Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

Văn chương Việt và khủng hoảng mang tính nhân loại

Vẫn quá sớm để nói đến việc khủng hoảng văn chương. Vì cứ mỗi lần giới phê bình lên tiếng thì văn chương tự khắc có lối mở, thoát hiểm ngoạn mục, khiến mọi chỉ trích trở thành khôi hài. Cuộc khủng hoảng tiểu thuyết Mới Mới vào thập niên 1950 là một minh chứng.
GS. TS Lê Huy Bắc

Thêm nữa, đòi hỏi văn chương ngay lập tức sản sinh ra kiệt tác là điều không thể. Phải mất cả thập kỉ, thậm chí là vài thập kỉ, nhân loại sáu tỉ người mới có thể đón đọc được một vài tác phẩm thực sự có giá trị. Qua thời gian, số còn lại chỉ là một vài đại diện tiêu biểu nhất mà thôi. Chẳng hạn thời Phục hưng bây giờ còn lại gì ngoài Don Quixote, Hamlet và vài ba cái tên khác?

Như thế, sự khủng hoảng văn chương xem ra là của mọi thời. Thời nào cũng có và bằng cách nào đó thời nào văn chương cũng sống lại, mạnh mẽ hơn xưa. Vấn đề đặt ra là, ngày nay người ta viết văn như thế nào và người đọc cần loại văn chương nào. Câu trả lời đâu dễ. Khảo sát tình hình xuất bản Việt những năm gần đây, ta thấy, hầu như chẳng có sự đổi mới lớn lao nào. Vẫn đa phần là những cây bút cũ với lối viết thì chẳng thể nào cũ hơn. Theo cách, có một cốt truyện, một cảm hứng thường trực, nhà văn miệt mài gõ bàn phím để cho câu chữ dày lên thành tác phẩm. Chưa có nhiều động thái mang dấu hiệu thực sự của cuộc cách tân văn chương. Trong khoảng mười năm trở lại đây, văn chương Việt như thể vẫn giẫm chân tại chỗ, với nhịp điệu “bước đều bước” nhưng không nhúc nhích lấy một li. Những cái bóng Tố Hữu, Lê Đạt, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Quang Vũ… dần chìm khuất mà chẳng thấy hậu sinh nào nổi lên.

Việt đã vậy mà thế giới cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Rải rác vẫn xuất hiện vài gương mặt có những nỗ lực nhất định để nói được tiếng nói của văn chương thời đại. Chẳng hạn, Nhật có hai đại diện đang sung sức. Đó là Haruki Murakami và Banana Yoshimoto. Họ viết hay, hấp dẫn. Tác phẩm của họ được dịch ra hàng chục thứ tiếng và được tiêu thụ hàng triệu bản… Tuy nhiên, đọc kĩ thì thấy họ vẫn chỉ là hạng hai so với bậc tiền bối Yasunary Kawabata. Tương tự, sau bộ tứ lừng danh John Updike, Don DeLillo, Thomas Pinchon và Philip Roth thì Hoa Kì vẫn chưa xuất hiện gương mặt nào khả dĩ để “đánh bật” các bậc tiền bối kia. Xem ra thì cái thời khủng hoảng văn chương đã đến thực sự rồi.

Khủng hoảng văn chương còn có thể kiểm chứng qua khủng hoảng giải thưởng. Theo dõi giải Nobel văn học hai năm lại đây ta thấy sự biến diễn ra rất rõ. Cả hai lần trao giải, một cho tác phẩm phóng sự và một cho tác phẩm nhạc được biện minh khôi hài là chất thơ trong nhạc.

Nobel 2016 được dành cho Bob Dylan. Đây là vinh quang trái khoáy mà ngay đến cả nằm mơ Dylan cũng chẳng thể nào tưởng tượng nổi. Buồn cười hơn là ngay sau đó, không biết vô tình hay cố ý, rất nhiều tờ báo giật tít “Ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan giành giải Nobel văn học 2016”. Rõ ràng, suốt đời Dylan chỉ có ca hát, ông đâu có dính dáng gì đến văn chương. Biết mình nhận được vinh quang đó, Dylan lúng túng mãi thời gian sau mới chấp nhận giải thưởng.

Việc trao Nobel cho người thiên về phóng sự và một nhạc sĩ chính hiệu đã phần nào chỉ ra sự khủng hoảng lớn lao trong sáng tác văn chương. Các tác phẩm vẫn không ngừng được viết ra, các giải thưởng vẫn không ngừng trao không có nghĩa văn chương vẫn trên hành trình gặt hái thành tựu. Xét về mặt nào đó, chính các giải thưởng cũng góp phần tạo nên khủng hoảng.

Vẫn chuyện Bob Dylan, thông thường, một người đầu óc bình thường thì chẳng thể nào xem âm nhạc là văn chương được và chẳng có ai rồ đến mức gọi âm nhạc là văn chương. Nhưng ngẫm kĩ thì hành động đó ít nhiều cũng có cái lí của nó. Việc trao giải Nobel này hướng đến cái đích là mở rộng ranh giới văn chương, không đóng kín văn chương trong các thể loại đã được định hình đông cứng mà cánh lí thuyết phê bình phân chia bấy lâu. Như thế đã rõ, các vị Hàn lâm viện đó nhận thức được sự khủng hoảng.

Thử nhìn lại các giải thưởng Việt được trao những năm gần đây cũng có diễn biến gần như vậy. Ta thấy có hai cách thức được tiến hành, hoặc là “so bó đũa chọn cột cờ”, xem cái nào khả dĩ nhất thì trao thưởng; hoặc là “hồi cố” tặng cho những tác phẩm đã ra đời trước đây. Tình thực mà nói, ngay cả người đứng ra tặng hay ngay chính người được tặng, đa phần đều biết rõ có gì đấy chưa được ổn, bởi lẽ những tác phẩm đoạt giải đó phần nhiều đâu có giá trị cao về mặt tư tưởng lẫn nghệ thuật, đâu có mấy người đọc và bị lãng quên ngay sau khi giải được trao.

Vấn đề đặt ra là nguyên nhân nào làm suy yếu văn chương đến thế. Hào quang văn chương nhân loại rực rỡ vào thời Hi Lạp cổ đại hoặc gần hơn là vào thời của chủ nghĩa lãng mạn. Lúc đó, con người tôn vinh những giá trị tinh thần, đặc biệt là lối tư duy khai phóng, tưởng tượng bay bổng lạ thường, trên cái nền nhân văn thấm đẫm tình người, tình yêu thương nhân loại tha thiết. Văn chương lấy thiên chức hướng thiện, giam cấm thô lỗ, cục cằn, làm giàu đời sống tâm hồn, phóng thích kí ức… làm nguyên tắc tối thượng để sống còn. Người Hi Lạp có một nền văn chương trác tuyệt vì nó được tôn vinh như là đỉnh cao tri thức, đạo đức và xúc cảm của con người. Con người có thể sống chết vì văn chương. Thơ và kịch rất được đề cao. Đặc biệt, khi một tác giả kịch đoạt giải nhất trong năm thì người đó được tôn vinh hơn cả một vị quân vương. Tương tự, Victor Hugo cũng rất được sùng bái lúc sống. Cả triệu người háo hức đợi ngày tác phẩm của ông được ấn hành. Ngay đến khi chết, người tham dự đám tang ông đông hàng triệu.

Trong khoảng năm mươi năm trở lại đây, nhân loại đâu còn truyền thống tôn vinh văn học đến mức thần thánh. Vẫn xuất hiện nhà văn giỏi, cỡ như Gabriel Garcia Marquez, nhưng ông đâu được sùng bái như Tổng thống Vladimir Putin, Bill Clinton hay ông chủ Microsoft Bill Gates. Vị thế của văn chương vì thế ngày càng xuống cấp. Mối quan tâm của con người giờ đây thiên hẳn sang vật chất và địa vị xã hội. Càng nhiều tiền và quyền lực càng lớn thì càng được đánh giá cao. Hằng năm, người ta miệt mài thống kê có bao nhiêu tỉ phú dollar, ai là người đứng đầu thị trường chứng khoán, chứ mấy ai đi làm thống kê là có bao nhiêu nhà văn nổi tiếng và nhà văn nào là nổi tiếng nhất đâu. Những giá trị tinh thần bị lãng quên đã khiến văn chương ngày càng rơi vào nỗi bi đát.

Gắn với vật chất là các giá trị công nghệ. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang thu hút hầu hết chất xám của nhân loại vào cuộc chạy đua bất tận về những thành tựu khoa học kĩ thuật. Tiện ích của cách mạng công nghệ thì miễn bàn, nhưng nhiều người lẽ ra đã trở thành nhà văn vĩ đại lại hóa kĩ sư quèn. Ngược lại, có ai đó chẳng thể thành kĩ sư cơ khí bèn chuyển hướng sang sáng tác văn chương, trở thành nhà văn bất đắc dĩ. Sự khủng hoảng nhân loại từ khía cạnh này quả là vượt qua cả giới hạn văn chương. Ngày nay, con người dường như chẳng biết mình là ai, hành động vì lẽ gì mà cứ như những con thiêu thân lao đầu vào những cám dỗ nhất thời để mất đi những giá trị bền vững cao quý.

Muôn đời văn chương cũng đều vì con người. Văn chương luôn đảm trách việc giáo huấn người. Nhưng nếu lộ liễu thì sẽ khó có sức thuyết phục. Văn chương nói theo cách đặc thù, có thể từ nỗi đau để cảm hóa, có thể từ sự mỉa mai để thức tỉnh, có thể từ tiếng cười để tống tiễn những thói tật; văn chương nói lời yêu thương, cảm thông, tha thứ và nghiêm cấm thù hằn… Trên tất cả, văn chương cần vượt qua được sự khủng hoảng của chính nó.

Đỉnh cao của văn chương hiện đại Việt có thể nằm ở thời 1930-1945, có thể ở thời sau 1986 và có thể ở thời nào đó trong tương lai. Điểm lại những mốc này để thấy, đã có những khủng hoảng và văn chương Việt đã vượt qua tuy thành tựu có được không thực sự nhiều. Cũng bị cuốn vào những cám dỗ vật chất và cách mạng 4.0, có lẽ những phần tử tinh túy nhất cho trí tuệ Việt cũng đã nhao vào đó hoặc những nơi mà người ta thấy có thể đảm bảo được công việc và cuộc sống. Bằng chứng dễ nhận thấy nhất của chuyện này là khoảng mười năm trở lại đây, học sinh khối C (thiên về môn văn) đa số những người giỏi đều chọn vào các ngành quân đội và công an, những ngành hầu như chẳng sử dụng nhiều trí tưởng tượng bay bổng, không cần nhiều ngôn từ hoa mĩ, nhưng lại đảm bảo cho họ một cuộc sống tương lai khả dĩ hơn là theo đuổi nghiệp văn đầy bất trắc. Gần như rất hiếm nhà văn Việt có thể sống bằng nghề.

Mỗi thời đại dường như đều lưu tồn hai xu hướng văn học chính. Một dòng mang tính xu thời (có thể gọi là văn học định chế), một dòng phục vụ cho sự tiến hóa (có thể gọi là văn chương khai phóng). Nhà văn xu thời thì thường được hưởng nhiều quyền lợi hơn từ công chúng bình dân và thậm chí là từ giới cầm quyền. Nhà văn khai phóng thì lầm lũi đi trên con đường đơn độc của sáng tạo nghệ thuật, có thể bị hắt hủi, chê bai, nhưng chính họ mới có thể tạo ra sự thay đổi thẩm mĩ. Cá biệt, có số ít nằm giữa hai nhóm này, họ là những kẻ trung dung, sáng tạo vừa phải và xu thời cũng vừa phải. Cả ba hướng sáng tác này đều có “cái dụng” nhất định của nó. Trong nền văn học Mĩ đương đại, Stephen King là một nhà văn định chế. Ông này không có những cách tân làm thay đổi bộ mặt văn học Mĩ nhưng với lối kể kinh dị, ma quái rất truyền thống Mĩ của mình, King đã hớp hồn hàng chục triệu độc giả không chỉ ở trong nước mà còn cả ngoài nước, tạo nên “cơn cuồng King”. King chính là nhà văn phục vụ lợi ích đám đông trước mắt, được đám đông tung hô, kiếm được rất nhiều tiền, nhưng giá trị văn chương đích thực thì chẳng đáng trông cậy.

Những sáng tác kiểu này cũng là nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng văn chương. Bề ngoài thì được nhiệt liệt hoan hô, nhưng ai cũng biết đấy chỉ là thứ văn chương giải trí tầm phào, rất ít, nếu không muốn nói là không có người tìm đọc lần thứ hai. Loại văn chương “đọc một lần vứt xó” thường chiếm tỉ lệ rất lớn trên văn đàn. Chúng tồn tại là nhờ các định chế thẩm mĩ nông cạn đã thành nếp, lười tư duy của người đọc, hoặc khác đi là nhờ nhu cầu giải trí tức thời của con người. Một khi tiêu khiển xong thì chẳng còn ai đoái hoài đến. Trong khi đó, văn chương chân chính thì không bao giờ là “tiêu khiển”, “vứt xó”. Nó là nỗi đau hay hạnh phúc cứ đeo riết lấy hồn người dài lâu.

Xem ra thì mọi phân tích hay định giá, phân hạng văn chương đều có chỗ bất cập. Những gì được nói đến ở trên chỉ là sự phân giải cho rõ ý chứ thực tế thì phức tạp hơn nhiều. Trở lại với mối quan ngại về cái gọi là “văn chương lâm nguy” (chữ của Todorov) của người Việt, ta thấy nổi lên vấn đề là chúng ta hầu như ít có tác phẩm xuất sắc khoảng mười năm trở lại đây. Tình thế này đòi hỏi cánh sáng tác ngôn từ cần nỗ lực hơn nữa. Tuy nhiên, sáng tạo văn chương là chuyện thiên mệnh. Không ai có thể dạy nhà văn viết như thế nào và không phải cứ muốn làm nhà văn thì có thể trở thành nhà văn. Khi viết, nhà văn hoàn toàn không thể đoạn tuyệt với cái bóng của chính anh ta. Tài năng của nhà văn được ghi nhận ở chỗ anh ta có thể vượt thoát hoặc thoát được bao xa dấu ấn văn hóa đã định thành quán tính trong cách nghĩ, anh ta có đổ chút mồ hôi nào để vật lộn với chính cái bóng quái ác đó hay không. Văn chương chân chính ra đời trên những lối rẽ. Càng nhiều lối rẽ, càng nhiều mê lộ, tác phẩm đó càng thu hút sự giải mã bất tận từ phía người đọc. Mọi sự đơn giản đều giết chết văn chương.

Cần phân biệt giữa sự phức tạp làm đỏm và sự đơn giản trí tuệ, minh triết. Ngôi nhà xưa bên suối của Cao Duy Sơn hay nhiều truyện ngắn của Phan Việt được viết theo lối tối giản. Những tác phẩm văn học này khước từ sự “khua môi múa mép” ngôn từ bề mặt. Nhà văn tôn sùng sự giản đơn đến tận cùng. Nhưng cái sự giản đơn đó đâu hề đơn giản bởi mỗi chi tiết nhỏ nhoi của tác phẩm đều ẩn chứa trong nó những giá trị nhân văn sâu thẳm, có thể mở hướng mê lộ vào nhiều nẻo khuất tâm hồn.

Chủ nghĩa tối giản trong văn học có thể xem là điểm nối giữa văn chương và báo chí. Ngày nay, nhân loại đang tiến dần đến cách viết dung hòa đó, được định danh là thể văn báo chí (Journalism). Nó pha trộn lối viết hư cấu truyền thống với bút kí, hồi kí, phóng sự, du kí, phỏng vấn… trong một câu chuyện nửa thật nửa hư. Vì lẽ này mà Nobel văn chương năm 2015 được trao cho nữ nhà văn - nhà báo Svetlana Alexievich với “lối viết văn phức điệu”, nơi tính báo chí chi phối mạnh lối tư duy hư cấu của nữ văn sĩ.

Văn chương Việt cũng bắt kịp xu hướng báo hóa. Gần đây, các tác phẩm tùy bút được xuất hiện nhan nhản trên các quầy sách. Có lẽ cần có tên gọi mới cho loại hình văn xuôi này, bởi chúng không hẳn là tùy bút như quan niệm bấy nay. Nếu không thì đơn giản, ta có thể gọi đó là truyện, nhấn mạnh đặc trưng kể về sự kiện xen bộc lộ cảm xúc... Lối viết này có triển vọng là sẽ khai sinh ra một dạng văn chương mới. Đặc điểm của nó là vừa thực vừa ảo, vừa hư cấu vừa phi hư cấu, vừa ghi chép vừa bịa đặt…

Văn chương cũng như con người, nhiều khát vọng nhưng ít khi thành hiện thực. Vậy nên, ngay cho dù phải thất bại thì giá trị của nó cũng cứ được ghi nhận ở chỗ khao khát cống hiến chút gì đó cho đời. Ta hãy cùng hi vọng về những áng văn khổng lồ Việt trong một tương lai không xa.

 LÊ HUY BẮC

_______________

Đây là tham luận của GS. TS Lê Huy Bắc tại Hội thảo toàn quốc Các xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay: thực trạng và định hướng phát triển do Hội đồng Lí luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tại Quảng Ninh ngày 5.12.2017.

Nguồn: VNQĐ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều