Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019

TỰ TRUNG THỰC VỚI MÌNH

Trong thời gian qua nhiều cán bộ công chức vi phạm phải xử lý kỷ luật (trong đó có cả cán bộ cấp cao), nhưng hầu như trước đó, họ vẫn được đánh giá là tốt, thậm chí còn thăng tiến từ vị trí này tới vị trí khác. Chuyện này dân gian đã từng nói nhiều về cái sự bi hài “các đồng chí bị lộ và các đồng chí chưa bị lộ”.


Việc này có lỗi của quy trình đánh giá cán bộ. Tuy nhiên, xét ở phẩm chất làm người, mà cao hơn là phẩm chất để xứng đáng là công bộc của dân, thì còn thấy ở đây sự thiếu trung thực của những cá nhân cán bộ công chức đó. Sao không tự trung thực với mình, đối diện với chính mình, tự vấn lương tâm để hiểu rằng mình có còn xứng đáng để ngồi vào vị trí ấy, có còn xứng đáng với đất nước, với nhân dân hay không?

Không còn nghi ngờ gì nữa, khi mà khuyết điểm của cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền các cấp ngày càng nhiều, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phạm vi ngày càng rộng thì nó rõ ràng là biểu hiện của hiện tượng cán bộ thiếu trung thực với dân, với tổ chức Đảng. Trong quá trình phát triển đất nước, hệ thống cơ chế, cách thức vận hành của bộ máy hành chính công, của các cơ quan quản lý nhà nước chắc chắn không tránh khỏi những kẽ hở mà con người ở trong hệ thống ấy có thể lợi dụng, có thể dùng quyền hạn và chức trách của mình để thu lợi bất chính cho mình. Không phải việc nào, hành vi nào cũng được tổ chức hoặc cơ quan pháp luật phát hiện ra kịp thời. Theo cách nói của người phương Đông để răn dạy về nhân quả, thì có những việc chỉ có mình biết và trời biết đất biết. Để thấy, sự trung thực của cá nhân con người là một đòi hỏi quan trọng. Nếu làm việc sai mà không thấy xấu hổ, nếu thu lợi cá nhân hàng trăm tỷ, nghìn tỷ mà bề ngoài vẫn nói vì dân vì nước thì có nghĩa là họ đã không có một chút trung thực nào, không phải chỉ với tổ chức, với nhân dân, mà ngay cả với chính mình.

Cũng trong đạo lý của người phương Đông còn lưu giữ câu nói của Khổng Tử: “Cỏ chi lan mọc ở rừng sâu, không vì không có người biết đến mà không thơm”. Làm việc tốt hay việc xấu đừng chỉ vì người đời có biết đến hay không. Bởi vì sống quan trọng nhất là không hổ thẹn với chính mình. Trong cái vế sau của câu nói ấy, Khổng Tử cho rằng người quân tử tu Đạo lập Đức, không vì khốn cùng mà thay đổi tiết tháo. Thời đại ngày nay chúng ta không đem những tiêu chí về người quân tử của Nho giáo xưa kia ra so sánh, nhưng cái ý nghĩa làm người thì thời nào cũng thế. Trong những tiêu chuẩn, tiêu chí của người đủ phẩm chất làm cán bộ thời nay vẫn đòi hỏi một yêu cầu cao về đạo đức con người.

Khi nghĩ đến những sai phạm trong những vụ việc liên quan đến dự án đất đai, lại không thể không nhớ đến câu nói cũng của Khổng Tử: “Quân tử luôn nhớ đức hạnh, tiểu nhân luôn nhớ đất đai. Quân tử luôn nhớ hình luật, tiểu nhân luôn nhớ lợi lộc”.

Tất nhiên, chẳng phải cứ là cán bộ cấp cao hay cấp thấp, chẳng cứ là công chức hay viên chức, cứ là con người thì đã cần sự trung thực. Trung thực là một phẩm chất làm người, là một trong những thứ làm nên nhân cách con người. Có nó là đồng nghĩa với tôn trọng sự thật, lẽ phải, mang đến niềm tin mà chỉ trong mối quan hệ bình thường nhất giữa những con người với con người, chỉ có sự thành thật, sự trung thực mới làm cho các mối quan hệ trở nên bền vững.

Đương nhiên là trong cuộc sống, không phải ai cũng chắc chắn rằng đều làm đúng và làm tốt mọi thứ. Là con người thì có yếu đuối, có thấp hèn. Trong giải quyết công việc, có những thứ sẽ bị xử lý sai. Nhưng nếu có sự trung thực thì ngay cả khi đã làm sai, người trung thực sẽ công khai khuyết điểm, dám nhận trách nhiệm về mình, không đổ lỗi cho người khác.

Trở lại với câu chuyện trung thực như là một trong những tiêu chí để đánh giá cán bộ. Nếu bây giờ rà soát lại quy trình, thì lâu nay việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp vẫn được tiến hành theo quy trình thống nhất, từ Trung ương xuống đến cơ sở. Mỗi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp đều quy định rõ các điều kiện cần và đủ về học vấn, phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn, uy tín... Mà trong đó, trung thực của cán bộ có thể không được tách ra thành một mục, nhưng nó là một tiêu chí nằm trong phẩm chất đạo đức. Thế thì tại sao ngày càng nhiều cán bộ cực kỳ thiếu trung thực? Họ làm việc sai và nghĩ rằng không ai biết cho đến khi “bị lộ”, tức là khi cán bộ đã bị phát hiện ra là có sai phạm (thậm chí nhiều cán bộ sau khi nghỉ hưu mới phát hiện ra sai lầm khuyết điểm).

Trong 5 điều dạy thiếu niên nhi đồng từ khi bắt đầu đi học, Bác Hồ có dạy cần phải “thật thà”. Đây có thể gọi chính là một biểu hiện cơ bản của tính “trung thực”. Như vậy sau này đối với cán bộ, thật thà, trung thực được biểu hiệu qua phương pháp mà cán bộ tiến hành công việc, qua giải quyết các mối quan hệ và qua tiếp xúc với nhân dân... Thời gian qua, rất nhiều cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền bị xử lý kỷ luật đã cho thấy rằng, đức tính thật thà, trung thực của họ đã trôi tuột đi đâu đó, họ làm cán bộ dường như với mục đích làm lợi cho cá nhân và nhóm người chứ không phải cho dân, cho nước.

Có một ví dụ mới đây nhất về đòi hỏi của nhân dân về trung thực. Trong các cuộc gặp gỡ với cán bộ lãnh đạo, những người dân Thủ Thiêm đã đề nghị chính quyền cần phải trung thực với nhân dân. Họ cho rằng, các nhiệm kỳ trước, chính quyền Thành phố đã không trung thực trong vấn đề quy hoạch Thủ Thiêm, dẫn đến làm lợi cho một bộ phận người có tiền và lại làm hại nhiều hộ dân địa phương.

Như đã nói ở trên, trung thực vốn là một đức tính của con người. Nhưng nó phải được rèn luyện và được hình thành trong cuộc sống, trong lao động. Một con người trung thực là trước hết phải thành thực với chính mình, rồi mới trung thực với người khác, luôn luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức chân thật trong mỗi lời nói, cử chỉ và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính. Đối với người bình thường, với mọi con người, sự thật thà, trung thực đã có ý nghĩa lớn như vậy.

Cho nên đối với cán bộ, trung thực phải được đòi hỏi như một phẩm chất cao hơn. Nhất là khi cán bộ là đảng viên thì còn có đòi hỏi về mục tiêu, lý tưởng và sẵn sàng cống hiến, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, đất nước - những vấn đề đã được thể hiện đầy đủ trong Điều lệ Đảng hiện hành.

Trong công việc hay trong cuộc đời cũng thế, không ai có thể đảm bảo rằng không bao giờ sai. Vấn đề là cách thức giải quyết và ý thức về những việc đó. Trong đó, đòi hỏi mỗi người phải có sự trung thực như một phẩm chất cần thiết và quan trọng.
“Cỏ lan chi mọc trong rừng sâu, không vì không có người biết đến mà không thơm”. Làm việc cho đúng, cho tốt là bởi vì trước hết để trung thực với chính mình, không phải chỉ để người khác biết tới. Cũng như có thể nói ngược lại, tham nhũng, tiêu cực, trục lợi cá nhân và lợi ích nhóm... đừng tưởng tổ chức và pháp luật chưa phát hiện ra thì cứ thế làm bừa, nhắm mắt mà làm, bởi vì đối diện với sự trung thực của chính mình mới là sự khó hơn cả.

NGUYỄN ĐỨC THÀNH VĨNH
Theo Tinh Hoa Việt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều