Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

CẢM HỨNG THIỀN PHẬT TRONG THƠ QUÁCH TẤN

Quách Tấn là một phật tử trọn vẹn, đã thu tóm tất cả những bài thơ mộng của Phật giáo vào trong cuộc đời trầm lặng của mình. Quách Tấn đã đi ngược lại tất cả phong trào thời thượng…

Tóm tắt: Quách Tấn là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới, chuyên sáng tác theo thể thơ Đường luật nhưng lại thể hiện một bút pháp nghệ thuật mới, diễn đạt những cảm xúc mới. Nếu trong thơ ông trước 1945 không viết về Thiền về Phật thì sau năm 1954, cảm hứng này lại thể hiện đậm nét trong thơ của ông. Bài viết bước đầu sẽ tìm hiểu cảm hứng Thiền Phật trong thơ Quách Tấn.
Nhà thơ Quách Tấn

Quách Tấn (1910 - 1992), tự là Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên, còn có bút hiệu Định Phong, Cổ Bàn Nhân, Thi Nại Thị, Lão Giữ Vườn. Ông là nhà thơ thời tiền chiến, cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan lập nhóm bàn Thành tứ hữu (Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn) ở Bình Định.

Ông sinh ra tại thôn Trường Định, huyện Bình Khê (nay là xã Bình Hoà, huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định, từ năm 1935 đến cuối đời ông chọn Nha Trang làm quê hương thứ hai. Quách Tấn Tấn tập làm thơ từ lúc học lớp đệ nhất niên trường Quy nhơn.

Lúc ra trường ông đã thông thạo các thể thơ, nhưng chính thức bước vào làng văn thơ từ năm 1932. Năm 1933, ông đã có thơ đăng trên An Nam tạp chí, Phụ Nữ tân văn, Tiếng dân và Tiểu thuyết thứ bảy… Ông từng được nhà thơ Tản Đà khen khi bình bài Đến thăm vườn cũ cảm tác của ông.

Tản Đà viết: nói về bên tình thì rất lâm ly mà nói về bên tài cũng đến thế là hay. Ông là nhà thơ một đời thuỷ chung với thơ cách luật như lại được các nhà thơ mới thời tiến chiến mở cửa đón nhận, được xếp vào ngồi chiếu trên của thi đàn bấy giờ.

Nếu trong thơ của Quách Tấn xuất bản trước năm 1945 như tập Một tấm lòng (1939), Mùa cổ điển (1941) thì nhà thơ lại không viết về Thiền, về Phật mà cảm hứng Thiền Phật được nhà thơ thể hiện nhiều nhất trong những tập thơ sau này như: Đọng bóng chiều (1965), Mộng Ngân Sơn (1966), Giọt trăng (1973).

Cùng thời với Quách Tấn có nhà thơ J.Leiba (Lê Văn Bái) với bài Bến giác mang cảm hứng Thiền - Phật và ít nhiều có pha chất Lão - Trang. nhà thơ xem cuộc đời là hư ảo, là “phù thế”, nên nhà thơ hơi bi quan, muốn xa lánh cõi đời. Tác giả đã dùng nhiều từ ngữ nhà Phật để diễn đạt ý tưởng trên:

Phù thế đã nhiều duyên nghiệp quá!
Lệ lòng mong cạn chốn am Không.
Cửa Thiền một đóng duyên trần dứt,
Quên hết người quen chốn bụi hồng.

Riêng Quách Tấn, nói như nhà nghiên cứu Trần Phong Giao thì “thơ Quách Tấn càng về sau đã “thấy”, đã “nhập” vào Thiền, đã “cảm dưỡng hào khí của Thiền tông Việt Nam” [Quách Giao (sưu tầm) (1994), Quách Tấn qua cái nhìn phê bình văn học, Nxb Trẻ, TP. HCM, tr.287-296].

1. Nhìn thiên nhiên qua cảm quan Thiền đạo

Quách Tấn là một phật tử thuần thành, ông thường nghiền ngẫm, nghiên cứu kinh Phật, nên thơ của ông ít nhiều cũng mang cảm quan triết lý nhà Phật và mang cả cảm hứng đạo học. Điều này được thể hiện qua những vần thơ viết về thiên nhiên của ông. Thiên nhiên được nhìn qua cảm quan Thiền đạo.

Trong mối quan hệ qua lại giữa thi nhân và thiên nhiên, tính tương hỗ từ thể xác qua trí tuệ đến tâm linh đã phơi bày một cách tích cực và không mâu thuẫn. Quách Tấn không chỉ nhìn ngắm thiên nhiên với con mắt thẩm mỹ mà còn với cả con mắt triết lý và tâm linh. Ta có cảm tưởng Quách Tấn đã hòa quyện cùng thiên nhiên, khăng khít trong mối quan hệ giữa tiểu ngã và đại ngã để làm thành khối đồng nhất, mà thiên nhiên là tiền đề, là điều kiện để khởi động từng phút, từng giây, từng sát na cảm xúc của thi sĩ, hỗ trợ thi sĩ ý thức được sự có mặt của ngũ quan (ngũ căn) và những tính năng của nó, mà thuật ngữ của nhà Phật gọi là “nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, ý thức”. Thiên nhiên xung quanh ta là hiện thân của đất, nước, không khí, năng lượng mặt trời, của sự vận hành tháng năm, với thời gian vô tận. Sự hòa nhập của nó cũng là hòa nhập vào suối nguồn của sự sống.

Cụ thể hơn, với một vỏ sò khô, Quách Tấn cũng gởi vào nó hơi thở, hồn thơm của một sức sống thơ dạt dào. nhìn vỏ sò khô, một thực thể chết, Quách Tấn lại nghe tiếng reo vang vọng của biển khơi. có sự sống, cái chết nào lại chẳng liên quan đến môi trường sống với thế giới đồng hiện hữu? Hiện thể của vỏ sò hoặc con sò đâu thể thiếu vắng biển khơi. Tiểu ngã và đại ngã tương duyên với nhau:

Vỏ sò khô ấp ủ,
Niềm băng tuyết đêm sương.
Muôn xa bờ bến cũ,
Vang vọng sóng trùng dương.
(Ấp ủ)

Và mỗi khi tiểu ngã và đại ngã tương quan, tương duyên với nhau thì mỗi động tác đều gây sự chuyển động dây chuyền. một cái búng chân nhảy của con cào cào màu xanh cũng đủ khiến bầu trời buổi chiều thu rung chuyển:

Nước ngoạn trời long lanh,
Con cào cào áo xanh.
Bờ cao búng chân nhảy,
Mây chiều thu rung rinh.
(Búng chân)

Đây là nhận thức triết lý, đúng hơn là đạo lý của Quách Tấn. Nó bắt nguồn từ sự thấm nhuần đạo Phật. Trong thế giới tương quan tương duyên và cả tương tác nữa, thì đâu đâu cũng mang tính động thái và tính tiến trình. Tất cả đều tác động qua lại, đều vận chuyển, nghĩa là không diễn ra theo một chiều mang tính định mệnh, mang tính “Sáng thế”. Tính tương quan, tương duyên quyết định cho sự sinh diệt cũng như hình ảnh, màu sắc của thiên nhiên cũng quyết định tính vô biên, vô thường và vô ngã của nó. Thơ văn của Quách Tấn đã giúp người viết những dòng chữ này hiểu sâu thêm nhận thức ấy. Trong hoàn cảnh cuộc sống có sự đổi thay ào ạt từng phút từng giờ, hiếm có người nào ung dung, thong dong như Quách Tấn, bởi nhà thơ luôn giữ lòng tự tại trước thực tế thay đổi theo thời gian. có sự tĩnh tại đó là nhờ thi sĩ đã nghiệm ra, đã trực cảm được cái lẽ “Là mộng cũng là chân” để lượng hương xuân ngào ngạt mãi trong lòng:

Mười hai mùa lá rụng,
Đây mùa hương nở xuân.
Theo duyên lòng chẳng đổi,
Là mộng cũng là chân.
(Nở xuân)

Mộng huyễn và chân thật xét đến cùng, có chung một bản thể. nó là hai mặt của một thực tại, bởi “Tâm pháp nhất như”, “Vạn vật nhất thể”. nhà thơ đồng nhất mộng và chân  là nhờ nhận thức được chân lý ấy. chính vì nhà thơ tĩnh tâm trước thực tại, nên đã chấm dứt mọi bay nhảy, mọi tìm kiếm, đi và đến để như “Chim dừng cánh biệt ly” (mơ Đạo), để không còn hỏi “Cảnh hay lòng?” và để nhận thức được rằng “Lòng với cảnh không chia” (Quán trọ đêm thu) và:

Mây nước hằng tự tại,
Vàng đá chẳng vô tri.

Thiên nhiên trong thơ Quách Tấn mang đậm chất thanh tịnh và sung mãn nét đẹp tâm linh trong sự “Ân ánh cõi từ bi”, nhờ thế mà thi nhân dường như đã chứng nghiệm được “Hương gió thoảng liên trì” (Mơ Đạo) dù chỉ trong một sát na, một cái nháy mắt, một chút gió thoảng qua!

Tư tưởng Đạo Phật thấm nhuần trong con người Quách Tấn. Vì thế trước khi từ giã cõi đời, nhà thơ dặn dò con cháu nhớ khắc trên bia mộ:

Nghìn xưa không còn nữa,
Nghìn sau rồi cũng không.
Phảng phất bờ trăng rạng,
Hương Ưu đàm trổ bông.
(Thoáng hiện)

Tồn tại và hủy diệt, sắc và không, hữu và vô đều cùng bản thể, nhất như nghìn xưa không còn là thực tại. Quá khứ nghìn năm sau sẽ không còn; và tương lai nghìn năm sau dù chưa hiện hữu cũng chẳng tồn tại. Tất cả đều là Không. Giác ngộ và thấu hiểu được chữ Không trong tư tưởng triết học nhà Phật là cả những chuỗi thời gian chiêm nghiệm, nghiền ngẫm, suy tư. Không ở đây chẳng phải là sự đối đãi, đối lập giữa “có” và “không”, “hữu” và “vô” mà là cái Không vượt lên trên. Đó là chân không diệu hữu.

Dường như Quách Tấn đã nghiệm ra được điều đó. Ông không giữ chặt cái đã qua, cũng không sống với cái chưa có thực, không để cho những gì của quá khứ và tương lai chen vào phút giây đang hít thở, thì lúc đó vầng trăng rạng cũng cho “thấy” cả hương ưu  đàm. Hoa ưu đàm là hoa Giác ngộ, theo kinh Phật, mấy nghìn năm mới nở hoa một lần. Dĩ nhiên hoa này không xuất hiện trong cuộc sống ồn ã vang dội trong loa phát thanh và rộn ràng xe cộ, cũng không xuất hiện ở nơi đâu đâu, khi con người tấp nập bay nhảy, tìm kiếm, đi và đến... người ta chỉ gặp nó khi lòng mình thật sự lặng lẽ, thanh tĩnh.

Cũng như thiền sư Vạn Hạnh đời Lý, Quách Tấn đã xem “Thân như bóng chớp có rồi không”. Ông thường nói đùa rằng đời tôi có tứ thú và tam vô. Tứ thú là: Có tiền in sách đẹp,/Gặp bạn sẵn thơ hay./Giấc tỉnh hồi chuông sớm,/Võng trưa giấc ngủ ngày. Còn tam vô là: Không biết hút thuốc, không chơi cờ bạc và không đi xe đạp.

2. Hình ảnh tiếng chuông chùa

Tiếng chuông chùa đối với thi nhân như một kỷ vật thiêng liêng từng chôn sâu trong tiềm thức của ông, nên mỗi lần trông thấy cảnh núi non chùa chiền thì nó bỗng dưng trỗi dậy:

Núi Nhạn chuông ngân trời bảng lảng,
Đầm Ô sen nở gió thơm tho.

Không những lắm lúc ngắm cảnh thiên nhiên, tiếng chuông chùa làm ông chú ý, mà mỗi khi chợt tỉnh giấc nồng, tiếng chuông cũng hiện đến:

Mây nước nhuốm phong trần,
Nơi đâu tình cố nhân.
Những đêm buồn tỉnh giấc,
Chùa cũ tiếng chuông ngân.

Nhờ nghe tiếng chuông chùa ngân vang mà khách hành hương trút hết mọi nỗi ưu phiền, như Chu Mạnh Trinh đã viết: “Lạ cho vừa bén mùi thiền,/ Mà trăm não với ngàn phiền sạch không”. Hay: “Thoảng bên tai một tiếng chày kình,/Khách tang hải giật mình trong giấc mộng” (Hương Sơn phong cảnh ca).

Không khác gì cảm nhận của họ Chu, Quách Tấn cũng mô tả trạng thái tâm hồn mình khi đến viếng một cảnh chùa quen thuộc: “Người đến viếng cảnh chùa, lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ, ngồi tựa bóng cây đón mát, tưởng chừng mình đã xa lánh hẳn cõi trần tục.” [Quách Tấn, Nước non Bình Định, Nam Cường xuất bản, SG, 1968; nxb Thanh niên tái bản 1999.]

Thoảng đâu đây như có tiếng gió ru hồn lữ khách:

Gió ru hồn mộng thiu thiu,
Chuông chùa rơi rụng bóng chiều đầy non.

Và thi sĩ tiếp: “Nếu không có tiếng chuông hay mộng thì mộng còn mãi chìm trong bóng mây rán, hoặc làm con cò vương hương bay lờ lững trong hồ sen yên tịnh.”

Cứ thế, thời gian trôi đi và bóng tịch dương dần dà đổ xuống với tiếng chuông chùa cổ thân yêu:

Mây tạnh non cao đọng nắng chiều,
Tiếng chuông chùa cũ vọng cô liêu.
Thêm nhiều lá rụng cây quằn quại,
Đã vắng người sang bến nhẩy triều.

Thế rồi, ngày lại ngày trong sự tất bật của cuộc sống đời thường, nhưng mỗi khi nhìn thấy cảnh chùa thì âm vang tiếng chuông lại ngân nga tựa hồ bất tận:

Chùa ẩn non mây trắng, Bóng in hồ liễu xanh.
Mai chiều chuông đã tạnh, Vòng sóng còn long lanh.
(Tiếng ngân)

Đây là hình ảnh thiên nhiên đầy tình tự, là khoảng trời xanh tinh khiết còn lại trong đôi mắt long lanh của một nhà thơ trong cảnh xế chiều của đời mình.

3. Một đạo tâm dào dạt

Có lần tôi đi theo ba tôi đến thăm nhà thơ, nghe ông tâm sự: “Gia đình tôi theo đạo Phật, và tôi chịu ảnh hưởng tư tưởng Thiền trong Phật giáo”. Và trong khi đàm đạo, ông thường nhắc đến ngọn đồi Trại Thủy, nơi tọa lạc của Phật học viện nha trang, một trung tâm đào tạo Tăng tài trong giai đoạn cận hiện đại. Từ đó mới biết hồi ấy, Hòa thượng Thích Trí Thủ đàm nhiệm Giám viện Phật học viện lại là chỗ tương giao tâm đắc với thi sĩ, vì thế, một hôm lên thăm chùa, nhân ngẫu hứng thi sĩ đã cảm tác một bài ngũ ngôn, để tặng Hòa thượng:

Trăng lên đồi Trại Thủy,
Chuông khua ngời âm ba.
Bồi hồi mây khóa viện,
Sân Bồ đề sương sa.

Ngoài ra, ngôi chùa Kim Liên tại Diên Khánh cũng là nơi lưu lại dấu chân của thi nhân. một hôm đến viếng cảnh chùa, thấy Thượng tọa viện chủ tiếp đón khách tham quan niềm nỡ, ông liền làm bài thơ để lại lưu niệm:

Dặm hồng dìu dịu nắng,
Theo hứng viếng làng tu.
Ngụm nước đằm chơn vị,
Im lìm sen nở thu.

Người xưa từng nói: “Nhân giả nhạo sơn; trí giả nhạo thủy.” (người nhân ưa cảnh núi rừng; người trí ưa nơi sông nước). Phải chăng vì vậy mà các cảnh chùa tiêu biểu cho đạo từ bi nhân ái - thường được xây cất trên các đồi núi? Thậm chí có những ngôi danh lam quanh năm mây phủ xa xôi chập chờn trông có vẻ tiêu dao thoát tục:

Cây chen đá chất chập chùng,
Biển giăng dưới núi, chùa lồng trong mây.
Bụi đời không bợn mảy may,
Chút thân rộng tháng dài ngày thảnh thơi.

Phải chăng kiếp sống nhân sinh chập chờn như ảo mộng? Con người luôn luôn chơi vơi giữa dòng trường lưu bất tận, khiến đôi lúc nhà thơ chợt hứng cất tiếng gọi đò vang cả hư không:

Đời nửa khói mây chìm bóng mộng,
Gọi đò một tiếng lạnh hư không.

Ta nghe được dư âm của thiền sư Không Lộ đời Lý còn phảng phất đâu đây:

Hữu thì trực thướng cô phong đính,
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
(Ngôn hoài)

(Có khi xông thẳng lên đầu núi,
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.)

[Thơ văn Lý - Trần, tập 1]

Không những chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của các thiền sư - điều mà thi sĩ đã khẳng định - ông còn thâm nhập cốt lõi của kinh Duy Ma Cật:

Ngày qua chầm chậm vách kim thinh,
Cảnh giới Duy Ma mình với mình.
Hoa rải tờ thơ hương lành lạnh,
Trăng cài nhánh mộng bóng xanh xanh.

Có lần ông thổ lộ cái ý vừa nêu: “Cây thiết mộc lan nở hoa lần này là lần thứ hai (tháng 12-1992). Lần trước nở tôi 79 tuổi (1989). Hai nhánh lan đã lên cao như hai cây sào, hoa nở trắng trên đọt, hương bay chập chờn theo gió, nghe lũ cháu reo mừng. Tôi tưởng chừng như hoa của thiên nữ từ trong vách Phương trượng của Duy Ma Cật bung ra rải xuống hạ giới vậy” [Quách Tấn (1999), Bóng ngày qua (Đời văn chương), nxb Hội nhà văn, Hn].

Điều này chứng tỏ càng về già nhà thơ càng đến gần cõi Đạo, như nhà văn Trần Phong Giao nhận xét: “Tới lúc về già, ta thấy khí vị Thiền lung linh bàng bạc trong thơ Quách Tấn, nhất là trong nhiều bài in trong hai tập Mộng Ngân Sơn và Giọt trăng”.

Một hôm vào lúc xế chiều, Quách Tấn lên chùa Hải Đức (ở Nha Trang) thăm một người bạn vong niên (tương truyền là thầy Nguyên Tánh). Mặc dù tuổi tác chênh lệch nhau, nhưng hai tâm hồn như cùng chung một giai điệu:

Áo giũ ngày sương gió, Lên chùa thăm cố nhân. Non nghiêng thềm bóng xế, Lịu địu bóng nhàn vân.

Phong cách ấy quả thực có khác với thế nhân trong những lúc thù tạc vãng lai. Người đời đến và đi trong âm thanh và tốc độ của thời đại cơ khí, ồn ào và vội vã… nhưng thời đại của nhà thơ là thời đại ẩn tình trầm lặng của một đám mây lơ lửng, lồng trong bóng núi nghiêng nghiêng. Người đời rồi cũng có lúc “Giũ áo phong sương trên gác trọ” để ngồi lại chiêm nghiệm chính mình, như thi sĩ đã làm:

Khép cửa phiền ba lại, Vườn quê nắng sưởi tình. Thanh bình lòng giếng ngọt, Chim hót ngọc âm thanh.

Để thấy rõ hơn chân dung của Quách Tấn, chúng ta có thể nghe ý kiến của Phạm Công Thiện, một người bạn tâm giao của thi sĩ đã viết trong bài “Trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam với Quách Tấn”: “Quách Tấn là một phật tử trọn vẹn, đã thu tóm tất cả những bài thơ mộng của Phật giáo vào trong cuộc đời trầm lặng của mình. Quách Tấn đã đi ngược lại tất cả phong trào thời thượng… Ông xứng đáng là kẻ nối dòng của các vị thiền sư: Vạn Hạnh, Không Lộ, Ngộ Ấn, và tất cả những thiền sư thi sĩ đã nuôi dưỡng linh hồn của cả một dân tộc, linh hồn của Lý Thường Kiệt đánh Tống và Trần Hưng Đạo đánh Nguyên.” [Quách Giao (sưu tầm) (1994), Quách Tấn qua cái nhìn phê bình văn học, NXB Trẻ, Tp.HCM.]

Phải chăng vì được nuôi dưỡng trong không khí tâm linh của các thiền sư thi sĩ quá khứ mà “Quách Tấn luôn luôn giữ phong độ của kẻ mang hào khí ngút ngàn? Mỗi hàng, mỗi câu đều thể hiện sáng sủa, uy nghiêm mà tràn ngập thi ca, khiến cho người đọc lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ. Tất cả con người Quách Tấn là thi ca, là tiếng báo hiệu của một sự tựu thành” như lời nhà văn Nguyễn Thái đã viết trong bài Quách Tấn: quê hương và thơ được tuyển in trong tập Quách Tấn qua cái nhìn phê bình văn học do con trai nhà thơ là Quách Giao (sưu tầm), nxb Trẻ, TP. HCM, 1994.

Ths. NGUYỄN CÔNG THANH DUNG
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3 năm 2014

Tài liệu tham khảo:

1.             Huy Cận - Hà Minh Đức chủ biên (1997), Nhìn lại một cuộc
cách mạng trong thi ca (60 năm phong trào Thơ Mới), Nxb Giáo dục, tb lần thứ nhất, HN.
2.             Phan Cự Đệ (1982), Phong trào Thơ Mới, Nxb Khoa học Xã hội, HN.
3.             Lam Giang (1970), Hồn thơ nước Việt, Nxb Sống Mới, SG.
4.             Quách Giao (sưu tầm) (1994), Quách Tấn qua cái nhìn phê bình văn học, Nxb Trẻ, TP. HCM.
5.             Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng (1969), Việt Nam thi nhân tiền chiến, Nxb Sống Mới, SG.
6.             Nguyễn Tấn Long, Phan Canh (1970), Các khuynh hướng thi ca tiền chiến, Nxb Sống Mới, SG.
7.             Bùi Văn Nguyên - Hà Minh Đức (1971), Thơ ca Việt  Nam (Hình thức và Thể loại), Nxb Khoa học Xã hội, HN.
8.             Lê Triều Phương, Phan Hồng Châu, Quách Tùng  Phong (2002), Hương thơ Quách Tấn, Nxb Hội Nhà văn, HN.
9.             Trần Hữu Tá, Nguyễn Thành Thi, Đoàn Lê Giang (chủ biên) (2013), Nhìn lại Thơ Mới và văn xuôi Tự Lực văn  đoàn, Nxb Thanh niên, TP.HCM.
10.           Quách Tấn (1939), Một tấm lòng, Nhà in Thuỵ Ký, Hàng Trống, HN.
11.           Quách Tấn (1941), Mùa cổ điển, Nhà in Thuỵ Ký,  Hàng Trống, HN.
12.           Quách Tấn (1960), Mùa cổ điển, Nxb Tân Việt, SG, tái bản lần thứ 1.
13.           Quách Tấn (1965), Đọng bóng chiều, in tại Paris (không ghi nơi xuất bản).
14.           Quách Tấn (1966), Mộng Ngân Sơn, Hoa Nắng, Paris.
15.           Quách Tấn (1973), Giọt trăng, Thi Vũ giới thiệu, Nxb Rừng Trúc, Paris.
16.           Quách Tấn (1998), Thi pháp thơ Đường, Nxb Trẻ, TP. HCM.
17.           Quách Tấn (1999), Trăng hoàng hôn, Nxb Trẻ, TP. HCM.
18.           Quách Tấn (1999), Bóng ngày qua (Đời văn chương), Nxb Hội Nhà văn, HN.
19.           Quách Tấn (2000), Bóng ngày qua (Bàn Thành tứ hữu), Nxb Văn nghệ, TP. HCM.
20.           Quách Tấn (2000), Trường Xuyên thi thoại, Trung tâm Ng- hiên cứu Quốc học và Nxb Văn nghệ Tp. HCM.
21.           Hoài Thanh - Hoài Chân (1998), Thi nhân Việt Nam, in lần đầu 1941, Nxb Văn học, tái bản lần thứ 14, HN.
22.           Nguyễn Vỹ (1970), Văn thi sĩ tiền chiến, Sống Mới, SG.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều