Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2019

RẰM THÁNG BẢY – ĐẠO HIẾU VÀ TÌNH NGƯỜI!

Bản sắc văn hoá Việt Nam thật độc đáo với hai ngày Lễ trọng là Mùng Mười tháng Ba, ngày Giỗ vua Hùng và ngày Rằm tháng Bảy, ngày cúng những cô hồn. Nói độc đáo vì trên thế giới duy nhất Việt Nam có ngày Giỗ Tổ. Còn cúng các cô hồn thì có ở nhiều nước nhưng không phổ biến ở cấp độ quốc gia, không phổ quát với mọi người dân như Việt Nam.

Cụ Nguyễn Du trong thiên kiệt tác “Văn tế thập loại chúng sinh” có những câu thật cảm động: “Trong trường dạ tối tăm trời đất/ Có khôn thiêng phảng phất u minh…/ Thương thay thập loại chúng sinh/ Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người/ Sống đã chịu nhiều bề phiền não/ Thác lại nhờ hớp cháo lá đa…”.

Cụ viết để cúng vong hồn những người chết cô đơn, vất vưởng, lang thang. Lời văn tế là lời của tình thương con người sâu sắc, thấm thía đã trở thành phổ biến cho mọi người dân đọc trong ngày Rằm tháng Bảy, ngày xá tội vong nhân.
Cảnh Mục Kiền Liên cứu mẹ.

Ngày này quan trọng đến mức có câu “Cúng cả năm không bằng ngày Rằm tháng Bảy”, chứng tỏ tín ngưỡng văn hoá người Việt rất coi trọng, kính trọng con người, kể cả những người cô độc, bất tài, hèn mọn, nghèo đói, khổ sở... Coi trọng, kính trọng cả khi họ sống lẫn khi họ chết. Không có ngày giỗ riêng cho từng người nên dân gian lấy một ngày chung, ngày Rằm tháng Bảy. Ngày đó trở thành ngày thiêng…!!!   

Bản sắc văn hoá Việt Nam thật độc đáo với hai ngày Lễ trọng là Mùng Mười tháng Ba, ngày Giỗ vua Hùng và ngày Rằm tháng Bảy, ngày cúng những cô hồn. Nói độc đáo vì trên thế giới duy nhất Việt Nam có ngày Giỗ Tổ. Còn cúng các cô hồn thì có ở nhiều nước nhưng không phổ biến ở cấp độ quốc gia, không phổ quát với mọi người dân như Việt Nam.

Ngày Rằm tháng Bảy còn là ngày Lễ Vu Lan, lễ của Nhà Phật, nên Cụ Nguyễn Du mới viết: “Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo/ Của có khi bát cháo nén nhang/ Gọi là manh áo thoi vàng/ Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên/ Ai đến đây dưới trên ngồi lại/ Của làm duyên chớ ngại bấy nhiêu/ Phép thiêng biến ít thành nhiều/ Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sinh”. Hai Lễ cùng trong một ngày, gần gũi nhau về ý nghĩa chứ không phải là một.

Tại sao lại gọi là ngày “xá tội vong nhân”? Nghĩa là ngày các âm hồn cõi âm được tha (xá = tha) tội. Những âm hồn được thờ phụng thì về nhà hưởng lộc gia tiên do con cháu cúng lễ. Những cô hồn không nơi thờ cúng thì lang thang trên dương thế xin ăn. Hết ngày này các âm hồn phải trở về cõi âm. Vì thế các gia đình trên dương gian phải làm lễ cúng gia tiên (trong nhà) và làm lễ cúng các cô hồn xin ăn (ngoài sân, ngoài ngõ hoặc ngoài đường cái quan).

Lễ vật cúng gia tiên thì như mọi lần, nhưng cúng chúng sinh cô hồn thì đơn giản chỉ là bánh đa, bánh bỏng, ngô, khoai, xôi chè, trứng luộc và thường có cháo hoa. Thành ngữ có câu “Miếng cháo cầm hơi” là nói tới miếng ăn của những người cùng đường, đói khổ. Cháo hoa là món ăn giản dị, đơn sơ nhất của cư dân nông nghiệp lúa nước, cũng là món ăn quen thuộc của người nghèo được nấu bằng gạo và muối trắng. Đồ cúng kèm theo có tiền âm phủ, quần áo cắt bằng giấy…được bày lên những chiếc mẹt (hình tròn đan bằng tre nứa). Cháo được cho vào lá đa hoặc lá mít cuộn thành hình bồ đài.

Tại sao lại cho cháo vào lá đa?

Cây đa trong tín ngưỡng người Việt là cây thiêng được nâng lên mức biểu trưng cho làng quê Việt: cây đa, bến nước, sân đình. Cây đa rất to, cường tráng, bền vững, trường tồn cùng với làng quê, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cây luôn vươn cao toả cành lá rộng dài che bóng mát cả một không gian rộng. Đặc biệt lá đa xanh bốn mùa, không thay lá nên gốc cây luôn sạch sẽ. Cây cũng rất cao, cao đến mức người xưa tưởng tượng nó nối đất và trời (người đời sau khái quát ý niệm này thành hình tượng cây vũ trụ).

Ngày xưa làng nào cũng có cây đa được trồng ở cửa đình hoặc đầu làng trở thành nơi tụ họp, quây quần của dân làng. Nó gần gũi đến mức trở thành linh thiêng: “Thần cây đa, ma cây gạo” (cây gạo thường mọc đơn lẻ ở nghĩa trang).

Người ta quý đến mức nâng hình tượng thành huyền thoại bất tử. Trong truyện cổ về thằng Cuội thì đa là cây thuốc quý, vợ thằng Cuội phóng uế vào gốc nên nó bay lên trời sống vĩnh viễn trên cung trăng…Cúng bằng lá đa vừa thể hiện tình cảm gần gũi vừa kính trọng những cô hồn lang thang cơ nhỡ.

Tại sao lại đựng cháo bằng lá mít?

Trong tín ngưỡng người Việt cây mít cũng là cây thiêng. Là cây lưu niên (sống lâu) thân to, vững chãi, cành lá sum suê, quả sai lúc lỉu, rất thơm… Cây mít được trồng xung quanh nhà để tránh gió, tránh nắng, tránh bão, còn để hứng nước mưa…

Gỗ mít rất quý, nhẹ, mịn, chịu nước, không cong vênh. Vì thế hình tượng cây mít thường gợi liên tưởng về sự giàu có, bề thế, phúc lộc, an khang…Thành ngữ có câu “Nhà ngói cây mít” để chỉ những nhà ai giàu có, sang trọng, phú quý cũng là thể hiện sự ước ao được giàu có no đủ của người dân thường… Cũng vì thế mà người Việt thường lấy gỗ mít làm tang trống và đồ thờ. Đặc biệt gỗ mít thường dùng trong việc chế tác tượng Phật.

Của cho không bằng cách cho. Có thể của cho là cháo hoa, thứ vật chất thông thường, tầm thường (trong truyện cổ tích “Tấm Cám”, cô Tấm gọi Bống: “Lên ăn cơm  vàng cơm bạc nhà ta/ Chớ ăn cơm hẩm, cháo hoa nhà người”) nhưng cách cho (đựng trong lá cây thiêng) thì thật đáng quý, rất mực tôn trọng. Đó chẳng phải là một triết lý về trân trọng, kính trọng con người đó sao!? Trong trường ý nghĩa này ta thấy người Việt có câu tục ngữ thật hay: “Người ta là hoa đất”!

Tâm lý, tính cách người Việt, tư tưởng Phật giáo và Nho giáo cùng gặp gỡ ở chỗ coi trọng chữ Hiếu. Điều này góp phần lý giải các luồng tư tưởng triết học ảnh hưởng vào Việt Nam phù hợp với tính cách bản địa nên dung hoà lẫn nhau mà hiện tượng Tam giáo đồng nguyên là rất tiêu biểu.

Một trong những yếu tố tích cực của Nho giáo là coi chữ Hiếu như một giá trị đạo đức hàng đầu, “bách hạnh dĩ hiếu vi tiên” (trong trăm đức thì lấy hiếu làm đầu). Theo lối chiết tự thì chữ Hiếu có hai bộ, gồm bộ “lão” chỉ người già ở phần trên và bộ “tử”, chỉ con cái ở phía dưới. Hàm ý tượng hình của chữ “hiếu” là chỉ hình ảnh một người con cõng cha (mẹ) già.

Trong quan niệm về đạo làm người của người Việt thì chữ Hiếu đóng vai trò nền tảng: “Công Cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ Mẹ kính Cha/ Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con”.

Quan niệm này phù hợp với quan niệm của Phật giáo cũng rất coi trọng chữ Hiếu đã được đề cập một cách khá toàn diện, hệ thống, trở thành một nội dung căn bản của Phật pháp. Theo luật nhân quả thì người nào có nhân Hiếu sẽ nhận được quả Hiếu và ngược lại: “Nếu mình hiếu với mẹ cha/ Thì con cũng Hiếu với ta khác gì/ Nếu mình ăn ở vô nghì/ Đừng mong con Hiếu làm gì hoài công”. Phật cũng dạy kẻ nào ngược đãi cha mẹ thì chết sẽ bị đày xuống âm ty chịu cho quỷ dữ cắn xé. Trong Kinh Vu lan - bồn Phật ca ngợi đức Hiếu của Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi cảnh giới u minh.

Truyện thơ Nôm của người Việt có tên “Mục Liên Thanh Đề” là sự minh hoạ bằng cách thơ hoá cho câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ trong Kinh Phật. Truyện rằng La Bốc mê đạo Phật nhưng người mẹ là Thanh Đề thì ngược lại. Bà ta lấy thịt chó làm nhân bánh rồi mời các sư.

Các sư biết bèn mang bánh đổ ở gốc cây, bánh hoá thành hành, hẹ, húng dổi (nên từ đó cúng Phật không bao giờ được có những thứ này). Con chó bị Thanh Đề giết xuống âm phủ kiện. Diêm Vương cho bắt Thanh Đề chịu trọng tội. La Bốc sang Tây phương cầu Phật. Phật đổi tên La Bốc thành Mục Liên, cho quy y, ban sắc Phật rồi cho xuống âm phủ tìm mẹ. Nội dung truyện minh hoạ giáo lý nhà Phật, miêu tả sinh động chốn âm phủ nơi con người chịu tội. Đó cũng là cách giáo dục con người ta khi sống phải thật thà, chân thành, không sát sinh…

Theo Nhà Phật thì ngày lễ Vu Lan là ngày lễ báo hiếu mẹ cha!

Tại sao có sự nhầm lẫn hai Lễ này là một? Vì chung một bản chất là niềm yêu thương kính trọng con người để rồi trở thành triết lý nhân văn phổ quát: yêu mẹ cha ta cũng như yêu mẹ cha người. Ông bà tổ tiên ta đầm ấp sum họp cùng gia đình, ta phải thương những cô hồn vất vưởng.

Đấy chính là biểu hiện “Tứ vô lượng tâm” của Nhà Phật: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Đó là Tâm Từ có khả năng hiến tặng niềm vui, hạnh phúc cho người khác. Là Tâm Bi có khả năng làm vơi đi và chuyển hoá nỗi khổ. Là Tâm Hỷ từ tình thương đích thực sẽ đem đến niềm vui tới người khác. Là Tâm Xả đem lại sự nhẹ nhõm, thư thái, khoan hoà. “Tứ vô lượng tâm” hiểu một cách khái quát cô đọng nhất là tình thương vô hạn.

Cây Phật giáo được gieo trồng rồi cắm rễ rất sâu vào mảnh đất tình thương người Việt đã kết bao trái thơm đạo lý, mà ngày Rằm tháng Bảy là một trong những trái thơm ấy!

NGUYỄN THANH TÚ
Nguồn: VNCA

XIN XEM THÊM:

·         TỰ TRUNG THỰC VỚI MÌNH


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều