Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018

Nhà thơ, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền: Đời mình là một khúc quân hành

Là một nhà thơ (từng giữ cương vị Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP HCM), song trên thực tế, Diệp Minh Tuyền lại được biết đến nhiều hơn trong tư cách một nhạc sĩ - tác giả của khúc tráng ca bất hủ "Hát mãi khúc quân hành" (được hát nhiều ở các buổi liên hoan hay các dịp lễ trọng), cũng như một số ca khúc rất được khán giả trẻ ưa chuộng: "Cánh hoa lưu ly", "Không dám dâu"...
Nhà thơ Diệp Minh Tuyền (1941 - 1997)

Nếu như đứng riêng rẽ, thơ Diệp Minh Tuyền chưa hẳn đã gây được dấu ấn đặc biệt đối với người đọc, song không hiếm bài lại nổi tiếng dưới hình hài một bài hát do các nhạc sĩ có "hạng" phổ nhạc, như các bài: "Tình Bác sáng đời ta" (nhạc Lưu Hữu Phước), "Màu cờ tôi yêu" (nhạc Phạm Tuyên), "Mùa chim én bay" và "Con đường có lá me bay" (nhạc Hoàng Hiệp)... Có thể khẳng định, Diệp Minh Tuyền là một hiện tượng khá kỳ lạ của làng văn nghệ Việt Nam...

Nhà thơ, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền sinh ngày 18/8/1941 tạo TP Mỹ Tho, trong một gia đình trí thức yêu nước. Cha anh - cụ Diệp Tư - từng là thủ lĩnh của Thanh niên Tiền phong Mỹ Tho. Mẹ anh là giáo viên. Năm lên 9 tuổi, Diệp Minh Tuyền được mẹ đưa vào sống cùng cha tại chiến khu Đồng Tháp Mười. Tại đây, mỗi tối thứ Bảy, cậu bé lại được cùng các bạn thiếu sinh quân hát vang những bài hát bừng bừng khí thế chiến đấu như "Tiểu đoàn 307", "Chiến sĩ Việt Nam"... Lòng yêu nước, yêu âm nhạc đã hòa quyện trong tâm hồn cậu bé, trở thành niềm vui sống. Sau này, khi Diệp Minh Tuyền được cùng các bạn nhỏ biểu diễn chung với nghệ sĩ Quốc Hương, cậu như tìm thấy thần tượng đích thực của mình. Hình ảnh người nghệ sĩ đội chiếc mũ rộng vành, ôm đàn ghita, say sưa hát những bài tráng ca kháng chiến đã trở thành một trong những hình ảnh ấn tượng nhất trong ký ức một thời của nhà nhạc sĩ tương lai.

Năng khiếu âm nhạc của Diệp Minh Tuyền phát lộ khá sớm. Thời kỳ là học sinh Trường Học sinh miền Nam số 14, mặc dù mới chỉ 13, 14 tuổi, cậu đã sáng tác ca khúc đầu tay "Em bé miền Nam", rồi tiếp đó là "Chiều Hạ Long" được thầy cô và bè bạn rất ngợi khen. Mặc dù đam mê âm nhạc và dự định thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam, song nghe theo lời khuyên nhủ của cha, năm 1961, Diệp Minh Tuyền vào học khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng lớp với các sinh viên sau này là những nhà văn, nhà thơ thành danh như Lữ Huy Nguyên, Anh Ngọc, Mã Giang Lân... Cũng tại đây, được sự động viên, khuyến khích của người bạn cũ Ca Lê Hiến (tức nhà thơ Lê Anh Xuân, bấy giờ theo học khoa Sử), Diệp Minh Tuyền bắt đầu làm thơ. Một số bài sau đó đã được tác giả đưa vào tập "Mùa nước nổi" xuất bản năm 1972. Ra trường, Diệp Minh Tuyền được phân công về Viện Văn học, làm việc ở tổ lý luận phê bình với nhiệm vụ chính là theo dõi mảng nghiên cứu phê bình thơ.

Mặc dù một số bài viết đầu tay của Diệp Minh Tuyền ở thể loại này được dư luận ghi nhận là khá chững chạc, song điều ấy cũng không thể ngăn trở anh - chỉ 3 năm sau, đã kiên quyết xin được trở vào Nam chiến đấu. Là con của một cán bộ lão thành cách mạng, bình thường ra, Diệp Minh Tuyền đã có thể trở thành một nhà nghiên cứu với học hàm, học vị, song việc anh dứt áo ra đi đã cho thấy quyết tâm "chia lửa" với đồng bào quê hương của anh.

Người "vô tình" đưa dẫn Diệp Minh Tuyền đi đến quyết định này có lẽ là Lê Anh Xuân. Cũng tương tự như trường hợp của anh, Lê Anh Xuân là con một gia đình trí thức (cụ thân sinh là nhà giáo Ca Văn Thỉnh, người từng giữ chức Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong chính phủ kháng chiến). Mặc dù được cử đi nghiên cứu ở nước ngoài, song Lê Anh Xuân đã chối từ để được về quê hương chiến đấu. Và anh đã hy sinh trong đợt hai của cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968. Những bài thơ do Lê Anh Xuân sáng tác như "Nhớ cơn mưa quê hương", "Trở về quê nội", "Dừa ơi" đã thêm hối thúc nỗi nhớ quê trong Diệp Minh Tuyền. Quả đúng như sau này Diệp Minh Tuyền đã viết: "Dù rằng đời ta thích hoa hồng/ Kẻ thù buộc ta ôm cây súng/ Ta yêu sao đồng quê non nước mình" và "Đời mình là một khúc quân hành/ Đời mình là bài ca chiến đấu...".

Với vóc dáng gầy gò, lại mang trong mình căn bệnh đau dạ dày, Diệp Minh Tuyền đã không quản ngại gian khổ, đạn bom, lặn lội vượt Trường Sơn vào chiến khu R, cùng anh em Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam sáng tác những tác phẩm thơ, nhạc động viên cán bộ, chiến sĩ dũng cảm chiến đấu, hy sinh, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những đóng góp của Diệp Minh Tuyền thật thiết thực, kịp thời. Sau này, nhà văn Thanh Quế, "hàng xóm" với anh thời kỳ ở Hà Nội đã kể lại: "Cuối năm 1978, tôi gặp Diệp Minh Tuyền. Sau một chầu nhậu đã ngà ngà say, tôi hỏi: Sao lâu nay anh không viết nhạc? Mắt Diệp Minh Tuyền sáng lên: "Có chứ. Có lẽ vì cậu ở Khu 5, cậu không rõ. Vô chiến trường tớ viết ca khúc "Người giao liên Trường Sơn" và lời bài hát "Tình Bác sáng đời ta" của Lưu Hữu Phước được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Giải phóng đấy chứ".

"Sao không thấy anh ký tên Diệp Minh?". "Tớ lấy tên là Thanh Tuyền, bậy quá, các cậu không biết hé. Giờ tớ còn đang viết nhiều nhạc...". Diệp Minh Tuyền quả là có duyên âm nhạc. Và dẫu thơ anh có hay, có bềnh bồng thế nào chăng nữa, cũng ít nhiều phải cộng thêm đôi "cánh nhạc" mới thực bay cao. Nhạc sĩ Trương Quang Lục từng cho hay: Năm 1979, hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức UNICEF, Ủy ban Năm Quốc tế thiếu nhi Việt Nam phát động cuộc thi sáng tác bài hát mới cho trẻ em. Cuộc thi gồm hai phần: Phần thi viết lời bài hát và phần thi phổ nhạc các bài thơ ấy. Kết thúc phần một, Ban giám khảo (do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát làm chủ tịch) đã chọn được hai bài thơ: Đó là bài "Trái đất này của chúng em" (đã trở nên rất phổ biến sau khi được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc) của nhà thơ Định Hải và bài "Việt Nam, bầu trời này, mặt đất này" của nhà thơ, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên thì kể, trong một chuyến bay, Diệp Minh Tuyền đã đưa cho ông một bài thơ vết về Đảng. Phạm Tuyên đọc, thấy rất hợp ý mình, đã quyết định phổ nhạc bài thơ. Bình thường, với những bài thơ chặt chẽ về niêm luật, việc phổ thơ sao cho vừa giữ được nguyên văn, mà vẫn thành một bài hát hay, là rất khó. Việc phổ thơ lục bát lại càng khó. Vậy mà Phạm Tuyên đã tài tình thực hiện được điều này. Thậm chí, nghe những câu: "Suốt đời lòng dặn giữ lời/ Đường dài muôn dặm chớ rời tay nhau" được nhấn đi nhấn lại mấy lần, ta thấy giữa tác giả phần lời và tác giả phần nhạc đã có một sự đồng cảm cao độ. Diệp Minh Tuyền là người đa tài. Điều này hẳn không mấy ai là không công nhận. Song điều ngạc nhiên nhất có lẽ chính là khả năng phân thân của anh.

Như ở đầu bài viết đã nói, ngoài sáng tác nhạc, anh còn làm thơ, viết phê bình văn học. Và ngay trong mảng sáng tác nhạc, tác phẩm của anh cũng đáp ứng được tâm lý của nhiều lứa tuổi. Sẽ thật khó hình dung khi người sáng tác nên bài hát nồng nàn, hào sảng, tha thiết, mang đậm chất anh hùng ca như "Hát mãi khúc quân hành", sáng tác nên những lời thơ nghiêm trang và giàu tính khái quát như "Màu cờ tôi yêu" lại là tác giả của những vần thơ hết sức xao xuyến, trữ tình như "Mùa chim én bay" (Khi gió đồng ngát thơm/ Rợp trời chim én liệng/ Cây nảy đầy chồi xanh/ Mây trắng bay yên lành/ Em chợt đến bên anh/ Dịu dàng như cơn gió nhẹ); đậm chất "áo trắng sân trường" như "Con đường có lá me bay" và nhí nhảnh như "Không dám đâu"... Ấy là chưa kể một tình tiết mà không hẳn đã nhiều người biết: Diệp Minh Tuyền còn là tác giả bản dịch phần lời ca khúc "Triệu bông hồng", vốn là bài thơ của nhà thơ Nga Andrei Voznesensky (đã tạ thế hồi tháng 6 vừa rồi).

Ai từng đọc bản dịch này của dịch giả Thái Bá Tân sẽ thấy sự tài hoa, khoáng hoạt của Diệp Minh Tuyền đã tạo nên một bản dịch thành công, xứng với sự trân trọng, hâm mộ của bạn đọc. Xin trích một đoạn của bản dịch do Diệp Minh Tuyền thực  hiện: "Chuyện một tình yêu anh họa sĩ/ Gởi trong tranh vẽ những vui buồn/ Lòng anh thầm yêu nàng ca sĩ/ Cô gái rất yêu bông hoa hồng" và "Tặng một đại dương hoa hồng thắm/ Cho nàng ca sĩ anh yêu thầm/ Và ngôi nhà xinh anh đã bán/ Bằng dòng máu nóng trái tim mình"... Sau ngày miền Nam giải phóng, Diệp Minh Tuyền chuyển về công tác tại Hội Liên hiệp VHNT TP HCM. Tại đây, anh không chỉ được tín nhiệm bầu làm Ủy viên BCH Hội Nhà văn thành phố mà còn được bầu giữ chức Phó tổng thư ký Hội Âm nhạc thành phố, kiêm Tổng biên tập tạp chí Sóng Nhạc.

Nhà thơ, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền qua đời ngày 21/11/1997 tại TP HCM, sau một cơn tai biến mạch máu não. Ra đi ở tuổi 57, anh đã để lại sự tiếc thương trong lòng  bạn bè, người thân và hàng triệu khán giả, độc giả yêu thích thơ và nhạc của anh...

NGUYỄN CHÍ CƯỜNG
Nguồn: VNCA



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều