nhân rồi làm báo Người lao động ở TP. Hồ Chí Minh.

Tiểu sử văn học của ông cũng gay cấn không kém. Viết văn, xuất bản sách, từng đoạt giải thưởng Văn học Nghệ thuật quốc gia (miền Nam) trước năm 1975 về kịch bản sân khấu với tên Nguyễn Thanh Trịnh. Hàng loạt tác phẩm của Đoàn Thạch Biền, chỉ cần đọc tựa thôi đã đủ sức gây tò mò cho bạn đọc mới lớn, từ "Ví dụ ta yêu nhau" đến "Bất ngờ phía trái tim", "Đừng đốt cháy bông hồng", rồi "Những ngày tươi đẹp", "Mùa hè khắc nghiệt", và "Tôi thương mà em đâu có hay", "Tôi hay mà em đâu có thương", "Tình nhỏ làm sao quên"…

Tôi vẫn nhớ cảm giác lần đầu tiên chạm vào thế giới văn chương Đoàn Thạch Biền. Huế buổi chiều năm hai đại học, mây bàng bạc gió lơ đễnh như chở nguyên vẹn sắc diện lưu cửu của mảnh đất cố đô, tôi bắt gặp tập truyện "Ví dụ ta yêu nhau" ở sạp sách báo cũ quen thuộc bên đường Nguyễn Trường Tộ, đối diện căn gác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm xưa, giờ gọi là gác Trịnh, nơi lưu niệm cố nhạc sĩ. Tập truyện từng được NXB Bạn Ngọc in năm 1974 tại Sài Gòn này được NXB An Giang in lại vào năm 1989 trong tình trạng không còn bìa. Bữa ấy, đêm đến, tôi bập vào 14 ví dụ về tình yêu, tức 14 truyện ngắn trong cuốn sách. Vừa đọc vừa cười, khi tủm tỉm khi phá lên thành tiếng, đến mức cậu bạn cùng phòng phải lại đặt tay lên trán xem tôi có bị làm sao không?

Không. Tôi chẳng sao. Đơn giản chỉ là tôi "phản ứng" với giọng văn nhẹ nhàng, đối thoại của các nhân vật dí dỏm, thông minh pha chút triết lý trong văn Đoàn Thạch Biền mà thôi. Cả cách ông cho nhân vật xưng "ông" và "em" nữa, là lạ, ngỡ xa mà lại gần, gợi khiêu khích. Kiểu xưng hô này, ở văn chương miền Nam trước đây, một vài tác giả khác cũng có dùng. Nhưng sau này chỉ còn thấy trong văn chương Đoàn Thạch Biền. Rõ ràng. Nhất quán. Mặc nhiên, người đọc xem như đây là dấu hiệu để nhận biết văn chương ông.
Xuyên suốt từ tập truyện đầu tay đến các tác phẩm sau này, dù cho bản thân tác giả phải lăn lộn thích ứng với nhiều môi trường sống khác nhau bởi sự biến thiên của thời cuộc, thì văn chương Đoàn Thạch Biền vẫn son sắc thủy chung một mực giành cho tuổi mới lớn. Như ông nói: "Đấy là những năm tháng yêu thương tưởng chừng như mộng ảo, nhưng cơn ngầy ngật đắm say vẫn còn rung động suốt đời người". Và ông tin đời sống hiện nay vẫn cần những rung động đó. Thực tế khẳng định điều ông nói là đúng, bởi tác phẩm của ông vẫn được các NXB và Công ty sách lâu lâu lại tái bản.

2. Không chỉ bạn đọc nhắc nhớ, Đoàn Thạch Biền còn được các thế hệ viết từ 7X trở về sau nhắc nhớ. Thập niên 90 thế kỷ trước là thời kỳ nở rộ văn chương tuổi mới lớn được viết bởi chính các cây viết tuổi mới lớn. Từ cái nôi của bút nhóm "Hương đầu mùa" báo Hoa học trò, bút nhóm "Vòm me xanh" báo Mực Tím và "Gia đình Áo Trắng" của tập san Áo Trắng. Trong đó Áo Trắng với sự "đỡ đầu" của NXB Trẻ, là tập san văn chương thuần túy duy nhất, do nhà văn Đoàn Thạch Biền làm chủ biên, với lượng phát hành lên tới 3 vạn bản/ số/ tháng.

Áo Trắng len lỏi tới hầu hết các địa phương, cùng với đó là mô hình "Gia đình Áo Trắng", nơi quy tụ các cây viết trẻ. Sinh hoạt rôm rả. Không khí văn chương thấm đẫm vào mỗi tâm hồn mộng trắng trong. Thời ấy, Thẻ thành viên "Gia đình Áo Trắng" được ký bởi giám đốc NXB Trẻ có giá trị tương đương như Thẻ sinh viên hay Chứng minh thư nhân dân, bởi có thể cắm Thẻ thành viên "Gia đình Áo Trắng" để… ăn cơm bụi như thường. Chính lò văn chương Áo Trắng này là nơi khởi đầu của nhiều nhà văn/ nhà thơ/ nhà báo 7X thành danh hiện nay, hoặc chí ít cũng có thời gian họ "gian díu", như: Dương Bình Nguyên, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phong Điệp, Vi Thùy Linh, Trang Hạ, v.v… Không ít người vẫn vẹn nguyên thổn thức khi nhớ lại những lá thư tay của nhà văn Đoàn Thạch Biền đong đầy tâm huyết, khích lệ động viên để họ dấn bước vào thế giới chữ nghĩa nhiều mê hoặc xúc cảm nhưng cũng đầy trở trăn mệt nhọc.

Rồi cơn bão thông tin của thế kỷ 21 ập đến, các loại hình giải trí "ăn nhanh" khác lên ngôi. Văn chương bị lấn át. Các bút nhóm lay lắt dần tan rã. Duy tập san Áo Trắng là vẫn được Đoàn Thạch Biền kiên tâm chăm chút. Áo Trắng chuyển "mẹ đỡ đầu" từ NXB Trẻ sang Báo Tuổi Trẻ rồi lại trở về NXB Trẻ. Chắc chỉ Đoàn Thạch Biền mới có đủ uy tín và "được thương" để làm nổi những cuộc thiên di ấy. Nhờ vậy, thêm hàng loạt các cây viết trẻ 8X, 9X được Áo Trắng và Đoàn Thạch Biền điểm tên, đẩy vào đường băng con chữ. 

3. Đoàn Thạch Biền có thể từ chối các cuộc gặp gỡ ở đâu đó không biết, riêng với các bạn viết trẻ tôi chưa thấy ông chối từ bao giờ. Áo pull đóng thùng với quần jean. Mái tóc bum - bê kiểu Beatles 45 năm trước luôn đen nhánh. Ông trẻ trung phó mặc thời gian. Không tin được đấy lại là hình ảnh của người sinh sau nạn đói Ất Dậu có 3 năm, 1948. Thi thoảng, giữa các cuộc ồn ào ông hay ngồi lặng lẽ, nhả hơi thuốc và nhìn lơ đãng. Nếu ai đó mượn vài ly mà bốc quá, đi hơi xa… sự thật, ông chỉ khẽ cười hấc lên cái rồi thôi. Khi ấy, chẳng hiểu sao, tôi lại thấy rõ nhất một người học Triết ở ông.

Và trong các cuộc vui văn nghệ, Đoàn Thạch Biền khi bắt buộc phải đóng thế vai nhà thơ lại khiến nhiều người giật mình và tủm tỉm. Thơ ông như văn ông vậy. Liên tưởng lạ. Cách diễn đạt lí lắc. Thông minh. Ví như: "Em vô tư, tôi vô tư/ Ta vô tư quá làm hư cuộc tình", hay "Em đơn giản hóa mọi điều/ Em đơn giản quá làm nhiều người đau", rồi "Cám ơn em yêu lòng vòng/ Giúp tôi quanh quẩn đời rong rêu thừa", hoặc "Mưa nhòe chiều Chủ nhật/ Qua sông. Thứ Hai rồi/ Ở vòm trời sáng đó/ Mưa cũng vừa quên tôi".

Có độc giả hỏi Đoàn Thạch Biền, rằng ông tâm đắc với tác phẩm nào của mình nhất? Ông bảo là "Ví dụ ta yêu nhau", tập truyện đầu tay, nó giống như mối tình đầu đã mất. Tuy còn ngây ngô vụng dại nhưng để lại những kỷ niệm đẹp khó quên. Còn hỏi bạn đọc tâm đắc với tác phẩm nào của Đoàn Thạch Biền, phần đa nhận được câu trả lời là truyện vừa "Tình nhỏ làm sao quên". Chính từ truyện này Đoàn Thạch Biền chấp bút thành kịch bản phim truyện video cùng tên được Hãng phim Giải phóng sản xuất với đạo diễn Lê Hoàng Hoa (đạo diễn series phim "Ván bài lật ngửa") đã giành 2 huy chương vàng tại Liên hoan phim lần thứ 9 (1993), và là bệ phóng để diễn viên nữ chính Mỹ Duyên từ diễn viên múa bước vào làng điện ảnh, nổi tiếng cho đến nay.

4. Vài năm trở lại đây, nhà văn Đoàn Thạch Biền còn được biết đến là người cùng với nhà văn Nguyễn Đông Thức thực hiện chương trình từ thiện Mô - tô học bổng. Hai nhà văn "già gân" này tự bỏ tiền túi và kêu gọi bạn hữu ủng hộ, rồi chạy mô - tô đi trao học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Dần dần thêm các Mạnh Thường Quân, thêm bạn bè trong và ngoài nước ủng hộ, chương trình từ thiện khởi đi từ các tỉnh miền Tây, sang các tỉnh miền Đông, rồi lên Tây Nguyên, ra miền Trung và vươn xa tới cả Tây Bắc.

Vậy là, sau các trang văn giành cho lứa tuổi áo trắng, sau tập san văn chương Áo Trắng, Đoàn Thạch Biền lại cùng người bạn văn chương của mình viết tiếp giấc mơ đến trường cho các em tuổi áo trắng. Dường như, ông là người của miền Áo Trắng!

VĂN THÀNH LÊ
Nguồn: VNCA



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều