Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

XUÂN TRƯỜNG - “HAI VỆT NẮNG CHIỀU” VÀ CUỘC RA NGOÀI TỬ BIỆT SINH LY

Với “Hai vệt nắng chiều”, Xuân Trường như đang cố níu giữ những mảng hồi quang và ông đã như thoát khỏi mình, thoát khỏi những rào cản thế tục để trải hết lòng mình, đặng làm tròn chức phận của một thi sĩ: Ra ngoài tử biệt sinh ly/ Văn chương góp một chuyến đi vô cùng...
Nhà thơ Xuân Trường
    
Trong “Hai vệt nắng chiều” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn tháng 9 năm 2018), Xuân Trường ưa dùng hai từ “hành trình” và “mằn mặn” (đôi khi là mặn mà hoặc mặn) trong những cảnh huống khác nhau và mang màu sắc tâm trạng khác nhau. Có thể tạm thống kê: “Dìu dặt một hành trình” trong “Huyền cảm sông Hàn”; “Hành trình hun hút” trong “Chiều Ái Nghĩa”; “Hành trình cơm áo” trong “Chiều quê”; “Xa xứ một hành trình” trong “Về Khánh Hòa”; “Đôi vai hành trình” trong “Trưa Dầu Tiếng”; “Gió sương hành trình” trong “Viết cho Lưu Ba”... và “Mằn mặn gió Thanh Khê” trong “Trưa Đà Nẵng”; “Gió Tam Thanh đang mằn mặn” trong “Mưa hạ Tam Kỳ”; “Biển mặn vào ta thoang thoảng ca dao” trong “Huyền cảm sông Hàn”; “Gió vẫn mặn hoàng hôn quanh chỗ ta ngồi” trong “Hoài niệm”; “Gió Mỹ Khê mằn mặn bước ta về” trong “Ký ức sông Hàn”; “Em mặn mà hơn xưa” trong “Nhớ An Khê”; “Nước mắt mặn cả chiêm bao” trong “Lần xuân bảy chín”; “Nghe nước mắt mặn mềm lên kỷ niệm” trong “Viết cho nhà thơ Thanh Tùng”...
   
Gộp tất cả những hành trình ấy và những mằn mặn ấy, độc giả có thể dễ dàng nhận ra một kết quả. Đó là một Xuân Trường ưa xê dịch, ưa bôn ba để trải nghiệm cùng đời sống, để chìm đắm và ngộ ra mùi vị của đời sống. Đó cũng là những bước chuyển động trong hành-trình-mặn hết mình mang hơi thở nhân sinh và thấm đẫm hương vị nhân sinh.
   
Với một người làm thơ, sự “mở ra” và “hướng tới” như vậy, là rất đáng trân trọng. Chúng như hành trang quý giá khi đến với thơ và gặp thơ trong những khúc quanh vô thường của mỗi đời thơ. Điều đáng mừng là cả sự “mở ra” và cả sự “hướng tới” đều chân thành, say mê và riết róng đến độ.
   
Đó cũng là hành trình giằng xé giữa cái đã qua và cái đang diễn ra, mà ở trong đó đã bao hàm sự dấn thân tất yếu không tránh khỏi, mà sau chót là cái bây giờ và cái ngay ở đây: “Bình minh và hoang hôn chất vấn nhau trong ta dữ dội/ Nên để ta già hay trẻ - chút nữa đây/ Thôi thì ta cứ chấp nhận những niềm vui/ Mà trời đất cho ta chặng cuối của hành trình lang bạt...” (“Trưa Đà Nẵng”)
    
Đó là hành trình không chỉ nhận thấy mà cảm thấy, không chỉ bằng cái thính giác, cái thị giác...mà bằng cái toàn giác: “Ta thở mùa bằng những hơi trầm lắng/ Im lìm nghe quê hương qua thớ thịt làn da...” (Huyền cảm sông Hàn)
Tập thơ “Hai vệt nắng chiều” của Xuân Trường

Đôi khi, tác giả hướng tới hư không và không phải để đối thoại với hư không mà độc thoại với chính mình, với những gì một đi không trở lại, với những gì “không có gì hai lần” theo quan niệm của nữ sĩ Ba Lan W. Szymborska – Giải Nobel văn chương 1996: “Tôi rót chiều đầy một ly không/ rồi nâng lên chạm vào mênh mông nỗi nhớ/ tuổi thơ hiện về, tôi gặp lại tôi xưa...” (“Chiều quê”); “Rót chiều đấy một ly xuân/ Nâng lên tôi lại ngập ngừng mời tôi” (“Chiều xuân uống rượu một mình”); Gió vẫn mặn hoàng hôn quanh chỗ ta ngồi/ Tựa vào chạng vạng hoàng hôn một mình ta nghe biển (“Hoài niệm”).
   
Đây là những câu thơ tuy bảng lảng thi sĩ nhưng cũng máu thịt đến tận cùng, hầu như không bị chi phối, tác động của ngoại cảnh. Chúng như cháy lên, được sinh ra  một cách tự thân, từ một sự hướng nội theo cách hốt nhiên mà như thế, mà nên thế, không cần nói thêm gì nữa.
    
Nhiều lúc, dù Xuân Trường “lưu lạc áo cơm trắng bờ năm tháng” (“Ký ức sông hàn”), “chạm vào nợ cũ vẫn còn áo cơm” (“Tiếng đêm”) mà vẫn yên lòng “tựa bờ chiều ta tìm lại ra xưa” (“Giữa Sài Gòn lưu đọng một Quy Nhơn”) để “tươi xanh” cùng “miền ký ức nôn nao” (“Mưa hạ Tam Kỳ”).
   
Trong “Hai vệt nắng chiều”, Xuân Trường có nhiều câu thơ về sự thăng hoa của tình yêu, thân phận của tình yêu thật đáng nhớ và đáng được đánh dấu khuyên vào đó. Có thể đưa ra hàng loạt dẫn chứng: “Em chưa núi mà lòng ta muốn chạm đầu thủ thỉ/ Thời gian chảy hai ta vào tri kỷ/ Khuya khoắt đường về, khuya khoắt mênh mông” (“Đêm Krôngpa”), “Nếu mà lỡ cuộc bể dâu/ Thì xem như mới bắt đầu nghe em/ Ngàn năm môi biển vẫn mềm/ Ngàn năm cát vẫn dịu êm đợi chờ” và “Bồng bềnh em bồng bềnh tôi/ Nước-mây hai đứa một đôi bồng bềnh(“Sáng nay lên đỉnh Kê Gà”), “Em không gió mà lòng ta cứ sóng/ em không hương sao ta mãi bận lòng” và “Chiêm bao ta em vàng đến Sài Gòn” (“Bẽn lẽn dã quỳ”), “Thế gian đông lắm người ta/ Mà sao tôi cứ thật thà một em” (“Bước chân tháng chạp”), “Cắn miếng tinh mơ nghe ngọt lịm phù sa” (“Chợ nổi Cái Răng”)...Bốn câu thơ dưới đây cho trong “Nhớ An Khê” thấy vẻ đẹp buồn đến mong manh của tình yêu hay là cái đẹp của tình yêu luôn mang trong lòng nó sự mong manh ngay từ khởi thủy:

Em thở dài bằng mắt
Tôi vội vã bằng lời
Mà sao trong vời vợi
Đã mầm mống chia phôi...
   
Với “Hai vệt nắng chiều”, Xuân Trường như đang cố níu giữ những mảng hồi quang và ông đã như thoát khỏi mình, thoát khỏi những rào cản thế tục để trải hết lòng mình, đặng làm tròn chức phận của một thi sĩ:

Ra ngoài tử biệt sinh ly
Văn chương góp một chuyến đi vô cùng...

ĐẶNG HUY GIANG
Nguồn: Blog Văn chương phương nam




    


    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều