Thứ Hai, 16 tháng 7, 2018

Vẽ trên cơ thể thiếu nữ

Những bức tranh đẹp của Ngô Lực lại kết hợp với cơ thể đẹp, tạo ra sức hấp dẫn khá mê hoặc.

Ngô Lực vẽ tranh body, vẽ trực tiếp tác phẩm lên cơ thể đã khá lâu và theo đánh giá thì Ngô Lực là một trong những họa sĩ hàng đầu của nghệ thuật này, dòng nghệ thuật hiếm tại Việt Nam.

Ngô Lực dùng các chất liệu trong đó có loại dùng hóa trang trong nghệ thuật tuồng và vẽ các tác phẩm lên cơ thể các cô gái, trong khi nhiếp ảnh gia thì ghi lại các bức tranh sống động này. Có khoảng 30 người mẫu hợp tác cùng họa sĩ trong thời gian qua, trong đó có cả người đẹp và hoa hậu. Họa sĩ Ngô Lực cho biết: “Phần lớn các người mẫu tự tìm tới và đề nghị tôi vẽ lên họ. Cả hai bên không ai trả tiền cho ai. Mỗi người đều tự chịu trách nhiệm về câu chuyện của mình”.


 “Một khuôn mặt vốn cân đối, giờ vẽ một nửa khuôn mặt với hình ảnh con người khác khiến chúng ta sẽ nhìn nhận và ấn tượng khác đi về con người ấy”. Ngô Lực quan niệm vẽ là tạo nên sự thay đổi. Anh thường vẽ lại các bức tượng và khiến chúng được mang những ý nghĩa khác hẳn ban đầu. Ngô Lực muốn quá trình vẽ tranh trên cơ thể là quá trình tương tác, giúp người mẫu tìm thấy thêm một điều gì đó thú vị về chính bản thân họ và về nghệ thuật. Người mẫu không phải là công cụ mà chính họ cũng tận hưởng quá trình sáng tạo như một phần của nghệ thuật.

Họa sĩ nhận xét: “Con người ngày nay dễ bị đánh mất bản ngã vì họ bị cuốn theo cuộc sống đương thời. Chẳng hạn khi một mẫu điện thoại mới ra đời thì con người ngày nay rất khó cưỡng lại. Ai cũng đổ xô đi mua. Cuộc sống vật chất với những  nhãn hiệu để bao phủ bên trên cơ thể mỗi người, tới mức một người bình thường không thể định tính họ là ai, bởi họ đã bị truyền thông quảng cáo bao phủ với các nhãn hàng che kín từ đầu đến chân. Lúc này dùng nghệ thuật là để khơi gợi về con người thật”.

Họa sĩ kể: “Tôi mới vẽ cho một hoa hậu người Việt ở nước ngoài. Cô ấy chủ động nhờ vẽ. Họa tiết được vẽ trên cơ cơ thể của cô ấy là hoa văn trên gốm cổ, là rồng phượng, câu chuyện về vua chúa. Qua tiếp xúc, tôi thấy dù cô ấy đi khắp nơi trên thế giới, nhưng cô ấy vẫn mang trong mình câu chuyện cổ tích như thế. Cô ấy có sự mâu thuẫn trong con người Á Đông, vừa tiếp xúc với văn hóa châu Âu nhưng vừa sợ mình mâu thuẫn với các nền văn hóa khác, như sợ bệnh tật vậy!”.
Ảnh do họa sĩ Ngô Lực cung cấp

Họa sĩ này tự tìm tòi bút pháp cho mình: “Vẽ trên người giống  như nghệ thuật kiến trúc, phải hình dung hình ảnh cuộn lại, xoay tất các các góc vẫn liên kết với nhau, không bị rối. Đường cong, đường thẳng, đường cứng đường mềm. Thời kỳ đầu tôi vẽ cũng khó khăn dù việc vẽ nude ở trường mỹ thuật là công việc thường xuyên, nhưng nó khác với vẽ trực tiếp trên cơ thể. Phải nghiên cứu kỹ về con người để mình biết kết thúc hình ảnh ở đâu. Vẽ hầu như không có phác thảo và những ai có thói quen vẽ theo phác thảo thì sẽ không vẽ được, bởi cơ thể mỗi người lại có nét riêng”.

Anh Đỗ Huy Bắc một người am hiểu hội họa kiến trúc chia sẻ với phóng viên: “Mỗi người có một độ cởi mở khác nhau. Tôi ủng hộ Ngô Lực từ đầu, tôi nghĩ Ngô Lực cũng chịu áp lực nhất định khi vẽ những người đẹp, hiện đại, vượt qua định kiến. Rất khó triển lãm thể loại tranh này ở Việt Nam, nhưng có thể triển lãm, chẳng hạn để lộ một phần cơ thể. Tôi nghĩ cần thời gian cho nghệ thuật này phát triển”.  Anh Bắc cũng cảm thông với những họa sĩ tiên phong như Ngô Lực: “Thật ra Lực làm như cuộc chơi, không ra tiền. Ở nước ngoài vẽ body có thể thu vài ngàn USD để phục vụ cho các sự kiện nghệ thuật, còn ở Việt Nam thì Lực thích nên làm thôi. Ở Việt Nam thì vẽ tranh trên cơ thể chưa phải là nghề, chỉ là phần chơi của nghề vẽ, không phải là phần kiếm sống được”.

Người mẫu Thy Na Nguyễn: Em và các nghệ sỹ làm vì cái tâm  

Em biết đến body painting cách đây gần 5 năm, khi body painting nghệ thuật vẽ lên cơ thể còn khá lạ lẫm với mọi người lắm. Em tham gia là vì thích và muốn cho khán giả hiểu hơn về bộ môn nghệ thuật khá mới mẻ này... Mọi người chiêm ngưỡng nghệ thuật sẽ hiểu công sức của hoạ sĩ và cả ekip.

Khi biết em tham gia nghệ thuật này, cũng có người khó chịu, ngay cả gia đình em cũng vậy. Người xưa có quan niệm ăn mặc hở hang đã bị gièm pha, huống hồ chi  body painting là nghệ thuật ngôn ngữ cơ thể... nhưng nếu biết rằng em và các nghệ sỹ làm vì cái tâm, mọi người sẽ có cái nhìn khác hơn. Đến thời điểm này body painting đã được mọi người đón nhận nhiều hơn.

TRẦN NGUYỄN ANH
Báo Tiền Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều