Nhà phê bình La Mai Thi Gia
Rượu ngon có khi còn có thể… đoán được khi nhìn qua độ
trong của sắc rượu, mùi thơm của hơi
men, còn người đàn bà đẹp,
nét đẹp hình thể thì chỉ nhìn thôi đã thấy, nàng đẹp như một bông hoa đẹp
tràn ngập sắc hương:
“Rượu ngon
chưa uống đã say
Lựu, lan chưa bẻ đã bay hương
nồng”
Nhưng đó chỉ mới
ngắm nhìn và thưởng thức vị
thơm của rượu và mùi hương của người đàn bà, còn lại phải thưởng thức bằng tất cả các giác quan thì
mới mong thấu cảm cho đầy đủ. Muốn biết rượu ngon đến đâu thì phải nếm thử 1 ngụm,
rồi 2 ngụm xem cái cay cay nồng nồng ấy nó đằm đằm trong cuống họng rồi chờ
nghe cái cảm giác âm ấm lăn tăn chạy dọc theo đường ruột vào bao tử. Rượu đã ngon thì cho dù có bao nhiêu
người tới trước, nếm trước, dù đã
uống tới đáy chai, đáy hủ, đến phiên mình được vét cạn những giọt rượu cặn cuối
cùng vẫn còn nghe thơm rưng rức.
Ừ thì
chuyện gì mà ông cha đã đúc kết bao đời thì cấm cãi: “Rượu ngon cặn cáu cũng ngon”.
Còn đàn
bà ngon? đàn bà mà “Người xinh cái
bóng cũng xinh/ Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn” ấy? thì chắc
cũng như rượu ngon, chỉ nhìn
và đoán thôi chứ không thử không nếm, thì làm sao mà biết cho tường tận cái giòn và cái ngon ấy nó có vị làm
sao. Xinh thì xinh mặt xinh mày, xinh từ mái tóc cho đến làn da, xinh từ vóc
dáng cho đến cử chỉ nói năng, hành vi đi lại duyên dáng và quyến rũ. Cái đó thì
hẳn là dễ thấy, dễ đánh giá rồi, còn xinh đến cả bóng dạng, bóng hình thì…hơi quá. Mà thôi, qua con mắt của kẻ tình
si, cái gì quanh người đàn bà hắn
yêu mà không trở thành là ảo diệu.
Nhưng bài viết
này mục đích chính không phải để nói về cái đẹp từ hình đến bóng của người
đàn bà- cái đẹp rất là chủ quan trong con mắt của kẻ tình si mà là muốn tự hỏi
và tự nói lên cái nỗi thắc mắc của lòng mình là tại sao sự quyến rũ của người đàn bà “giòn” được ví như rượu
ngon đến mức ông cha từ thời xa xưa đã có những câu nói hết sức là bất chấp đạo
lý phong kiến:
“Rượu ngon cặn cáu cũng ngon
Thương em bất luận chồng con mấy đời”
Hay
“Rượu ngon càng ủ càng nồng
Hai, ba đời chồng, son vẫn càng son”
Có người cho rằng
đây là những câu ca dao đầy tính nhân văn của người lao động Việt Nam, thể hiện
tấm lòng bao dung quảng đại của người đàn ông đối với người đàn bà chẳng
may hôn nhân giữa đường đứt gánh, là lòng vị tha của người đàn ông dành cho người đàn bà góa chồng, và
cũng là tình yêu vô điều kiện của người đàn ông đến sau dành cho người đàn bà nạ dòng đã từng có chồng
con trước ngày anh ta đến.
Nhưng tôi thì
không nghĩ vậy, làm gì có chuyện vô điều kiện ở đây, ngoài tình yêu của cha mẹ
dành cho con cái thì tôi dám khẳng định chẳng có thứ tình nào là vô điều kiện,
kể cả sự tôn sùng bái vọng của con người đối với đấng thiêng liêng. Để có được tình yêu và sự đắm say như
mới của người đàn ông hiện tại thì người đàn bà “hai ba đời chồng” hay “chồng con mấy đời” ấy trước tiên phải vẫn
là một người đàn bà đẹp hay rất đẹp, vẫn hấp dẫn hay rất hấp dẫn, vẫn ngon nghẻ
cả về hình thức lẫn nội dung, phải đẹp từ bên ngoài và giòn ở bên trong,
cái giòn mà dẫu có từng gần gũi với bao người đàn ông hay từng sinh đẻ con cái vẫn không thể mất đi ở họ. Chính cái đẹp,
cái giòn trong cơ thể họ,
trong tâm hồn họ, trong tính cách họ, trong trí tuệ họ, trong cái tỉnh tình
tinh và những cái linh tinh khác của họ, mới khiến cho người đàn ông đến sau bất chấp tất cả để được sở hữu
họ.
Tất tật tật những
thứ đó, gom lại thành một chữ “duyên” được không? Cái duyên bẩm sinh của người
đàn bà từ khi lọt lòng mẹ cho đến lúc già nua, cái duyên chết người có thể khiến cho bao người đàn ông chới
với khi gặp và khao khát có được họ. Chẳng phải ông cha mình đã từng day
đi day lại điều này sao:
“Có chồng thì mặc có chồng
Còn duyên anh ẵm, anh bồng, anh hun”
Vì cái duyên đó mà có những người đàn bà “nạ dòng” vẫn khiến cho bao
nhiêu người đàn ông tơ tưởng, từ người
đàn ông trưởng thành dày dặn kinh nghiệm đến những chàng trai tơ mới lớn còn
ngây ngô trong chuyện gái trai. Và cũng vì thiếu cái duyên đó mà bao nhiêu gái
son cứ cả đời son mãi vì chẳng thể giữ được người đàn ông nào ở lại được lâu
bên cạnh mình, chẳng sở hữu được người đàn ông nào của riêng mình để chính thức
được làm “cơm” chứ không phải mãi
mãi an phận “phở”, để được làm người
đàn bà nạ dòng chứ không phải là gái tân cho đến già. Ai đó đã nói: “Đẹp
không phải là hút người đến mà là để
giữ người ở lại”, nếu chỉ là cái đẹp hình thức thì chẳng chóng sẽ chầy,
người đến cứ đến ào ào nhưng đi thì
cũng đi rất mau, bởi cái đẹp bên ngoài đâu thể nào vĩnh cửu, và sự vô duyên của
người đàn bà chính là cái đuổi người
ta đi mau nhất.
Mà nói đi rồi
phải nói lại, cũng chẳng thể phủ nhận sạch trơn cái tình của người đàn ông đến sau dành cho người đàn bà
“nạ dòng” mà họ yêu, ừ thì biết là chẳng có thứ tình yêu nào vô điều kiện,
rằng người đàn bà hai ba đời chồng ấy vẫn còn đẹp, còn giòn, còn duyên, còn quyến
rũ nhưng có lẽ khi đã yêu rồi
thì đối với người đàn ông, đó chẳng còn là tiêu chí hàng đầu. Chẳng phải tôi đã
nói ở trên rồi, rằng qua con mắt của kẻ tình si thì mọi thứ có liên quan đến
người đàn bà họ yêu đều đẹp một cách bất thường đó hay sao?
Không chỉ trong ca dao bình dân mới ca ngợi những tình
yêu đó, mà trong một truyện thơ nổi
tiếng của dân tộc Thái nước ta, truyện thơ Tiễn dặn người yêu, người Thái cũng
đã viết nên những câu thơ kinh
điển về tình yêu bất diệt của đôi trai gái, bất chấp thời gian tàn phá
nhan sắc của người đàn bà như thế
nào, bất chấp cuộc sống khốn khổ của nàng trong tay hai đời chồng trước vũ phu
như thế nào thì đối với người đàn ông đã từng yêu nàng khi nàng còn là một
thiếu nữ mới lớn trẻ trung xinh tươi…thì
nhan sắc của nàng vẫn như chưa từng
thay đổi. Và anh đã dùng những lời lẽ yêu thương để dỗ dành người đàn bà mình yêu từ thời
trai trẻ như thế này:
“Gái góa
hai ba lần vẫn đẹp
Hơn gái tơ
ba ngấn cổ cao
Má hồng hơn
tuổi xuân đào
Yêu thương ắt
hẵn dạt dào hơn xưa”
Trong con mắt
của anh, gương mặt sạm đen nắng gió vùng núi cao vì bị đem ra chợ bán
như một món hàng của người đàn bà
anh yêu vẫn đẹp lắm, đôi má nàng vẫn hồng hào hơn những cô gái tuổi xuân xanh,
và tình yêu của anh đối với nàng vẫn dạt dào hơn gấp bội phần.
Tôi mượn câu
nói của Kim Trọng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để kết thúc bài viết này, khi
nghe nàng Kiều buông những lời xót xa cho thân phận 15 năm lưu lạc của mình
để từ chối tình yêu của chàng, rằng:
“Thiếp từ ngộ biến đến giờ
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa”
Thì Kim đã dịu dàng đáp lại nàng bằng những lời âu yếm
chân thành:
“Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn
mà lại hơn mười rằm xưa”
Ừ, thì
tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc, từ dân gian cho đến bác học,
đâu đâu mà không nhắc tới cái chất men của người đàn bà, cái chất men mà người đàn ông yêu họ đã nếm một lần rồi
là nhớ mãi, cái chất men mà khi dốc cạn bình rồi thì “cặn cáu vẫn ngon”.
LA MAI THI GIA
Nguồn: NVTPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét