Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

DƯƠNG QUẢNG HÀM - GƯƠNG MẶT TRÍ THỨC TIÊU BIỂU ĐẦU THẾ KỶ XX

Dương Quảng Hàm là tên tuổi quen thuộc trong giới nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam hiện đại. Ông là một trong những tấm gương đẹp đẽ của một thời kỳ có tính khai sáng, mở đường cho nghiên cứu, đánh giá về văn chương dân tộc. Đời sau biết đến ông như một nhà nghiên cứu, một nhà giáo dục không hề mệt mỏi trên con đường dung hợp kiến thức các nền văn hóa Đông Tây.
Nhà giáo Dương Quảng Hàm (ngồi, thứ 3 từ phải sang) và gia đình

1.
Dương Quảng Hàm sinh ngày 14-7-1898 trong một gia đình có truyền thống Nho học và yêu nước, quê quán tại làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nay thuộc xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cha của ông là Dương Trọng Phổ, anh cả là Dương Bá Trạc - một trong những người sáng lập Đông Kinh nghĩa thục, trường học cách mạng đầu tiên của Hà Nội, em là Dương Tụ Quán, đều là những danh sĩ có tiếng đương thời. Ông mất vào những ngày đầu toàn quốc kháng chiến năm 1946. Dương Quảng Hàm là liệt sĩ.

Những quyển sách viết về văn học Việt Nam xuất hiện những năm 20, 30 và 40 của thế kỷ trước, cho đến nay, vẫn là những tài liệu văn học hết sức bổ ích. Có thể nói, với tình yêu sâu sắc về nguồn cội dân tộc, để vừa đáp ứng yêu cầu giảng dạy vừa làm tư liệu cho người học, khi mà bốn bề không biết trông vào đâu, Dương Quảng Hàm đã tự nguyện gánh vác công việc hết sức nặng nề, đó là soạn các sách về văn chương Việt Nam.

2.
Trong Việt Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm bộc lộ tâm tình và ý nguyện về bộ sách: “Ai cũng biết rằng hiện nay không có quyển sách nào chép về văn học lịch sử nước ta, không nói gì những sách tham khảo tinh tường cho các học giả dùng, ngay đến những sách tóm tắt các đại cương cho học sinh dùng cũng không có… Chúng tôi cũng mong rằng quyển sách này sẽ là một bức bản đồ giản ước, theo đó các bạn thanh niên biết được phương hướng và đường lối chính để đi vào khu vườn văn học của nước nhà, ngõ hầu một ngày kia tìm thấy những hoa lạ quả quý hiện nay còn ẩn khuất trong đám cành lá rậm rạp, thì thật là hân hạnh cho chúng tôi lắm” (Xem Việt Nam văn học sử yếu, NXB Trẻ, 2005, trang 12-13).

Trong Văn học Việt Nam, xuất bản năm 1939, soạn cho Chương trình khoa giảng Việt văn ở ban Cao đẳng tiểu học, tác giả đi sâu vào những vấn đề cốt lõi của văn học, gồm: Phép tắc các thể văn / Tiểu truyện các tác giả / Việc lựa chọn các bài văn / Việc chú thích các bài văn / Phương pháp giảng nghĩa. Chỉ nhìn vào cách xây dựng nội dung bộ sách, đã thấy rõ tính khoa học, tính sư phạm, tính hiện đại của công trình, dẫu đây chỉ là sách giao khoa.

Việt Nam thi văn hợp tuyển là một tuyển tập có tính tiên phong trong việc tuyển chọn các tác giả, tác phẩm từ văn học dân gian, truyện nôm khuyết danh, đến các tác giả mới như Nguyễn Bá Học, Phan Kế Bính, Thân Trọng Huề, Nguyễn Khắc Hiếu, Bùi Kỷ, Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Thiếu Sơn, Nguyễn Lân, Khái Hưng, Thế Lữ,... Có thể nói, nhờ bộ sách này, người đọc mới có điều kiện tiếp xúc với những trang viết của những nhà văn hiện đại.

Song, cuốn sách làm nên tên tuổi Dương Quảng Hàm, làm ngạc nhiên cho giới nghiên cứu đời sau, từng là sách tham khảo tin cậy, mẫu mực của nhiều thế hệ học trò, của nhiều nhà nghiên cứu văn học sử là bộ Việt Nam văn học sử yếu, một tập sách tích lũy kinh nghiệm hàng chục năm, biên soạn vào năm 1941 và xuất bản năm 1943. Việt Nam văn học sử yếu dày gần 700 trang, soạn cho Năm thứ nhất, Năm thứ nhì và Năm thứ ba ban trung học Việt Nam, là cuốn văn học sử phổ thông bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.

Căn cứ BIỂU LIỆT KÊ CÁC TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM (theo thứ tự thời gian) và BẢNG KÊ TÊN (các tác giả và các tác phẩm có nói đến trong sách), thì có đến 1.083 tác giả và tác phẩm, xếp theo A,B,C, viết bằng tiếng Hán, tiếng Pháp và tiếng Việt được đưa vào tài liệu tham khảo. Bên cạnh đó, theo thời gian, niên đại, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX (1940), có 163 tác giả trung đại, cận đại và hiện đại xếp vào danh mục khảo cứu, trong đó có tới 293 tác phẩm, đủ đề tài, đủ thể loại. Trước Việt Nam văn học sử yếu chưa có một công trình văn học sử nào có khối lượng to lớn về kiến thức văn-triết-sử, về tài liệu tham khảo, về lịch sử khoa cử, về phân kỳ văn học đạt tầm vóc và quy mô đồ sộ như thế.

Dương Quảng Hàm dành 7 chương để giới thiệu nền văn học mới đầu thế kỷ. Những gương mặt sáng chói như Phan Khôi, Trần Trọng Kim, Phan Kế Bính, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Tuấn Khải, Đông Hồ, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nhất Linh, Khái Hưng… được Dương Quảng Hàm trân trọng giới thiệu, đánh giá. Cuối sách, ông bày tỏ sự tin tưởng vào Tương lai của nền quốc văn mới.

Trong Việt Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm dành nhiều trang viết cho việc giới thiệu các thể văn của Trung Quốc và Việt Nam thời trước, đặc biệt chú ý đến thi pháp (chữ dùng của Dương Quảng Hàm). Qua đây, người học biết đến thơ Đường luật, thơ cổ phong, các lối thơ riêng như thủ vĩ ngâm, thuận nghịch độc, yết hậu, lục ngôn thể, tiệt hạ, vĩ tam thanh, song điệp, họa vận, liên ngâm hoặc thể phú, văn tế, hay thể truyện, ngâm, hát nói,… Có điểm đáng biểu dương, nhiều sách khác không có, đó là phần viết về Ca Huế và hát bội.

Đặc biệt, tác giả bộ sách dành nhiều trang viết về các thi gia đời Lý, đời Trần, khắc họa chân dung những Trần Quang Khải, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Đặng Dung, Trần Quốc Tuấn, Trương Hán Siêu,… Lần đầu tiên, trong sách giáo khoa, hai tên tuổi Nguyễn Trãi và Nguyễn Du được tạc dựng riêng, giới thiệu sự nghiệp văn chương, tư tưởng, triết lý,...

Tiếc rằng, phần ảnh hưởng của văn học phương Tây, nhất là văn chương Pháp, chưa nêu được nhiều, chưa cho thấy những dấu ấn sâu đậm của chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa tượng trưng vào Thơ Mới giai đoạn 1932-1945, làm nên thành tựu có một không hai trong lịch sử thơ ca Việt Nam. Chỗ này, Dương Quảng Hàm không bằng Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam,dù cả hai tác phẩm (Việt Nam văn học sử yếu và Thi nhân Việt Nam) cùng ra đời trong một thời điểm.
Vài tác phẩm của Dương Quảng Hàm

3.
Về phương pháp viết văn học sử, Dương Quảng Hàm có tiếp nhận lý thuyết của những nhà phê bình, những nhà nghiên cứu văn học sử Pháp, tuy nhiên, với mục đích của sách là phục vụ chương trình Việt văn, nên phần lý luận về phương pháp phê bình không được tác giả chú ý xây dựng.

Đi tìm tư tưởng phê bình trong Việt Nam văn học sử yếu, rất khó, tản mạn. Đỗ Lai Thúy trong Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, (NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam, 2011) đã không xếp Dương Quảng Hàm vào những nhà phê bình văn học như Hoài Thanh, Trần Thanh Mại, Trương Tửu, Đinh Gia Trinh. Nghĩa là, tư tưởng phê bình không thấy ẩn hiện trong lý thuyết văn chương. Điều này cũng dễ hiểu và đáng chia sẻ, như đã nêu. Do chi phối bởi mục tiêu, đối tượng, Việt Nam văn học sử yếu vẫn là bộ sách giáo khoa ngữ văn.

Tuy nhiên, điều đáng quý, đáng trân trọng, đó là, với sở học, với lòng yêu nước và tự hào dân tộc, dù dưới chế độ thực dân, Dương Quảng Hàm vẫn thể hiện rõ chính kiến và tấm lòng của mình đối với văn hóa, văn học của dân tộc. Tấm lòng này không chỉ thể hiện trong Việt Nam văn học sử yếu mà còn ở Văn học Việt Nam, Quốc văn trích diễm, Việt Nam thi văn hợp tuyển, Việt văn giáo khoa thư,...

Dương Quảng Hàm, người đặt nền tảng cho việc đưa nội dung văn học Việt Nam, số lượng tác giả, tác phẩm, thể loại văn học, phương pháp giảng văn, giảng nghĩa, chú thích, lược truyện, tiểu dẫn, câu hỏi,... vào trong dạy và học môn Việt văn từ những năm 1920 - 1930 đến nay. Điều cũng cần nói thêm, đó là văn phong Dương Quảng Hàm. Sách ông viết, hơn 80 năm về trước, giờ đây, đọc lại vẫn thấy mới mẻ trong ngôn ngữ và diễn đạt. Dương Quảng Hàm có ý thức cẩn trọng trong sử dụng tiếng mẹ đẻ để viết các công trình. Nhiều trang viết ở các tập sách của Dương Quảng Hàm vẫn là lối viết gãy gọn, súc tích, không dùng những mỹ từ bóng bẩy.

Trong lịch sử giáo dục về dạy-học văn của Việt Nam, từng có phương pháp giảng văn Dương Quảng Hàm. Ông có những đóng góp to lớn trong việc truyền tải nội dung, hình thức, phương pháp giảng văn trong nhà trường trung học Việt Nam nhiều thập kỷ.
Những năm tháng dạy học tại Trường trung học Bảo hộ, sau đổi thành Trường Bưởi (nay là Trung học Chu Văn An-Hà Nội), Dương Quảng Hàm góp phần đào tạo nhiều trí thức, nhân tài cho đất nước. Ông là nhà sư phạm mẫu mực, nhà giáo dục tâm huyết, nhà văn hóa kiệt xuất trong nửa đầu thế kỷ XX. Dương Quảng Hàm có tinh thần hiếu học, không ngừng học hỏi những tri thức mới của phương Tây, vận dụng kiến thức phương đông trên tinh thần độc lập, tự chủ và tự tôn dân tộc. Ông cũng có thái độ khiêm cung, cầu thị khi có những góp ý của đồng nghiệp, của báo chí về các quyển sách đã được in ra.

Dương Quảng Hàm mãi mãi là tấm gương sáng trên bầu trời văn hóa Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ XX.

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Dương Quảng Hàm (1898 - 2018) là dịp nhìn lại những cống hiến to lớn của ông cho văn học, giáo dục, đào tạo, đồng thời cũng nhận rõ chân dung một trí thức yêu nước, một tấm lòng cao cả, một trái tim nhiệt thành, suốt một đời hết mực hiến dâng cho văn chương, cho đất nước.

HUỲNH VĂN HOA
 Nguồn: Giáo Dục và Thời Đại, số 175/2018




Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

XUÂN TRƯỜNG - “HAI VỆT NẮNG CHIỀU” VÀ CUỘC RA NGOÀI TỬ BIỆT SINH LY

Với “Hai vệt nắng chiều”, Xuân Trường như đang cố níu giữ những mảng hồi quang và ông đã như thoát khỏi mình, thoát khỏi những rào cản thế tục để trải hết lòng mình, đặng làm tròn chức phận của một thi sĩ: Ra ngoài tử biệt sinh ly/ Văn chương góp một chuyến đi vô cùng...
Nhà thơ Xuân Trường
    
Trong “Hai vệt nắng chiều” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn tháng 9 năm 2018), Xuân Trường ưa dùng hai từ “hành trình” và “mằn mặn” (đôi khi là mặn mà hoặc mặn) trong những cảnh huống khác nhau và mang màu sắc tâm trạng khác nhau. Có thể tạm thống kê: “Dìu dặt một hành trình” trong “Huyền cảm sông Hàn”; “Hành trình hun hút” trong “Chiều Ái Nghĩa”; “Hành trình cơm áo” trong “Chiều quê”; “Xa xứ một hành trình” trong “Về Khánh Hòa”; “Đôi vai hành trình” trong “Trưa Dầu Tiếng”; “Gió sương hành trình” trong “Viết cho Lưu Ba”... và “Mằn mặn gió Thanh Khê” trong “Trưa Đà Nẵng”; “Gió Tam Thanh đang mằn mặn” trong “Mưa hạ Tam Kỳ”; “Biển mặn vào ta thoang thoảng ca dao” trong “Huyền cảm sông Hàn”; “Gió vẫn mặn hoàng hôn quanh chỗ ta ngồi” trong “Hoài niệm”; “Gió Mỹ Khê mằn mặn bước ta về” trong “Ký ức sông Hàn”; “Em mặn mà hơn xưa” trong “Nhớ An Khê”; “Nước mắt mặn cả chiêm bao” trong “Lần xuân bảy chín”; “Nghe nước mắt mặn mềm lên kỷ niệm” trong “Viết cho nhà thơ Thanh Tùng”...
   
Gộp tất cả những hành trình ấy và những mằn mặn ấy, độc giả có thể dễ dàng nhận ra một kết quả. Đó là một Xuân Trường ưa xê dịch, ưa bôn ba để trải nghiệm cùng đời sống, để chìm đắm và ngộ ra mùi vị của đời sống. Đó cũng là những bước chuyển động trong hành-trình-mặn hết mình mang hơi thở nhân sinh và thấm đẫm hương vị nhân sinh.
   
Với một người làm thơ, sự “mở ra” và “hướng tới” như vậy, là rất đáng trân trọng. Chúng như hành trang quý giá khi đến với thơ và gặp thơ trong những khúc quanh vô thường của mỗi đời thơ. Điều đáng mừng là cả sự “mở ra” và cả sự “hướng tới” đều chân thành, say mê và riết róng đến độ.
   
Đó cũng là hành trình giằng xé giữa cái đã qua và cái đang diễn ra, mà ở trong đó đã bao hàm sự dấn thân tất yếu không tránh khỏi, mà sau chót là cái bây giờ và cái ngay ở đây: “Bình minh và hoang hôn chất vấn nhau trong ta dữ dội/ Nên để ta già hay trẻ - chút nữa đây/ Thôi thì ta cứ chấp nhận những niềm vui/ Mà trời đất cho ta chặng cuối của hành trình lang bạt...” (“Trưa Đà Nẵng”)
    
Đó là hành trình không chỉ nhận thấy mà cảm thấy, không chỉ bằng cái thính giác, cái thị giác...mà bằng cái toàn giác: “Ta thở mùa bằng những hơi trầm lắng/ Im lìm nghe quê hương qua thớ thịt làn da...” (Huyền cảm sông Hàn)
Tập thơ “Hai vệt nắng chiều” của Xuân Trường

Đôi khi, tác giả hướng tới hư không và không phải để đối thoại với hư không mà độc thoại với chính mình, với những gì một đi không trở lại, với những gì “không có gì hai lần” theo quan niệm của nữ sĩ Ba Lan W. Szymborska – Giải Nobel văn chương 1996: “Tôi rót chiều đầy một ly không/ rồi nâng lên chạm vào mênh mông nỗi nhớ/ tuổi thơ hiện về, tôi gặp lại tôi xưa...” (“Chiều quê”); “Rót chiều đấy một ly xuân/ Nâng lên tôi lại ngập ngừng mời tôi” (“Chiều xuân uống rượu một mình”); Gió vẫn mặn hoàng hôn quanh chỗ ta ngồi/ Tựa vào chạng vạng hoàng hôn một mình ta nghe biển (“Hoài niệm”).
   
Đây là những câu thơ tuy bảng lảng thi sĩ nhưng cũng máu thịt đến tận cùng, hầu như không bị chi phối, tác động của ngoại cảnh. Chúng như cháy lên, được sinh ra  một cách tự thân, từ một sự hướng nội theo cách hốt nhiên mà như thế, mà nên thế, không cần nói thêm gì nữa.
    
Nhiều lúc, dù Xuân Trường “lưu lạc áo cơm trắng bờ năm tháng” (“Ký ức sông hàn”), “chạm vào nợ cũ vẫn còn áo cơm” (“Tiếng đêm”) mà vẫn yên lòng “tựa bờ chiều ta tìm lại ra xưa” (“Giữa Sài Gòn lưu đọng một Quy Nhơn”) để “tươi xanh” cùng “miền ký ức nôn nao” (“Mưa hạ Tam Kỳ”).
   
Trong “Hai vệt nắng chiều”, Xuân Trường có nhiều câu thơ về sự thăng hoa của tình yêu, thân phận của tình yêu thật đáng nhớ và đáng được đánh dấu khuyên vào đó. Có thể đưa ra hàng loạt dẫn chứng: “Em chưa núi mà lòng ta muốn chạm đầu thủ thỉ/ Thời gian chảy hai ta vào tri kỷ/ Khuya khoắt đường về, khuya khoắt mênh mông” (“Đêm Krôngpa”), “Nếu mà lỡ cuộc bể dâu/ Thì xem như mới bắt đầu nghe em/ Ngàn năm môi biển vẫn mềm/ Ngàn năm cát vẫn dịu êm đợi chờ” và “Bồng bềnh em bồng bềnh tôi/ Nước-mây hai đứa một đôi bồng bềnh(“Sáng nay lên đỉnh Kê Gà”), “Em không gió mà lòng ta cứ sóng/ em không hương sao ta mãi bận lòng” và “Chiêm bao ta em vàng đến Sài Gòn” (“Bẽn lẽn dã quỳ”), “Thế gian đông lắm người ta/ Mà sao tôi cứ thật thà một em” (“Bước chân tháng chạp”), “Cắn miếng tinh mơ nghe ngọt lịm phù sa” (“Chợ nổi Cái Răng”)...Bốn câu thơ dưới đây cho trong “Nhớ An Khê” thấy vẻ đẹp buồn đến mong manh của tình yêu hay là cái đẹp của tình yêu luôn mang trong lòng nó sự mong manh ngay từ khởi thủy:

Em thở dài bằng mắt
Tôi vội vã bằng lời
Mà sao trong vời vợi
Đã mầm mống chia phôi...
   
Với “Hai vệt nắng chiều”, Xuân Trường như đang cố níu giữ những mảng hồi quang và ông đã như thoát khỏi mình, thoát khỏi những rào cản thế tục để trải hết lòng mình, đặng làm tròn chức phận của một thi sĩ:

Ra ngoài tử biệt sinh ly
Văn chương góp một chuyến đi vô cùng...

ĐẶNG HUY GIANG
Nguồn: Blog Văn chương phương nam




    


    

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

LA MAI THI GIA: RƯỢU NGON CẶN CÁU CŨNG NGON

Đàn bà được ví với rượu, thì hẳn rồi, cả hai đều chứa chất men khiến cho người ta say. Rượu có dở có ngon, đàn bà cũng có đàn bà ngon đàn bà dở, mà cái ngon dở này phải trực tiếp nếm thử mới biết, chẳng thể qua kinh nghiệm truyền lại của người khác mà mình hùa theo khen chê được.
Nhà phê bình La Mai Thi Gia

Rượu ngon có khi còn có thể… đoán được khi nhìn qua độ trong của sắc rượu, mùi thơm của hơi men, còn người đàn bà đẹp, nét đẹp hình thể thì chỉ nhìn thôi đã thấy, nàng đẹp như một bông hoa đẹp tràn ngập sắc hương:

“Rượu ngon chưa uống đã say
Lựu, lan chưa bẻ đã bay hương nồng”

Nhưng đó chỉ mới ngắm nhìn và thưởng thức vị thơm của rượu và mùi hương của người đàn bà, còn lại phải thưởng thức bằng tất cả các giác quan thì mới mong thấu cảm cho đầy đủ. Muốn biết rượu ngon đến đâu thì phải nếm thử 1 ngụm, rồi 2 ngụm xem cái cay cay nồng nồng ấy nó đằm đằm trong cuống họng rồi chờ nghe cái cảm giác âm ấm lăn tăn chạy dọc theo đường ruột vào bao tử. Rượu đã ngon thì cho dù có bao nhiêu người tới trước, nếm trước, dù đã uống tới đáy chai, đáy hủ, đến phiên mình được vét cạn những giọt rượu cặn cuối cùng vẫn còn nghe thơm rưng rức.

Ừ thì chuyện gì mà ông cha đã đúc kết bao đời thì cấm cãi: “Rượu ngon cặn cáu cũng ngon”.

Còn đàn bà ngon? đàn bà mà “Người xinh cái bóng cũng xinh/ Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn” ấy? thì chắc cũng như rượu ngon, chỉ nhìn và đoán thôi chứ không thử không nếm, thì làm sao mà biết cho tường tận cái giòn và cái ngon ấy nó có vị làm sao. Xinh thì xinh mặt xinh mày, xinh từ mái tóc cho đến làn da, xinh từ vóc dáng cho đến cử chỉ nói năng, hành vi đi lại duyên dáng và quyến rũ. Cái đó thì hẳn là dễ thấy, dễ đánh giá rồi, còn xinh đến cả bóng dạng, bóng hình thì…hơi quá. Mà thôi, qua con mắt của kẻ tình si, cái gì quanh người đàn bà hắn yêu mà không trở thành là ảo diệu.

Nhưng bài viết này mục đích chính không phải để nói về cái đẹp từ hình đến bóng của người đàn bà- cái đẹp rất là chủ quan trong con mắt của kẻ tình si mà là muốn tự hỏi và tự nói lên cái nỗi thắc mắc của lòng mình là tại sao sự quyến rũ của người đàn bà “giòn” được ví như rượu ngon đến mức ông cha từ thời xa xưa đã có những câu nói hết sức là bất chấp đạo lý phong kiến:

“Rượu ngon cặn cáu cũng ngon
Thương em bất luận chồng con mấy đời”

Hay

“Rượu ngon càng ủ càng nồng
Hai, ba đời chồng, son vẫn càng son”

Có người cho rằng đây là những câu ca dao đầy tính nhân văn của người lao động Việt Nam, thể hiện tấm lòng bao dung quảng đại của người đàn ông đối với người đàn bà chẳng may hôn nhân giữa đường đứt gánh, là lòng vị tha của người đàn ông dành cho người đàn bà góa chồng, và cũng là tình yêu vô điều kiện của người đàn ông đến sau dành cho người đàn bà nạ dòng đã từng có chồng con trước ngày anh ta đến.

Nhưng tôi thì không nghĩ vậy, làm gì có chuyện vô điều kiện ở đây, ngoài tình yêu của cha mẹ dành cho con cái thì tôi dám khẳng định chẳng có thứ tình nào là vô điều kiện, kể cả sự tôn sùng bái vọng của con người đối với đấng thiêng liêng. Để có được tình yêu và sự đắm say như mới của người đàn ông hiện tại thì người đàn bà “hai ba đời chồng” hay “chồng con mấy đời” ấy trước tiên phải vẫn là một người đàn bà đẹp hay rất đẹp, vẫn hấp dẫn hay rất hấp dẫn, vẫn ngon nghẻ cả về hình thức lẫn nội dung, phải đẹp từ bên ngoài và giòn ở bên trong, cái giòn mà dẫu có từng gần gũi với bao người đàn ông hay từng sinh đẻ con cái vẫn không thể mất đi ở họ. Chính cái đẹp, cái giòn trong cơ thể họ, trong tâm hồn họ, trong tính cách họ, trong trí tuệ họ, trong cái tỉnh tình tinh và những cái linh tinh khác của họ, mới khiến cho người đàn ông đến sau bất chấp tất cả để được sở hữu họ.

Tất tật tật những thứ đó, gom lại thành một chữ “duyên” được không? Cái duyên bẩm sinh của người đàn bà từ khi lọt lòng mẹ cho đến lúc già nua, cái duyên chết người có thể khiến cho bao người đàn ông chới với khi gặp và khao khát có được họ. Chẳng phải ông cha mình đã từng day đi day lại điều này sao:

“Có chồng thì mặc có chồng
Còn duyên anh ẵm, anh bồng, anh hun”

Vì cái duyên đó mà có những người đàn bà “nạ dòng” vẫn khiến cho bao nhiêu người đàn ông tơ tưởng, từ người đàn ông trưởng thành dày dặn kinh nghiệm đến những chàng trai tơ mới lớn còn ngây ngô trong chuyện gái trai. Và cũng vì thiếu cái duyên đó mà bao nhiêu gái son cứ cả đời son mãi vì chẳng thể giữ được người đàn ông nào ở lại được lâu bên cạnh mình, chẳng sở hữu được người đàn ông nào của riêng mình để chính thức được làm “cơm” chứ không phải mãi mãi an phận “phở”, để được làm người đàn bà nạ dòng chứ không phải là gái tân cho đến già. Ai đó đã nói: “Đẹp không phải là hút người đến mà là để giữ người ở lại”, nếu chỉ là cái đẹp hình thức thì chẳng chóng sẽ chầy, người đến cứ đến ào ào nhưng đi thì cũng đi rất mau, bởi cái đẹp bên ngoài đâu thể nào vĩnh cửu, và sự vô duyên của người đàn bà chính là cái đuổi người ta đi mau nhất.

Mà nói đi rồi phải nói lại, cũng chẳng thể phủ nhận sạch trơn cái tình của người đàn ông đến sau dành cho người đàn bà “nạ dòng” mà họ yêu, ừ thì biết là chẳng có thứ tình yêu nào vô điều kiện, rằng người đàn bà hai ba đời chồng ấy vẫn còn đẹp, còn giòn, còn duyên, còn quyến rũ nhưng có lẽ khi đã yêu rồi thì đối với người đàn ông, đó chẳng còn là tiêu chí hàng đầu. Chẳng phải tôi đã nói ở trên rồi, rằng qua con mắt của kẻ tình si thì mọi thứ có liên quan đến người đàn bà họ yêu đều đẹp một cách bất thường đó hay sao?

Không chỉ trong ca dao bình dân mới ca ngợi những tình yêu đó, mà trong một truyện thơ nổi tiếng của dân tộc Thái nước ta, truyện thơ Tiễn dặn người yêu, người Thái cũng đã viết nên những câu thơ kinh điển về tình yêu bất diệt của đôi trai gái, bất chấp thời gian tàn phá nhan sắc của người đàn bà như thế nào, bất chấp cuộc sống khốn khổ của nàng trong tay hai đời chồng trước vũ phu như thế nào thì đối với người đàn ông đã từng yêu nàng khi nàng còn là một thiếu nữ mới lớn trẻ trung xinh tươi…thì nhan sắc của nàng vẫn như chưa từng thay đổi. Và anh đã dùng những lời lẽ yêu thương để dỗ dành người đàn bà mình yêu từ thời trai trẻ như thế này:

“Gái góa hai ba lần vẫn đẹp
Hơn gái tơ ba ngấn cổ cao
Má hồng hơn tuổi xuân đào
Yêu thương ắt hẵn dạt dào hơn xưa”

Trong con mắt của anh, gương mặt sạm đen nắng gió vùng núi cao vì bị đem ra chợ bán như một món hàng của người đàn bà anh yêu vẫn đẹp lắm, đôi má nàng vẫn hồng hào hơn những cô gái tuổi xuân xanh, và tình yêu của anh đối với nàng vẫn dạt dào hơn gấp bội phần.

Tôi mượn câu nói của Kim Trọng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để kết thúc bài viết này, khi nghe nàng Kiều buông những lời xót xa cho thân phận 15 năm lưu lạc của mình để từ chối tình yêu của chàng, rằng:

“Thiếp từ ngộ biến đến giờ
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa”

Thì Kim đã dịu dàng đáp lại nàng bằng những lời âu yếm chân thành:

“Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”

Ừ, thì tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc, từ dân gian cho đến bác học, đâu đâu mà không nhắc tới cái chất men của người đàn bà, cái chất men mà người đàn ông yêu họ đã nếm một lần rồi là nhớ mãi, cái chất men mà khi dốc cạn bình rồi thì “cặn cáu vẫn ngon”.

LA MAI THI GIA
Nguồn: NVTPHCM



Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

CHUYỆN VỀ NHÀ VĂN SƠN NAM, NHÀ THƠ NGUYỄN BÍNH

Những năm sáu mươi của thế kỷ 20, do làm cùng một ban của cơ quan báo chí nọ nên tôi có quen anh, sau đó chúng tôi thành thân nhau, và khi biết anh hơn tôi mấy tuổi, tôi nói với anh xin kết nghĩa anh em. Anh bằng lòng ngay. Rồi một hôm, nhân tôi tìm được một cuốn truyện ngắn in đã lâu, tác giả là nhà văn Sơn Nam, tôi đọc một mạch, sau một ngày hết veo hơn ba trăm trang.
Nhà văn Sơn Nam

Cũng bởi biết tôi đọc cuốn sách của tác giả Sơn Nam, anh nói nhỏ: “Để lúc nào mình kể về nhà văn Sơn Nam cho mà nghe. Tác giả ấy mình cũng rất yêu; và nữa, mình với anh ấy cũng là chỗ bạn thân như mình với cậu vậy”. Giờ, tôi xin nói vài nhời nữa về người anh mà tôi kết nghĩa: Tên anh là Huỳnh Minh Nhựt, cháu ruột của cụ Huỳnh Tấn Phát (Thủ tướng Chính phủ lâm thời của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam).

Anh Nhựt là dân miền Nam, tập kết ra Bắc. Những năm kháng Pháp, anh Nhựt công tác ở R. trong cơ quan thuộc Bộ tư lệnh miền của đồng chí Lê Duẩn. Anh Nhựt được phân công làm về báo chí. Dưới đây tôi xin được chép lại lời anh Huỳnh Minh Nhựt kể về nhà văn Sơn Nam:

“Có thể nói thế này về một đặc điểm của anh Ba Duẩn, anh rất mê đọc sách, nhất là các sách về triết học và văn học. Và nhà văn miền Nam mà anh Ba Duẩn rất quí trọng và thân tình là nhà văn Sơn Nam. Tất cả các truyện ngắn, các thể loại văn xuôi do nhà văn Sơn Nam viết thì đều chép ra một bản để dành đưa cho anh Ba Duẩn đọc.

Đấy là chưa kể đến chuyện cứ mỗi lần Sơn Nam vào thăm anh Ba Duẩn, theo nguyện vọng của anh Ba, nhà văn Sơn Nam đều đọc để anh Ba nghe. Nhà văn Sơn Nam có bản tính là bất cứ truyện ngắn hay thể loại văn xuôi nào, do mình viết ra, anh ấy đều thuộc lòng, nên cứ vậy nhà văn đọc ra để anh Ba thưởng thức.

Thế rồi, những ngày kháng chiến chống Pháp, nhà văn Sơn Nam từ R. là rừng miền Tây Nam Bộ, viết ra bao nhiêu thể loại văn xuôi và truyện ngắn, thì ông ấy đều tìm cách gửi về Sài Gòn cho một nhà xuất bản in. In xong, họ gửi ra chiến khu cho tác giả độ vài chục cuốn sách, còn đâu thì họ bán ở Sài Gòn, và bán cứ hết vèo vèo. Sách của anh ấy rất được độc giả Sài Gòn ưa chuộng.
Nhà thơ Nguyễn Bính

Nhận được sách biếu, việc đầu tiên là anh ấy đến tôi, rồi vào gặp anh Ba Duẩn để tặng sách. Vậy là đêm ấy, mình chuẩn bị một chiếc măng xông ngon lành, để thắp cho anh Ba Duẩn đọc tập sách mới in của nhà văn Sơn Nam. Mỗi khi anh Ba thức đêm đọc, thì mình làm một việc là đúng 23 giờ đêm vào nhắc anh Ba giờ giấc, và báo cáo anh Ba lịch họp và làm việc  ngày mai. Nhưng rất lạ nhé.

Lần nào cũng vậy, anh Ba đồng ý với sự nhắc nhở của mình, nhưng vẫn đọc, có đêm tới sáng luôn. Vậy mà, sáng hôm sau anh vẫn rất tỉnh táo vào điều khiển một cuộc họp, hay làm việc với các ban, ngành. Khi anh Ba đọc xong tập văn xuôi của Sơn Nam thì thể nào hai người sau đó cũng có một cuộc trò chuyện, mà tiếng cười hoan hỉ của họ vui râm ran.

Đến ngày cơ quan Bộ tư lệnh chuẩn bị tập kết ra Bắc, anh Ba Duẩn bảo mình đi gọi nhà văn Sơn Nam đến, và chuẩn bị mọi thủ tục để mời Sơn Nam cùng tập kết ra miền Bắc. Anh Ba nói: “Ra ngoài đó Trung ương nuôi cho nhà văn Sơn Nam sáng tác về Nam Bộ, về miền Tây Nam Bộ, để đồng bào miền Bắc có sách đọc, giàu có thêm vốn hiểu biết về miền Nam”.

Mình đi mời nhà văn Sơn Nam vào gặp anh Ba. Ấy vậy mà rồi anh Ba Duẩn nói thế nào, nhà văn Sơn Nam cũng nhất quyết không đi. Nhà văn nói tha thiết: “Anh Ba ơi, em là con cá mà miền Tây này là nước, là nước anh Ba ơi. Không lẽ anh vớt cá lên khỏi nước sao. Em ở lại mà, dẫu ở lại thì em vẫn là người của cách mạng, của anh Ba chứ”. Anh Ba Duẩn nghe thế, đành phải đồng ý và ngậm ngùi nói: “Em mà ở lại thì ta nhớ em đến chết mất”. Nhà văn Sơn Nam cũng nói: “Thế anh tưởng, em không nhớ anh sao. Anh Ba và các anh đi rồi, em chỉ ở lại đây, và em viết tiếp, rồi khi có người ra ngoài đó, em gửi truyện rồi văn xuôi của em ra biếu anh”.

Còn dưới đây là câu chuyện nữa của một anh từ chỗ nhà văn Sơn Nam toạ lạc, khi thời Diệm Thiệu, anh ấy ra miền Bắc có việc báo cáo với Trung ương, anh ấy đã kể lại như sau: Nhà văn Sơn Nam mở một ngôi trường nhỏ, rất nhỏ, chỉ có một gian rộng chừng hai chục mét vuông thôi, và dạy đâu chừng hơn một chục trẻ nhỏ. Ngoài cửa ra vào, gần sát mái lá có biển treo đề mấy chữ: “Học đường Sót Nót”. Bọn dân vệ và lính nguỵ đi càn qua chỉ nhòm thấy có trẻ con ngồi học, và lắng nghe thầy Sơn Nam giảng bài, hoặc nắn nót viết chữ trên bảng đen, để các em ở dưới cắm cúi viết vào vở học. Cán bộ ta nằm vùng ở đó, có người ngước nhìn hàng chữ: “Học đường Sót Nót” thì hỏi: “Nó là cái gì bay ơi. Là tên một loài cây ở Bời Lời rừng Cà Mâu à?” thì nhà văn Sơn Nam cười cười nói nhỏ: “Đúng, tên của loài cây như anh nói đó, và cũng là Học đường Sơn Nam...”.

Người kia gật gù có vẻ khoái trí, nhưng vẫn thắc mắc nói: “Sao không viết thẳng ra, mà còn vòng vo Sót Nót# (#Sót Nót: gốc chữ của tiếng Anh South và North nghĩa Nam Bắc. Đây là nhà văn Sơn Nam viết theo đúng với giọng nói nông thôn của người miền Tây Nam Bộ)”. Nhà văn Sơn Nam mới ghé sát tai người kia tiếp, nhỏ giọng: “Nó nghĩa là Nam Bắc là một. Hiểu rồi chứ?”. Người kia khoái trí quá vỗ tay ran và tiếp: “Biết ngay mà, ông vốn là người thâm thúy và luôn thích đùa. Nhớ anh Ba Duẩn nhiều hở?”. “Nhớ lắm!”, Sơn Nam nói.

Anh Huỳnh Minh Nhựt kể tiếp: “Có một nhà thơ nữa mà anh Ba Duẩn vô cùng yêu thích thơ của anh ấy, đó là nhà thơ Nguyễn Bính. Chính anh Ba Duẩn bảo mình nhiều lần là phải thuyết phục bằng được nhà thơ Nguyễn Bính nhận lời đi tập kết. Hồi ở R. anh Ba Duẩn cứ hôm nào thưa việc, lại bảo mình đưa Nguyễn Bính vào chơi với anh Ba, đọc thơ cho anh ấy nghe.

Anh Ba Duẩn có nói: “Đọc thơ của Nguyễn Bính càng thêm yêu cái làng quê của đồng bằng sông Hồng”. Khi anh Ba Duẩn biết nhà thơ Nguyễn Bính phổ thơ toàn bộ Bộ kinh của đạo Hoà Hảo của ông giáo trưởng Huỳnh Phú Sổ thì tấm tắc khen mãi. Anh Ba Duẩn bảo với mình rằng cách nay, năm ngoái anh đã đọc toàn bộ kinh của đạo Hoà Hảo, và thấy kỳ lạ là sao lại có thể giống giọng thơ của miền Bắc đến thế, thì hoá ra là như vậy.

Cái hôm nhà thơ Nguyễn Bính vào trò chuyện với anh Ba Duẩn, anh Ba hỏi nhà thơ Nguyễn Bính về chuyện đã phổ thơ vào Bộ kinh của đạo Hoà Hảo, nghe xong nhà thơ nhận ngay, và hỏi anh Ba: “Anh Ba có muốn nghe lại toàn bộ kinh của đạo Hoà Hảo mà em phổ thành thơ không?” Anh Ba Duẩn đáp ngay: “Có có! Bính đọc đi”. Nhà thơ Nguyễn Bính tiếp: “Bộ kinh đạo Hoà Hảo em phổ thành thơ,  ông giáo trưởng Huỳnh Phú Sổ rất mê. Bộ kinh có 3.202 câu thôi mà, em đọc nhé”.

Vậy là nhà thơ Nguyễn Bính cứ thế tuôn ra như suối chảy. Đến lúc nhà thơ Nguyễn Bính tạm ngừng nghỉ, để nhấp chén trà cho trong giọng, thì anh Ba Duẩn thong thả: “Em phổ thơ rất hay và có ý nghĩa lắm. Chúng ta, những người làm cách mạng vì dân tộc, vì đất nước, thì càng phải am hiểu một cách sâu sắc những câu kinh của đạo như thế này. Đây cũng chính là tâm ý, là nguyện vọng tha thiết của một bộ phận nhân dân mình đấy chứ. Nào, em đọc tiếp đi”.

Anh Ba Duẩn sửa lại tư thế ngồi, và trang trọng nghe nhà thơ Nguyễn Bính đọc ngân nga cho đến câu kinh thứ 3.202, là toàn bộ Bộ kinh của đạo Hoà Hảo

BÙI BÌNH THI
Theo ANTGCT





BÙI GIÁNG - NHÀ THƠ CỦA CÁC NHÀ THƠ

Bùi Giáng, cũng như các thi sĩ thiên tài, đều vượt quá mọi đóng khung. Tuy nhiên, nhà phê bình, vốn là một động vật thích phân loại, nên, một mặt để thỏa mãn mình, mặt khác để hiểu thi nhân, ít nhất là trên đại thể, thì có thể tiếp cận ông từ cạnh khía kiểu nhà thơ.
Nhà thơ Bùi Giáng

Bùi Giáng, tôi nghĩ là một thi sĩ - triết gia, một nhà thơ đồng thời là một nhà triết học. Thi sĩ - triết gia, khác với triết gia - thi sĩ, tồn tại trước hết với tư cách nhà thơ, sau đó mới đến nhà triết học. Kiểu nhà thơ này không phải đến Bùi Giáng mới có, mà từng tồn tại trong văn đàn thế giới như Goethe, Hoelderlin, Braudel, Tchutchev…, hay Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Tản Đà… ở Việt Nam.

Tiếp tục truyền thống thi sĩ - triết gia này, Bùi Giáng đã nâng tầm vóc của nó, ít nhất trong trường hợp Việt Nam, lên cao thêm một bước. Việt Nam vốn không phát triển lắm về triết học. Các tư tưởng triết lý, vì thế, phần lớn có nguồn gốc từ các nền văn hóa lớn bên ngoài. Việc tiếp nhận chúng thường theo nguyên tắc tương ứng chứ không phải đồng thời, như trường hợp Tản Đà đầu thế kỷ XX tiếp thu tư tưởng của các nhà triết học Ánh Sáng thế kỷ XVIII. Các thi sĩ - triết gia của Việt Nam, vì thế, xét trên cạnh khía thời đại, thường lỗi thời ít nhất một nhịp. Điều này hẳn ít nhiều ảnh hưởng đến tầm vóc và, do đó, tư thế đối thoại với thế giới.

Bùi Giáng, ngược lại, tiếp thu chủ nghĩa hiện sinh của J-P.Sartre, A.Camus, K.Jaspers… một cách trực tiếp và đồng thời, khi nó còn đang sống động và đang phát triển. Rồi từ triết học hiện sinh đi đến hiện tượng luận, sau đó hiện tượng luận hiện sinh của Heidegger. Bùi Giáng, chủ yếu, đi đến với triết học Heidegger bằng trải nghiệm riêng của mình. Từ cảm nghiệm vong thân đến với tự do, Bùi Giáng không hiểu triết học như một thầy giáo, mà sống triết học như một bậc thầy. Bởi thế, ông có đầy đủ tư cách triết gia, để phê phán Sartre trong Heidegger Và Tư Tưởng Hiện Đại, trao đổi thư từ học thuật với chính Heidegger và nhà thơ René Char. Quả thật, lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam có một nhà thơ Việt Nam sống cùng nhịp với các trào lưu tư tưởng lớn của thế giới đương đại.

Trước đây, trong thời tiền hiện đại/hiện đại, vẫn thấy những trường hợp thi sĩ và triết gia tuy có chỗ trùng, nhưng rốt cục, vẫn là hai con người riêng biệt. Như một sự phân thân. Còn ở Bùi Giáng thì cuộc đời, thơ ca và triết học là một, là một thứ tam diện nhất thể, đúng hơn tam vị nhất thể. Như con khỉ Mỹ Hầu Vương trở thành Tôn Ngộ Không sau khi ra khỏi lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân, Bùi Giáng trở thành Bùi Giáng, một thi sĩ - triết gia, sau khi đã chưng cất được một hợp chất từ ba yếu tố cuộc đời - thi ca - triết học trong “nồi hầm” văn hóa thời đại có nhiệt độ cao và áp xuất lớn. Hơn nữa, ở thời hậu hiện đại, thi sỹ và/là triết gia cùng đưa ra những diễn ngôn mới, đúng hơn, diễn ngôn về diễn ngôn, không hề chịu một quy định trước nào, cũng không có tham vọng trở thành phổ quát, chỉ khát khao tỏ lộ cá tính riêng thuộc của mình. Hay, nói khác đi, cuộc đời của Bùi Giáng thi sĩ và tư tưởng gia, tuy là nhiều, nhưng đều dẫn đến một đích nhắm là tìm gặp cái Uyên Nguyên, cái Bản Nguyên trong thế giới vạn vật. Heidegger thường tụng ca thi gia và tư tưởng gia, những kẻ canh giữ ngàn đời cho ngôi nhà của tồn tại như/là/qua/bằng/bởi ngôn ngữ. Thế nên, Bùi Giáng, xuất nhập cả trong thân phận thi gia lẫn tư tưởng gia, chẳng qua cũng chỉ là những cách thế tuy khác nhau, nhưng đều dẫn trở về ngôi nhà của tồn tại.

Hợp chất của cái “nồi hầm” siêu tổng cộng các yếu tố văn hóa thời đại đó chính là cái mà Bùi Giáng gọi là tư tưởng hiện đại. Tư tưởng hiện đại, theo Bùi Giáng, trước hết là tư tưởng đương đại, mà trong thời đại của ông là hiện tượng học hiện sinh và, sau đó, là toàn bộ những điểm khả thủ của tư tưởng nhân loại không phân biệt đông tây kim cổ được nhìn từ tư tưởng đương đại. Bùi Giáng gọi động thái này là “trùng phục thu hồi”, một kiểu tiếp thu sáng tạo như ngày nay thường nói. Tư tưởng hiện đại, bởi thế, luôn là sự giao thoa giữa cái đương đại và cái đã qua, đưa cái đã qua trở thành đương đại. Nội dung của tư tưởng hiện đại của mỗi thời có thể mỗi khác, tùy theo sự thông diễn của người đương thời, nhưng cái gọi là tư tưởng hiện đại thì như một hằng số thời nào cũng có. Đó chính là sự “thiết lập Vĩnh Thể trên dòng Tồn Lưu” của Bùi Giáng.

Tư tưởng hiện đại của thời đại Bùi Giáng chính là hiện tượng học thông diễn mà thi nhân gọi là giải minh hay minh giải học. Sống, làm nghệ thuật cũng như làm học thuật, trước hết là phải thông (thông diễn, thông giao, tương thông, liên thông) đã, tức thâm nhập vào đối tượng, trở thành đối tượng, biến đối tượng thành một chủ thể, sau đó phải diễn (diễn giải, diễn dịch, diễn giảng, quảng diễn), tức trình bày cái thông của mình cho người khác. Thông diễn, như vậy, là một quá trình tham dự của một chủ thể vào một đối tượng để biến đối tượng đó thành một chủ thể mới, không chỉ với người khác mà cả với chính chủ thể trước. Thông diễn học, vì thế, là một khoa học chủ quan, hay nói khác vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật. Nó có khả năng biến một sự kiện (khách quan) thành một chân lý (chủ quan), bởi như Kierkegaard nói: chân lý là chủ quan. Với tư cách là trí tuệ cảm xúc, thông diễn học là phương thức nhận thức chủ yếu, phù hợp với cái nhìn thực tại mới của con người trong xã hội hậu công nghiệp, tin học và công nghệ cao.

Thơ Bùi Giáng thể hiện một cái nhìn thông diễn học rất rõ. Sự vật và con người trong thơ ông không bao giờ là tự thân, tự đầy đủ, mà luôn trong trạng thái đương - là, không hoàn kết, luôn ở thế tương giao, đối thoại với người đọc. Điều này đã được đề cập đến ở phần trước, khi nói về trò chơi ngôn ngữ, và còn đặc biệt rõ hơn trong các công trình nghiên cứu của Bùi Giáng, như Heidegger Và Tư Tưởng Hiện Đại, Con Đường Ngã Ba, Thi Ca Tư Tưởng, Đường Đi Trong Rừng… đầy những trích dẫn, vận dụng rất nhiều tri thức đông tây kim cổ từ các triết gia Hy Lạp cổ đại đến Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Đức Phật, các nhà văn, các nhân vật tiểu thuyết, thậm chí đến người thật như Kim Cương, Monroe, Phùng Khánh… Điều này cũng thể hiện rất rõ trong các tác phẩm biên dịch như Lời Cố Quận, Lễ Hội Tháng Ba của Heidegger, Mùi Hương Xuân Sắc dịch Heidegger, Nerval và Camus… Bùi Giáng sử dụng lối dịch - thông diễn. Kể cả khi dịch một tác phẩm văn chương, ông cũng dịch với một tinh thần đồng điệu, chứ không dịch câu chữ. Nhờ sự trái thói này, mà chúng ta có được những tuyệt phẩm dịch thuật như Hoàng Tử Bé và Cõi Người Ta. Tuy vậy, cách làm phá cách, không chịu tuân theo lề lối, đúng hơn là theo một thứ lề - lối - phi - lề - lối của tương lai, đã làm nhiều người không chịu nổi, nhất là những nhà nghiên cứu trường trại, hoặc những người có đầu óc chuồng trại.

Một trong những cách sống thể hiện sự nhất quán của thi cách và nhân cách Bùi Giáng đó là bệnh điên của thi nhân. Đành rằng xưa nay thiên tài và điên là chị em ruột. Nhưng cái điên của Van Gogh, của Dostoievski thì ai cũng nhận ra đó là bệnh. Chỉ có trường hợp Bùi Giáng thì mới có chuyện một điên mười ngờ. Bởi thế, tôi tạm gọi đó là điên - Bùi - Giáng. Người ta đã, và hẳn còn sẽ, tốn nhiều giấy mực để bàn về chuyện Bùi Giáng có điên thật hay không. Tạm gác sang bên vấn đề bất khả giải này, hay có giải được cũng có thể chẳng chứng tỏ dược nhiều điều, thì có thể thấy, Bùi Giáng trước hết là người ngộ chữ, thậm chí còn ngộ chữ có nòi. Khác với những kẻ mọt sách thường là nô lệ cho chữ có sẵn, người ngộ chữ tuy cũng đam mê chữ thái quá, nhưng lại thích đùa nghịch chữ, làm mới chữ. Sự thái quá là không bình thường, bị coi như một thứ bệnh, bệnh điên. Mà sáng tạo, nhất là sáng tạo văn chương nghệ thuật, thì bao giờ cũng thái quá, cũng không bình thường, cũng điên rồ. Điên - Bùi - Giáng, bởi thế, có thể xếp vào loại điên - nghệ - sĩ, một thứ điên mà không điên, không điên mà điên.

Bùi Giáng, trước hết, rất ý thức về cái điên của mình. Đây là một điều mà ở người điên thuần bệnh lý không bao giờ có. Kể cả với người lúc tỉnh lúc điên, vì khi ở trạng thái này thì anh ta lại quên hẳn trạng thái kia. Người điên, vì thế, không biết là mình điên, tức hoàn toàn bị vô thức điều khiển, và sẽ khăng khăng phủ nhận nếu có ai đó bảo mình điên. Bùi Giáng, ngược lại, làm rất nhiều thơ về sự điên của mình, như “Người Điên Uống Rượu”, “Ông Điên”, “Thơ Điên”, “Quá Khứ Của Anh”… Thậm chí Bùi Giáng còn sáng tạo ra cả thứ ngôn ngữ của người điên, mà, theo ông, ngôn ngữ què quặt của người tỉnh khó mà hiểu được nó, nhất là ngôn ngữ của người điên có nghề nghiệp:

Người điên ngôn ngữ điệp trùng
Giở chừng như mộng giở chừng như mê
Thưa em ngôn ngữ quặt què
Làm sao nói được nghiệp nghề người điên

                     (“Người Điên”)

Không những xác định cái điên của mình, mà Bùi Giáng còn dấn thân quyết liệt vào nghề nghiệp điên. Bởi lẽ, thi nhân tìm thấy ở điên niềm hạnh phúc. “Điên là hạnh phúc thần tiên ở đời”. Hạnh phúc là khi mình đồng nhất với mình. Điên là trạng thái trùng khít hoàn toàn giữa con người và bản thân hắn ta. Một sự trùng khít ở cấp độ bản năng, thực vật. Điên Bùi Giáng thì không hẳn là vậy. Ông vẫn nhận ra sự nghiêng lệch giữa mình và thế giới, và vì thế mà muốn co vào cái điên của mình như một vỏ bọc, để mình được là mình. Điên của Bùi Giáng, bởi vậy, chính là một thái độ sống, một cách tồn tại ở đời.

Như vậy, Bùi Giáng, ý thức hoặc vô thức, đón gặp sự điên của mình, để, một mặt vượt thoát khỏi mọi can thiệp của cái xã hội, vốn quyền uy và thực dụng, vào lối sống riêng của mình; mặt khác, bằng hành động điên rồ gửi sự minh triết đến cho mọi người, nhất là những con người bình thường. Hình ảnh Bùi Giáng ăn mặc lôi thôi lếch thếch, cổ đeo đầy ống bơ, giày dép, đứng ở ngã tư đường phố Sài Gòn, chỉ lối cho con người và xe cộ qua lại, gợi nhớ đến các nhà tiên tri cổ đại. Hoặc Bùi Giáng “nuôi” rất nhiều lợn đất, gà nhựa ở nhà và đi đâu ông cũng nhớ về cho chúng ăn. Và mỗi khi cho rằng loại gà lợn này đi chơi đâu xa, Bùi Giáng thường rải gạo dọc đường để cho chúng nhớ lối mà về nhà. Những cảnh tượng ấy, quả thực, cũng giống như một cuộc trưng bày nghệ thuật trình diễn hoặc sắp đặt giàu ý tưởng. Hay, đúng hơn, Bùi Giáng đang làm thơ. Một bài thơ bằng các vật liệu phi ngôn từ của loại thơ cụ thể.

Người điên cũng như người chứng ngộ đều cùng chung một cõi vô trí. Nhưng người điên thì ở bề dưới của trạng thái đó, còn kẻ chứng ngộ thì ở vùng trên. Di chuyển giữa hai đường biên đó, Bùi Giáng không bao giờ điên thật và cũng không bao giờ chứng ngộ, cảnh giới của thực tướng là vô tướng, chân ngã là vô ngã. Ông vẫn còn đặt một chân ở cuộc đời, vẫn đau khổ vì cuộc đời: “Anh đã định suốt thiên thu vạn kỷ/ Làm thằng điên rồ dại suốt thiên thâu/ Nhưng em ạ, dường như anh vô lý/ Lúc đoạn trường anh đứt ruột khổ đau”. Vì còn đau khổ nên ông vẫn cần ngôn ngữ, vẫn tin vào lời, dù lời của ông đã gần với không - lời, tư duy của ông đã gần với không - tư duy. Có lẽ, nhờ thế mà chúng ta có được một Bùi - Giáng - Tuyệt - Tự - Thi, một thứ thơ tuyệt vời ngôn ngữ (tự) và một nhà thơ không thể có người thứ hai nói dõi. Ông như một Bồ Tát không bước hẳn vào cõi vô ngôn, vô trí mà vẫn ở lại với Lời để cứu Lời.

Cuối cùng, như để lại một mật ngữ, trong Lời tựa cho cuốn Martin Heidegger Và Tư Tưởng Hiện Đại, Bùi Giáng viết về F.Nietzsche như là để nối cái điên của mình vào cái “đại điên” của những vĩ nhân trong lịch sử: “Cái dịu dàng như hươu non đành chực bóp chết lòng mình để rống to như thú dữ. Nhưng lập tức lời nguyền rủa bốn phía vang lên. Và Nietzsche đã điên. Trước Nietzsche mấy chục năm, Hoederlin cũng đã điên. Cùng với bao kẻ khác đã điên. Để ngày nay… Để ngày nay chúng ta tụ hội về đây xôn xao nêu câu hỏi: Cớ sao mà điên? Nêu một cái rất ngây thơ tròn trĩnh.”

Như vậy, với việc đưa ngôn ngữ trở về với sự vật, rồi lại coi sự vật, trật tự sự vật, tức cuộc đời, tức thực tại chỉ là các trò chơi ngôn ngữ, tức thống nhất vào ngôn ngữ cả sự biểu đạt thực tại lẫn thực tại được biểu đạt, Bùi Giáng đã vượt qua chủ nghĩa hiện đại, mở một cánh cửa vào hậu hiện đại, để hôm nay, càng lúc càng đông nhà thơ trẻ, với những kích thước tài năng và tầm vóc tư tưởng khác nhau, chen chân qua khung cửa hẹp ấy. Nếu trước đây, Nguyễn Du mở ra thời kỳ trung đại cổ điển trong văn học Việt Nam, nâng nó lên ngang tầm khu vực Đông Á, còn Tản Đà vào những thập niên đầu thế kỷ XX đã mở đầu cho thời hiện đại, đưa văn học Việt Nam vào quỹ đạo thế giới, tuy có sự lệch thời gian, thì Bùi Giáng ở những mười năm cuối của cùng thế kỷ ấy đã đi đầu trong việc mở ra một thời đại mới cho văn học Việt Nam, văn học hậu hiện đại. Có điều lần này, ít nhất với trường hợp Bùi Giáng, sự phát triển của văn học Việt Nam so với thế giới không còn là sự phát triển tương ứng nữa mà là đồng thời, tức nhịp bước cùng thế giới. Và quan trọng là sau ông đã rậm rịch những chân bước khác. Bởi thế, theo cái cách mà Heidegger gọi Hoederlin, tôi cũng muốn vinh danh Bùi Giáng, cũng như Nguyễn Du và Tản Đà trước đây, những thi nhân làm thay đổi hệ hình tư duy nghệ thuật thời đại, không phải là “nhà thơ giữa các nhà thơ, mà là nhà thơ của các nhà thơ”.

Hà Nội, tháng 11-2011
ĐỖ LAI THÚY
Nguồn: Tia Sáng

Câu chuyện văn hoá khác:



Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

THƠ VŨ TRỌNG QUANG: NGÔN NGỮ THỜI SỐ HÓA

Nếu chỉ nhìn vào ngôn ngữ ký hiệu hóa thì có thể nói rằng VTQ đang thể nghiệm một cái gì đó, nhưng theo tôi, không có một sự thể nghiệm nào cả, chỉ là một nhà thơ với hệ thông của riêng mình và… làm thơ cho người đọc, khi thì “đọc”, lúc cần giải mã…
Nhà thơ Vũ Trọng Quang

Cũng không hiểu vì sao tôi lại chọn nhan đề cho bài viết này như trên, biết đâu chừng khi lạc vào thế giới thơ này của Vũ Trọng Quang (VTQ) tôi cũng trở nên điên đột xuất, điên có kỳ hạn rồi chăng? Chỉ biết nhãn tiền là chưa một lần nào tôi mất đến cả năm với gần chục lần để đọc một tập thơ - kể cả thơ Bùi Giáng - với một não trạng lúc vầy lúc khác, để có thể giải mã được dăm điều gì đó trong cuốn thơ này. Và giải mã ở đây khá vất vả vì lẽ giữa tác giả và người đọc là tôi có một khoảng cách khá xa. Và đó vừa là khoảng cách vừa là sự liên tục chẳng khác chi cuộc sống, giòng thời gian ngày - đêm chẳng là vừa đứt quãng vừa liên tục hay sao. Hôm qua - hôm nay & hôm sau chính là như vậy thôi, phải cách nhau ra để mà liên tục; muốn liên tục phải cách nhau ra. Còn não trạng khi đọc thơ VTQ cần là “điên… rất đều”- chữ của một nhà văn nữ được chỉnh sửa cho phù hợp khi bước vào thế giới thơ ngổn ngang của VTQ.

Giấc mơ hoa là cách nói cổ điển của một tình yêu, thường thì nó êm đềm, mơ màng nhưng đó là mơ hoa của hôm qua, còn hôm nay và ở đây giấc mơ bị quậy tưng lên bằng ngôn ngữ cần giải mã, kể cả cách thể hiện những chữ ấy trên giấy cũng trở thành một ký hiệu như bao nhiêu ký hiệu tràn ngập trong nửa sau của tập thơ (Hôm qua - hôm nay & hôm sau - thơ VTQ, NXB Đà Nẵng 2006) mà theo cách nghĩ của tôi, nó là thơ như bao nhiêu thơ khác nhưng được mã hóa, số hóa với cả @, khoảng cách và những ký hiệu… Anh hoa của trung niên thi sĩ có được mời về cũng đành chỉ nghe mà chào thua vì cái thời của tiên sinh, thơ chưa có một lối đi mới nào kiểu như ở chốn này. Trở về với bài Giấc mơ hoa (tr 127) mà tôi rất thích sự nhảy múa của ngôn ngữ, sẽ gặp:

 “qua gặp lại hoa trên thảo nguyên cỏ mượt mọc tới chân
trời
nghiêng mình bẻ cong bẻ dòng vắt dòng vắt giò
lên cổ…

nghe lục cục lòn hòn như thế và đấy chỉ là một khoảng cách cho sự đáo để “điên… rất đều”:

tay qua mân mê tham tới rốn
tay hoa tay đẩy tay đây
đừng anh đừng anh đừng anh đừng anh anh”

chỉ tham tới rốn là “điên…rất đều” và không làm tan giấc mơ hoa vì tình yêu trong ngần chỉ bị đứt một khỏang cách nhỏ giữa  “thiện và ác”.

Tôi còn nhận ra, khi trích thơ VTQ, cũng cần chú ý đến cách trình bày bởi đó là một phần thơ ông. Tại các trang 131,132,133 có các bài Eros, Ký hiệu liên tưởng đọc rất khoái mà tôi đoán là nó rất thơ, rất đa tình, khóai nhưng trích dẫn ra đây thì vì không biết nhiều vi tính đành… mù tịt. Bài thơ là những mũi tên sắp thành hình tháp, cái đáy khá rộng, rồi đảo thành tháp ngược thu hẹp lại chỉ còn một mũi cắm phập vào trái tim ai đó- một người bị trọng thương,là tác giả hay một người khác phái nào thì vẫn không khác, ở điểm là có một bi kịch mang tính thân phận con người trong tình yêu.Nhiều người làm thơ diễn tả bằng hệ thống ngôn ngữ, ở đây thì bằng những mũi tên xếp thành hình tháp lúc xuôi, lúc bị lật ngược gây cảm giác đau đớn mà những ai một lần yêu có thể trải nghiệm với bài thơ đầy ẩn dụ này. Và đấy chính là ngôn ngữ trong hệ thống VTQ…

Thường thì tôi không có thói quen “bình” thơ người khác vì hình như đó ít nhiều đều có chút không khiêm tốn và nhất là “bút phán quan” rất chán, cho nên chỉ đọc và ngấm ngầm giải mã (không phải bao giờ cũng thành công) cấu trúc ngôn ngữ, hình ảnh, ý tưởng và cảm xúc, bao nhiêu là thứ thụ hưởng cho hết thật khó lòng. Cũng không cần gì phải nói VTQ thể nghiệm một cái gì trong thơ, nhà thơ chỉ nói bằng hệ thống của riêng anh, không trình làng một “mô hình” nào cả, nó giống như mỗi người có một dấu vân tay của riêng người đó. Một hoang phế nửa chừng theo thời gian, trong khi những người khác tìm cách phục chế phần vật chất của Mỹ Sơn (tr.94) thì VTQ kết nối được cái xưa và nay:

“Con chim gì đó ơi
thả rơi tiếng hót lạ
có phải gọi bầy nhau từ kiếp trước
Kiếp trước lịch sử lớp lớp sóng
thành quách phủ rêu ngòai vùng phủ sóng
dưới phố em phủ váy thời trang gần tới Yoni gây sóng
Nào có thể phục chế những linh hồn
đang mở mắt

Thật kinh hãi khi đọc hai câu cuối nếu có quan tâm một chút đến lịch sử, quá khứ được thông quan qua cửa hệ thống của nhà thơ, không phải sự hoài cổ bình thường bởi quá khứ còn “đang mở mắt” giả như ngủ ra đó. Ở một nơi khác, Phản đề:

chiều phố rượu
con mèo con chó con chuột

là những cặp đối nghịch nhau nhưng thiếu chúng liệu còn sự bình thường đến yên ổn của cuộc sống? Và, ai dám bảo chim rừng tự do hơn chúng? Hoang dã là phản đề của chính nó.

tự do hơn chim rừng
hoang mai hướng dương vạn thọ
tự do hơn hoa rừng

Nếu chỉ nhìn vào ngôn ngữ ký hiệu hóa thì có thể nói rằng VTQ đang thể nghiệm một cái gì đó, nhưng theo tôi, không có một sự thể nghiệm nào cả, chỉ là một nhà thơ với hệ thông của riêng mình và… làm thơ cho người đọc, khi thì “đọc”, lúc cần giải mã. Thế thôi! Thói quen “vạch một chân trời” không cần trong một thời đại có rất nhiều chân trời như hiện nay.

CAO THOẠI CHÂU
Nguồn: Trích trong tạp bút Vớt lá trên sông,
NXB Hội Nhà văn 2010


Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

CẢM HỨNG THIỀN PHẬT TRONG THƠ QUÁCH TẤN

Quách Tấn là một phật tử trọn vẹn, đã thu tóm tất cả những bài thơ mộng của Phật giáo vào trong cuộc đời trầm lặng của mình. Quách Tấn đã đi ngược lại tất cả phong trào thời thượng…

Tóm tắt: Quách Tấn là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới, chuyên sáng tác theo thể thơ Đường luật nhưng lại thể hiện một bút pháp nghệ thuật mới, diễn đạt những cảm xúc mới. Nếu trong thơ ông trước 1945 không viết về Thiền về Phật thì sau năm 1954, cảm hứng này lại thể hiện đậm nét trong thơ của ông. Bài viết bước đầu sẽ tìm hiểu cảm hứng Thiền Phật trong thơ Quách Tấn.
Nhà thơ Quách Tấn

Quách Tấn (1910 - 1992), tự là Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên, còn có bút hiệu Định Phong, Cổ Bàn Nhân, Thi Nại Thị, Lão Giữ Vườn. Ông là nhà thơ thời tiền chiến, cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan lập nhóm bàn Thành tứ hữu (Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn) ở Bình Định.

Ông sinh ra tại thôn Trường Định, huyện Bình Khê (nay là xã Bình Hoà, huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định, từ năm 1935 đến cuối đời ông chọn Nha Trang làm quê hương thứ hai. Quách Tấn Tấn tập làm thơ từ lúc học lớp đệ nhất niên trường Quy nhơn.

Lúc ra trường ông đã thông thạo các thể thơ, nhưng chính thức bước vào làng văn thơ từ năm 1932. Năm 1933, ông đã có thơ đăng trên An Nam tạp chí, Phụ Nữ tân văn, Tiếng dân và Tiểu thuyết thứ bảy… Ông từng được nhà thơ Tản Đà khen khi bình bài Đến thăm vườn cũ cảm tác của ông.

Tản Đà viết: nói về bên tình thì rất lâm ly mà nói về bên tài cũng đến thế là hay. Ông là nhà thơ một đời thuỷ chung với thơ cách luật như lại được các nhà thơ mới thời tiến chiến mở cửa đón nhận, được xếp vào ngồi chiếu trên của thi đàn bấy giờ.

Nếu trong thơ của Quách Tấn xuất bản trước năm 1945 như tập Một tấm lòng (1939), Mùa cổ điển (1941) thì nhà thơ lại không viết về Thiền, về Phật mà cảm hứng Thiền Phật được nhà thơ thể hiện nhiều nhất trong những tập thơ sau này như: Đọng bóng chiều (1965), Mộng Ngân Sơn (1966), Giọt trăng (1973).

Cùng thời với Quách Tấn có nhà thơ J.Leiba (Lê Văn Bái) với bài Bến giác mang cảm hứng Thiền - Phật và ít nhiều có pha chất Lão - Trang. nhà thơ xem cuộc đời là hư ảo, là “phù thế”, nên nhà thơ hơi bi quan, muốn xa lánh cõi đời. Tác giả đã dùng nhiều từ ngữ nhà Phật để diễn đạt ý tưởng trên:

Phù thế đã nhiều duyên nghiệp quá!
Lệ lòng mong cạn chốn am Không.
Cửa Thiền một đóng duyên trần dứt,
Quên hết người quen chốn bụi hồng.

Riêng Quách Tấn, nói như nhà nghiên cứu Trần Phong Giao thì “thơ Quách Tấn càng về sau đã “thấy”, đã “nhập” vào Thiền, đã “cảm dưỡng hào khí của Thiền tông Việt Nam” [Quách Giao (sưu tầm) (1994), Quách Tấn qua cái nhìn phê bình văn học, Nxb Trẻ, TP. HCM, tr.287-296].

1. Nhìn thiên nhiên qua cảm quan Thiền đạo

Quách Tấn là một phật tử thuần thành, ông thường nghiền ngẫm, nghiên cứu kinh Phật, nên thơ của ông ít nhiều cũng mang cảm quan triết lý nhà Phật và mang cả cảm hứng đạo học. Điều này được thể hiện qua những vần thơ viết về thiên nhiên của ông. Thiên nhiên được nhìn qua cảm quan Thiền đạo.

Trong mối quan hệ qua lại giữa thi nhân và thiên nhiên, tính tương hỗ từ thể xác qua trí tuệ đến tâm linh đã phơi bày một cách tích cực và không mâu thuẫn. Quách Tấn không chỉ nhìn ngắm thiên nhiên với con mắt thẩm mỹ mà còn với cả con mắt triết lý và tâm linh. Ta có cảm tưởng Quách Tấn đã hòa quyện cùng thiên nhiên, khăng khít trong mối quan hệ giữa tiểu ngã và đại ngã để làm thành khối đồng nhất, mà thiên nhiên là tiền đề, là điều kiện để khởi động từng phút, từng giây, từng sát na cảm xúc của thi sĩ, hỗ trợ thi sĩ ý thức được sự có mặt của ngũ quan (ngũ căn) và những tính năng của nó, mà thuật ngữ của nhà Phật gọi là “nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, ý thức”. Thiên nhiên xung quanh ta là hiện thân của đất, nước, không khí, năng lượng mặt trời, của sự vận hành tháng năm, với thời gian vô tận. Sự hòa nhập của nó cũng là hòa nhập vào suối nguồn của sự sống.

Cụ thể hơn, với một vỏ sò khô, Quách Tấn cũng gởi vào nó hơi thở, hồn thơm của một sức sống thơ dạt dào. nhìn vỏ sò khô, một thực thể chết, Quách Tấn lại nghe tiếng reo vang vọng của biển khơi. có sự sống, cái chết nào lại chẳng liên quan đến môi trường sống với thế giới đồng hiện hữu? Hiện thể của vỏ sò hoặc con sò đâu thể thiếu vắng biển khơi. Tiểu ngã và đại ngã tương duyên với nhau:

Vỏ sò khô ấp ủ,
Niềm băng tuyết đêm sương.
Muôn xa bờ bến cũ,
Vang vọng sóng trùng dương.
(Ấp ủ)

Và mỗi khi tiểu ngã và đại ngã tương quan, tương duyên với nhau thì mỗi động tác đều gây sự chuyển động dây chuyền. một cái búng chân nhảy của con cào cào màu xanh cũng đủ khiến bầu trời buổi chiều thu rung chuyển:

Nước ngoạn trời long lanh,
Con cào cào áo xanh.
Bờ cao búng chân nhảy,
Mây chiều thu rung rinh.
(Búng chân)

Đây là nhận thức triết lý, đúng hơn là đạo lý của Quách Tấn. Nó bắt nguồn từ sự thấm nhuần đạo Phật. Trong thế giới tương quan tương duyên và cả tương tác nữa, thì đâu đâu cũng mang tính động thái và tính tiến trình. Tất cả đều tác động qua lại, đều vận chuyển, nghĩa là không diễn ra theo một chiều mang tính định mệnh, mang tính “Sáng thế”. Tính tương quan, tương duyên quyết định cho sự sinh diệt cũng như hình ảnh, màu sắc của thiên nhiên cũng quyết định tính vô biên, vô thường và vô ngã của nó. Thơ văn của Quách Tấn đã giúp người viết những dòng chữ này hiểu sâu thêm nhận thức ấy. Trong hoàn cảnh cuộc sống có sự đổi thay ào ạt từng phút từng giờ, hiếm có người nào ung dung, thong dong như Quách Tấn, bởi nhà thơ luôn giữ lòng tự tại trước thực tế thay đổi theo thời gian. có sự tĩnh tại đó là nhờ thi sĩ đã nghiệm ra, đã trực cảm được cái lẽ “Là mộng cũng là chân” để lượng hương xuân ngào ngạt mãi trong lòng:

Mười hai mùa lá rụng,
Đây mùa hương nở xuân.
Theo duyên lòng chẳng đổi,
Là mộng cũng là chân.
(Nở xuân)

Mộng huyễn và chân thật xét đến cùng, có chung một bản thể. nó là hai mặt của một thực tại, bởi “Tâm pháp nhất như”, “Vạn vật nhất thể”. nhà thơ đồng nhất mộng và chân  là nhờ nhận thức được chân lý ấy. chính vì nhà thơ tĩnh tâm trước thực tại, nên đã chấm dứt mọi bay nhảy, mọi tìm kiếm, đi và đến để như “Chim dừng cánh biệt ly” (mơ Đạo), để không còn hỏi “Cảnh hay lòng?” và để nhận thức được rằng “Lòng với cảnh không chia” (Quán trọ đêm thu) và:

Mây nước hằng tự tại,
Vàng đá chẳng vô tri.

Thiên nhiên trong thơ Quách Tấn mang đậm chất thanh tịnh và sung mãn nét đẹp tâm linh trong sự “Ân ánh cõi từ bi”, nhờ thế mà thi nhân dường như đã chứng nghiệm được “Hương gió thoảng liên trì” (Mơ Đạo) dù chỉ trong một sát na, một cái nháy mắt, một chút gió thoảng qua!

Tư tưởng Đạo Phật thấm nhuần trong con người Quách Tấn. Vì thế trước khi từ giã cõi đời, nhà thơ dặn dò con cháu nhớ khắc trên bia mộ:

Nghìn xưa không còn nữa,
Nghìn sau rồi cũng không.
Phảng phất bờ trăng rạng,
Hương Ưu đàm trổ bông.
(Thoáng hiện)

Tồn tại và hủy diệt, sắc và không, hữu và vô đều cùng bản thể, nhất như nghìn xưa không còn là thực tại. Quá khứ nghìn năm sau sẽ không còn; và tương lai nghìn năm sau dù chưa hiện hữu cũng chẳng tồn tại. Tất cả đều là Không. Giác ngộ và thấu hiểu được chữ Không trong tư tưởng triết học nhà Phật là cả những chuỗi thời gian chiêm nghiệm, nghiền ngẫm, suy tư. Không ở đây chẳng phải là sự đối đãi, đối lập giữa “có” và “không”, “hữu” và “vô” mà là cái Không vượt lên trên. Đó là chân không diệu hữu.

Dường như Quách Tấn đã nghiệm ra được điều đó. Ông không giữ chặt cái đã qua, cũng không sống với cái chưa có thực, không để cho những gì của quá khứ và tương lai chen vào phút giây đang hít thở, thì lúc đó vầng trăng rạng cũng cho “thấy” cả hương ưu  đàm. Hoa ưu đàm là hoa Giác ngộ, theo kinh Phật, mấy nghìn năm mới nở hoa một lần. Dĩ nhiên hoa này không xuất hiện trong cuộc sống ồn ã vang dội trong loa phát thanh và rộn ràng xe cộ, cũng không xuất hiện ở nơi đâu đâu, khi con người tấp nập bay nhảy, tìm kiếm, đi và đến... người ta chỉ gặp nó khi lòng mình thật sự lặng lẽ, thanh tĩnh.

Cũng như thiền sư Vạn Hạnh đời Lý, Quách Tấn đã xem “Thân như bóng chớp có rồi không”. Ông thường nói đùa rằng đời tôi có tứ thú và tam vô. Tứ thú là: Có tiền in sách đẹp,/Gặp bạn sẵn thơ hay./Giấc tỉnh hồi chuông sớm,/Võng trưa giấc ngủ ngày. Còn tam vô là: Không biết hút thuốc, không chơi cờ bạc và không đi xe đạp.

2. Hình ảnh tiếng chuông chùa

Tiếng chuông chùa đối với thi nhân như một kỷ vật thiêng liêng từng chôn sâu trong tiềm thức của ông, nên mỗi lần trông thấy cảnh núi non chùa chiền thì nó bỗng dưng trỗi dậy:

Núi Nhạn chuông ngân trời bảng lảng,
Đầm Ô sen nở gió thơm tho.

Không những lắm lúc ngắm cảnh thiên nhiên, tiếng chuông chùa làm ông chú ý, mà mỗi khi chợt tỉnh giấc nồng, tiếng chuông cũng hiện đến:

Mây nước nhuốm phong trần,
Nơi đâu tình cố nhân.
Những đêm buồn tỉnh giấc,
Chùa cũ tiếng chuông ngân.

Nhờ nghe tiếng chuông chùa ngân vang mà khách hành hương trút hết mọi nỗi ưu phiền, như Chu Mạnh Trinh đã viết: “Lạ cho vừa bén mùi thiền,/ Mà trăm não với ngàn phiền sạch không”. Hay: “Thoảng bên tai một tiếng chày kình,/Khách tang hải giật mình trong giấc mộng” (Hương Sơn phong cảnh ca).

Không khác gì cảm nhận của họ Chu, Quách Tấn cũng mô tả trạng thái tâm hồn mình khi đến viếng một cảnh chùa quen thuộc: “Người đến viếng cảnh chùa, lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ, ngồi tựa bóng cây đón mát, tưởng chừng mình đã xa lánh hẳn cõi trần tục.” [Quách Tấn, Nước non Bình Định, Nam Cường xuất bản, SG, 1968; nxb Thanh niên tái bản 1999.]

Thoảng đâu đây như có tiếng gió ru hồn lữ khách:

Gió ru hồn mộng thiu thiu,
Chuông chùa rơi rụng bóng chiều đầy non.

Và thi sĩ tiếp: “Nếu không có tiếng chuông hay mộng thì mộng còn mãi chìm trong bóng mây rán, hoặc làm con cò vương hương bay lờ lững trong hồ sen yên tịnh.”

Cứ thế, thời gian trôi đi và bóng tịch dương dần dà đổ xuống với tiếng chuông chùa cổ thân yêu:

Mây tạnh non cao đọng nắng chiều,
Tiếng chuông chùa cũ vọng cô liêu.
Thêm nhiều lá rụng cây quằn quại,
Đã vắng người sang bến nhẩy triều.

Thế rồi, ngày lại ngày trong sự tất bật của cuộc sống đời thường, nhưng mỗi khi nhìn thấy cảnh chùa thì âm vang tiếng chuông lại ngân nga tựa hồ bất tận:

Chùa ẩn non mây trắng, Bóng in hồ liễu xanh.
Mai chiều chuông đã tạnh, Vòng sóng còn long lanh.
(Tiếng ngân)

Đây là hình ảnh thiên nhiên đầy tình tự, là khoảng trời xanh tinh khiết còn lại trong đôi mắt long lanh của một nhà thơ trong cảnh xế chiều của đời mình.

3. Một đạo tâm dào dạt

Có lần tôi đi theo ba tôi đến thăm nhà thơ, nghe ông tâm sự: “Gia đình tôi theo đạo Phật, và tôi chịu ảnh hưởng tư tưởng Thiền trong Phật giáo”. Và trong khi đàm đạo, ông thường nhắc đến ngọn đồi Trại Thủy, nơi tọa lạc của Phật học viện nha trang, một trung tâm đào tạo Tăng tài trong giai đoạn cận hiện đại. Từ đó mới biết hồi ấy, Hòa thượng Thích Trí Thủ đàm nhiệm Giám viện Phật học viện lại là chỗ tương giao tâm đắc với thi sĩ, vì thế, một hôm lên thăm chùa, nhân ngẫu hứng thi sĩ đã cảm tác một bài ngũ ngôn, để tặng Hòa thượng:

Trăng lên đồi Trại Thủy,
Chuông khua ngời âm ba.
Bồi hồi mây khóa viện,
Sân Bồ đề sương sa.

Ngoài ra, ngôi chùa Kim Liên tại Diên Khánh cũng là nơi lưu lại dấu chân của thi nhân. một hôm đến viếng cảnh chùa, thấy Thượng tọa viện chủ tiếp đón khách tham quan niềm nỡ, ông liền làm bài thơ để lại lưu niệm:

Dặm hồng dìu dịu nắng,
Theo hứng viếng làng tu.
Ngụm nước đằm chơn vị,
Im lìm sen nở thu.

Người xưa từng nói: “Nhân giả nhạo sơn; trí giả nhạo thủy.” (người nhân ưa cảnh núi rừng; người trí ưa nơi sông nước). Phải chăng vì vậy mà các cảnh chùa tiêu biểu cho đạo từ bi nhân ái - thường được xây cất trên các đồi núi? Thậm chí có những ngôi danh lam quanh năm mây phủ xa xôi chập chờn trông có vẻ tiêu dao thoát tục:

Cây chen đá chất chập chùng,
Biển giăng dưới núi, chùa lồng trong mây.
Bụi đời không bợn mảy may,
Chút thân rộng tháng dài ngày thảnh thơi.

Phải chăng kiếp sống nhân sinh chập chờn như ảo mộng? Con người luôn luôn chơi vơi giữa dòng trường lưu bất tận, khiến đôi lúc nhà thơ chợt hứng cất tiếng gọi đò vang cả hư không:

Đời nửa khói mây chìm bóng mộng,
Gọi đò một tiếng lạnh hư không.

Ta nghe được dư âm của thiền sư Không Lộ đời Lý còn phảng phất đâu đây:

Hữu thì trực thướng cô phong đính,
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
(Ngôn hoài)

(Có khi xông thẳng lên đầu núi,
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.)

[Thơ văn Lý - Trần, tập 1]

Không những chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của các thiền sư - điều mà thi sĩ đã khẳng định - ông còn thâm nhập cốt lõi của kinh Duy Ma Cật:

Ngày qua chầm chậm vách kim thinh,
Cảnh giới Duy Ma mình với mình.
Hoa rải tờ thơ hương lành lạnh,
Trăng cài nhánh mộng bóng xanh xanh.

Có lần ông thổ lộ cái ý vừa nêu: “Cây thiết mộc lan nở hoa lần này là lần thứ hai (tháng 12-1992). Lần trước nở tôi 79 tuổi (1989). Hai nhánh lan đã lên cao như hai cây sào, hoa nở trắng trên đọt, hương bay chập chờn theo gió, nghe lũ cháu reo mừng. Tôi tưởng chừng như hoa của thiên nữ từ trong vách Phương trượng của Duy Ma Cật bung ra rải xuống hạ giới vậy” [Quách Tấn (1999), Bóng ngày qua (Đời văn chương), nxb Hội nhà văn, Hn].

Điều này chứng tỏ càng về già nhà thơ càng đến gần cõi Đạo, như nhà văn Trần Phong Giao nhận xét: “Tới lúc về già, ta thấy khí vị Thiền lung linh bàng bạc trong thơ Quách Tấn, nhất là trong nhiều bài in trong hai tập Mộng Ngân Sơn và Giọt trăng”.

Một hôm vào lúc xế chiều, Quách Tấn lên chùa Hải Đức (ở Nha Trang) thăm một người bạn vong niên (tương truyền là thầy Nguyên Tánh). Mặc dù tuổi tác chênh lệch nhau, nhưng hai tâm hồn như cùng chung một giai điệu:

Áo giũ ngày sương gió, Lên chùa thăm cố nhân. Non nghiêng thềm bóng xế, Lịu địu bóng nhàn vân.

Phong cách ấy quả thực có khác với thế nhân trong những lúc thù tạc vãng lai. Người đời đến và đi trong âm thanh và tốc độ của thời đại cơ khí, ồn ào và vội vã… nhưng thời đại của nhà thơ là thời đại ẩn tình trầm lặng của một đám mây lơ lửng, lồng trong bóng núi nghiêng nghiêng. Người đời rồi cũng có lúc “Giũ áo phong sương trên gác trọ” để ngồi lại chiêm nghiệm chính mình, như thi sĩ đã làm:

Khép cửa phiền ba lại, Vườn quê nắng sưởi tình. Thanh bình lòng giếng ngọt, Chim hót ngọc âm thanh.

Để thấy rõ hơn chân dung của Quách Tấn, chúng ta có thể nghe ý kiến của Phạm Công Thiện, một người bạn tâm giao của thi sĩ đã viết trong bài “Trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam với Quách Tấn”: “Quách Tấn là một phật tử trọn vẹn, đã thu tóm tất cả những bài thơ mộng của Phật giáo vào trong cuộc đời trầm lặng của mình. Quách Tấn đã đi ngược lại tất cả phong trào thời thượng… Ông xứng đáng là kẻ nối dòng của các vị thiền sư: Vạn Hạnh, Không Lộ, Ngộ Ấn, và tất cả những thiền sư thi sĩ đã nuôi dưỡng linh hồn của cả một dân tộc, linh hồn của Lý Thường Kiệt đánh Tống và Trần Hưng Đạo đánh Nguyên.” [Quách Giao (sưu tầm) (1994), Quách Tấn qua cái nhìn phê bình văn học, NXB Trẻ, Tp.HCM.]

Phải chăng vì được nuôi dưỡng trong không khí tâm linh của các thiền sư thi sĩ quá khứ mà “Quách Tấn luôn luôn giữ phong độ của kẻ mang hào khí ngút ngàn? Mỗi hàng, mỗi câu đều thể hiện sáng sủa, uy nghiêm mà tràn ngập thi ca, khiến cho người đọc lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ. Tất cả con người Quách Tấn là thi ca, là tiếng báo hiệu của một sự tựu thành” như lời nhà văn Nguyễn Thái đã viết trong bài Quách Tấn: quê hương và thơ được tuyển in trong tập Quách Tấn qua cái nhìn phê bình văn học do con trai nhà thơ là Quách Giao (sưu tầm), nxb Trẻ, TP. HCM, 1994.

Ths. NGUYỄN CÔNG THANH DUNG
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3 năm 2014

Tài liệu tham khảo:

1.             Huy Cận - Hà Minh Đức chủ biên (1997), Nhìn lại một cuộc
cách mạng trong thi ca (60 năm phong trào Thơ Mới), Nxb Giáo dục, tb lần thứ nhất, HN.
2.             Phan Cự Đệ (1982), Phong trào Thơ Mới, Nxb Khoa học Xã hội, HN.
3.             Lam Giang (1970), Hồn thơ nước Việt, Nxb Sống Mới, SG.
4.             Quách Giao (sưu tầm) (1994), Quách Tấn qua cái nhìn phê bình văn học, Nxb Trẻ, TP. HCM.
5.             Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng (1969), Việt Nam thi nhân tiền chiến, Nxb Sống Mới, SG.
6.             Nguyễn Tấn Long, Phan Canh (1970), Các khuynh hướng thi ca tiền chiến, Nxb Sống Mới, SG.
7.             Bùi Văn Nguyên - Hà Minh Đức (1971), Thơ ca Việt  Nam (Hình thức và Thể loại), Nxb Khoa học Xã hội, HN.
8.             Lê Triều Phương, Phan Hồng Châu, Quách Tùng  Phong (2002), Hương thơ Quách Tấn, Nxb Hội Nhà văn, HN.
9.             Trần Hữu Tá, Nguyễn Thành Thi, Đoàn Lê Giang (chủ biên) (2013), Nhìn lại Thơ Mới và văn xuôi Tự Lực văn  đoàn, Nxb Thanh niên, TP.HCM.
10.           Quách Tấn (1939), Một tấm lòng, Nhà in Thuỵ Ký, Hàng Trống, HN.
11.           Quách Tấn (1941), Mùa cổ điển, Nhà in Thuỵ Ký,  Hàng Trống, HN.
12.           Quách Tấn (1960), Mùa cổ điển, Nxb Tân Việt, SG, tái bản lần thứ 1.
13.           Quách Tấn (1965), Đọng bóng chiều, in tại Paris (không ghi nơi xuất bản).
14.           Quách Tấn (1966), Mộng Ngân Sơn, Hoa Nắng, Paris.
15.           Quách Tấn (1973), Giọt trăng, Thi Vũ giới thiệu, Nxb Rừng Trúc, Paris.
16.           Quách Tấn (1998), Thi pháp thơ Đường, Nxb Trẻ, TP. HCM.
17.           Quách Tấn (1999), Trăng hoàng hôn, Nxb Trẻ, TP. HCM.
18.           Quách Tấn (1999), Bóng ngày qua (Đời văn chương), Nxb Hội Nhà văn, HN.
19.           Quách Tấn (2000), Bóng ngày qua (Bàn Thành tứ hữu), Nxb Văn nghệ, TP. HCM.
20.           Quách Tấn (2000), Trường Xuyên thi thoại, Trung tâm Ng- hiên cứu Quốc học và Nxb Văn nghệ Tp. HCM.
21.           Hoài Thanh - Hoài Chân (1998), Thi nhân Việt Nam, in lần đầu 1941, Nxb Văn học, tái bản lần thứ 14, HN.
22.           Nguyễn Vỹ (1970), Văn thi sĩ tiền chiến, Sống Mới, SG.


Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều