Nhà văn Trần Thị Trường qua nét vẽ của họa sĩ Hải Kiên.
Đón tôi ở trước
cổng làng Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhà văn Trần
Thị Trường thông báo: "Vừa mất điện". Tôi nghĩ thầm "Nắng nóng
thế này?". Nhìn vẻ mặt đần thẫn của tôi, chị động viên: "Nhưng không sao".
Câu nói
"Nhưng không sao" của nhà văn Trần Thị Trường có cái lý của
nó. Sau khi bước qua cánh cổng nhỏ,
tôi chợt á á trong cổ. Nhà của chị nằm trong một khuôn viên rộng chừng hai trăm
mét vuông lọt giữa những căn nhà cao tầng.
Đáng chú ý
là khuôn viên đó được che mát bởi hai cây lộc vừng "cổ thụ". Tán lá
xanh rì của cây ngọc lan và cây đại hoa vàng đủ làm dịu đi không khí oi nồng.
Chỉ tay vào đôi chiếc ghế gỗ nhỏ đặt lọt thỏm trong "vòng vây" của những
chậu hoa, chậu cây cảnh, tôi bảo: "Ngồi đây để đàm đạo văn chương còn thú
gì hơn".
Nhà văn Trần
Thị Trường cười: "Trong lúc chờ có điện, mời em vào thăm phòng vẽ của
chị". Tôi lại á á trong cổ khi chợt nghĩ, chắc chị cũng như mấy nhà văn nhà thơ khác là sau những giờ phút
trăn trở với chữ nghĩa thì lấy vẽ vời thư giãn?
Tôi bị "bé cái nhầm", nhà văn Trần Thị Trường
đam mê hội họa từ khi còn nhỏ. Thuở trước, cô thiếu nữ Hà thành xinh đẹp đã theo học lớp vẽ của họa sĩ Phạm
Viết Song ở 89 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Lớp vẽ nhỏ với hơn chục học trò của thầy Song thế vậy mà đã
có danh họa Trần Văn Cẩn đến thăm và dạy một số giờ. Những bài giảng của các thầy
đã gieo vào lòng cô học trò niềm hứng thú cùng ước vọng.
Rồi Trần Thị
Trường đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, khóa 1973 - 1978. "Sao
lại chọn học Khoa Gốm sứ?". Nhà văn Trần Thị Trường trả lời câu thắc mắc của
tôi: "Mình mơ ước vừa là
họa sĩ giá vẽ vừa là người làm gốm để…. kiếm tiền".
Đơn giản vậy
nhưng thực tình từ nhỏ, cô gái tên Trường đã rất mê gốm. Thời những năm bảy mươi của thế kỷ hai mươi, sản
phẩm của làng gốm Bát Tràng nổi tiếng đất Kinh kỳ mới chỉ "hạn hẹp"
trong đồ ấm chén da lươn đơn điệu. Chắc cô sinh viên trẻ mơ làm nên những sản phẩm gốm có chất lượng và có
tính nghệ thuật cao hơn?
Ước mơ Gốm của
Trường lại có "nguyên cớ" từ một thương hiệu gốm trên phố Nguyễn Du rất
nổi tiếng, Gốm Chi. Cô từng hàng giờ ngồi ngắm những chiếc bình gốm có
kiểu dáng khá độc đáo được làm đơn chiếc cùng nước men cũng vô cùng độc đáo của Gốm Chi.
Hình ảnh
đó thực sự gây cảm xúc mạnh, nhưng rồi vào học thì cô sinh viên trẻ mới thấy nản.
Làm Gốm với cô quá xa vời, bởi để có được những sản phẩm gốm như cô từng nghĩ lại
khó khả thi. Đầu tiên là phải có lò nung gốm, rồi chất liệu men và cuối cùng là
kinh tế gia đình nhỏ của cô đang rất khó khăn (Trần Thị Trường lấy chồng sớm).
Giấc mơ thiếu nữ bị khép lại đầy dang dở khi đứa con đầu
còn bé nhỏ và quan trọng là "nhà chỉ cần một người làm hội họa là đủ". Chồng của Trần Thị
Trường là họa sĩ kiêm điêu khắc gia Nguyễn Hưng Việt. Chị đã nghĩ:
"Hai vợ chồng cùng là họa sĩ trong điều kiện đời sống xã hội chỉ dừng ở mức
tiêu dùng, không mấy ai có tiền để "mua" nghệ thuật, thì lấy gì để sống".
Thế là Trần Thị Trường "chia tay" hội họa và gốm ngay từ khi chị chưa học xong. Năm
1981, Trần Thị Trường đi xuất khẩu lao động. Dạo những năm tám mươi, nhà nào có
người đi xuất khẩu lao động sang Liên Xô và các nước Đông Âu thì coi như nhà đó "đổi đời".
Với vốn tiếng
Nga học trong trường phổ thông và mấy năm đại học chỉ vào loại giao tiếp, ấy vậy
mà Trần Thị Trường lại "liều" xin làm phiên dịch cho cánh thợ hàn. Lại
liều hơn khi chị đâu chỉ làm phiên dịch tiếng Nga mà chị làm phiên dịch tiếng
Bulgari kia. Tôi hỏi: "Chị làm thế nào khi ấy?". Nhà văn Trần Thị Trường
cười: "Tiếng Bulgari cùng hệ Slavo với tiếng Nga nên "chuyển đổi"
cũng không khó là bao".
Làm phiên dịch
thấy vẫn chưa "đủ ăn", Trần Thị Trường xoay sang làm thêm nghề may.
Những chiếc quần bò nhái hãng Levis Strau với nhãn mác y như thật đã "rầm rộ" rời xưởng để ra chợ. Hàng bán chạy và dĩ nhiên
là có tiền, nhưng Trần Thị Trường lại nghĩ (người đàn bà này cầm tinh con hổ có
khác nên việc gì cũng chưa bằng
lòng chăng?) "Có tiền đủ sống rồi thì tiếp theo sẽ thế nào?".
Cô phiên dịch viên kiêm thợ may "quần bò giả hàng hiệu" bèn
"xoay" sang viết văn mới "hung hăng" chứ.
Cứ nhìn cuộc sống xung quanh, cứ nhìn những đời sống bên
cạnh mà làm tư liệu, Trần Thị Trường
hăm hở viết văn như lần đầu được yêu. Và chị về nước cùng những trang viết. Tiểu
thuyết đầu tay "Lời cuối cho em" do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành
khi vừa ra mắt năm 1990 đã gây xôn xao. "Một cây bút văn xuôi nữ
tài năng đã xuất hiện" - Dạo đó đã có người thốt lên như vậy.
Và "cú
hích" văn chương thuở ban đầu đã khích lệ Trần Thị Trường viết văn chuyên nghiệp. Chị trở thành phóng
viên, đôi khi còn "ngứa nghề hội họa" kiêm luôn chân họa sĩ
trình bày cho vài tờ báo. Năm 1994 Trần Thị Trường được kết nạp vào Hội Nhà văn
Việt Nam. Cho tới nay, gia tài văn chương của chị là 2 cuốn tiểu thuyết dầy dặn
cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng cùng 4 tập truyện ngắn khá ấn tượng.
"Vậy mà lại
thấy chị hình như có dạo nghỉ
văn chương để đi làm việc khác?", Tôi thật thà hỏi. Nhà văn Trần Thị Trường
thú nhận: "Đúng là mình đa đoan và cũng "lắm chuyện" thật".
Trước khi về hưu năm 2005, nhà văn
Trần Thị Trường "xoay" sang làm tổ chức biểu diễn (kiểu như bầu sô
bây giờ). Những buổi biểu diễn có bàn tay chị "dính" vào cũng thực sự
gây tiếng vang trên các sân khấu ca nhạc dạo những năm chín mươi.
Những thành
công của các chương trình ca nhạc như "Biển của một thời" hay "Tiếng hát Ngọc Tân" đã
"rủ rê" chị "bén duyên" với giới âm nhạc. Người ta khi thì gặp chị đang cùng nhạc sĩ Trần
Tiến hay Nguyễn Cường say sưa trao đổi,
khi lại thấy chị cùng nhạc sĩ Phó Đức Phương đang bàn bạc một chuyện gì
đó. Lại có bữa thấy ảnh của chị chụp với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nữa.
Tôi đùa "Phụ nữ đẹp thật lợi thế". Nhà văn Trần
Thị Trường cười cười tế nhị. Tôi đùa tiếp: "Người ta đồn đại chị có tình yêu tình báo với
ông nhạc sĩ này, ca sĩ kia đấy". Nhà văn Trần Thị Trường lại cười, chị
nói: "Đàn bà đi với đàn ông rất dễ sinh hiểu lầm, chuyện chả có gì lạ. Nhưng chúng tôi với nhau, ai cũng coi tình
bạn còn quý hơn nhiều, tình bạn
có thể "phối hợp làm ăn", có thể học hỏi ở nhau nhiều thứ, chứ đâu cứ
thế là thế này thế kia mới là… yêu".
Nhưng chuyện
chị "gắn bó" với nhạc sĩ Phó Đức Phương thì là có thật. Đó là
dạo nhà văn Trần Thị Trường về làm việc tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm
nhạc do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm Giám đốc.
Một công việc không chỉ mới mẻ mà cũng rất khó, cần một
kiến thức Luật nhưng chị chả
"ngán" chuyện khó. Người con gái quê gốc ở làng Thọ An, huyện Hoài Đức,
Hà Nội, nơi có con sông Hát Môn thơ mộng
và chính ở dòng sông này Hai Bà Trưng đã trẫm mình tuẫn tiết để giữ trọn thanh danh trước trò
"đánh trận bẩn" của quân Nam Hán.
Đâu như giặc Nam Hán toàn thua quân của Hai Bà nên tướng giặc là Mã Viện nghĩ ra trò
cho lính nam giới tồng ngồng xung trận. Hai Bà Trưng và quân của hai bà đều là nữ nên xấu hổ mà
đành lui quân. Chắc khí tiết lẫm liệt của Hai Bà Trưng có phần nào "truyền"
cho, nên người đàn bà viết văn này cũng không thấy ngại bất cứ công việc gì?
Rồi chị cũng "kết thúc" công việc đó để
"lui" về nhà lo chuyện gia đình. Xưởng may thời trang xuất khẩu đi Pháp, Đức, Nhật và Úc của gia đình
chị khá nhiều đơn hàng. Tôi nghĩ "chắc là sự nối tiếp thời may quần bò giả
ở Bulgari?".
Giờ lại thấy chị cầm cọ. Nhờ sự khích lệ của họa sĩ Hải
Kiên, giảng viên Trường Đại học Sư
phạm nghệ thuật Trung ương, nhà văn Trần Thị Trường "vẽ" trở lại. Chị
chọn "dòng tranh" tĩnh vật để biểu cảm tư duy và khả năng nghệ
thuật hội họa của mình và cũng như một
ý thức quay trở về sự đam mê gốm thời nào, các tranh tĩnh vật của chị thấy
có nhiều mẫu gốm. Tôi trêu "Vẽ tĩnh vật chắc dễ?". Chị lắc đầu:
"Làm sao để cái mình vẽ chinh phục được con mắt tinh tế của người thưởng
thức".
Trước khi chia tay tôi hỏi thật lòng: "Thế còn văn
chương?". Nhà văn Trần Thị Trường ngưng tay cọ: "Tôi tôn trọng cảm
xúc và tư tưởng chứa đựng bên trong
tâm hồn mình. Khi nào cảm xúc thôi thúc và đòi hỏi hình thức biểu hiện
thì tôi sẽ theo sự mách bảo đó". Rồi chị nói thầm: "Tiểu thuyết thứ
ba đang ở nhà in".
NGUYỄN TRỌNG VĂN
Theo VNCA
XIN XEM THÊM:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét