Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

GIÁ TRỊ XÁC ĐỊNH BẰNG CON SỐ

Ở thông báo hồi cuối tháng 6-2019 vừa rồi của Bộ Thông tin - Truyền thông, cũng được cung cấp bởi sự rà soát của chính Google, Việt Nam tiếp tục ở tốp dẫn đầu, và tất nhiên là đáng buồn. Thông báo này cho biết, Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về kiếm tiền từ các nội dung độc hại trên Youtube...

Bốn năm trước, trong một buổi tiệc kỷ niệm 1 năm ra mắt Youtube.vn, rất nhiều gương mặt đã hoan hỉ khi nhận được công bố rằng Việt Nam nằm trong tốp 10 thị trường lớn nhất của Youtube toàn cầu.

Đánh giá ấy được chính tập đoàn mẹ của Youtube là Google đưa ra và dựa trên tiêu chí thời lượng xem nội dung trên nền tảng này. Và cũng chính từ đây, một trang khác của thị trường nội dung kỹ thuật số ở Việt Nam đã mở ra, với nhiều nét đáng lo âu hơn là những tín hiệu tích cực.

Ở thông báo hồi cuối tháng 6 vừa rồi của Bộ Thông tin - Truyền thông, cũng được cung cấp bởi sự rà soát của chính Google, Việt Nam tiếp tục ở tốp dẫn đầu, và tất nhiên là đáng buồn. Thông báo này cho biết, Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về kiếm tiền từ các nội dung độc hại trên Youtube.

Cụ thể, cứ 10 đồng doanh thu phát sinh từ quảng cáo trên các nội dung độc hại trên thế giới thì có 5,8 đồng là từ các nội dung có xuất xứ từ Việt Nam. Quả thật, đây là một kỷ lục đáng xấu hổ và chúng ta khó có thể phủ nhận nó khi suốt một thời gian dài, chúng ta được chứng kiến những ồn ào từ các nội dung mang tính chất “giang hồ, xã hội đen” hoặc có yếu tố gợi dục, dung tục.
Khá Bảnh - một trong những chủ nhân của trang Youtube cá nhân độc hại đã bị Công an bắt giữ.

Câu chuyện bị Youtube rút quyền MCN của một tập đoàn truyền thông giải trí chuyên về quản trị các kênh Youtube đình đám hồi đầu năm, và dẫn tới cổ phiếu sụt giảm liên tục ngay sau khi niêm yết hồi đầu năm vừa rồi chính là một minh chứng rõ nét nhất cho việc khai thác nội dung độc hại một cách tràn lan ra sao.

Cái cách công ty ấy mua lại một công ty con ở nước ngoài rồi nhận các kênh không lành mạnh vào hệ thống để “bật chế độ kiếm tiền thuê” đã không thể qua được con mắt kiểm duyệt của Google, nhất là khi Google đang chịu áp lực rất lớn của Chính phủ các nước về trách nhiệm quản trị, kiểm duyệt.

Song, thực tế diễn ra với ông lớn kia không đủ để cảnh tỉnh các công ty nhỏ, các nhóm sản xuất nội dung hiện nay. Và tình trạng nội dung xấu, độc hại ngày ngày vẫn ra mắt người dùng Internet gần như chưa thể nào bị ngăn chặn.

Câu chuyện về nội dung xấu và độc hại ấy thực ra là không mới, và sẽ còn được nhắc dài dài. Nhưng ở một mặt đối lập khác, tức là đối với các nội dung không xấu, không độc hại, thực tế ở Việt Nam đang tồn tại các nội dung kiểu gì? Và đây chính là một câu hỏi cần câu trả lời xác đáng nhất, đủ để nhận diện gương mặt văn hoá đại chúng Việt Nam đương đại.

Và với một thị trường dùng thời gian để xem nội dung trên Youtube thuộc diện hàng top thế giới, những sản phẩm nội dung được tung ra hiện thời cũng tương xứng với sự dễ dãi của một cộng đồng nhàn rỗi và ít ý thức nâng cấp nền tảng văn hoá cá nhân cho mình. Cái công thức “Content is King” (Nội dung là Vua) của truyền thông hiện đại đã vẽ ra một diện mạo ông “Vua” của thị trường nội dung số Việt Nam hôm nay méo mó vô cùng.

Với gần 100 triệu lượt xem kể từ khi ra mắt tính cho tới thời điểm này, “Hãy trao cho anh” của Sơn Tùng M-TP là một ví dụ điển hình nhất về cái gọi là xu hướng của thế giới số. MV này của ca sỹ gốc Thái Bình không có bất kỳ vấn đề gì về thuần phong mỹ tục, không hàm chứa những mầm độc hại hay tiêu cực và có thể nói nó là một sản phẩm nghiêm túc, sạch sẽ thực sự. Nhưng để đạt mức trăm triệu lượt xem đến mức độ siêu sao rapper Snoop Dogg của Mỹ phải đồng ý cộng tác, lực lượng “gà nhà” của Sơn Tùng M-TP đã vận hành trong một chuỗi công nghiệp thực sự.

Có người tiết lộ rằng (rất cần kiểm chứng), ước tính số máy tính để “cày view” cho “Hãy trao cho anh” trong tuần đầu ra mắt lên tới con số 20 ngàn máy. Thậm chí, có nhóm fans ruột còn thuê trọn gói một “phòng Net” để “cày views cho sếp”. Nếu điều đó là thật thì câu hỏi đặt ra là: Tại sao một nghệ sỹ trẻ có tài như Sơn Tùng M-TP lại cần phải làm điều đó?

Đơn giản, cuộc đua lượt xem ngấm ngầm bấy lâu nay đã định danh “ai mới là ngôi sao thực sự”. Và chúng ta đang sống trong thời đại mà giá trị của con người, của sản phẩm được xác định bằng “số” chứ không phải bằng tài năng, khổ luyện và sáng tạo.

Gần đây, những nội dung kiểu như “Bà Tân Vlog”, “Ông Ba Vlog” nổi lên không khỏi khiến nhiều người ngạc nhiên thắc mắc “Sao có những ông bà lớn tuổi rồi mà lại theo kịp thời đại đến thế?”. Thực chất, họ không tự sản xuất những nội dung đó, không tự mình đăng tải, mà chỉ tham gia ở một vai trò nhất định mà thôi.

Tổ chức sản xuất, xây dựng nội dung, kiến tạo kênh, truyền thông tiếp thị cho kênh là những cá nhân khác, ở độ tuổi còn rất trẻ. Nhưng cuộc đua mà họ bị cuốn vào cho thấy các con số về doanh thu có được từ làm nội dung Youtube đã hấp dẫn quá nhiều người, khiến họ nghĩ đó là con đường ngắn nhất để thành công. Nó gần như tương tự với thời kỳ các cuộc thi hát bùng nổ trên truyền hình và giới trẻ nghĩ rằng, nó dễ dàng với chính mình.

Chính vì thế, ở thời đại kỹ thuật số này, đã bắt đầu xuất hiện những nội dung nhảm nhí (dù không phải là bậy bạ, dung tục) để nhằm mục đích có thể câu kéo được lượt xem. Điển hình như ví dụ về một video gần đây mô tả cảnh cậu con trai từ trên lầu đổ nguyên chậu trứng sống vào đầu mẹ mình đang rửa chén bát ở dưới nhà và sau đó là phản ứng giận dữ của bà mẹ. Thử hỏi, nếu làm một thứ nội dung như thế để trở thành nổi tiếng thì đó là kiểu nổi tiếng gì?

Và một trong những thứ kích thích giới trẻ làm nội dung như vậy, ngoài lực lượng người xem chỉ ham muốn những thứ vô bổ, chính là lực lượng những người quản trị nội dung, quản trị nhóm kênh với ám ảnh đến mức phát bệnh về các con số lượt xem.

Đã từng có một câu chuyện liên quan đến một buổi trình diễn ca nhạc mà ở đó, khi người biên tập nội dung gợi ý mời một ca sỹ nổi tiếng, đứng đắn và đàng hoàng vào trong chương trình nhưng bị chính nhà sản xuất gạt ra bằng câu hỏi rất sốc rằng “Số của nó như thế nào? Bao nhiêu lượt người đăng ký kênh”. Không may, ca sỹ kia là người không theo đuổi cuộc đua bằng số và anh đã bị gạt ra khỏi chương trình với lý do đầy mỉa mai “chưa đủ tuổi”.

Thế nào là “đủ tuổi” với nhiều nhà sản xuất chương trình ở thời đại này? Nó không phải là tuổi nghề, bề dày sản phẩm mà là số. Họ định giá bằng số và sẵn sàng đưa một người họ chưa nghe tên vào chương trình của mình, miễn là người ấy sở hữu một con số đẹp (ngưỡng triệu) ở mục “đăng ký” của kênh Youtube hay lượt theo dõi ở facebook,

Thực sự, để tạo ra một môi trường Youtube nói riêng và mạng xã hội đáng ngại như của Việt Nam hôm nay, cơn ám ảnh về số của rất nhiều người là nguyên nhân lớn nhất, cốt lõi nhất. Chính cơn ám ảnh ấy là động lực để người người cố gắng vươn tới ngưỡng “số má”, bất chấp mọi nguyên tắc. Sản phẩm âm nhạc ư?

Sẵn sàng dùng ngôn từ sốc, chơi chữ làm sao để nghe có vẻ tục tục và đủ sức thu hút sự tò mò của cộng đồng. Còn các loại hình nội dung khác? Cái gì càng quái dị càng tốt. Miễn sao nó lôi kéo được đám đông, những người dư thừa thời gian để giúp cho chủ nhân nội dung một tay trong việc định giá chính bản thân mình bằng con số.

HÀ QUANG MINH
Theo VNCA



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều