Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019

TẾ HANH: ĐỜI TÔI THỰC HAY MỘNG, ĐỜI TÔI BUỒN HAY VUI

Trong các nhà thơ hiện đại Việt Nam, Tế Hanh có dáng vẻ của một thi sĩ hơn cả, không phải chỉ bởi “đôi mắt nồng nàn lạ” (Hoài Thanh-Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam) mà còn là, hay chính là, bởi vẻ buồn ngơ ngác của ông, không phải chỉ trên vẻ mặt mà cả trong cách hành xử, ứng đối của ông với mọi người, mọi sự.
Nhà thơ Tế Hanh và bút tích của ông

Quan lộ của ông hanh thông. Những việc, những địa vị nhiều người thèm muốn, cạy cục chạy vạy lại đến với ông hoàn toàn tự nhiên.

Có lẽ, một phần do uy tín văn chương của ông, đức độ của ông, phần khác, do ông không âm mưu, không phe phái, không khiến bất cứ ai phải dè chừng. Ông là một trong những ủy viên Ban chấp hành “chuyên nghiệp”, có lúc là Ủy viên thường vụ, có lúc là Trưởng ban Đối ngoại, có lúc tham gia lãnh đạo báo Văn nghệ, Nhà xuất bản Văn học… Tôi không biết, không hình dung được, con người “dư một ít lời thơ”, “dư thương sớm, sẵn ngơ ngẩn chiều”, con người “Gặp em câu cuối cùng chưa nói/ buổi sớm qua rồi, sắp hết trưa” ấy đã hoàn tất những công việc quan trọng đó như thế nào. Có lẽ, một cách cũng …: “Vừa thực lại vừa mộng/Vừa gần lại vừa xa” mà thôi. (Mùa thu Yanta).

Tế Hanh rất hiền. Rất thật thà. Rất giàu yêu thương. Nhiều bạn văn chương như Quách Tạo, Chế Lan Viên, Khương Hữu Dụng, Tô Hoài, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Viết Lãm, Nguyễn Đình, Tịnh Hà, Hà Minh Đức, Phạm Hổ, Nguyễn Đình Thi, Võ Văn Trực, Mã Giang Lân, Vũ Quần Phương… nhận được lời đề tặng trước các bài thơ của ông. Trong số bạn văn nghệ, hình như ông gần gũi, thân thiết hơn với Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên. Giữa họ có sự khăng khít của mối tình bè bạn từ nhiều năm tháng của cuộc đời. Bài thơ ông viết sau khi Xuân Diệu mất thấm thía chân tình:

Mọi khi đến nhà anh/ Tôi gọi to: Diệu ơi/ Nghe anh trả lời:/ Hanh đó hả// Hôm nay đến nhà anh/ Tôi gọi thầm: Diệu ơi/ Và chỉ nghe tiếng tôi: Diệu ơi. Cái tiếng vọng thiệt thà, âm thầm mà da diết này chính là Tế Hanh, là thơ Tế Hanh. Nhưng ông thân với Chế Lan Viên hơn cả. Chế Lan Viên là nhà thơ sắc sảo nhất của làng thơ Việt. Tôi có cảm giác Chế Lan Viên cần sự hồn hậu ở bạn và Tế Hanh thì “nương tựa” vào sự mạnh mẽ, quyết đoán của Chế Lan Viên. Tôi được một chị bạn làm việc tại văn phòng Hội Nhà văn kể lại câu chuyện sau: Một hôm, có cuộc họp gay cấn về một vấn đề nào đó của Đảng đoàn Hội. Giữa chừng, Chế Lan Viên có điện thoại, ông phải xuống văn phòng để nghe (hồi đó chưa có di động mà máy cố định cũng rất ít). Chế Lan Viên đang nói chuyện thì thấy Tế Hanh chạy từ tầng trên xuống, giọng lo lắng: Hoan ơi, nhanh lên, họ phản công rồi. Chế Lan Viên vội vã theo chân bạn trở lại cuộc họp.

Có vẻ như những cuộc họp kiểu đó, những gay gắt, những đối đầu đều không chút thích hợp với Tế Hanh. Ông không muốn tham dự nhưng lại không thể né tránh. Những khi nghe ông thầm thì các câu chuyện tưởng là thâm cung bí sử của giới lãnh đạo nhà nước, giới lãnh đạo văn nghệ mà hầu như ai ai cũng đã biết, mới thấy hết sự mơ màng thi sĩ của ông. Những lúc như vậy, tôi có cảm giác ông đang bước lạc vào một thế giới xa lạ và lại nhớ tới nhận xét “người rụt rè, ngượng nghịu như một chàng rể mới” của Hoài Thanh.

***

Nhưng Hoài Thanh cũng từng viết về con người rụt rè, ngượng nghịu ấy: “Tôi thấy Tế Hanh là một người tinh lắm”. Vâng, Tế Hanh là một người tinh lắm trong cõi Thơ của mình. Hoài Thanh cũng viết: “Tế Hanh sở dĩ nhìn đời một cách sâu sắc như thế là vì người có sẵn một tâm hồn tha thiết.” Vâng, Tế Hanh có một tâm hồn tha thiết với những nơi chốn, những tình cảnh, những con người ông yêu mến, xót thương. Chế Lan Viên đã viết rất hay, rất chính xác về cái tạng của Tế Hanh, về bầu khí nuôi dưỡng thơ Tế Hanh: “Dù anh viết khá hay vể biển, biển trong bão dữ, nghĩ đến anh, tôi vẫn nghĩ đến cái êm đềm của những dòng sông. Chim anh viết hay, không phải hải âu mà là chim én. Anh có thể tả mùa hè rực rỡ nhưng hình như anh xúc động nhất mùa thu... Nếu vào trong khu vườn, Xuân Diệu sẽ ngoạm vào các trái hồng lẫn trái xanh, Huy Cận lắng nghe chất nhựa trên cành, người nào đó sẽ hì hục tìm thơ trong bộ rễ âm thầm, còn với Hanh thì màu xanh của lá cũng đủ cho anh hạnh phúc”(Tế Hanh hay Thơ và Cách mạng - Tuyển tập Tế Hanh, NXB Văn học, 1987). Nhưng dường như chưa thỏa, vài lần khác trong bài viết, Chế Lan Viên nhấn lại ý trên: “Và giữa bao nhiêu cái rộn ràng ấy, thì cái lõi, cái thực chất Tế Hanh, người tình nhân (Tôi nhấn mạnh), vẫn còn lại đó” (s đ d). Sở dĩ tôi trích Chế Lan Viên nhiều như vậy, một phần bởi ông là người bạn tri âm tri kỷ của Tế Hanh, ông là người yêu và hiểu Tế Hanh, yêu và hiểu thơ Tế Hanh hơn bất cứ ai. Phần khác, tôi có cùng cảm nhận như ông khi đọc Tế Hanh, khi gặp Tế Hanh, ngoại trừ việc ông cho rằng, nếu cách mạng không đến, có khi Tế Hanh: “thành nhà thơ trừu tượng cũng nên” (s đ d). Chính Tế Hanh đã chẳng từng khẳng định: Tôi muốn viết những dòng thơ dễ hiểu/ Như những lời mộc mạc trong ca dao” đó thôi. Có thể, những lời đó được viết trong một cảnh ngộ cụ thể nào đó, một trạng thái tình cảm nào đó nhưng từ trong bản chất, thơ Tế Hanh thuộc dòng thơ tình cảm, hơn thế, trực cảm. Những câu thơ hay của Tế Hanh như món quà bất ngờ trời đất ban tặng, như một bông hoa quý hiếm chợt hiện ra trên đường, ngay trước mắt và trong tầm tay.

Trong bài thơ Viết sinh nhật 60, Tế Hanh đã rất thành thật khi nói rằng: Khi tôi hai mươi tuổi người ta đọc thơ tôi/ Khi tôi ba mươi tuổi, người ta quên thơ tôi/Khi tôi bốn mươi tuổi, người ta lại đọc thơ tôi/ Khi tôi năm mươi tuổi, người ta còn đọc thơ tôi.

Thực ra thì khó có một thời điểm dứt khoát, rạch ròi đến vậy. Ta chỉ có thể nói đến một khoảng thời gian nào đó mà thôi. Khi Tế Hanh ở độ tuổi đôi mươi, ông có Quê hương, Lời con đường quê, Những ngày nghỉ học, Phơi phới, Dễ thương, Vườn cũ, Hoàng hôn… những bài thơ sau hơn 70 năm vẫn còn in dấu trong tâm tưởng người đọc. Những câu thơ như Tôi, con đường nhỏ chạy lang thang/ Kéo nỗi buồn không chạy khắp làng” (Lời con đường quê); “Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt/Lòng buồn đau xót nỗi chia xa/ Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu/ Ngàn đời không đủ sức đi mau/Có chi vương vấn trong hơi máy/ Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau… Lẽo đẽo tôi về theo bước họ/ Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương (Những ngày nghỉ học); Cảm giác êm êm khẽ động vừa/ Lan từ bóng lá ủ ê đưa/ Âm thầm cửa hé trông xa vắng/ Như lúc đầu thu những buổi trưa (Dễ thương);Nhà người yêu mến ngang qua đấy/ Vắng mặt nên lòng thấy biệt ly” (Có những con đường); Nắng nhớ rưng rưng chớp lệ mờ/ Mây buồn đôi mảnh vẩn lơ thơ/ Cỏ cây im lặng như từ thưở/ Đôi lứa xa nhau vẫn đợi chờ (Vườn cũ); Lẻ loi cho đến cả bên chân/ Cái bóng trung trinh cũng chẳng quầng (Hoàng hôn)… đã lặm vào, đã ẩn sâu trong tâm hồn nhiều thế hệ yêu văn chương Việt Nam.

Khi Tế Hanh ở độ tuổi 40- 50 người đọc thường nhắc đến Nhớ con sông quê hương, Chiêm bao, Liễu, Bài thơ tình ở Hàng Châu, Bão, Vườn xưa, Cha ngồi ở giữa, Mặt quê hương, Mặt mùa xuân, Gặp xuân ở ngoại thành, Chăn con, Tiếng sóng, Gửi miền Bắc, Rét nàng Bân, Điệu quê hương, Mùa thu Yanta, Phạm Thái, Tình yêu của sách, Cái nhìn, Kinh nghiệm làm thơ, Tặng, Sóng, Hà Nội vắng em… của ông. Đây là khoảng thời gian hồi sinh của Tế Hanh, sau thời gian “người ta quên thơ tôi” (trong thực tế, thời gian ở độ tuổi 30, Tế Hanh viết rất ít hay có thể nói, ông gần như không viết được. Và không chỉ riêng Tế Hanh. Nhiều nhà thơ của phong trào Thơ Mới như Huy Cận, Xuân diệu, Chế Lan Viên đều hăng hái tham gia cách mạng tháng 8 và kháng chiến giải phóng dân tộc nhưng cũng viết ít và không để lại dấu ấn. Và, không chỉ các nhà thơ. Tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng này là một công việc đòi hỏi nhiều công phu và xin bàn vào dịp khác).

Bài thơ tình ở Hàng Châu được viết trong một chuyến thăm Trung Quốc, vào những ngày hòa bình đầu tiên sau cuộc kháng chiến 9 năm. Cảnh trí thanh bình, “bốn bề êm ái”, trăng “vời vợi thâu đêm” và Mùa thu đã đi qua còn gửi lại/ một ít vàng trong nắng trong cây/ Một ít buồn trong gió trong mây/ Một ít vui trên môi người thiếu nữ… chính là bầu khí, là đất sống của thơ Tế Hanh. Một ít buồn, một ít nhớ nhung, một ít xót xa, thương cảm, một ít day dứt: Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa/ Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa và Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui/ Những ngày vui sao lại thấy bùi ngùi… là Tế Hanh, nhà thơ tình cảm, nhà thơ của mùa thu, của ánh trăng, của dòng sông êm, của cánh lá xanh, của ánh vàng sót lại sau thu, của “hoa bắt đầu thưa thớt cuối đường xuân” của “sợi gió đến se cùng sợi liễu”… Cố nhiên, Tế Hanh lúc này không còn là cậu học trò trốn học “tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương” nữa. Nỗi nhớ của ông đã có địa chỉ: nhớ mẹ, nhớ Vườn xưa, Nhớ miền Bắc, ông đã lắng nghe “Điệu quê hương”, lắng nghe “Tiếng sóng”, cái tiếng sóng “đã bao lần vang động giữa thơ tôi”, ông đã nhìn thấy một dòng Hiền Lương: “Nước chảy xuôi dòng bỗng chảy ngang” bởi nỗi đau chia cắt đôi bờ… Và, ông đã yêu:

“Ta đã yêu em/ Như yêu sự sống/ Ngày hiện trong đêm/ Thực hòa với mộng”, ông nhìn thấy quê hương thương yêu, trìu mến qua khuôn mặt người con gái: “mặt em như tấm gương/ Anh nhìn thấy quê hương… Ơi miền Nam yêu dấu/ Trên mặt em yêu dấu/ Ơi tháng năm nhớ thương/ Mặt em là quê hương”. Ông hân hoan cùng cảnh trí: “Tôi từ nội thành ra ngoại thành/ Vừa gặp mùa xuân đi ngược lại”… Và, trong tâm hồn hiền hậu của Tế Hanh đã có một cơn bão: Cơn bão nghiêng đêm/ Cây gãy cành bay lá/ Ta nắm tay em/ Cùng qua đường cho khỏi ngã// Cơn bão tạnh lâu rồi/ Hàng cây xanh thắm lại/ Nhưng em đã xa xôi/ và cơn bão lòng ta thổi mãi”… Cơn bão, chính là một chỉ dấu sự thay đổi của Tế Hanh trong giai đoạn này.

Trong vài ba mươi năm Tế Hanh đã xuất bản hàng chục tập thơ: Gửi miền Bắc, Tiếng sóng, Hai nửa yêu thương, Khúc ca mới, Đi suốt bài ca, Câu chuyện quê hương, Theo nhịp tháng ngày, Giữa những ngày xuân, Con đường và Dòng sông. Đây là giai đoạn Tế Hanh viết nhiều và có nhiều bài thơ hay. Tuy nhiên, như Tế Hanh từng viết, một cách khiêm tốn: “Đem bày tỏ nỗi lòng/ Trong câu thơ cảm khái/ Có đôi khi thành công/Và nhiều khi thất bại”, ông chỉ thực sự thành công ở những bài thơ tình cảm, hợp tạng của mình.

Trong một bài viết về Tế Hanh, Thanh Thảo cho rằng: “Thơ Tế Hanh có lẽ gần nhất với âm nhạc đồng quê, gần nhất với những khúc ca quê mà người ở đầu sông hay cuối bãi vẫn thầm hát cho chính mình. Không hề cố gắng, không tỉa tót hay triết luận, thơ Tế Hanh đến ngay người đọc theo con đường thẳng, như cách của một người bạn thật thà, chân thành và đôn hậu, thuyết phục ta bằng sự hồn nhiên bẩm sinh, bằng tiếng nói nguyên thủy của con người khi yêu thương, bằng sự dễ dàng còn lại sau mọi phức tạp đã qua (Từ Hoa niên tới mãi mãi -Tưởng nhớ nhà thơ Tế Hanh, NXB Hội Nhà văn, 2009). Thanh Thảo cũng cho rằng, dù đọc rất nhiều thơ nước ngoài, am hiểu thơ hiện đại phương Tây, yêu thích Aragon, Eluard, Rene Char, Saint-John-Perse…và dịch nhiều thơ, Tế Hanh “vẫn rất mộc mạc, thật hồn nhiên và với ông, kỹ thuật thơ, dù là kỹ thuật tân kỳ, vẫn không khiến ông quan tâm bằng chính cảm xúc và sự hồn nhiên, đôn hậu (s đ d.). Nhận xét này của Thanh Thảo làm tôi nhớ tới những lần được nghe Tế Hanh trò chuyện, nhận xét về thơ Ta, thơ Tây. Tế Hanh cũng là người “tinh lắm” trong việc thẩm định thơ.

Nhà thơ Việt Phương kể với tôi, vào năm 1963 ông đem mấy bài thơ tình nhờ Tế Hanh đọc. Ít lâu sau, Tế Hanh nói với Việt Phương: “Phương viết những bài nghĩ về tình yêu chứ không phải những bài thơ tình”. Đến hôm nay Việt Phương vẫn còn nhớ lời nhận xét ấy hẳn vì nó vừa chân tình vừa xác đáng. Lại nhớ, trong bài Kinh nghiệm làm thơ, Tế Hanh có một đoạn thơ so sánh thâm thúy giữa việc làm thơ/ bài thơ và tình yêu/ người yêu: “Mỗi lần làm thơ tôi lại như bắt đầu/ Hơn mười năm làm thơ, tôi chưa rút ra kinh nghiệm/ Như một người đang yêu, tôi chỉ biết/ Tôi yêu. Tình yêu có kinh nghiệm gì đâu” và “Một bài thơ hay như bóng dáng người yêu/ Càng lâu càng mơ, càng xa càng nhớ”.

Tế Hanh tự hỏi: Tôi phải làm thế nào/ Khi tôi bảy, tám mươi tuổi người ta vẫn còn đọc thơ tôi.
Có lẽ không ít người nghĩ đến điều đó nhưng chỉ duy nhất Tế Hanh thổ lộ trước chúng ta. Sự chân thành này nuôi sống thơ Tế Hanh. Hàng trăm năm sau người đọc vẫn sẽ nhớ đến những dòng thơ chân tình tha thiết, những nỗi buồn thương của Tế Hanh. Cái ánh ngọc dịu dàng ấy sẽ mãi lặng thầm tỏa sáng trong tâm hồn chúng ta. “Ta sẽ giã từ đời. Thơ vẫn ở/ Trong mùa xuân vĩnh viễn góp vui chung”.


* * *

Các bác, các chú Khương Hữu Dụng, Yến Lan, Trinh Đường, Nguyễn Đình, Nguyễn Văn Bổng, Tế Hanh là bạn của ba tôi từ hồi còn ở Văn Nghệ Liên khu 5. Khi tập kết ra Bắc, mối quan hệ này vẫn tiếp nối, thân tình, gần gũi. Ba tôi chuyên ngành Sân khấu, con của các bác các chú lại ít ai theo nghiệp cha. Vì vậy, tôi được các bác các chú để tâm dìu dắt. Bác Khương Hữu Dụng, chú Trinh Đường và chú Tế Hanh thường gặp gỡ, trò chuyện với tôi về Thơ, như với một người đồng nghiệp trẻ. Em trai của chú Tế Hanh, nhạc sĩ Thế Bảo là bạn thân của nhà tôi từ ngày nhỏ ở quê Bình Sơn, Quảng Ngãi. Mối quan hệ nhiều riềng mối này khiến chú cháu thân nhau hơn. Có lần chú đến nhà tôi ở khu tập thể Đại học Tổng hợp, phố Lò Đúc tặng tập Thơ thiếu nhi cho các con tôi. Tiếc là tập thơ đã bị thất lạc, trong tủ sách của chúng tôi chỉ còn lại Tuyển tập Tế Hanh in năm 1987 với lời đề tặng: Tặng Ý Nhi, gửi Nguyễn Lộc của chú. Năm 1974, sau một thời gian làm thơ, có thơ in nơi này nơi khác, tôi được chú Tế Hanh nhắn chọn thơ đưa tới nhà xuất bản Văn học- nơi chú đang làm việc. Sau này, thơ tôi và Lâm Thị Mỹ Dạ được in chung trong tập Trái tim - Nỗi nhớ. Nếu không có lời nhắn của chú, hẳn tôi không dám đem thơ đến một nhà xuất bản lớn như vậy. Tôi hiểu, ngoài sự quan tâm đến thơ trẻ nói chung, chú còn quan tâm đến đứa cháu cùng tên với người con gái đầu lòng, do hoàn cảnh chiến tranh, chú chưa được gặp. Sau ngày thống nhất đất nước, chú vào Đà Nẵng. Vốn rụt rè, chú nhờ ba tôi đưa đến thăm gia đình cô Phụng và Ý Nhi. Ba tôi kể, suốt cuộc gặp gỡ, chú rất xúc động, gần như không nói được điều gì. Dịp khác, chú cùng vợ chồng Ý Nhi đến thăm ba mẹ tôi. Ý Nhi có đôi mắt đẹp giống chú.

Sau 1975, tôi về làm việc tại Nhà xuất bản Tác Phẩm mới, cùng ở trong số nhà 65 Nguyễn Du của Hội Nhà văn. Nhà chú ở Nguyễn Thượng Hiền, cùng khối nhà với cơ quan nên chú thường đi bộ đến Hội. Thỉnh thoảng chú lại ghé lên Nhà xuất bản, khi thì trò chuyện với Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, khi thì trò chuyện với Xuân Quỳnh, Lê Minh Khuê, khi ghé vào phòng giám đốc, gặp Vũ Tú Nam, Nguyễn Kiên và thường ghé vào Phòng biên tập Thơ của tôi.

Câu chuyện của chú chỉ xoay quanh chuyện văn chương, mặc dù ở Hội Nhà văn lúc ấy có khối chuyện để người ta thì thầm to nhỏ. Có lần, chú đến chơi gặp lúc Nhà xuất bản đang họp (NXB thời kỳ này tập hợp được một số anh chị em xuất sắc trong các lĩnh vực. Ai cũng lo làm việc, chẳng màng chuyện địa vị, chức tước…nên không khí rất vui). Tế Hanh kéo ghế ngồi cạnh Xuân Quỳnh và tôi - 2 tên đến trễ, ngồi bên ngoài, đang mải mê tán chuyện. Như mọi khi, chú chỉ ghé chơi, chẳng để tâm đến việc người ta đang bàn luận và biết vậy, mọi người vẫn tiếp tục bàn soạn công việc, tranh cãi, thảo luận, không ngần ngại. Tế Hanh là vậy, thực thà, hiền hậu, mơ màng. Có lúc yêu một ai đó, Tế Hanh cũng chỉ biết làm thơ: “Em biết không giữa anh và em/ Không nói được nhiều hơn là nói được”, cũng chỉ biết: “Cùng đi một quãng nói bằng lặng im”, cũng chỉ có thể Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em”. Mà nếu muốn tặng quà thì cũng chỉ có thể tặng em: “Mây nổi trên ngàn/ Trăng phơi đầu bến, biển vang cuối bờ… Tặng em thế kỷ chúng ta/ Nỗi vui nỗi khổ đều qua vội vàng”. Chẳng may, em bỏ ta mà đi thì đành tự an ủi: “Mất người yêu ta còn lại tình yêu”.

...

Nhưng chú đọc thơ thì thật tinh ý, thật nhạy cảm. Năm 1981, sau chuyến đi Tiệp Khắc, tôi in hai bài thơ trên báo Văn Nghệ. Gặp tôi trước cổng Hội Nhà văn, chú bảo: Hai bài đều khá nhưng chú thích bài Một buổi chiều ở Praha hơn. Chú bảo, chú cũng có viết về Praha nhưng đó là một Praha khác. Nghĩ một chút, chú nói thêm:

Mà cháu cũng khác rồi. Mãi sau này, khi đã qua một thời gian viết và chuẩn bị cho xuất bản Người đàn bà ngồi đan, tôi mới hiểu hết ý của chú. Quả thật, Một buổi chiều ở Praha là bài thơ mở đầu cho một giai đoạn khác của thơ tôi. Nhà xuất bản nhờ chú đọc giám định tập Người đàn bà ngồi đan.Chú gặp tôi, bàn bạc kỹ cách chọn bài và đề nghị rút bài Nguyễn Du, 1813 ra khỏi tập. Tôi tiếc lắm nhưng vẫn làm theo vì biết chú lo cho tôi. Quả nhiên, khi bài thơ in trên Tạp chí Sông Hương, có người đã gọi bài thơ là, Ý Nhi, 1983, có ý cho rằng tôi có tâm trạng không tích cực… Khi tập thơ được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn, với tư cách ủy viên Hội đồng Thơ, chú đã có bài viết nhận xét, đăng trên báo Văn nghệ, có tiêu đề Sự hình thành một bản lĩnh thơ. Chú cho rằng: “sự phản ảnh thực tại ở đây là tâm trạng của nhà thơ… tất cả là độc thoại…những cảm xúc nội tâm ấy được nâng lên trong một lối diễn tả mới mẻ. Ý Nhi thuộc vào lớp những nhà thơ đã đi xa cách diễn tả sẵn có từ phong trào thơ mới”.

Hồi chú Tế Hanh bị đau mắt, tôi thường ghé qua nhà thăm cô chú. Chú buồn lắm vì đi lại khó khăn, và nhất là vì không được đọc sách. Tôi nhớ, ít nhất chú có 3 bài thơ liên quan đến sách: Tình yêu của sách, Câu chuyện đọc sách, Cái tủ sách của cha tôi. Chú từng viết: Có tập thơ dính đầy bụi bặm/ Thời gian toan phủ một màu quên/ Có tập bị chuột ăn, gián gặm/ Tôi tưởng chừng da thịt tôi rên… Chỉ có sách: một niềm chung thủy/ Sách chẳng bao giờ nỡ bỏ ta… Vậy mà, oái oăm thay, đôi mắt đẹp của chú cứ ngày một mờ đi: Mắt anh không được như xưa/ Nhìn đêm bỡ ngỡ, nhìn trưa bàng hoàng… Mắt em ngày trước hồ trong/ Anh nhìn đôi lúc ngỡ vòng sương rơi/ Nói sao hết được em ơi/ Anh không thể bắt cuộc đời đứng yên.

Không thể đọc sách, không thể đi xa, chú thường đi quanh hồ Thiền Quang, cái hồ rất đẹp chỉ cách nhà chú vài trăm mét. Nếu như ngày trước Tôi đi quanh hồ hàng nghìn cây số/ Bước tôi đi đo thử bước thời gian/ Trong đời tôi những vui buồn sướng khổ/ Hồ biết không, hỡi hồ Thiền Quang… Thì sau này: Đi dò dẫm bên hồ từng bước/ Tôi thấy hồ như một khối mơ hồ/ Tôi biết hồ nhờ nghe qua hơi nước/ Đi bên hồ như bước giữa hư vô… Trên đường đến nơi làm việc, tôi thường nhìn thấy Tế Hanh bước chậm rãi quanh hồ, dáng phân vân, nghĩ ngợi. Hình ảnh đó đã gợi cho tôi viết bài thơ Nhà thơ và cái hồ nhỏ. Tôi muốn dùng bài thơ để kết thúc bài viết về Tế Hanh, người từng đặt câu hỏi: Đời tôi thực hay mộng/ Đời tôi buồn hay vui.

NHÀ THƠ VÀ CÁI HỒ NHỎ

Khi đời đã trụi trần, đối diện với mình đây
(Mùa thu-E. Evtusenko)

Mặt hồ quen từ buổi thiếu thời
chợt sáng lên như mảnh gương
trong mùa đông của tuổi sáu mươi
và cái ánh mới mẻ ấy
vừa đẩy ông ra xa
vừa vẫy gọi ông
tìm đến soi nhìn.

Những cuốn sách mang tên ông
những phần thưởng
những diễn đàn
những bài viết ngợi khen
những chào mời vồ vập
những bức ảnh in to và rõ nét
những chương trình phát thanh và vô tuyến truyền hình

Phải chăng
đó là cuộc đời ông

Giọt nước mắt ràn rụa qua gương mặt
hạnh phúc
nụ cười cay đắng trước trò đùa nghiệt ngã của số phận
cái giá của tự do
mặt trái của quyền lực
sự nhân nhượng của con người trước cái ác
ranh giới giữa cái đẹp và sự phù phiếm
bao ý nghĩ từng giày vò ông
và như một chứng bệnh
chúng không thể chữa khỏi bằng thứ vinh quang ông có được

Phải chăng
đó là cuộc đời ông

Lòng đố kỵ giấu kín dưới từ ngữ đẹp đẽ
sự phản trắc được giải thích bằng những lý lẽ sắc sảo
ham muốn tầm thường
được che đậy bằng câu chuyện bông đùa
và nỗi sợ hãi
hầu như vô nguyên cớ
suốt đời đè nặng ông bằng sức nặng vô hình
suốt đờ trói buộc ông bằng dây nhợ vô hình

Phải chăng
đó là cuộc đời ông

Trong những chiều
Nhà thơ thường đi quanh cái hồ quen
vẻ như khách lạ.

4/1987
Ý NHI

Theo Tiền Phong




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều